Nhà tập thể cũ – ký ức một thời

Thế nhưng, điểm xuyết trong bức tranh rực rỡ hiện đại là những căn hộ tập thể cũ với những mảng màu trầm mặc nơi góc phố, ngõ nhỏ. Để nhắc về ký ức của nhà tập thể cũ, Kinh tế & Đô thị xin ghi lại những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người đã từng có nhiều năm sinh sống tại khu tập thể Trung Tự với nhiều ký ức đẹp đẽ không thể nào quên.

Khu tập thể Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh  
Khu tập thể Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh  

Chật chội nhưng đầm ấm

Khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) là một trong những khu chung cư cũ của Hà Nội, được xây dựng từ khoảng sau năm 1975. Mỗi căn hộ thiết kế với diện tích khoảng 20 – 40m2. 3 – 4 căn hộ đi chung một lối rẽ hành lang, nhiều công trình như bếp, khu phơi quần áo, nhà vệ sinh được sử dụng chung.

Theo ký ức của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi mới lập gia đình, ông đã sinh sống tại đó. Các căn hộ từ tầng 2 đến tầng 5 cùng đi chung cầu thang bộ. Một dãy nhà tập thể có khoảng 2 – 3 cầu thang như thế. Lên xuống cầu thang khu tập thể là mọi người cất tiếng hỏi nhau. Không có thang máy nên mọi người đi bộ, dù cầu thang hẹp và tối nhưng gặp nhau là chào hỏi. Đến nay, ở các chung cư cao tầng, mỗi căn hộ là một không gian riêng, cầu thang máy là phương tiện di chuyển chủ yếu nên tính giao lưu, kết nối cũng hạn hẹp hơn xưa.

Chiếc bảng đen đặt ở khu vực trung tâm của khu tập thể là phương tiện giao tiếp, kết nối quen thuộc của mỗi hộ gia đình. Người dân có thể viết thông tin mỗi ngày – bất cứ thông tin nào của cộng đồng cũng được viết lên đó, vừa nhắc nhở, vừa cảnh báo, hướng về sự thay đổi tốt nhất cho khu nhà.

Đến bây giờ, công nghệ 4.0, người ta giao lưu với nhau bằng internet, các thiết bị điện tử thông minh nhưng người già từng sống trong khu tập thể vẫn nhớ chiếc bảng đen đó. Mỗi nét chữ, mỗi thông tin viết trên chiếc bảng là cảm xúc, là sự nhắn gửi của hàng xóm láng giềng” – nhớ về một thời xa vắng, đôi mắt nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhìn vào khoảng trống xa xăm như nuối tiếc một điều gì đó rất đỗi thân thuộc.

Dấu ấn đặc biệt với nhà văn là ở các khu tập thể là mỗi khi nước máy không về đến đến từng nhà, mỗi hộ gia đình lại phân người xếp hàng lấy nước đến 2 – 3 sáng ở dưới sân tập thể. Để thời gian đêm không dài, người ta kể cho nhau đủ thứ trong thời gian xếp hàng chờ nước đó. Dù có vất vả nhưng người trong gia đình đã có sự sẻ chia, người dân sống cùng khu đã giao lưu để hiểu hơn về nhau trong điều kiện sinh sống hạn hẹp, khó khăn.

Đến bây giờ, khu tập thể Trung Tự vẫn còn tồn tại nhưng mỗi căn hộ đã qua nhiều đời chuyển nhượng nét văn hóa sinh sống ở khu tập thể cũ đã khác xưa. Kiến trúc ban đầu cũng đã bị phá vỡ bởi việc cơi nới, tạo chuồng cọp và sự xuống cấp của nhiều hạng mục sử dụng. Nhà tập thể cũ chỉ còn đẹp trong mối quan hệ giao tiếp, chia sẻ cộng đồng xưa kia.

Giữ gì ở nhà tập thể cũ?

“Ở một góc độ nào đó, nhà tập thể cũ không chỉ mang trong mình trọng trách về mô hình kiến trúc của một thời kỳ lịch sử, mà nó còn là nét đẹp văn hóa cộng đồng. Khi mô hình kiến trúc không còn phù hợp ta có thể cải tạo, nâng cấp, xây mới nhưng cũng cần thấu hiểu giá trị vật thể, giá trị văn hóa đang được lưu giữ trong mỗi cộng đồng tập thể cũ để từ đó có giải pháp gìn giữ, bảo vệ” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Đồng tình với chủ trương cải tạo cơ sở hạ tầng ở các nhà tập thể cũ của Hà Nội để đời sống dân sinh của người dân được nâng lên nhưng nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng lợi ích dân sinh không phải cấp nước sạch, bảo vệ an ninh mà cần thiết lập cơ chế giao lưu, giảm thiểu sự căng thẳng, stress của đời sống biệt lập. Nhu cầu giao tiếp, trò chuyện với người khác của mỗi người rất quan trọng. Không chỉ các nước phương Đông mới coi trọng láng giềng hàng xóm mà ngay cả các nước phương Tây họ cũng có cách giao tiếp riêng với cộng đồng xunh quanh mình. Vấn đề ở đây phải có tổ chức phải hướng đến những sinh hoạt chung cộng đồng.

Điều kiện sống vẫn cần sự hiện đại, an ninh, an toàn, sạch sẽ nhưng cần nhiều hơn các không gian sinh hoạt cộng đồng lấy từ mô hình nhà tập thể cũ. Đó là sân chơi chung, là các không gian gắn kết dân cư theo từng chủ đề như: Nhà sinh hoạt cộng đồng với các hoạt động ngâm thơ, bình thơ dành cho các cụ hưu trí, những buổi vẽ tranh triển lãm dành cho thiếu nhi, các buổi nói chuyện về nếp sống gia đình dành cho cho chị em phụ nữ… ở trong từng khu dân cư. Hoặc các không gian mở là quán cà phê, nơi đọc sách, cùng tập thể dục… cũng là điều mà các nhà quy hoạch phải hướng đến khi cải tạo tập thể cũ, để giữ gìn nếp sống cộng đồng vốn dĩ đã hình thành ở đó.

Và một bảo tàng về nhà tập thể cũ ở chính những khu nhà tập thể cần cải tạo cũng là điều nhà văn Nguyễn Quang Thiều hướng đến để giữ lại ký ức một thời đáng nhớ của Hà Nội trong chiều dài phát triển.