Nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh – Tạp chí Kiến Trúc

Công trình Nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam là một tổ ấm cho các em thiếu nhi, là nơi các em được nuôi dưỡng và học tập các môn năng khiếu, thể chất, vui chơi, sáng tạo,… là nơi ươm mầm tài năng cho thiếu nhi. Công trình tham dự Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018, hạng mục kiến trúc công cộng.

Công trình đạt Giải Bạc – Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018, hạng mục: Công trình Văn hóa/ Thể thao

Nhà thiếu nhi có một nhà hát biểu diễn các loại hình nghệ thuật với quy mô 500 chỗ, có 14 phòng chức năng, 23 lớp học năng khiếu nghệ thuật, ca múa nhạc, thể dục thể thao, khoa học và nghiên cứu thiên văn. Một phòng chiếu phim 3D quy mô 150 chỗ và các không gian vui chơi giải trí, vườn thực vật,…

Ý tưởng thiết kế được lấy từ hình tượng một cái hạt mầm, hình tượng một cái tổ chim và cánh diều mơ ước của các em. Coomg trình được thiết kế hòa quyện với cây xanh, hình thức kiến trúc nhẹ nhàng, mềm mại, sinh động, gần gũi phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Công trình được thiết kế với giải pháp thông gió tự nhiên, tạo sự thoáng mát cho người sử dụng.

Công trình: Nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh
Tác giả: KTS. Nguyễn Trường Lưu – Hội Kiến Trúc Sư TP. Hồ Chí Minh
Chủ đầu tư: Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh
Năm khởi công: 04/2015
Năm hoàn thành: 10/2016
Địa điểm xây dựng: Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh
Diện tích khu đất: 15.164 m2
Tổng diện tích sàn: 13.495 m2
Các vật liệu chính: Vật liệu loại tốt sản xuất trong nước

Nhận xét của Hội đồng Giám khảo

Đây là công trình dành cho đối tượng thiếu nhi có ý tưởng tạo hình gây ấn tượng và cảm xúc hấp dẫn.
Đồ án đã có những nghiên cứu sâu và những thành công đáng kể trong việc hướng tới các tiêu chí của kiến trúc xanh. Việc sử dụng các nan che nắng đồng thời tạo hình nghệ thuật cho ý đồ tư tưởng của đồ án, đã được xử lý khéo léo không quá khô cứng, mà tự nhiên đã kết hợp bài hòa với các vườn cây xanh trên các tầng cao, tùy nơi, tùy chỗ đã tạo nên một tổng thể công trình khá bắt mắt và thân thiện.
Chắc chắn đây là công trình mà các em thiếu nhi sẽ rất thích, từ hình ảnh bên ngoài của công trình đến các không gian sinh hoạt bên trong.
Tuy nhiên, trong phạm vi của giới hạn khu đất giữa công trình phải bảo tồn và công trình xây mới (do khoảng cách quá gần), việc lựa chọn ngôn ngữ tương phản giữa 2 công trình cũng không dễ dàng chút nào. Nếu cấu trúc mặt bằng có đường nét mềm mại, gắn bó hơn với lớp vỏ bao che bên ngoài, chắc chắn đồ án sẽ thành công hơn nữa.

Quỳnh Trang – TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc