Nhà văn Nguyễn Minh Châu | Văn Việt

Trung Trung Đỉnh

Số phận nghiệt ngã thường dành cho những người chân thật, đa cảm và cả nghĩ. Đó là nhận xét mang đậm chất chủ quan của tôi, mỗi khi nhớ tới nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi cứ hình dung thấy ông ngồi ngơ ngẩn trước bàn, trước trang giấy, xung quanh ngổn ngang những vật dụng gia đình thời bao cấp, nào bếp dầu, nào lọ dưa, thùng gạo, nơi góc hẹp dành riêng cho ông để viết văn. Chiếc đèn dầu cố hữu để sát chân chiếc đèn điện có chụp bằng loại chụp hình phễu, thêm vào đó ông chủ của nó còn cẩn thận bọc kỹ một lớp giấy báo phòng khi đêm hôm làm việc vợ và các con không phải bận tâm vì ánh sáng, vì cái thói lọ mọ của mình.

Ông không phải là người hiếu động, thành thử ông cứ ngồi ngửa mặt trên thành ghế lẩn mẩn nghĩ ngợi, lẩn mẩn sống với các nhân vật, đúng ra là sống với ký ức của mình. Cái gạt tàn thuốc hôi xì cùng với những đầu mẩu thuốc lá bẹp dí và ấm nước chè nguội ngắt thường trực trên bàn đôi khi không phải để nhấm nháp mà nó chỉ đóng vai trò tạo không khí, giữ thói quen – cái thói quen tỉ mẩn âm thầm và đơn độc, nhưng không phải cái đơn độc nhỏ nhen tầm phào của những tâm hồn yếm thế với những toan tính cá nhân danh lợi.

Ông là một trong số không nhiều nhà văn Việt Nam suốt đời lúc nào cũng đau đáu nghĩ tới cái việc viết, cái sự viết. Dường như mọi sự bận tâm đối với ông đều có liên quan đến nghề, và dường như chính nghề đã tạo nên tính cách Nguyễn Minh Châu. Cái bàn con con và những vật dụng ngổn ngang kia đã nhiều phen lạ lùng thay cho cái con người cứ còi cọi suốt đêm, thậm chí cả đêm cả ngày, nào đâu chúng có biết bên trong con người ấy lại đang theo đuổi một cuộc chơi ngông, không phải lúc nào cũng viết ra giấy, ấy là cái trò chơi tưởng tượng cho mình những cuộc tiếp kiến với người mà ông yêu nhất, kính trọng nhất, đó là nhà văn Nam Cao. Và bao giờ cũng vậy, Nam Cao xuất hiện trước ông giản dị như thể vừa mới từ chốn làng quê lên, kể cho ông nghe chuyện làng chuyện xóm, chuyện đời, không khách khí nhưng cũng không quá suồng sã, đôi khi như bạn đồng nghiệp lại cũng đôi khi như thầy trò. Bàn tay Nam Cao ấm nóng truyền sang ông và ông say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp tao nhã toát lên từ mỗi cử chỉ, mỗi lời nói không chút hoa mỹ. Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao cái dáng vẻ chẳng có gì đặc biệt, cái lối kể chuyện chẳng có gì khác người của Nam Cao lại quyến rũ không phải chỉ riêng có mình ông mà là quyến rũ hàng triệu trái tim người Việt Nam mấy chục năm nay đến thế nhỉ? Những nhân vật của Nam Cao cũng thế, cũng chẳng có gì xa lạ, vậy mà sao họ cứ bám riết lấy ta, khơi dậy trong ta những tình cảm vui buồn trĩu nặng. Một sự trĩu nặng không còn là đơn lẻ mà nó lớn lao theo vóc dáng của nỗi đời trong cái nhân tình thế thái xã hội thời Nam Cao sống, kéo dài cho mãi tới tận bây giờ và chắc chắn sẽ còn lê thê mãi tới con cháu sau này.

Đọc Nam Cao và tiếp cận Nam Cao theo cái cách của riêng mình, ông bỗng thấy mình không đến nỗi quá nhỏ bé như mình đã đôi khi tự cho phép mình khiêm tốn. Bản tính hóm hỉnh, khôi hài trong ông cũng bỗng nhiên được khơi dậy, nó đánh thức trí thông minh, khiếu thẩm mỹ và kích thích tâm hồn nghệ sĩ, giúp ông có đủ bản lĩnh để tự mình nhấn sâu mình thêm vào chốn thiêng liêng của nghệ thuật ngôn từ, một thứ nghệ thuật mà mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng, theo bề dày văn hoá và chiều sâu trí tuệ được hình thành xuyên suốt quá trình lịch sử của mình. Và nếu như thiếu những yếu tố đó thì mỗi dân tộc đâu có còn gì để mà tồn tại. Ông nghiên cứu Nam Cao như là nhu cầu tự thân, như là sự khám phá một đỉnh cao cốt cách, cái cốt cách khiêm nhường, giản dị vừa bao dung vừa không khoan nhượng, vừa cả dịu dàng, vừa cả lạnh lùng.

Đã có lúc ông hình dung thấy mình hoá thân thành lão Khúng, cái lão nông dân miền Trung vừa gàn dở ngang tàng lại vừa lãng mạn nghênh ngang, ham nổi tiếng, lắm nỗi buồn lo khắc khoải, lắm nỗi khát thèm. Cái đói da diết của vùng quê ven biển cùng với cái cay cú kém người cứ treo lơ lửng trong đầu lão. Cả một cuộc đời cần lao của lão dù sao cũng khấm khá hơn nhân vật Chí Phèo của Nam Cao nhiều. Tài sản cuối đời của anh chàng Chí kia thì có gì nào? Nếu hắn không có được bát cháo hành của Thị Nở thì coi như đời hắn chẳng còn nước mẹ gì để mà thành ra hồn cái con người! Chao ơi, thân phận những người nông dân ở một đất nước nghèo nàn và lạc hậu như đất nước ta, đọc lên mới thấy nó xót xa quá chừng chừng. Ngay cả đám địa chủ cường hào ác bá của Nam Cao kia thì cũng nhem nhuốc, cũng bần tiện, cũng lam lũ lắm! Lão Khúng đây không mơ trở thành địa chủ cường hào ác bá đâu đấy nhá. Nhưng mà lão lầm lũi mơ phá được nhiều đất, và lão đã trần lưng khai phá đất đai làm nên cơ nên nghiệp cho mình, cho vợ con, cho cả cái cộng đồng mỗi ngày một đông lên, mỗi ngày một khôn lên. Đời lão Khúng dù sao cũng “tươi” hơn đời anh chàng Chí kia nhiều. Xét cho cùng cái sự “tươi” ở đây là nhờ vào thời thế đổi thay và bản thân cái sự lam lũ bần cùng nó cũng xê dịch đổi thay theo một hướng đi lên rõ ràng đấy chứ.

Thế rồi lại có lần Nguyễn Minh Châu mơ thấy ông và Nam Cao đưa nhau về quê ông chơi. Ông muốn đưa thầy mình tới tham quan một thành phố công nghiệp, một thành phố mà suốt đời cứ treo lơ lửng trong những khao khát làm biến đổi cuộc sống những con người chân lấm tay chai ở chốn sơn cùng thuỷ tận, chó ăn đá gà ăn sỏi, quanh năm chèo chống với bão lũ, với sấm sét đùng đùng. Ấy thế mà chỉ chưa được nửa đường Nam Cao chẳng hiểu nghĩ thế nào lại cứ nằng nặc đòi xuống tàu, đòi: “Anh để tôi về nhà tôi, Nam Cao nói. “Anh cho lão Khúng nhà anh ra Hà Nội, hy vọng để lão ấy được thoả mãn ý nguyện cuối cùng, ấy là trông thấy rồi chỉ cần nói một nhời nào đó với cái sự thực suốt đời nhẽ ra đã cam kết là không đụng tới, thì đừng có đụng tới nữa, ấy thế mà rồi vẫn không sao kìm chế nổi, vẫn cứ đi tìm, để đến nỗi, chỉ mới chạm mắt vào cái sự thực đã biết trước ấy là phải “sửng sốt, rụng rời cả chân tay”. Giỏi! Anh giỏi thật đấy. Nhưng mà cái kết truyện nó lạnh lùng tàn nhẫn đến thế thật sao? Tôi biết anh đã quá dằn vặt với cái kết kinh khủng này, nên anh mới “chơi” thêm “Phiên chợ Giát” nữa. “Này, phiên chợ Giát” vừa là một truyện ngắn độc lập, vừa là cái phần không thể thiếu được trong cuộc đời lão Khúng nhỉ? Anh làm thế khiến tôi cứ nhớ cái câu cụ Đôxtôievxki bảo là cụ chỉ là người làm nốt cái việc mà các người mới đi được một nửa…”. Nói rồi Nam Cao cả cười chìa tay bắt tay ông, bằng cái chất giọng nhỏ nhẹ nhưng hóm hỉnh, mắt Nam Cao ánh lên một tia giễu cợt: “Thôi, tôi về với làng Vũ Đại của tôi đây, kẻo đi theo anh, anh lại dẫn tôi tới nhà thằng Chí ở khu tập thể nhà máy, để tôi lại hoá thành “khách ở quê ra” đối với hắn thì chả còn ra làm sao nữa…. Nguyễn Minh Châu vén màn ngồi dậy. Từ trong bóng tối mịt mùng, ông cố căng mắt nhìn ra để hy vọng dõi theo cho được cái bóng hiền từ của Nam Cao. Cái bóng ấy toả xuống nền văn học Việt Nam một vẻ đẹp khiêm nhường, một vẻ đẹp xót xa, càng ngày càng thấm đẫm cái duyên cái số được kết tinh từ cội ngồn dân tộc. Cái duyên ấy như là chất phù sa tạo nên cánh đồng. Cái số lận đận ấy được khắc lên bản tính manh mún vụn vặt cố hữu chả biết đến đời nào mới sửa sang cho được.

Té ra, từ trước chí sau, ở Nam Cao, con người nhà văn và con người cuộc đời chỉ là một – ông nhận ra chân lý có vẻ giản đơn đến thế vậy thôi sao? Để hiểu ra như thế và để nhận thức được đúng giá trị của tư tưởng giản đơn ấy, Nguyễn Minh Châu đã phải đổi cả quãng dài của cuộc đời sáng tác cho những tác phẩm mà ông đã không ngần ngại gọi là minh hoạ.

Đối với Nguyễn Minh Châu thì việc minh hoạ hay không minh hoạ đâu phải điều quan trọng, cái ông muốn nói ở đây là, làm thế nào để chúng ta có những sáng tác hay, chân thật, và một nền văn học của một đất nước có bề dày văn hoá với những truyền thống đấu tranh chống chọi với thiên tai địch hoạ kiên cường như thế thì không thể cứ một giọng đồng ca là đủ, mà nó cần có nhiều giọng, nhiều vẻ, đa sắc, đa màu. Đã đến lúc không nên cứ dàn hàng ngang mà tiến. Chứ còn minh hoạ mà hay thì còn nói làm gì? Chỉ cần lần giở lại thời gian và những trang sáng tác của ông, chúng ta không thể nào không nhắc đến hai cuốn tiểu thuyết quan trọng, đó là “Cửa sông” và “Dấu chân người lính”. Có thể nói, hai tác phẩm này cùng với “Lửa từ những ngôi nhà” và hàng loạt truyện ngắn bút ký của ông như “Mẹ con chị Hằng ”, “Mảnh trăng cuối rừng”… là những đóng góp không nhỏ đối với tiến trình văn học Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Ngay chính trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” ông đã viết: “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực”. Rồi ông lại nhấn mạnh: “Trong nghệ thuật hội hoạ châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh hoạ về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội hoạ cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh hoạ”. Ấy vậy mà rồi vẫn có sự hiểu lầm, hoặc cố tình hiểu lầm ông. Sự khao khát vươn tới cái đổi mới đích thực trong quản lý văn nghệ cũng như trách nhiệm lớn lao của người nghệ sĩ phải tự mình vượt ra khỏi cái mặc cảm cố hữu, không cho “cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ.

Đức tính chân thành đến thật thà của Nguyễn Minh Châu đã khiến ông phơi hết gan ruột của mình. Ông vốn là người rụt rè, thậm chí nhút nhát, nhưng không phải vì thế mà ông không tin vào tấm lòng thành của mình. Chính vì có niềm tin đó mà ông không ngần ngại nói thẳng, nói thật, thậm chí dám vạch ra những yếu kém, những bất cập của lối quản lý văn nghệ cũ đã không còn phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, hay nói trắng ra là đã lỗi thời. Muốn có tác phẩm lớn, theo ông, chúng ta phải “chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này”. Trong lịch sử văn học thế giới cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam đã có nhiều những câu chuyện về sự hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng rồi những giá trị đích thực trước sau cũng được trở về đúng vị trí của nó. Ngọn gió đổi mới như một luồng sinh khí mới thức tỉnh toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam những năm sau Đại hội VI của Đảng. Nhà văn Nguyễn Minh Châu với tâm hồn nghệ sĩ vừa nhạy cảm vừa nồng nhiệt đối với những chuyển biến của đất nước, bằng tấm lòng chân thành và bản tính trung thực, ông là một trong số ít nhà văn có những ý kiến đóng góp sớm nhất đối với Đảng về tình hình chung của văn học nước nhà. Để có thể đổi mới. Để có thể hoà nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước, và đặc biệt, để có thể hoà nhập cùng các nước láng giềng trong khu vực và thế giới, theo ông, mỗi nhà văn truớc hết cần phải trung thực với chính mình. Ông viết: “Trong đầy rẫy thiếu thốn và khó khăn của ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam chúng ta đang luyện hai bàn tay chỉ quen cầm súng trở thành hai bàn tay vừa biết cầm súng vừa biết xây dựng thành phố, và bắt đầu nhìn ra thế giới. Dân tộc Việt Nam ngày nay như một con người vừa đi lên phía trước vừa tự nhìn mình.

Văn học nghệ thuật ngày hôm nay có trách nhiệm giúp cho dân tộc ta nhìn ra mình, nhìn thấy rõ mình hơn, cả trong hình ảnh người anh hùng ba bốn chục năm qua, cả trong hình ảnh người nông dân Việt Nam hàng nghìn năm qua. Tôi nghĩ rằng những nhà văn Việt Nam đang làm công việc như thế. Con người vừa dễ hiểu vừa đầy bí ẩn. Chúng ta đào bằng ngòi bút cho đến cùng đáy cái sự thật chứa đầy bí ẩn, đầy nỗi niềm nguồn cơn của con người đất nước mình thì sẽ gặp con người nhân loại, sẽ gặp cái nhân bản của nhân loại, con người Việt Nam sẽ giao hoà với nhân loại.

Một cái nhìn đặc sắc đầy xác thực vào con người xã hội mình của nhà văn có tài bao giờ cũng chứa đựng một cái gì như là sự dự báo. Làm nổi được điều đó không lúc nào là không có cản trở, vì thế phải có lòng dũng cảm. Vì thế các nhà văn hiện nay và những thế hệ nhà văn tiếp theo đang cần Đảng tiếp sức để vượt lên mình về tài năng, nỗ lực làm việc và nhất là tính trung thực nghệ sĩ, bản lĩnh nghệ sĩ”.

Những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Minh Châu được sáng tác và xuất bản trong khoảng thời gian thập kỷ tám mươi, đặc biệt là những năm cuối của thập kỷ này. Những “Bức tranh”, “Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành”, “Hai con nhóc”, “Dấu vết nghề nghiệp”, “Một lần đối chứng”, “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát”. Rồi: “Cỏ lau”, “Mùa trái cóc ở miền Nam”, “Sống mãi với cây xanh”, “Sắm vai”… Đặc biệt những bài tiểu luận, những ghi chép về nghề của ông là những di sản vô cùng quý báu đối với các thế hệ các nhà văn sau này.

* **

Ngày ấy, tôi cho rằng mình gặp may khi có giấy quyết định được điều về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Phải nói những ngày mới về nhận việc, được ngồi họp chung, bàn chung công việc với các nhà văn đàn anh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu, Thu Bồn, Ngô Thảo… đối với tôi là cả một sự kỳ lạ của cuộc đời lính tráng. Tôi mê mẩn ngắm các ông anh với lòng ngưỡng mộ. Trên cả ngưỡng mộ, ấy là trong các buổi sáng trà dư tửu hậu, được hóng chuyện các liền anh tán trên trời dưới biển, chuyện đời chuyện văn đông tây kim cổ, rồi thì đến cái đoạn tôi cũng không nhớ, hình như cũng chỉ đôi ba tuần là cùng, chính tôi hoà nhập vào các câu chuyện cùng các ông anh như là một thành viên, không hề có chút gợn phân biệt nào, điều ấy lại thêm một lần kỳ lạ nữa. Tôi cứ ngắm bức chân dung nhà văn Nguyễn Thi thời trai trẻ treo trên tường trong phòng làm việc “của mình” với một niềm tự hào thơ trẻ, một niềm tự hào mà ở thế hệ chúng tôi không anh nào không có. Nó vừa thiêng liêng lại vừa sâu nặng biết chừng nào. Những câu chuyện đầy ấn tượng về một thời các anh ra đi từ những căn phòng của ngôi nhà số 4 để vào khắp các chiến trường và những câu chuyện về cá tính sống, cá tính làm việc của từng người sao mà gần gũi, sao mà đầm ấm. Những đêm mất điện toàn thành phố, bên ngọn đèn dầu, các anh đọc cho nhau nghe sáng tác mới của mình, đặc biệt là những tác phẩm của đồng đội mới nhận được từ miền Nam gửi ra. Cái không khí của một Hà Nội văn hiến, của một Hà Nội thời chiến tranh trong tiểu thuyết “Lửa từ nhừng ngôi nhà” mà Nguyễn Minh Châu dựng được sống lại trong tôi. Bây giờ tôi được về với ngôi nhà này, được ở trong căn phòng một thời Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu đã từng ở, đã từng viết văn, đã từng tranh luận và đã từng diễn ra cũng lắm chuyện vui buồn. Tôi để ý tất cả các hành vi của các ông anh. Té ra họ sống, họ làm việc, họ trò chuyện, họ tán gẫu với nhau cũng không khác mấy ở những chỗ khác. Nghĩa là cũng xôm trò lắm. Có lúc cần sự nghiêm trọng thì họ cũng nghiêm trọng không kém ở bất cứ cơ quan công sở nào.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên bước vào căn phòng khá rộng ở đầu hồi dãy nhà cấp bốn phía sau toà soạn, nơi nhà văn Lê Lựu, trưởng ban Ban Văn đang ở vì sự tối tăm và hôi xì xì mùi nước điếu thuốc lào và mùi ẩm mốc. Trưởng ban của tôi đã biến căn phòng rộng thênh thành cái hang bởi đám tủ không cánh và ngổn ngang chăn màn quần áo. Cái bàn trà xiêu vẹo cùng mấy cái ghế gỗ cũng xiêu xiêu, vẹo vẹo kê sát tường, chính giữa phòng. Trên mặt bàn một lũ một lĩ chén uống nước nhiều chủng loại cáu bẩn. Dưới gầm giường nào can, nào lọ, nào chai, nào giày, nào dép, và bếp dầu, và nồi soong, và thau, và chậu cùng với thùng hòm là cái chạn bát gãy một chân chỉ chực đổ kềnh ra bất cứ lúc nào. Rồi thì gạo, muối. Rồi thì áo quần… Ấy thế mà suốt ngày “căn hầm” cứ xoành xoạch kẻ ra người vào tấp nập.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng hay tới đây, nhưng ông thường nhằm vào lúc ít người. Tôi nhớ mãi cái buổi chiều u ám tôi đang được Lê Lựu đãi món bún lá với mắm tôm và đậu phụ rán cùng món kể lại cốt truyện và ý tưởng cái truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Minh Châu. Câu chuyện về vợ một anh chàng ngư phủ rất hay bị thằng chồng vũ phu đánh đập, hành hạ. Lạ lùng thay là chị ta không những không phản ứng mà còn xin hắn, có đánh thì để lên đến bờ rồi hãy đánh nữa kia. Có phải chị ta yêu hắn không? Không. Một trăm lần không. Một ngàn lần không. Nhưng mà không thể không sống với hắn. Người ta khuyên chị nên bỏ quách hắn đi, ngay cả ông chánh án toà án nhân dân huyện cũng không kìm chế được, đã nói với chị ta rằng: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”, và anh đã khuyên chị ta bỏ chồng, mặc dù vẫn nhớ chức năng của mình là phải hoà giải. Nhưng mà chị ta thì vẫn một mực chắp tay vái lạy các người rằng chị đã nghĩ kỹ rồi. Cuối cùng người ta cũng khám phá ra. Chị ta chịu đựng chỉ là để tồn tại cái gia đình cùng với những đứa con. Một cái gia đình đi biển, sống bằng nghề biển mà không có hắn, không có đàn ông thì… Nói đến đây Lê Lựu ngắt giọng lại, nhìn ra ngoài.

Có tiếng xe đạp lạch xạch trước cửa “hang”. Lê Lựu nhận ra tiếng lạch xạch quen thuộc ấy. Anh bảo tôi: “Bác Châu đấy”, rồi vội lấy bát đũa “mời ông anh”. Nhưng tôi thấy “ông anh” không có vẻ xởi lởi vui vẻ như những buổi tới chơi tán gẫu thường ngày. Lê Lựu và tôi rối rít mời ông cùng ngồi xuống chiếu. Nhưng Nguyễn Minh Châu vẫn ngồi trên chiếc ghế tựa tường, lấy thuốc ra hút rồi nói với Lê Lựu:

– Ông cho mình lấy lại cái truyện ngắn mình gửi hôm nọ có được không?

– Sao lại lấy lại? Em đưa đánh máy rồi mà.

– Nhưng mình nghĩ lại rồi. Không nên in lúc này Lựu ạ.

Lê Lựu nhìn ông, có vẻ không hiểu.

Ông vẫn một mực:

– Để khi nào nó nguôi nguôi đi cái đã.

– Em vừa kể cho thằng Đỉnh nó nghe, Lê Lựu nói. Em nói thật nhá, bác đừng sợ, cái truyện ngắn này hay thế, đẹp thế thì có gì mà sợ? Cứ để đấy, em cho “đi” ngay số này thôi mà.

– Ông lấy ngay về hộ tôi! Nguyễn Minh Châu chuyển thái độ, những ngón tay run run dụi tàn thuốc vào cái gạt tàn đầy ự, với vẻ mặt căng thẳng. Tôi thấy ông chợt vươn ngửa người, ưỡn ra phía sau thành ghế rồi trở về tư thế ban đầu, chuyển trở lại bằng cái giọng tâm sự.

– Mình có đưa cho Thu đọc, nó bảo, anh mà cho in lúc này rất không có lợi, rất dễ bị suy diễn. Mình thấy Thu nó nói đúng đấy.

Ông chơi rất thân với nhà thơ Nguyễn Trung Thu, công tác ở Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương. Hai người còn là láng giềng của nhau, nên hễ cứ viết xong cái gì, ông cũng đem sang nhà cho bạn “duyệt” trước.

Lê Lựu buông bát đũa, đứng dậy:

– Anh để đấy em, thằng nào đánh em chịu.

Nguyễn Minh Châu cười:

– Ông chịu thế chó nào được?

Lê Lựu khẳng định:

– Được! Phải có cách chứ. Cứ thật thà như bác với lại cái ông Thu có mà…

Nói rồi anh lấy giấy bút viết. Tôi tò mò ghé xem. Té ra Lê Lựu viết một lá thư cho Nguyễn Minh Châu với nội dung rất ngắn gọn rằng, hôm nọ, lúc chờ xe đi Đại Lải, anh ghé phòng em chơi, mải chuyện nên lúc đi anh bỏ quên cái túi cói quặc ở sau lưng ghế, em thấy có cái bản thảo truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” nên mạo muội đọc trộm, thấy nó hay nên mạo muội đem in, vì dạo này thiếu truyện hay quá, mà anh thì lại ở tít trên ấy, thành thử em không kịp xin ý kiến tác giả, nay có thằng Đỉnh lên, em viết thư này xin lỗi anh và em hứa, nếu có gì sai sót, em xin anh cho em được hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cáo lỗi anh vậy. Lựu.

Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên thấy Nguyễn Minh Châu cứ ngồi lặng thinh với vẻ mặt thuỗn thờ sau khi đọc lá thư” Lê Lựu vừa sáng chế. Tôi pha xong ấm nước trà mới rót mời ông, nhưng Nguyễn Minh Châu không uống mà lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ kéo đôi dép lê ra khỏi “hang”, không hề quay nhìn lại chúng tôi lấy một lần.

Tôi có cảm giác, cái lặng lẽ mà ông để lại phía sau lưng mình, cho chúng tôi, như có một lỗ thủng!

Tôi nhớ dạo ấy người ta đang ồn lên, hình như đang sắp có cuộc hội thảo về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, mà xu hướng là phê phán, là “đánh” vì “những tư tưởng lệch lạc của ông. Và quả tình sau đó ít lâu, cuộc hội thảo ấy đã diễn ra đúng như dư luận. Người khen thì khen quá, không còn biết nể mặt tác giả, mà họ chỉ mượn cái hay của tác phẩm để thổi phồng lên những ý tưởng của mình. Còn người chê thì lại vin vào những lời khen kia mà chĩa vào tác giả với những lời lẽ hàm hồ, những suy diễn chết người, những quy kết trầm trọng sực nức mùi đố kỵ được trang điểm bằng lớp son phấn lập trường quan điểm. Ông chỉ còn số ít những người bạn để đi về, để chia sẻ. Họ chính là những nhân vật trong các sáng tác của ông. Họ không những đã giúp ông tự nhận thức mình mà còn chiếu sáng cho con đường sáng tạo không lúc nào bình lặng tạo nên bản lĩnh đầy tự tin vào cái thiện vốn đã là điểm xuất phát cho mọi ý tưởng của nhà văn. Ông tự hào về họ, mặc dù bản tính thui thủi một mình sống với những ý tưởng văn chương của mình tạo nên cáí vẻ bề ngoài luôn luôn khắc khoải và trầm uất không giấu giếm được. Ông thường lui tới quán bia hơi ở Câu lạc bộ quân đội vào các buổi chiều, để được tắm nước nóng và để được ngồi bên cốc bia, ngắm nhìn thiên hạ, mặc dù ông không phải là dân nghiện bia rượu. Cái không khí ồn ào ở nơi đây phần nào giúp ông thư giãn tâm thần, hơn thế, ở đây cũng có một vài nhân vật mà ông theo đuổi. Rồi ông lại tha thẩn guồng xe đạp và guồng luôn cả nỗi đam mê văn chương đầy nhọc nhằn trên khắp các phố phường của Hà Nội.

Hà Nội dối với ông là cả một thế giới bí ẩn vừa gần gũi thân thương lại cũng vừa xa lạ. Có lúc ông cảm thấy như mình đang lạc giữa biển người, lại có lúc ông quên mất mình đang trộn lẫn giữa mọi người mà theo đuổi những câu chuyện ở mãi tận miền Trung ràn rạt dông gió, nó cứ lớn dần lên trong tâm tưởng, trong cõi lòng đau đáu vì nghề. Ông không phải là người ham diễn thuyết, đăng đàn, và đúng là ông không hề có năng khiếu xuất hiện giữa đám đông. Trước đám đông bao giờ ông cũng thu mình lại. Nhưng khi chỉ có một vài anh em đồng nghiệp ý hợp tâm đầu thì ông trở nên phát sáng. Ông có tài thu hút lòng người bằng những ý tưởng mạnh mẽ và bằng cái chính kiến có vẻ cực đoan, rồi sau đó chính ông lại tự giễu cợt mình. Cái tính nhút nhát, chỉ muốn lẩn khuất của ông mà ông nhiều lần thú nhận không phải bây giờ mới có. Dường như nó được tạo nên từ thuở thiếu thời, bởi những ấn tượng quá mạnh của những đổi thay quyết liệt của quê hương, của đất nước giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám, mà gia đình ông là một điểm nhấn đậm của thời cuộc. Cũng có thể do tính ông từ bé, từ lúc sinh ra đã phải sống nhút nhát rồi. Trong những trang ghi chép cuối đời [thực hiện trong những ngày nằm điều trị tại Viện Quân y 108, có tên gọi Ngồi buồn viết mà chơi – Văn Việt], có lần ông viết: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng dút dát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt được vào lỗ…”. Thực ra “cái lỗ” để ông chui tọt vào, chính là cái cõi của riêng ông, cái hang động chứa đựng bên trong nó cả một thế giới huyền ảo của văn chương mà ông mê đắm. Chỉ có rút vào đây ông mới thực sự tự do. Chính vì vậy mà lúc nào ông cũng chỉ muốn rúc sâu vào trong cái tổ kén cô đơn của mình. Cái tổ kén ấy tạo nên một lối sống ích kỷ, một lối sống chỉ còn biết có công việc văn chương với những khát vọng và niềm say mê với nó. Ông đã từng một mình cầm cốc bia hơi ra sân vận động, khi ấy không hề có một trận đấu nào, cũng không hề có lấy một bóng người. Ông khoái trá ngồi xuống một cái ghế giữa bầy ghế và khoái trá tưởng tượng ra cả trăm điều. Hình như không gian rộng lớn của sân vận động cùng với sự vắng lặng của nó tạo nên một chất men kích thích tâm hồn mơ mộng của ông. Cái thói quen ngồi ưỡn ngửa người, mặt ghếch lên thành ghế bây giờ không phải ngắm bức trần nhà thấp tè mà là ngắm được cả một bầu trời mênh mông, chói loà ánh sáng, tạo cho ông thêm phấn khích mới mẻ, nó khiến ông quên hết mọi điều, nhưng chỉ có một điều đau đáu trong ông thì không cách gì quên đươc, ấy là những ý tưởng sáng tác. Ông coi sáng tác văn học là quá trình tự đào bới ký ức của mình, và ông cho rằng “công việc sáng tạo bao giờ cũng diễn ra trong cô đơn, trong sự lắng sâu những kinh nghiệm sống, sau sự chiêm nghiệm về lẽ đời và lòng người”. Người nghệ sĩ viết văn càng dấn sâu vào chốn thiêng liêng ấy, càng có cơ gợi mở cho những khát khao hướng tới đỉnh điểm của nghệ thuật ngôn từ, cái đỉnh điểm nguy nga, mà theo ông, đó là sự giản dị. Ông không có thói quen ghi chép nhiều, nhưng ông có biệt tài chớp lấy những tia sáng của ý tưởng chợt loé lên trong đầu, khi mà cuộc sống hiện tại cọ xát mãnh liệt với sức nặng của ký ức, nó giúp ông trong khi cầm bút viết được thoải mái, nhưng không dễ dãi. Phần nhiều những ghi chép của ông chỉ là những ký hiệu nhằm giúp ông khi sáng tác có cơ hội sống lại những ấn tượng mạnh, tạo nên không khí cho những chi tiết cần thiết ra đời đúng lúc, đúng nơi. Ông là người luôn luôn khao khát cái toàn bích. Ông theo đuổi cái toàn bích ấy hết tác phẩm này đến tác phẩm khác, qua từng câu, từng chữ, nhưng rồi cái toàn bích vẫn cứ chấp chới ở phía trước, như là sự trớ trêu, như là sự thách thức, khiến ông không lúc nào ngừng nghỉ. Suốt cả một đời sáng tác, ông đã khổ sở vì nó và cũng hạnh phúc xiết bao, vì nó. Có lẽ chính vì thế mà Nguyễn Minh Châu không lúc nào không nghĩ tới câu chữ cùng những cá tính và thân phận của các nhân vật của mình. Theo ông: “Câu chữ là cái điểm tiếp xúc đầu tiên để chứng tỏ rằng người cầm bút ấy có ngôn ngữ văn học hay không, thực sự có tư cách một người cầm bút hay không, khi ta cầm lên tay một bản thảo. Câu chữ hoặc ngôn ngữ văn học nói chung phải được nuôi trong lòng tiếng nói của đời sống. Cũng giống như một nền văn hoá, lại cũng như y phục, tiếng nói của đời sống luôn luôn vừa kết tinh, vừa đào thải, vừa tiếp thu”.

Đọc Nguyễn Minh Châu ta cũng khám phá ra được sự phong phú của tiếng Việt, đặc biệt những thiên truyện ngắn càng về sau càng đặc sắc của ông. Tôi dám chắc ông có nhiều những đêm thức trắng chỉ vì một câu, một chữ “Đừng bao giờ quên mỗi chữ là một hạt của nội dung”, ông quan niệm thế và ông đã thành công trong những câu chữ tuyệt vời. Đây là một câu, trong số rất nhiều những câu văn phức hợp đầy gợi cảm, không những dựng được cả một không gian rộng lớn cùng với tâm trạng của nhân vật, mang đậm cái chất mà chỉ riêng Nguyễn Minh Châu mới có:

Khoác hờ chiếc áo dạ ở một bên vai ngồi co ro trên thành xe, lão đưa mắt nhìn đau đáu vào cái khoảng cổ đã trụi hết lông và sần sùi da cóc của con vật trên đó chiếc ách cổ đang xiết chặt lấy làm phát ra những tiếng lọc cọc trong đêm vắng, và một khoảng bóng tối đen kịt cứ như đóng đinh vào phía trước mặt con bò, một khoảng bóng tối chừng như quá sâu, quá dầy, còn lâu mới chọc thủng, và dưới chân lão Khúng và con vật, tất cả đất đai cùng cây cỏ đều đang còn nồng nàn trong giấc ngủ say như chết, những con chim sâu lẩn lút trong đám cỏ may cũng chưa hề cất lên tiếng kêu chích chích, lão chỉ nghe tiếng côn trùng tỉ tê rất xa, tiếng chó sủa cũng vọng tới từ đâu đó rất xa, và bốn phía trời đất dường như đang còn mịt mùng chìm đắm trong khoảng bóng tối âm ti….

Ông quan niệm: “Viết văn là đem đến cho tâm hồn người ta đồng thời sự yên ổn và không yên ổn, cùng một lúc vừa cởi giải vừa gây băn khoăn, thắc mắc. Những băn khoăn thắc mắc có khi trở thành một câu hỏi cụ thể, một vấn đề cụ thể và lớn lao, có khi chỉ nhằm gieo vào người đọc một ấn tượng, một tâm trạng…”. Ông gọi cái nghề viết văn là nghề cắc cớ. Cái sự cắc cớ ở đây hàm chứa cả về nỗi niềm khắc khoải sâu xa và chân thành của người nghệ sĩ đối với những bước thăng trầm của quê hương, của đất nước lẫn sự nhạy cảm của anh ta đối với những biến chuyển phức tạp của đời sông xã hội. Trước trang giấy trắng, mực đen, anh ta vừa có tâm trạng giãi bày, phô diễn, lại vừa có tâm trạng thu mình lại, không muốn bộc lộ mình. Chính hai trạng huống đối lập ấy đã tạo nên cá tính sáng tạo nhọc nhằn của ngòi bút Nguyễn Minh Châu.

Tôi nhớ có lần, tôi đang mải mê đánh máy một cái gì đó, chợt thấy có bóng người lảng vảng phía ngoài cửa kính, lúc ấy là giữa trưa, cơ quan vắng hoe. Hẳn có ai muốn tìm mình, tôi nghĩ và ra mở cửa. Nhà văn Nguyễn Minh Châu với cái túi cói xách tay cũ mèm, với đôi dép lê lẹp xẹp đang đứng tần ngần dưới sân, giống như ông đang vô tình ngắm nghía, săm soi tìm những chùm nho trên giàn nho, lại cũng giống như ông đang chờ ngóng ai đã hẹn trước. Tôi nắm bàn tay hâm hấp nóng, khô và mềm của ông kéo vào phòng, với cái giọng suồng sã, láo lếu:

– Mời ông anh vào nhà, gớm, nom ông anh cứ như thằng tâm thần ý.

Ông thụ động bỏ cái túi lép dưới chân ghế, ngồi bơ phờ nhìn tôi, rồi cười nhợt nhạt:

– Ông đang viết cái gì?

– Viết lách qué gì đâu anh. Em đang phải làm một cái việc chẳng vui vẻ tí nào.

– Việc gì?

– Việc… gia đình ấy mà.

Ông lấy thuốc ra hút. Vốn là người tinh tế lại rất nhạy cảm với tình cảnh của người khác, ông ngồi im, lờ đờ thả khói thuốc. Tôi hí hoáy pha trà, nhận ra trên gương mặt tái nhợt của ông thoáng ánh lên vẻ giễu cợt chua chát.

Ông bảo:

– Kể đời cái con người ta cũng vô nghĩa lý thật. Lấy nhau, bỏ nhau, hay ở với nhau cũng đều là vớ vẩn cả. Cứ mỗi ngày sống là một ngày chồng thêm lên cho mình một nỗi buồn.

Tôi ngồi im, chờ nghe ông, cứ tưởng đó là khúc dạo đầu cho một bài diễn thuyết về triết lý sống nào đó, chắc là hay ho lắm đây. Ai dè ông lại ngồi thuỗn ra, vẻ chán nản còn hơn cả cái thằng tôi đang chán nản như thấy mình đang vữa ra.

– Báo cáo bác Khúng, tôi chuyển giọng, gọi ông bằng cái tên lão Khúng mới nổi tiếng gần đây nhằm phá không khí ngột ngạt. Bác là bác quá lắm đấy. Em có cảm giác lúc nào bác cũng thảng thốt với những ý nghĩ đen tối, u uất. Thức đêm nó vừa vừa thôi ông anh ạ.

Tôi không ngờ “lão Khúng” của tôi lại phá lên cười. Cái lối cười phá lên ây, bề ngoài có vẻ sảng khoái, nhưng bên trong thì nẫu buồn. Tôi hay tò mò để ý cách ứng xử của ông trong các cuộc họp. Thường thì ông không mấy khi vào phòng họp sớm mà chờ cho đông đông người rồi mới vào. Vào cứ như vội. Đôi mắt tinh ranh của ông lướt nhanh khắp lượt, hỏi người ngồi bên một câu nào đó, rồi rút tờ báo trong túi xách tay ra đọc. Ông có cái thói xấu giả vờ đọc báo để quan sát người khác, nhất là trong các cuộc họp có vấn đề gì căng thẳng. Mỗi lần họp xong, ông đều ra khỏi phòng với cái kiểu của người vừa tránh được một việc mà ông miễn cưỡng phải tham dự. Ấy thế mà sau đó, cái sự việc mà cuộc họp kia nêu ra trong bàn trà, ông lại tường thuật cứ như tường thuật bóng đá.

– Anh Châu này, tôi nghiêm nghị rót trà và nghiêm nghị nói. Em muốn kể cho anh nghe câu chuyện mà em đang viết quá.

Ông lặng lẽ lấy quyển sách của ông mới in đưa cho tôi, nói:

– Tặng ông quyển này. Đọc nhau đã mệt lại còn định đuổi nhau bằng cái sự kể lể…

Tôi không tự ái vì biết tính ông hay giễu cợt, không phải giễu cợt ai khác mà chính là ông giễu cợt cả ông lẫn cái nghề của mình. Thấy ông uống xong tách trà, định dợm đứng lên, tôi liền ra chốt cửa, nói bỗ bã:

– Anh buồn cười nhỉ? Ăn không dám ăn ngon. Mặc không dám mặc đẹp. Yêu thầm, nhớ vụng như ông anh chán bỏ mẹ. Ngồi xuống đây mà nghe thằng em, chỉ một câu thôi!

Biết cái tính lếu láo của tôi, ông ngồi trở lại, mặt sáng ra, không hề giận mà còn có vẻ thích thú.

– Em viết sắp xong rồi, tôi tâm sự. Nhưng càng về cuối nó càng trì trệ thế nào ấy. Một nhân vật suốt đời tin vào ý cấp trên. Một nhân vật suốt đời tin vào tôn giáo. Một nhân vật suốt đời tin vào vật chất. Một nhân vật suốt đời tin vào tình cảm. Họ đều là những người rất tốt, trong sáng, họ sẵn sàng quên mình hy sinh cho niềm tin yêu của mình để mong đóng góp cho đời. Vậy mà sao cuối cùng, tất cả cuộc đời của họ đều bi kịch thế. Có phải chỉ vì họ không còn biết cái thân mình là ai không? Buồn lắm. Em chỉ muốn kêu gọi con người, trước hết phải tự biết cái thân mình là ai, rồi thì hãy tin…

– Ông viết xong chưa?

– Dạ sắp.

– Góp ý cho ông thế chó nào được, ông lại nói với cái giọng giễu cợt. Nhưng mà này, cuộc sống nó cứ trớ trêu thế mới là cuộc sống chứ. Trong cái đám nhân vật chắc chắn là rất nhem nhuốc của ông, giá mà có một thằng chẳng tin cái gì cả. Nó chỉ tin nó, còn mọi thứ chung quanh đều là phương tiện. Phải bắt cái thằng này ghé vai gánh hết những phần mà lũ người kia không gánh đươc, cũng có thể không biết đường nào mà gánh, hoặc có gánh cũng sợ hãi, vừa đụng tới là đã run bắn cả thần hồn lẫn thần xác lên rồi. Còn cái thằng này nó gánh cứ ngon ơ, hoặc giả có vẻ ngon ơ, nhưng kỳ tình, cu cậu cũng đang gánh bi kịch, không phải của riêng bản thân mà là của cả cái đám người kia cộng lại. Được như thế cuốn sách của ông sẽ có lối thoát. Đã gọi là tiểu thuyết thì bản thân thể loại không có chuyện né tránh hiện thực, hay nói đúng hơn, những nhà tiểu thuyết chân chính không được phép né tránh mô tả hiện thực muôn vẻ, kể cả cái ác, vì cái ác bao giờ cũng mạnh mẽ và lẫm liệt, đầy mưu ma, chước quỷ, còn cái thiện thì lại ngu ngơ và ngây thơ, thường rất cả tin… Nhà văn mô tả cái ác để lột mặt nó ra và cũng là để nâng giấc cho những con người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn vào chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác của họ bị hắt hủi và đoạ đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Vậy thì nhà văn phải đứng về phía họ, bênh vực họ. Nói thế có vẻ sáo mòn, nhưng mà thật đấy ông ạ. Tôi là tôi ớn nhất những nhà văn máu cá, cứ lấy an toàn làm gốc, chơi trò chơi hiền lành, vô sự, tưởng rằng cả đời không hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái tội tày đình là tội khiếp đảm trước cái ác. Rồi thì quen chung sống với nó, coi như là không có nó ở trên đời này vậy…

Bỗng ông ngưng nói. Tôi có cảm giác như không phải ông đang bàn luận, góp ý cho tôi mà ông đang giãi bày những suy nghĩ, những ý tưởng cho một sáng tác nào đó của ông. Chuyện tôi vừa kể, chẳng qua chỉ là cái cớ, là chất kích thích cho dòng cảm xúc đang nung nấu trong cái đầu bơ phờ mà tôi hay nói đùa là tăm tối của ông. Nhưng dù sao tôi cũng phải tranh thủ ông anh, phải lôi ông anh ra khỏi khu vực trầm uất để mà còn học mót được đôi điều. Và tôi vội đứng lên, nắm chặt bàn tay nóng hâm hấp của ông, nói:

– Tuyệt văn vời. Chỉ cần anh gợi ý như thế là em đã bắt được cái thằng ấy rồi. Nó cũng không phải là tội phạm, mà nó là nô lệ, là nạn nhân cho cái quan niệm sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa…

– Ôi giời, ba hoa với nhau thì dễ, nhưng ngồi vào bàn là cái thằng TA với thằng cha NHÀ VĂN cứ chành choẹ với nhau, làm cho ngòi bút lúc thì hăng máu, lúc thì quằn lại.

Tôi lại ấn ông ngồi xuống, nói:

– Thì ta có phải là thánh đâu, cũng còn phải tính toán trăm chiều chứ đâu có phải khoát tay một phát là lên đến giời.

– Thế cho nên độc giả người ta mới chán phè các bố. Chưa viết đã tính toán thì còn nói làm mẹ gì.

Nói rồi ông xách túi, kiên quyết ra về. Tôi biết không thể giữ ông, đành lẵng nhẵng theo ra cổng. Thực lòng tôi rất muốn rủ ông đi ăn cái gì đó, nhưng biết tính ông không khoái chuyện ăn uống la cà, nên lại thôi. Ông lúi húi giắt chiếc xe đạp và tôi đi bên ông, cứ hy vọng ông sẽ nói thêm một đôi lời gì nữa. Nhưng ông vẫn im lặng. Tôi đành: “Anh về nhé”, và ông quay lại, thoáng nhìn tôi: “Tôi về nhé”, rồi gác chân lên xe, ông cúi mình đạp xe trên đường phố vắng.

Chúng tôi chia tay nhau nhạt nhẽo và buồn tẻ đến nao lòng.

Tôi lủi thủi trở về, không còn thiết làm gì nữa, đành cứ ngồi uống nước chè suông một mình, rồi lấy cuốn sách mới được ông tặng ra đọc.

Hồi ấy ông chưa biết ông đang bị trọng bệnh.

T. T. Đ.