Nhạc phim Việt 2017 thăng hoa, ‘chiếm lĩnh’ hàng loạt bảng xếp hạng Vpop
Từ đầu năm 2017 đến nay, fan Việt đã chứng kiến khá nhiều cuộc ‘lật đổ’ ngoạn mục của các ca khúc nhạc phim trên bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc Vpop.
Ngày nay, sự phát triển của điện ảnh Việt đã kéo theo những yêu cầu toàn diện về mọi mặt của một bộ phim. Trong số đó, mảng âm nhạc, nếu như trước đây chỉ nắm giữ một vai trò khá khiêm tốn là góp phần minh hoạ cho những cung bậc cảm xúc xuyên suốt mạch phim, thì ở hiện tại, yếu tố này bỗng trở nên đắt giá hơn do thị hiếu ngày càng tăng cao của tín đồ điện ảnh, và có khi, nó còn là “át chủ bài” cứu cánh cho cả phim.
Khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến giờ, fan Việt đã chứng kiến khá nhiều cuộc lật đổ ngoạn mục của các ca khúc nhạc phim trên bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc VPOP, nơi mà chúng phải cạnh tranh với hàng loạt MV, bài hát chính thống được quảng bá mạnh mẽ.
Điều bất ngờ là những thành tích ấy hầu hết đều nhờ vào “hữu xạ tự nhiên hương”. Một phần được cộng hưởng bởi sức hút từ bộ phim, phần khác, chất lượng các ca khúc được đầu tư chỉn chu, kĩ lưỡng khiến không chỉ fan cine cảm thấy “phiêu” được theo câu chuyện, mà cả những non-fan chưa từng xem phim cũng dễ thấm thía.
Một trong những ví dụ nổi bật nhất năm vừa qua là bộ phim Em chưa 18 đã mang đến 3 bản hit nhạc phim Yêu là tha thu (197 triệu lượt nghe Zing MP3, 94 triệu lượt view Youtube), Nơi ta chờ em (57 triệu lượt nghe Zing MP3, 11 triệu lượt view Youtube) và Em chưa 18 (50 triệu lượt nghe Zing MP3, 14 triệu lượt view Youtube). Hay như Chờ em đến ngày mai không quá ăn khách trên mặt trận điện ảnh, nhưng riêng bản OST thể hiện bởi Erik Lạc nhau có phải muôn đời đã thu về 28 triệu view MV, 67 triệu lượt nghe trên Zing MP3.
Không thể phủ nhận có không ít sản phẩm “không kèn không trống” vẫn làm nên chuyện, tuy nhiên, một sự tính toán xa hơn trong chiến lượt quảng bá là cần thiết để khiến độ lan toả của nó tăng lên gấp bội.
Có thể thấy, cán cân đầu tư cho các hạng mục để làm nên một bộ phim ăn khách đang dần có sự biến chuyển, hạng mục nhạc phim trở nên có trọng lượng hơn rất nhiều. Nhà sản xuất bắt đầu chú tâm vào thực hiện những sản phẩm riêng biệt cho OST như MV, MV Lyric, và có kế hoạch PR cụ thể.
Họ áp dụng hẳn công thức quen thuộc ở thị trường Việt Nam để tạo ra 1 bản hit, đó là việc lựa chọn một nhạc sĩ “hit – maker”, một ca sĩ thuộc hàng top hoặc đang có sức hút đối với giới trẻ, cùng với yêu cầu dành cho bài hát đó ngoài việc phù hợp với concept phim, còn phải dễ nghe, dễ thuộc và mang thông điệp đánh trúng tâm lí giới trẻ thì càng tốt.
Điển hình một vài MV OST ghi điểm trong mắt khán giả thời gian qua như Ngồi hát đỡ buồn của Trúc Nhân trong phim Cô gái đến từ hôm qua. Thoạt đầu, người nghe có thể cảm thấy ca khúc mang màu sắc dân gian này không dễ để cảm, tuy nhiên khi MV ra mắt với những cảnh quay dễ thương, hoà hợp với concept chung của phim thì khán giả đã dễ dàng đón nhận hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, Trúc Nhân cũng là sự lựa chọn hợp lí để thể hiện bởi anh chàng vốn dĩ đã có nhiều hit mang kiểu nhạc quái quái, lạ tai thế này. Gần đây nhất là nhạc phim Cô Ba Sài Gòn do Đông Nhi thể hiện được đầu tư mạnh mẽ về cả trang phục, dancer, bối cảnh, tạo nên một tổng thể bắt mắt, ấn tượng.
Sự bùng nổ của hàng loạt bản OST đã được ghi nhận thông qua các BXH và những giải thưởng lớn. Bằng chứng là trong lần tổ chức thứ 8 Zing Music Awards (ZMA)- giải thưởng âm nhạc trực tuyến uy tín nhất Việt Nam, lần đầu tiên hạng mục nhạc phim được đưa vào cơ cấu giải thưởng chính thức.
Có thể thấy danh sách đề cử đã phản ánh khá đúng thị hiếu khán giả Việt khi những bản OST hot nhất năm vừa qua đều lọt top và đến thời điểm hiện tại, đang dẫn đầu về lượt bình chọn như Yêu là tha thu (45% trên tổng số bình chọn), Cô Ba Sài Gòn (18%). Theo sau đó cũng là những cái tên đáng gờm như Lạc nhau có phải muôn đời, Cô gái đến từ hôm qua,…
Cuối cùng, dù là nhạc hay phim được đầu tư một cách nghiêm túc, chỉn chu, với chất lượng nghệ thuật cao, chắc chắn sẽ được đón nhận. Sự lên ngôi của nhạc phim cũng chính là dấu hiệu đáng mừng của cả thị trường nhạc Việt và điện ảnh Việt.