Nhận diện những yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán | Chứng khoán | Vietnam+ (VietnamPlus)
Khách hàng giao dịch tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt. (Nguồn: TTXVN)
Sau những biến cố trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm 2023 với các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.
Vẫn sớm để lạc quan
Trong báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, chủ đề chọn lọc cơ hội, các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng điểm tích cực là thị trường đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023.
Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) thị trường dự phóng cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022), thấp hơn tới 35% so với mức P/E trung bình của thị trường là 14,16 lần trong giai đoạn 2009-2022.
Một điểm cộng quan trọng khác cho năm 2023 là đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay. Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó, thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài.
Mặt khác, kỳ vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được.
SSI kỳ vọng chỉ số VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023 (vùng điểm mục tiêu của VN-Index là 1.160 vào cuối năm). Mặc dù vậy, sẽ có những giai đoạn trong năm chỉ số có thể ghi nhận vùng điểm cao hơn so với ngưỡng mục tiêu kể trên.
Với những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô, SSI kỳ vọng thị trường chứng khoán trong năm 2023 sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022 nhưng còn quá sớm để lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường.
Thị trường chứng khoán sẽ có 3 chủ đề nổi bật trong năm là đầu tư công; Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn; dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch. Thực tế, còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2023 vẫn chưa được giải ngân. Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726 triệu tỷ đồng (khoảng 30,5 tỷ USD), cao hơn mức kế hoạch đã sửa đổi cho năm 2022 là 27,2 tỷ USD.
Câu chuyện thứ hai là kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lưu lượng khách hàng không quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, trong khi Trung Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất của người dân Việt Nam.
SSI kỳ vọng lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi dần dần từ quý 2/2023. Lượng khách quốc tế vào năm 2024 có thể vượt mức của năm 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam.
Thực tế, tuần giao dịch trọn vẹn đầu tiên của năm Quý Mão 2023, từ 30/1-3/2/2023) với thanh khoản gia tăng (trước đó, thị trường giao dịch phiên đầu tiên năm Quý Mão vào thứ 6 ngày 27/1). Điều này cho thấy áp lực bán trong tuần qua đã có sự gia tăng thể hiện việc một bộ phận nhà đầu tư đã tiến hành chốt lời. Dù vậy, giới phân tích vẫn nhận định tích cực về diễn biến thị trường trong thời gian tới.
Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), tuần qua là tuần điều chỉnh mạnh của thị trường, chỉ số VN-Index giảm hơn 40 điểm trong tuần và đóng cửa ở mức 1077,15 điểm. Như vậy, sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm kể từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường đã có tuần điều chỉnh.
Dù vậy, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) vẫn nhìn nhận thị trường đang trong xu hướng phục hồi sau khi đã thoát downtrend (trạng thái của cổ phiếu hoặc thị trường chung giảm xuống các mức thấp hơn trong một khoảng thời gian) nhưng chưa thể tạo uptrend (sự biến động giá thị trường có xu hướng tổng thể đi lên) ngay, thị trường cần một giai đoạn tích lũy chặt chẽ với biên độ hẹp để tạo ra nền tảng vững chắc trước khi có thể tạo ra uptrend mới.
Xét về ngắn hạn SHS cho rằng tuần điều chỉnh vừa qua là có thể dự báo và cần thiết để tích lũy thêm, sóng hồi có thể chưa kết thúc và sau giai đoạn điều chỉnh VN-Index vẫn có thể hướng tới mốc 1.150 điểm.
Giai đoạn hiện tại thị trường vận động trong sóng hồi sau downtrend với biên độ rộng và dần thị trường sẽ dao động giảm dần biên độ để tích lũy. Tuy nhiên, trong giai đoạn hình thành tích lũy, các cơ hội đầu tư trung dài hạn sẽ hình thành ngày càng nhiều hơn, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu mạnh ít chịu ảnh hưởng của downtrend vừa qua và các cố phiếu hồi phục sớm đang có xu hướng vượt đỉnh.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch qua, VN-Index giảm 39,95 điểm xuống 1.077,15 điểm, HNX-Index giảm 5,48 điểm xuống mức 215,28 điểm.
[Kỳ vọng thị trường chứng khoán ‘chuyển mình’ tích cực trong năm 2023]
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 23,1% so với 5 phiên giao dịch trước đó lên mức 66.648 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 25,1% lên 3.646 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 38,6% lên 6.912 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 40% lên 469 triệu cổ phiếu.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự suy giảm.
Nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa, trong đó ngành chứng khoán trong tuần qua điều chỉnh mạnh với các đại diện như HCM giảm 2,9%, SSI giảm 5,7%, SHS giảm 7,2%, VND giảm 7,4%, VCI giảm 8%… Ngành bất động sản cũng điều chỉnh với VHM giảm 9,8%, DXG giảm 5%, NLG giảm 2,8%, KDH giảm 2,5%…
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Nguồn: TTXVN)
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức sụt giảm 4,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do chịu áp lực từ mức giảm của trụ cột trong ngành là FPT giảm 4,6%.
Cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm 4,1% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành là VNM giảm 5%, MSN giảm 6,9%…
Cổ phiếu dầu khí giảm mạnh với 3,8% vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong nhóm này là PVC giảm 10,5%, PVD giảm 7,7%, PVS giảm 6,3%, BSR giảm 5,3%, PLX giảm 2,1%…
Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm 3,1% giá trị và tạo áp lực điều chỉnh mạnh lên thị trường, các đại diện tiêu biểu như VPB giảm 7,4%, ACB giảm 7%, TCB giảm 6,7%, MBB giảm 5,6%, STB giảm 2,3%…
Ở chiều ngược lại, chỉ có nhóm dược phẩm và y tế là tăng nhẹ 1,1%.
Khối ngoại mua ròng trên hai sàn trong tuần qua với 1.809,23 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường chung. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 39,7 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và cổ phiếu STB với lần lượt 13 và 12,9 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, ST8 là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 6,4 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán thế giới tăng điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới diễn biến khá tích cực.
Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán, chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng trong tuần qua và không quá xa mức đỉnh của 5 tháng. Chỉ số Nasdaq Composite tăng tuần thứ năm liên tiếp, giai đoạn tăng điểm kéo dài nhất kể từ cuối năm 2021.
Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,6%, chỉ số Dow Jones giảm 0,15%, và chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,3%.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán hầu hết đều tăng trong phiên ngày 3/2, “theo chân” đà tăng trên số Phố Wall. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất đã bị “lấn át” bởi những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu sau một năm thắt chặt tiền tệ.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 27.509,46 điểm. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,3% xuống 21.672,07 điểm, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,7% xuống 3.263,41 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Wellington, Đài Bắc, Manila, Bangkok và Jakarta cũng đều tăng.
Chứng khoán Mumbai đã ghi nhận mức tăng dù cho tỷ phú Gautam Adani lại gặp phải một cú sốc khác, khiến định giá của tập đoàn mang tên ông “bốc hơi’ hơn 100 tỷ USD kể từ khi xuất hiện một báo cáo cáo buộc tập đoàn Abani “thao túng chứng khoán và gian lận kế toán”./.