Nhận diện “tự diễn biến” trên lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật
(HNM) – Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ, một trong các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”.
1. Biểu hiện cụ thể là sự xuất hiện xu hướng tách rời hoạt động của Đảng, Nhà nước khỏi đời sống của nhân dân. Với biểu hiện này, các bài viết liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường được đưa tin, phản ánh một cách hời hợt, khô khan, thiếu sinh khí, lấy số lượng thay chất lượng, mục đích để “đúng định hướng” một cách hình thức. Hay, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập nhiều vấn đề, nội dung…, nhưng một số tờ báo chỉ khai thác vấn đề, nội dung ở một khía cạnh được họ cho là “giật gân” để rút “tít” câu khách, cắt xén nội dung, nhấn mạnh các vấn đề tiêu cực… chứ không nhằm giới thiệu một cách hệ thống. Hậu quả nguy hiểm là tạo ra các tác phẩm báo chí khiến người đọc nhàm chán, từ đó đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, đổ lỗi cho định hướng của cơ quan chức năng về công tác tư tưởng và sự quản lý nhà nước về báo chí. Cũng nằm trong xu hướng như vậy, một số tờ báo, trang thông tin điện tử, nhà báo còn “lấy lòng cấp trên” bằng bài viết tâng bốc dễ dãi, phản cảm, khiến các thế lực thù địch và một số cá nhân nhân cơ hội đó khai thác, lợi dụng để công kích sự lãnh đạo của Đảng với báo chí.
Không những vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn ra ngay trong những người làm báo. Bởi đối với người làm báo, phê phán cái xấu, chỉ rõ bản chất cái xấu là cần thiết, song một số người dường như có xu hướng khoét sâu, phóng đại hiện tượng tiêu cực; trong khi các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí tập trung công kích nhằm làm mất uy tín các cơ quan chức năng (công an, tòa án), một số người làm báo cũng hùa theo soi mói, công kích, thậm chí bịa đặt, “giăng bẫy” người thi hành công vụ… Thiếu đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo đã vô tình (hay cố tình?) tác động xấu đến xã hội, làm người đọc hoang mang, suy giảm niềm tin vào chính quyền…
Gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh truyền bá quan điểm sai trái và khuyến khích nhiều người lên mạng xã hội để “trao đổi”, “thu nhận” thông tin; dùng báo mạng làm “nóng” các vấn đề của đất nước; đổi trắng thay đen, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng nhằm kích động gây rối, bạo loạn lật đổ. Mắc vào cái bẫy “diễn biến hòa bình”, thời gian qua, một số cá biệt lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên đã bộc lộ tư tưởng báo chí sai trái, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện”, lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết công kích chế độ mà quên đi bổn phận, trách nhiệm công dân và lương tâm người làm báo.
Cùng với báo chí, trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đã và đang diễn ra với những hoạt động, như: Tiếp tục khơi dậy, truyền bá quan niệm mơ hồ về quan hệ giữa văn học – nghệ thuật với chính trị thông qua việc tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của văn học – nghệ thuật để tách lĩnh vực này khỏi chính trị; đề cao và tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân văn nghệ sĩ để kêu gọi tự do sáng tác…, qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học – nghệ thuật. Hơn nữa, nhân danh tiếp cận mới, nhận thức mới để hạ thấp giá trị, thậm chí là để xuyên tạc hoặc phỉ báng một số tác phẩm xuất sắc và một số tên tuổi lớn của văn học – nghệ thuật. Ngoài ra, lợi dụng việc mở rộng giao lưu, tiếp nhận lý thuyết văn học – nghệ thuật của thế giới, một số người đã du nhập quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống của xã hội về vai trò và sự phát triển của văn học – nghệ thuật. Đây là cơ hội để những người có động cơ xấu lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận các giá trị văn học – nghệ thuật ra đời trong thời kỳ cách mạng hoặc sử dụng lý thuyết văn học – nghệ thuật nước ngoài để biện hộ, cổ vũ cho loại sản phẩm không phù hợp với hệ thống tiêu chí tư tưởng và nghệ thuật của văn học – nghệ thuật cách mạng…
2. Để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả những biểu hiện đó cần thực hiện tốt một số giải pháp.
Thứ nhất là, tăng cường và kiên định sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí, văn học – nghệ thuật. Đây là yêu cầu quan trọng nhất. Cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cần tăng cường kỷ luật Đảng đối với cán bộ, đảng viên hoạt động trên lĩnh vực báo chí, văn học – nghệ thuật; kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí, văn học – nghệ thuật. Việc kỷ luật khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam đối với ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tri thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, cần phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực báo chí, văn học – nghệ thuật. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường bồi dưỡng, giáo dục ý thức chính trị thường xuyên, liên tục cho các nhà báo, phóng viên và văn nghệ sĩ. Trên tinh thần đó, các cơ quan báo chí, văn học – nghệ thuật cần tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Chỉ thị 34-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới; Thông báo kết luận 213-TB/TƯ về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”… để qua đó mỗi nhà báo, văn nghệ sĩ nâng cao ý thức chính trị, sáng tác, quảng bá và tuyên truyền báo chí, văn học – nghệ thuật đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, cần quán triệt tình hình thế giới và khu vực cũng như nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam cho những người hoạt động trên lĩnh vực này. Sở dĩ như vậy là vì tình hình thế giới, khu vực hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh, khó phân biệt đúng, sai, phải, trái… Các thế lực thù địch thường lợi dụng tình hình đó để chống phá cách mạng nước ta, tung ra những luận điệu gây hoang mang về nhận thức, tư tưởng, niềm tin của nhân dân, trong đó có đội ngũ nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Do đó, hơn lúc nào hết cần tăng cường tuyên truyền về tình hình thế giới, khu vực, giáo dục về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những nội dung cơ bản trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội… Qua đó, củng cố mục tiêu, lý tưởng cách mạng, khắc phục những biểu hiện mơ hồ, dao động trước diễn biến của tình hình đối với các nhà báo và những người hoạt động văn học – nghệ thuật.
Thứ tư, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ nhà báo, văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh sinh động đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Theo đó, cần tiếp tục tạo điều kiện để các nhà báo, văn nghệ sĩ đi sâu vào đời sống nhân dân, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh nhà báo, văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng,… để họ hăng say làm việc, sáng tạo. Nhà nước tạo mọi điều kiện cho các nhà báo và văn nghệ sĩ thể hiện tài năng, nhưng đội ngũ nhà báo và các văn nghệ sĩ phải thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình để viết và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới.