Nhận diện và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong đời sống đương đại
Nhận diện và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong đời sống đương đại
Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm tôn lên nét đẹp duyên dáng, thanh lịch của người con gái Huế, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, lịch lãm, góp phần tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông. Bên cạnh đó, áo dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là một di sản sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của mảnh đất Cố đô Huế cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại.
1. Áo dài truyền thống: Nhận diện giá trị bản sắc
Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn bó với đời sống của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, áo dài chính thức có từ thời các chúa Nguyễn. Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri từng sống ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của xứ Đàng Trong từ 1618 đến 1622 đã mô tả khá rõ về cách ăn mặc của người phụ nữ Việt vào đầu thế kỷ XVII như sau:
“Bắt đầu từ phái nữ, phải nhận rằng cách ăn mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị”1 .
Vua Hàm Nghi mang áo dài, năm 1899
Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các dải dài bên dưới thắt lưng mà Cristophoro Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen, hay xiêm y, mà người phụ nữ xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp dải lụa may chồng lên nhau. Lớp dải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Từ trang phục này đến chiếc áo dài Huế như hiện nay là một hành trình dài trong việc sáng tạo, thiết kế của người dân xứ Huế qua các giai đoạn lịch sử.
Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hóa trang phục áo dài Huế phải đề cập đến, là vào năm 1744, sau khi lên ngôi vương và quy hoạch, xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách và tiến hành sửa đổi y phục cho toàn xứ Đàng Trong. Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn ghi nhận lại sự kiện này:
“Chúa cho rằng lời sấm có nói: “Tám đời trở lại trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn từ chức Quản bộ đến Chiêm hậu, Huấn đạo; võ từ Chưởng dinh đến Cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bực). Thế là văn vật một phen đổi mới”2 .
Như vậy, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã cho sửa đổi y phục ở Đàng Trong để tạo nên bản sắc riêng cho xứ sở, ngoài Lễ phục dành cho triều đình và quan lại các cấp, thì chúa còn chú ý cải cách cả thường phục để dành cho mọi tầng lớp nhân dân, không kể sang hèn. Chúa đã cho tham trước các kiểu áo dài truyền thống Việt Nam cùng trang phục các dân tộc khác để chế tác thành chiếc áo ngũ thân kiểu “quần chân áo chít” rất độc đáo và mang đậm bản sắc Huế.
Từ đó, chiếc áo dài trên đất Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.
Sang triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đình muốn thống nhất y phục hai miền khởi đầu từ vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), rồi đến các vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị…, nhưng ngại sự tốn kém khó khăn của dân chúng còn nghèo, không buộc phải gấp rút tuân hành. Vào triều vua Minh Mạng (1820 – 1840), nhà vua theo lời tâu xin của sĩ phu Bắc Hà, năm 1827, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục theo như kiểu thức của dân chúng từ sông Gianh trở về Nam. Từ thời điểm này áo dài ngũ thân, cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua xuống dụ:
“Nhà nước ta cõi đất hợp một, chính trị, phong tục há nên có khác? Tháng trước các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống dụ này: Các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: Phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa “vâng theo phép vua”3 .
Sau khi dụ của vua Minh Mạng được tuyên cáo toàn dân, khiến dân tình xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca: “Tháng Tám có chiếu vua ra. Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?”. Nhưng chính hành động quyết liệt của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho không chỉ đàn ông mà toàn bộ phụ nữ Việt Nam nói chung được mặc áo dài thường xuyên, từ đó đi vào nền nếp trong đời sống hàng ngày. Cũng từ đây, trang phục áo dài ngũ thân lan tỏa ra khắp cả nước để trở thành “Quốc phục” của người Việt Nam.
Michel Đức Chaigneau, một người mang hai dòng máu Pháp – Việt từng sống ở Huế gần một phần tư thế kỷ, lại có điều kiện gần gũi triều đình cho nên những trang hồi ức của Michel Đức Chaigneau trong cuốn Souvenirs de Hué (Cochinchine) ấn hành tại Paris năm 1867 đã thể hiện một cách sinh động về cuộc sống, phong tục tập quán, trang phục, những cuộc tiếp xúc, những biến động ở Huế đầu thế kỷ XIX. Trong cuốn sách này, Michel Đức Chaigneau đã miêu tả về y phục của người phụ nữ ở Kinh đô Phú Xuân và vùng phụ cận như sau: “Vợ của những người buôn bán hay viên chức nhỏ, ăn bận thật tầm thường: Áo dài ngắn vải sợi màu đen hay đà, quần lụa đen hay vải sợi trắng…”4 . Điều đó cho chúng ta thấy vào thời điểm này, việc mặc áo dài trở nên phổ biến trong đời sống người dân xứ Huế, bất kể phụ nữ hay đàn ông đều mặc áo dài.
Trình diễn trong Ngày hội áo dài Huế – Ảnh: NSNA Phạm Bá Thịnh
Chiếc áo dài Huế được may thêu tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những con người xứ Huế từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa, tinh thần độc đáo không thể thiếu cho những ai mỗi khi đến Huế. Người phụ nữ Huế thừa hưởng tính cách nhẹ nhàng, đằm thắm mang đặc trưng của vùng đất một thời là Kinh đô của đất nước. Đó là vẻ đẹp truyền thống với những nét dịu dàng, e ấp của cô gái Huế trong tà áo dài tím vẫn còn nguyên vẹn và có sức lay động lòng người. Nhà nghiên cứu Lê Văn Hảo từng lý giải rằng: “Chiếc áo dài Việt Nam vừa trang trọng kín đáo vừa có giá trị thẩm mỹ tạo hình độc đáo làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình của người mặc. Còn chiếc áo dài Huế do dáng đi khoan thai, dáng đứng ngồi đoan trang của người phụ nữ Huế càng trở nên mềm mại uyển chuyển duyên dáng. Đây là kiểu áo dài vải phải không phết gót mà không ngắn đến đầu gối, cổ cao vừa phải, eo áo cũng thắt đáy lưng ong vừa phải, vải hay lụa dùng màu tuyền trắng hay tuyền đen, hoặc những màu nhẹ như xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, tím phớt, xám nhạt, có khi được điểm xuyết bằng vài đóa hoa, chiếc lá hay hình chữ cách điệu thêu bằng chỉ màu nhạt hay đậm hơn màu áo một tí. Chiếc áo dài màu trắng hay màu nhạt nhẹ ấy đi với chiếc quần trắng và chiếc nón bài thơ. Đó là cách trang phục Huế thích hợp nhất với thiên nhiên phong cảnh và dáng dấp con người Huế”5 .
Như vậy, chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh. Có lẽ cũng kể từ đó, phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình. Còn với nam giới thì chiếc áo dài ngũ thân là trang phục thường xuyên không chỉ trong các nghi thức lễ lạc quan trọng mà còn trong cả đời sống thường nhật. Tuy nhiên, áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng, thậm chí, chiếc áo dài ngũ thân nam giới đã gần như mất hẳn sau khi người Pháp vào Đông Dương mang theo quần Âu, áo sơ mi, comple và những biến cố trong chiến tranh, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chỉ còn lại những chiếc áo thụng, áo tấc xuất hiện trong các nghi lễ tế tự, cúng giỗ của các đình làng, nhà họ, gia đình…, vì vậy rất nhiều người không biết áo dài ngũ thân nam truyền thống là gì.
2. Công cuộc phục hưng và tôn vinh áo dài truyền thống
Mãi từ năm 1986 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài Huế mới dần dần được hồi sinh với diện mạo mới, nhất là áo dài của nữ giới. Đến nay, áo dài Huế vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân nên chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả là không có một mẫu áo dài nào bất biến, càng không thể có một mẫu áo dài chỉ dành riêng cho xứ Huế. Nhiều nhà tạo mẫu áo dài xuất hiện khắp trong Nam, ngoài Bắc và ở hải ngoại. Họ tiến hành cách tân, sáng tạo nhiều kiểu áo dài mới lạ, hấp dẫn. Áo dài có màu sắc và các họa tiết được thiết kế, phối hợp rất tinh tế tạo cảm giác nhã nhặn, đằm thắm nhưng vẫn không kém phần trẻ trung. Tuy nhiên, hiện nhiều phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng truyền thống mà giá trị của nó đã được chắt lọc qua thời gian. Áo dài có thể cách tân cho phù hợp với hơi thở của thời đại nhưng cũng cần phải mặc đúng nơi, đúng giá trị truyền thống để tôn vinh được nét đẹp đằm thắm, dịu dàng và đoan trang của người phụ nữ xứ Huế.
Đi khắp nẻo đường xứ Huế, từ thành phố đến nông thôn, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc áo dài với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú của các mệ, các cô, các chị và các em học sinh… Áo dài làm tôn lên được tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, ứng xử. Đặc biệt, hình ảnh những nữ sinh Huế với tà áo dài trắng, áo dài tím đạp xe trên phố đã đi vào thi ca nhạc họa với vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, tinh khôi. Cũng chính vì lẽ đó mà chiếc áo dài xứ Huế đã trở thành hình ảnh gắn bó với đời thường và trong các dịp lễ, tết của người Huế. Những chiếc áo dài được cắt may, thêu thùa tinh tế và sắc sảo bởi đôi tay tài hoa của người thợ xứ Huế đã để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát huy một nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.
Có thể nói, cuộc sống ngày càng phát triển và luôn đổi thay từng ngày. Dù nhu cầu và phong cách thời trang thay đổi theo con người của thời đại, nhưng chiếc áo dài vẫn sẽ là trang phục truyền thống tượng trưng cho người phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mà không có một trang phục nào khác trong tương lai có thể thay thế được. Hình ảnh người phụ nữ xứ Huế duyên dáng với tà áo dài sẽ mãi mãi để lại sự ấn tượng sâu sắc cho những du khách trong và ngoài nước và nó luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người phụ nữ. Bên cạnh đó, Cố đô Huế cũng đang nỗ lực phục hồi trang phục Áo dài nam truyền thống. Chiếc áo ngũ thân trang nhã, lịch lãm đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các diễn đàn quan trọng như các nghi lễ ngoại giao, các hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, du lịch… Vậy nên, trong một ngày không xa nữa, Huế sẽ gắn liền với hình ảnh của bộ “Quốc phục” – Áo dài truyền thống Việt, xứng đáng với thương hiệu “Kinh đô Áo dài Việt Nam”.
Hiện nay, cần phải làm gì để tiếp tục tôn vinh, phát huy các giá trị của áo dài, đưa chiếc áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ và đàn ông xứ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và sự duyên dáng, lịch lãm của người dân Cố đô? Đồng thời, việc tìm ra những ý tưởng và các giải pháp phát triển thương hiệu áo dài Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của địa phương luôn là điều trăn trở của lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai cuộc vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống trong các cơ quan, công sở, trường học và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện chủ trương miễn phí tham quan hoàn toàn cho đối tượng phụ nữ là du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan các điểm di tích tại Cố đô Huế, việc làm này nhằm khuyến khích và tôn vinh phụ nữ mặc áo dài truyền thống.
Hình ảnh áo dài Huế đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của miền núi Ngự, sông Hương. Trong các kỳ Festival Huế (năm chẵn), Festival nghề truyền thống Huế (năm lẻ) không thể không nhắc đến Lễ hội áo dài – một trong những chương trình chính thức, mang đậm chất văn hóa Huế đã góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt này. Trải qua 10 kỳ Festival Huế, lễ hội áo dài diễn ra với các chủ đề khác nhau đã mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm tuyệt vời về chiếc áo dài truyền thống Huế.
Vào ngày 8/7/2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức thành công Hội thảo “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Tại Hội thảo, các nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nhà thiết kế – may mặc đã trao đổi, thảo luận, góp ý mang tính lý luận và khoa học cao nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”, đưa Áo dài đến gần hơn trong cộng đồng. Sau hội thảo, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo dài truyền thống, ngày 10/7/2020, ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đón tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho phía đối tác. Hành động này vừa góp phần quảng bá áo dài ngũ thân nói chung và áo dài của nam giới nói riêng, khẳng định rõ nét hơn bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”.
Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”, và trước mắt là xây dựng đề án tổ chức Ngày hội Áo dài, định kỳ tổ chức hàng năm. Từ ngày 18 đến 20/12/2020 tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng với quyết tâm của Tỉnh, sự ủng hộ của người dân, chương trình đã diễn ra rất thành công, khẳng định “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Đồng thời, góp phần truyền cảm hứng, tình yêu áo dài đến với công chúng ở trong nước và quốc tế. Ngày hội lần này là dịp chuẩn bị cho các lễ hội áo dài năm 2021 và những năm tiếp theo.
Để áo dài truyền thống luôn được bảo vệ và phát huy các giá trị trong cuộc sống hiện nay cần tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ khoa học “Nghề may đo áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm đánh giá những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học… của nghề may đo áo dài truyền thống. Đây cũng là yếu tố cần thiết để nghề may đo áo dài truyền thống đủ điều kiện tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ với việc gìn giữ và phát huy giá trị áo dài truyền thống. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa về di sản áo dài truyền thống. Khuyến khích các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức hoặc định kỳ phát sóng các chương trình giới thiệu quảng bá về áo dài truyền thống đến công chúng trong và ngoài nước. Nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân trong lĩnh vực may đo áo dài truyền thống Huế nhằm bảo tồn, phục hồi và phát triển ngành nghề này, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch.
Có thể nói, áo dài truyền thống là niềm tự hào của cộng đồng, vì thế phải được cộng đồng thể hiện trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị trong đời sống đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị áo dài truyền thống không phải chỉ dựa vào nỗ lực của một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải có sự nỗ lực của các cơ quan ban ngành, nhà khoa học, nghệ nhân và của cộng đồng xã hội, có như vậy giá trị di sản Huế nói chung và áo dài truyền thống nói riêng mới luôn được tỏa sáng và lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Áo dài Huế sẽ góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế đúng với tinh thần Nghị quyết số 54 NQ/TW của Bộ Chính trị.
———————–
1. Cristophoro Borri (2016), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú giải, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.54 – 55.
2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, tr. 153.
3. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6 (Quyển 69 – Quyển 95), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.216 – 217. 5/12/2021
4. Lê Đức Quang (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.245.
5. Lê Văn Hảo (1984), Huế giữa chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 210.
Tài liệu tham khảo:
1. Cristophoro Borri (2016), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, chú giải, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
2. Lê Văn Hảo (1984), Huế giữa chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6 (Quyển 69 – Quyển 95), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
4. Lê Đức Quang (2016), Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, Bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo dục.