Nhận diện văn hóa Nam Bộ
Mục lục bài viết
Nhận diện văn hóa Nam Bộ
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ
1.Tính cách văn hóa người Việt Nam Bộ như một hệ thống / Trần Ngọc Thêm
Tóm tắt: Có không ít người đã bàn về tính cách văn hoá người Việt Nam Bộ, song đều là những nhận xét rời rạc, cảm tính, do vậy còn thiếu sức thuyết phục. Bài này nhằm chỉ ra tính hệ thống của các tính cách ấy trong giới hạn không gian là vùng Nam Bộ với trọng tâm là miền Tây, và giới hạn thời gian chủ yếu là từ khi người Việt khai phá Nam Bộ (tk. XVII) cho đến giữa tk. XX (những sự kiện xảy ra trước tk. XVII hoặc thuộc giai đoạn hiện đại có nhắc đến là để so sánh đối chiếu).
2.Con người Nam Bộ qua tư liệu văn học / Phạm Tiết Khánh
Tóm tắt: Thiên nhiên Nam Bộ với đặc trưng sông nước, miệt vườn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn phóng khoáng của con người Nam Bộ. Trong văn học, mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên dù ở giai đoạn nào, bộ phận văn học nào cũng được quan tâm với những phát hiện độc đáo. Bài viết nhận diện con người Nam Bộ trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên của vùng Nam Bộ qua tư liệu văn học, bao gồm cả văn học dân gian và văn học viết, đặc biệt là bộ phận văn học dân gian của người Khmer Nam Bộ
Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Online – 2022 – no.600 – tr.90-93 – ISSN.0866-8655
3.Ghe xuồng trong ca dao của vùng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ – Tiếp cận từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng /Nguyễn Đăng Khánh
Tóm tắt: Nằm ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc, Tây Nam Bộ mang trong mình hình ảnh của nền “văn minh kênh rạch”, với biểu tượng ghe xuồng ghi đậm dấu ấn đời sống văn hóa – ngôn ngữ suốt bao đời qua. Từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng, qua khảo sát 2462 câu ca dao Nam Bộ, chúng tôi đã xác định được 9 ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng. Đó là ý nghĩa biểu tượng về đời sống vật chất gắn với những nét khắc nghiệt và hoang dã của thiên nhiên thời mở cõi hoặc nét thanh bình, no đủ của đời sống cư dân nơi đây. Đó còn là ý nghĩa biểu tượng về đời sống tinh thần phong phú với nét hào sảng của tình yêu quê hương đất nước hay vẻ chân chất, bộc trực của tình yêu lứa đôi, hoặc khí phách hào hiệp, tính cách phóng khoáng cùng những nét vất vả mưu sinh của những phận đời lênh đênh chìm nổi theo con nước lớn ròng. Đó cũng là những vẻ đẹp giá trị của một bản sắc, một biểu tượng mà nền văn hóa sông nước Nam Bộ đã sản sinh.
Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn – 2019 – no.66 – tr.23-36 – ISSN.1859-3208
4.Những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam / Nguyễn Hữu Thức
Tóm tắt: Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam chính là đặc điểm nổi bật, thuộc tính riêng của nền văn hóa khi ta đặt nó so sánh với các nền văn hóa khác trong khu vực và quốc tế. Vận dụng cách tiếp cận địa lý – lịch sử, những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam kết tinh thành quả lao động, đấu tranh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, gồm: Nền văn hóa hình thành từ nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước ở miền sông nước và biển đảo; đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống; đậm tính cộng đồng, tự trị của văn hóa làng xã; thấm đậm, bao trùm tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia – dân tộc; đề cao nữ quyền; trọng nông, xa rừng, nhạt biển; đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng; nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại
Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa & Phát triển Online – 2021 – ISSN.
5.Biểu tượng các dòng sông và tên sông trong văn hóa Việt Nam (trường hợp sông Cửu Long) = Symbols of rivers and river names in Vietnamese culture (the case of the Mekong River) / Lý Tùng Hiếu;
Tóm tắt: Trên cơ sở các lý thuyết nghiên cứu biểu tượng văn hóa và khái niệm biểu tượng văn hóa gắn với địa danh, bài viết phân biệt hai đối tượng nghiên cứu: sông Cửu Long từ góc nhìn địa lý và địa danh, và tính biểu tượng của sông Cửu Long và tên sông Cửu Long từ góc nhìn văn hóa học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bất kể nguồn gốc ngoại sinh cũng như sự khác biệt giữa tên sông và thực địa, sau hơn ba thế kỷ đồng hành, sông Cửu Long và tên sông Cửu Long đã in dấu đậm nét vào các hoạt động văn hóa của cư dân Nam Bộ, phản ánh quan niệm, tâm tư, tình cảm mến yêu đất nước quê hương của người Việt Nam Bộ. Người Việt Nam Bộ không chỉ khai thác sông cửu Long để sinh tồn, mà còn thiêng hóa dòng sông và tên sông ấy bằng tôn giáo, lễ hội, văn học, nghệ thuật, lời ăn tiếng nói. Điều đó cũng xảy ra đối với những dòng sông và tên sông của các tộc người khác và ở các vùng đất khác của Việt Nam.
Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa học (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) – 2022 – no.1 – ISSN.1859-4859
6.Về tín ngưỡng của cư dân vùng Tây Nam Bộ / Phạm Tiết Khánh
Tóm tắt: Vùng đất Tây Nam Bộ hay còn gọi là đồng bằng Sông Cửu Long được kiến tạo bởi các thế hệ cộng đồng cư dân khai hoang mở cõi từ thời hoang vắng, hiểm trở, chưa có dấu chân người cách đã vài trăm năm. Các cộng đồng cư dân, do hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã có mặt tại vùng đất này vào những thời điểm khác nhau, chủ yếu là các tộc người Khmer, Việt, Hoa, trong đó người Việt đóng vai trò chủ thể cho sự phát triển vùng đất. Trên các không gian sinh tồn của vùng đất mới, cư dân Tây Nam Bộ đã lựa chọn, phát triển các phương thức sinh kế thích hợp, như làm nông, làm ngư, làm nghề thủ công…, như một sự thích nghi với bối cảnh môi sinh. Các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội của cư dân Tây Nam Bộ cũng được hình thành và phát triển trên nền cảnh đó.
Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Online – 2021 – no.470 – ISSN.0866-8655
7.Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới – một số kết quả rút ra từ nghiên cứu thực tiễn / Lã Thị Thu Thủy
Tóm tắt: Trình bày kết quả chắt lọc từ đề tài nghiên cứu “Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới”, thuộc Chương trình phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, do Viện Tâm lý học chủ trì thực hiện. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 11 năm 2020. Nghiên cứu thực tiễn đã tiến hành khảo sát 1.731 người dân (là lực lượng lao động chính của hộ gia đình) trên địa bàn 8 tỉnh/thành phố thuộc vùng Tây Nam Bộ, 682 sinh viên đang học tại trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Tây Nam Bộ và phỏng vấn sâu 164 cá nhân. Kết quả nghiên cứu đã nhận diện được những bản sắc tích cực của con người Tây Nam Bộ, thể hiện trong mối quan hệ xã hội, trong lao động sản xuất, trong quan hệ với môi trường tự nhiên và trong đời sống cá nhân. Bên cạnh đó, một số bản sắc chưa tích cực, cần cải biến để phát triển cũng được đề cập tới trong bài viết này.
Nguồn trích: Tạp chí Tâm lý học – 2021 – no.11 – tr.3 – 13 – ISSN.1859-0098
8.Mấy nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ / Đặng Thế Đại
Tóm tắt: Cư dân Nam Bộ chủ yếu là người Việt, nhưng cũng có nhiều dân tộc khác như Khmer, Hoa, Chăm… cùng sinh sống bên nhau, đều tham gia ngay từ sớm vào quá trình khai phá vùng đất này, cùng góp phần xây dựng nên diện mạo Nam Bộ hôm nay về mọi mặt. Khi tiến vào Nam, người Việt một mặt bắt đầu tách xa hơn khỏi thế giới Trung Hoa, tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn khác – phi Hoa, khiến họ cởi mở và năng động hơn về mọi phương diện, trong đó có tín ngưỡng, và mặt khác, dường như có một xu hướng ngược lại: một sự trở về văn hóa cổ Đông Nam Á cội nguồn. Bài báo này phân tích những hiện tượng giao thoa tín ngưỡng giữa các dân tộc, như: các tín ngưỡng Ông Tà, Quan Đế, Thiên Hậu và cùng sự nổi trội trên vùng đất Nam Bộ dấu ấn của các tín ngưỡng cổ Đông Nam Á(thờ đất, thờ đá, thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt…) qua các tín ngưỡng Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thành hoàng, Ngũ Hành, Chủ Ngu Ma Nương,… – những tín ngưỡng góp phần làm phong phú và nổi bật hơn tâm thức của người Việt.
Nguồn trích: Tạp chí Nghiên cứu Tôn Giáo – 2017 – no.10 – tr.94-114 – ISSN.1859-0403
9.Triết lý nhân sinh trong đờn cà tài tử Nam bộ / Đặng Trường Sơn; Nguyễn Thị Mỹ Hòa
Tóm tắt: Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật ca nhạc thính phòng hình thành cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này, trình bày sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của đờn ca tài tử Nam bộ, bước đầu nêu lên những triết lý nhân sinh tiêu biểu trong đờn ca tài tử Nam bộ.
Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Cần Thơ – 2014 – no.4 – ISSN.1859-025X
10.Tri thức tộc người trong khai thác tự nhiên của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long = Ethnic knowledge in the natural exploitation of viet people in the Mekong Delta / Lê Thị Mỹ Hà;
Tóm tắt: Người Việt có mặt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ khá sớm và cùng với các tộc người khác khai phát, xây dựng nơi đây thành một vùng trù phú. Trong quá trình đó, bên cạnh việc sản xuất, cư dân Việt còn khai thác các sản vật sẵn có trong tự nhiên của khu vực này bằng những tri thức truyền thống được tích lũy qua nhiều đời. Bằng nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập qua khảo sát thực tế và các tài liệu thứ cấp, bài viết trình bày một cách cụ thể việc vận dụng hệ tri thức tộc người trong khai thác tự nhiên của người Việt qua các hoạt động khai thác động vật trên cạn, loài lưỡng cư; khai thác thực vật và đánh bắt cá ở sông, rạch, ao, đìa… tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây và hiện nay, và xem đây như là yếu tố đặc trưng trong hoạt động sinh kế của tộc người này nói riêng và các tộc người khác nói chung ở khu vực này.
Nguồn trích: Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh – 2021 – no.2 – tr.62-74 – ISSN.1859-0136
11.Đặc điểm định danh của từ chỉ tên gọi tôm cá vùng Đồng bằng sông Cửu Long = The identifiers of the class names indicating fish and shrimps in the Mekong delta / Trần Hoàng Anh; Đặng Thanh Hải;
Tóm tắt: Bài viết tập trung miêu tả, phân tích đặc điểm định danh của lớp từ chỉ tên gọi tôm cá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua thống kê, miêu tả, phân tích, chúng tôi chỉ ra đặc điểm định danh của lớp từ này. Trên cơ sở đó, bài viết khái quát các đặc điểm ngôn ngữ – văn hóa biểu hiện qua đặc điểm định danh tên gọi tôm cá vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng góp phần làm rõ thêm đôi nét về văn hóa – ngôn ngữ của cư dân nghề cá nơi đây.
Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Đồng Tháp) – 2021 – no.6 – tr.64-69 – ISSN.0866-7675
12.Tinh thần Phật học trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ / Nguyễn Viên Thông
Toám tắt: Đạo Phật xuất hiện ở nước ta từ rất sớm, có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Dù đã trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử phát triển đất nước, Phật giáo vẫn nắm vai trò quan trọng chủ đạo và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người Việt. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của dân tộc Việt, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong đó, sân khấu cải lương ảnh hưởng từ Phật giáo rõ nét nhất. Điều đó cũng dễ hiểu vì nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp có khả năng phản ánh hiện thực, đời sống sinh hoạt của nhân dân một cách rõ nét nhất. Phật giáo trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức trong xã hội, thông qua các tác phẩm nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu cải lương nói riêng.
Nguồn trích: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Online – 2019 – no.473 – ISSN.0866-8655
13.Tính cách người Nam Bộ – Dấu ấn đặc sắc trong du ký Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX / Võ Thị Thanh Tùng;
Tóm tắt: Nằm trong dòng chảy chung của du kí Việt nam, du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX đã có những đóng góp nhất định vào quá trình hiện đại hóa nền dân tộc trong giai đoạn này. Du kí Nam Bộ nói riêng, du kí Việt Nam nói chung có chức năng gắn kết những con người ở nhiều vùng miền khác nhau, mở ra cho họ một chân trời tri thức mới hết sức phong phú và bổ ích. Khắc họa tính cách con người Nam Bộ là một trong những nội dung đặc sắc của du ký Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX
Nguồn trích: Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM – 2013 – no.44 – tr.138-146 – ISSN.1859-3100
14.Môi trường văn hóa và diện mạo mới của văn hóa Nam Bộ / Lý Tùng Hiếu
Tóm tắt: Từ các góc nhìn địa văn hóa, hệ thống và dân tộc-ngôn ngữ học bài viết xem xét những tác động của hai nhân tố địa lý tự nhiên và giao lưu văn hóa đối với sự biến đổi văn hóa truyền thống Việt Nam trên địa bàn Nam Bộ. Điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng, phối hợp với ảnh hưởng chi phối của văn hóa Việt, đã làm phát triển ở đây một truyền thống văn hóa đồng bằng song hành với văn hóa biển. Điều kiện giao lưu văn hóa sôi động đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa của tất cả các tộc người nơi đây, kể cả văn hóa Việt. Do đó để có thể hiểu đúng, lý giải đúng sự hình thành, biến đổi văn hóa tộc người và văn hóa vùng Nam Bộ, trước hết cần xem xét sự tác động của hai nhân tố ấy đối với các chủ thể văn hóa tộc người và các hoạt động văn hóa của họ ở nơi đây.
Nguồn trích: Tạp chí Phát triển KH&CN – 2015 – no.X4 – ISSN.1859-4794
15.Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long – nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam Bộ / Ngô Văn Lệ;
Tóm tắt: Người Việt trong quá trình chinh phục miền đất mới – vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã cùng với các tộc người anh em không chỉ biến vùng đất một thời hoang hóa thành một đồng bằng phì nhiêu, vựa lúa quan trọng của cả nước, mà còn sáng tạo một phức hợp văn hóa trên nền tảng kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống. Quá trình mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền là quá trình thích nghi và sáng tạo của người Việt trong môi trường mới. Cũng chính quá trình cộng cư và chinh phục vùng đất mới đã hình thành vùng văn hóa Nam Bộ với những khác biệt trong so sánh với các vùng văn hóa khác ở Việt Nam, mà có nhà nghiên cứu gọi là ‘văn minh miệt vườn” , “văn minh sông nước”. Khi nói tới Nam Bộ là nói tới vùng sông nước, những cộng đồng dân cư nơi đây đã biết khai thác một cách có hiệu quả những yếu tố sông nước không chỉ làm nên nét văn hóa riêng, mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Chợ “nổi” gắn liền với hoạt động “thương hồ” – một hoạt động kinh tế mang đậm dấu ấn của một vùng văn hóa, đã làm nên nét văn hóa riêng của vùng Nam Bộ. Bài viết của chúng tôi trình bày về chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long – nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam Bộ.
Nguồn trích: Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ – 2014 – no.X3 – tr.5-14 – ISSN.1859-0128
16.Bước đầu tìm hiểu đời sống tâm linh trong du ký Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX / Võ Thị Thanh Tùng
Tóm tắt: Du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX không chỉ ghi lại những ấn tượng đặc sắc về phong tục tập quán mà còn là kho tư liệu quý giá về đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ cách đây khoảng một thế kỉ. Như một lẽ tự nhiên, tôn giáo, trong đó có đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh trong du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX
Nguồn trích: tạp chí Khoa học -Trường ĐHSP TPHCM – 2017 – no.2 – tr.78-88 – ISSN.1859-3100
17.Từ thiện xã hội của Phật giáo Hòa Hảo: Một hình thái phát triển từ cơ sở tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long = Social philanthropy of Hoa Hao Buddhism: A form of grassroots development in the Mekong Delta / Võ Duy Thanh;
Tóm tắt: Xã hội Việt Nam đang biến đổi không ngừng trong quá trình toàn cầu hóa, với luận điểm về thế tục hóa, một số nhận định cho rằng một tôn giáo truyền thống như Phật giáo Hòa Hảo sẽ không thể phát triển hoặc chỉ tồn tại trong khoảng không gian tôn giáo hạn hẹp ở thời hiện đại. Song, sự trỗi dậy các hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo này khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh trái ngược luận điểm của các học giả trước đó. Thực tế cho thấy, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đương đại rất thành công trong những sáng kiến cải thiện phúc lợi xã hội cho người nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt là các dịch vụ xã hội đạt tiêu chuẩn cao, hiệu quả, minh bạch, thích nghi với hiện đại, hành động phù hợp trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của xã hội ngày nay, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vẫn giữ vững các giá trị truyền thống của một tôn giáo nội sinh ở vùng đất Nam Bộ. Tôn giáo này đã giúp giải quyết những nhu cầu cấp bách của xã hội, tăng cường lấp đầy những khoảng trống dịch vụ xã hội, làm nổi bật quan điểm tôn giáo về trách nhiệm xã hội đối với đất nước, thể hiện mô hình phát triển từ cơ sở rất riêng và độc đáo của một tôn giáo nội sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn trích: tạp chí Dân tộc học – 2022 – no.01 – tr.113 – 125 – ISSN.0866-7632