Nhận định một số xu hướng trong thời gian tới đối với ngành du lịch Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)

Tóm tắt
Du lịch là một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới và là động lực tăng nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay bị tác động rất lớn bởi quá trình hội nhập hóa, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, mà điển hình gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam, đặc biệt là tác động trực tiếp đến hành vi, quyết định đi du lịch của du khách, đưa toàn ngành du lịch vào thế phải không ngừng thay đổi để thích nghi và đáp ứng được các nhu cầu về du lịch trong tình hình mới. Tác giả, với cách nhìn nhận về bối cảnh chung như vậy, thông qua chuyên đề đưa ra một số nhận định về xu hướng du lịch trong và ngoài nước hiện nay ở Việt Nam. Các nhận định xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của khách du lịch, hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các công ty, đơn vị làm du lịch, cùng với đó là các chính sách ưu tiên trước mắt của nhà nước nhằm phát triển du lịch ở Việt Nam phù hợp xu hướng chung của du lịch trên thế giới.
Từ khóa: Covid-19, phát triển du lịch, xu hướng phát triển, du lịch Việt Nam, du lịch Quốc tế.
1. MỞ ĐẦU
Ở Việt Nam và các nước trên thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp có tính liên kết với nhau trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, môi trường…
Vì dịch Covid-19, theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm từ 4.9 % đến 5.2 % [12]. Trong lĩnh vực du lịch, yếu tố này cũng được dự đoán và ghi nhận. Với lượng khách quốc tế năm 2019 là hơn 1.4 tỷ lượt, du lịch đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, trong năm 2020 dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng trên. Số lượng khách du lịch giảm khoảng 60-80%, ngành du lịch thế giới đã thiệt hại khoảng 3.3 nghìn tỷ USD (tương đương 4.2% tổng GDP toàn cầu). Tại Việt Nam, thời gian qua với sự ổn định về chính trị góp phần cho kinh tế, xã hội và du lịch phát triển, nhưng dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến du lịch Việt Nam. Năm 2019, mức tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 7,02%, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011[2]. Riêng đối với ngành Du lịch, năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu du khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), tốc độ tăng trưởng trung bình về khách du lịch quốc tế trong 4 năm từ 2016-2019 đạt khoảng 22%. Tuy nhiên, năm 2020, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 2.5%, mức tăng trưởng của ngành Du lịch có thể giảm từ 65-75%.
Thực trạng khó khăn chung hiện nay không những ở các nước phát triển mà còn diễn ra hầu hết ở các quốc gia có nền du lịch đang phát triển, chưa phát triển, từ các điểm đến du lịch nổi tiếng hàng năm thu hút hàng trăm triệu lượng khách du lịch, đến những nơi đơn thuần chỉ là những vị khách vãng lai, ít người biết đến…, thì hiện nay hầu như không có sự hiện diện của họ. Vấn đề đặt ra cho mỗi điểm đến, các đơn vị, cá nhân làm du lịch, nhà quản lý… phải làm sao vừa ứng phó với thực trạng trên, vừa phục hồi và nâng cao chất lượng điểm đến đảm bảo sự an toàn, thỏa mãn được nhu cầu du lịch cho du khách là hết sức cần thiết. Hiện nay, khi mà các quốc gia, các điểm đến ở Việt Nam và trên thế giới hầu như đang hạn chế việc đi lại cũng như hạn chế đón khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào vì Covid-19, việc tập trung bao gồm các cơ quan nhà nước và cả đối với các bên liên quan cùng vào cuộc, khắc phục các thiệt hại về vật chất cũng như nâng cao về chất lượng chuyên môn người làm du lịch rất được quan tâm, cùng với đó là định hình lại chính sách phát triển du lịch, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh du lịch trong thời gian tới.
Với quan điểm như trên, bài viết nhằm chú trọng vào các nội dung như: Phân tích thực trạng hiện nay về phát triển du lịch trong nước và quốc tế trong sự phát triển chung của nền kinh tế; nêu ra một số nhận định về xu hướng du lịch trong nước và quốc tế hiện nay trong tình hình mới do tác động của dịch Covid-19.
2. THỰC TRẠNG CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. Nhận định chung du lịch trên thế giới
Cho đến nay, nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ khó khăn, đặc biệt là đối với ngành du lịch do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2019, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu nhất trong 10 năm kể từ khủng hoảng tài chính 2009. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng 0.2% đối với năm 2019 và 2020 xuống còn 2.4% và 2.5%. Trong khi, tăng trưởng thương mại được dự báo cải thiện từ 1.4% năm 2019 (thấp nhất kể từ giai đoạn 2008-2009) lên 1.9% trong năm 2020 [11].
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2019 đã vượt mốc 1,4 tỷ lượt khách, tăng khoảng 80 triệu lượt so với năm 2018. Năm 2019, tổng lượng khách du lịch toàn cầu dự kiến tăng khoảng 6% so với năm 2018. Dự báo đến năm 2023, số lượng khách du lịch đạt khoảng 1.5-1.6 tỷ lượt, năm 2030 khoảng 1.8 tỷ lượt, và khi đó Đông Bắc Á sẽ là khu vực thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất với 293 triệu lượt, vượt qua khu vực Nam Âu, Địa Trung Hải (264 triệu lượt) và Tây Âu (222 triệu lượt). Trong đó, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt. Về thị trường khách du lịch quốc tế, đến năm 2030, nguồn khách xuất phát từ Châu Âu sẽ đạt 832 triệu lượt, tiếp theo là Châu Á và Thái Bình Dương (541 triệu lượt), Châu Mỹ (265 triệu lượt), Châu Phi (90 triệu lượt) và Trung Đông (81 triệu lượt). Đa phần số lượng khách du lịch quốc tế xuất phát từ nội vùng với 1.4 tỷ (78%) so với 0.4 tỷ (22%) từ các vùng khác.
Cũng theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích thăm hỏi, sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Trong đó, nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới đều bị hấp dẫn bởi giá trị văn hoá truyền thống, giá trị về tự nhiên, giá trị sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cao… Hiện nay, xu hướng già hoá dân số, nhu cầu về chất lượng cuộc sống, du lịch, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe càng ngày càng được chú trọng và đòi hỏi được đáp ứng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng, dần dần trở nên phổ biến hơn và có sự phân khúc thị trường để đáp ứng được các nhu cầu đó. Bên cạnh đó, để đáp ứng được nhu cầu du lịch hiệu quả, không bị rào cản về khoảng cách, rút ngắn thời gian đi lại, về phương tiện vận chuyển khách cũng được du khách đặc biệt quan tâm, và hiện nay sự phát triển của các hãng hàng không đã làm cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn cũng như tiếp cận được những dịch vụ cao mà phải bỏ chi phí rẻ hơn so với trước. Theo dự báo đến năm 2030, phương tiện đi lại bằng đường hàng không vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, chiếm 52% so với 48% các phương tiện mặt đất.
Đối với ngành Du lịch Thế giới nói chung và ngành Du lịch Việt Nam nói riêng, việc phát triển bền vững được xem là yêu cầu tất yếu và bức thiết trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Phát triển bền vững mang lại giá trị vô cùng to lớn đối với nền kinh tế cũng như cuộc sống nhân loại, trong đó có tính liên kết mật thiết đối với các ngành nghề khác nhau… góp phần vào việc bảo tồn các giá trị về văn hoá, tự nhiên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định về chính trị ở khu vực và trên Thế giới… cũng do tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách, trong đó du lịch xanh, du lịch đại chúng truyền thống, du lịch sinh thái, di sản, văn hoá, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập kỷ tới. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới coi du lịch là một trong những cách thức nhằm thực hiện hoá 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cùng với đó, xu hướng đi du lịch tại các nơi có môi trường tự nhiên của điểm đến càng trong lành, đảm bảo an toàn ngày càng nhiều hơn, thậm chí họ sẵn sàng chi trả cao hơn khi sử dụng các sản phẩm du lịch đó. Ngược lại, khi môi trường tự nhiên bị xuống cấp, điểm đến không an toàn, chất lượng dịch vụ không đảm bảo… sẽ dần mất khả năng thu hút khách du lịch, mất nguồn thu, dẫn đến ảnh hưởng kéo theo với nhiều khó khăn, hệ luỵ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các ngành nghề khác. Cho nên, trong thời gian tới các đơn vị cung ứng dịch vụ của điểm đến, các đơn vị làm du lịch trên Thế giới không ngừng được nâng cao, sản phẩm du lịch chất lượng cao dự báo sẽ phát triển mạnh, mặc dù đang trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng với mục tiêu phát triển trong tình hình mới sẽ vẫn là hướng đi chủ đạo mà các quốc gia đang hướng đến và du lịch nội địa được xem là trụ cột cho tăng trưởng của các quốc gia.
Để đối phó với dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp kinh tế và xã hội mang tính trung và dài hạn để du lịch phục hồi, dự báo quá trình phục hồi du lịch sẽ được diễn ra theo các giai đoạn sau: 1) Nới lỏng hạn chế đi lại; 2) Du lịch nội địa hồi phục; 3) Các đường bay được khôi phục; 4) Thị trường khách đi lẻ hồi phục; 5) Thị trường khách đoàn đi số lượng lớn hồi phục.
Như vậy, với những nhận định như trên về sự phát triển của du lịch Thế giới trước và sau dịch Covid-19, ngành du lịch Thế giới tuy bị tổn thất nặng nề nhưng du lịch được xem là ngành có khả năng phục hồi sớm hơn so với các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Xu hướng phát triển có thể trở lại vào cuối năm 2021 khi các yếu tố về dịch bệnh dần được kiểm soát, đặc biệt khi thị trường du lịch và các xu hướng du lịch mới đang được chính các quốc gia và khách du lịch định hình lại.
2.2. Nhận định về Du lịch ở Việt Nam
Về lượng khách du lịch [10], tốc độ tăng trưởng trung bình về khách du lịch quốc tế trong 4 năm từ 2016-2019 đạt khoảng 22% (Biểu đồ 1).

Về tổng thu từ khách du lịch [10]. Năm 2018, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng (tăng 21.4% so với năm 2017), đóng góp trực tiếp ước đạt 8.5% vào GDP. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp vào nền kinh tế ước đạt 726.000 tỉ đồng (khoảng 31 tỉ USD), tăng hơn 17% so với năm 2018. Trong số 8 nguồn thu từ dịch vụ phục vụ khách du lịch, doanh thu từ khối kinh doanh nhà hàng – khách sạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu. Dịch vụ cho thuê phòng chiếm 23%, dịch vụ ăn uống chiếm 23% và dịch vụ đi lại chiếm 21%. Tổng nguồn thu từ 3 dịch vụ cơ bản này chiếm 67%; còn lại 33% là tổng doanh thu từ các dịch vụ khác; trong đó, 14% là từ hoạt động mua sắm, 8% từ tham quan, 4% là văn hoá, thể thao, giải trí, 1% là y tế và 6% là từ các dịch vụ khác.
Với số liệu thống kê cho thấy những năm qua, Du lịch Việt Nam đã có được những kết quả đáng kể, tỷ trọng ngành đóng góp vào GDP quốc gia năm sau cao hơn năm trước. Thị trường khách du lịch quốc tế được mở rộng và tăng trưởng bền vững (Biểu đồ 2).

Nhìn chung, khách đến từ khu vực Đông Bắc Á luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đặc biệt là khách từ thị trưởng Trung Quốc.
Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động, tháng 5 năm 2020 chỉ một số hoạt động lữ hành nội địa được phục hồi nhưng lại đóng cửa trở lại vào tháng 8 năm 2020; nhiều khách sạn phải đóng cửa (công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%), dừng hoạt động để đảm bảo vừa phòng và chống dịch theo quy định. Thực trạng lúc này cho thấy, nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm hoặc chuyển đổi sang ngành nghề mới để tạo công ăn việc làm duy trì cuộc sống.
Để ứng phó với khó khăn do dịch Covid-19 trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong đó có ngành du lịch. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Nghị định số 40/2000/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về giãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 29/5/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau dịch Covid-19. Đối với ngành du lịch, song song với việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước thông qua các chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Việt Nam, điểm đến an toàn, hấp dẫn”, “Việt Nam, đi để trải nghiệm”… Dự báo, khách du lịch nội địa Việt Nam ngày càng tăng và chiếm vai trò quan trọng hơn đối với sự phát triển của ngành Du lịch.
3. XU HƯỚNG DU LỊCH TRONG THỜI GIAN TỚI
Như đã nêu ở trên, du lịch là ngành bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó như về nhu cầu đời sống của người dân, về tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, về dịch bệnh… Nên để nhận định được xu hướng phát triển ngành du lịch cũng như nhu cầu du lịch của du khách thì vai trò của việc đánh giá được các yếu tố liên quan là rất quan trọng. Qua phân tích cũng như tham khảo tài liệu của các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả nêu ra một số xu hướng du lịch trong thời gian tới như sau:
1) Xu hướng du lịch điểm đến an toàn, thân thiện. Hiện nay với tình hình dịch bệnh trên Thế giới và Việt Nam đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, sự bất ổn về tình hình chính trị, xã hội ở một số quốc gia đã và đang tác động trực tiếp đến quyết định chính của du khách trong việc đi du lịch của mình, và điểm đến du lịch an toàn và thân thiện sẽ là hành vi, sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và mọi hoạt động sinh hoạt trở lại trong trạng thái bình thường mới. Đối với các quốc gia quản lý về du lịch, các địa phương ở cơ sở, cũng như các đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch của điểm đến cần áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ cho tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ của các khách sạn, nhà hàng, quán bar, phương tiện vận chuyển… Cần được chú trọng trước tiên.
2) Xu hướng du lịch được đảm bảo hơn về bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Covid-19 được dự báo sẽ chưa thể kết thúc sớm. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch cần biết thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của điểm đến và các gói bảo hiểm du lịch ngoài những thông tin về điểm đến, dịch vụ…Những thông tin như vậy sẽ giúp khách du lịch giảm bớt lo lắng và yên tâm để thực hiện những chuyến đi của mình.
3) Xu hướng du lịch dịch chuyển từ nhu cầu du lịch quốc tế sang nhu cầu du lịch nội địa. Xuất phát từ lệnh hạn chế đi lại quốc tế và ở tại Việt Nam, cùng với sự hoài nghi về tính an toàn và chi phí y tế của điểm đến ngoài nước cộng với tâm lý muốn được đi lại, giao lưu của con người khi bị hạn chế di chuyển, sự kìm nén về sự khám phá và sự hạn hẹp về tài chính, du lịch nội địa sẽ là lựa chọn của rất nhiều du khách Việt Nam và các nước trên thế giới. Thị trường du lịch nội địa Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rất nhanh. Bên cạnh sự dịch chuyển từ phát triển du lịch inbound, outbound sang du lịch nội địa, thị trường du lịch quốc tế gần với chương trình tham quan ngắn ngày sẽ phát triển mạnh hơn sản phẩm dài ngày dành cho du khách ở các thị trường xa khi du lịch quốc tế được mở cửa trở lại.
4) Xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình cũng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu của du khách. Hay nói cách khác, loại hình đi du lịch tự do dùng những sản phẩm combo đến những điểm gần sẽ phát triển. Nếu như trước khi dịch Covid-19 nổ ra, nhờ công nghệ và các phương tiện thanh toán phát triển, tỷ lệ sản phẩm du lịch trọn gói có xu hướng giảm do du khách có nhiều sự lựa chọn và phương tiện để tự thiết kế chuyến đi hoặc kỳ nghỉ cho riêng mình, kể cả những điểm xa. Hiện nay, do dịch bệnh, việc ăn uống tự do nhiều khi chưa đảm bảo, khách du lịch được yêu cầu phải thực hiện vệ sinh và các biện pháp giãn cách xã hội hoặc đảm bảo an toàn. Do vậy, khách du lịch có xu hướng sử dụng dịch vụ trọn gói từ ăn, ở, đi lại của các công ty, đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm giảm thiểu khả năng lây lan bệnh từ cộng đồng.
5) Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến hiện nay được các nhà mạng cũng như các nhà làm công nghệ cung cấp để đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định chuyến đi hay đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Họ thu thập nhiều hơn thông tin về điểm đến, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo an toàn… Để ra quyết định, thanh toán sản phẩm du lịch đã lựa chọn. Bên cạnh đó, một số du khách cũng thông qua các ứng dụng trực tuyến để khám phá trước điểm đến bằng cách thông qua bạn bè, người thân, các công ty, nhà cung cấp dịch vụ du lịch phát trực tiếp để thoả mãn trí tò mò cũng như muốn xem thực tại hình ảnh của điểm đến khi mà chưa thể đi du lịch đc…
Xu hướng này cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng nhiều hơn về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (như robot phục vụ thay con người), vào công tác quản trị cũng như công tác liên kết tài chính qua phần mềm, công tác giới thiệu, quảng bá, marketing các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý, chăm sóc khách du lịch tốt hơn.
6) Xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ. Trong bối cảnh các hạn chế đi lại cũng như việc đóng cửa biên giới có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào vì dịch bệnh, khách du lịch sẽ ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có nhiều lựa chọn linh hoạt và chính sách hợp lý trong việc thay đổi ngày, hoãn hoặc hủy đặt chỗ vào phút chót. Vào thời điểm hiện tại, việc doanh nghiệp có các lựa chọn đa dạng, có chính sách linh hoạt sẽ nhận được nhiều quan tâm của khách du lịch. Những chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định đặt chỗ nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến du lịch.
7. Xu hướng du lịch gần, ngắn ngày, theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, tới những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, khu vực ít người. Đây là xu hướng phổ biến xuất hiện trong thời gian gần đây để bảo đảm an toàn cho du khách và người thân trong quá trình du lịch. Vì vậy, đây là cơ hội cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo có cơ hội thúc đẩy thu hút khách du lịch và đẩy nhanh hoạt động du lịch phát triển.
8) Xu hướng du lịch quốc tế bằng hộ chiếu Vaccine. Hiện nay, việc hạn chế đi lại, xuất cảnh quốc tế ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam để đảm bảo an toàn do Covid-19 gây ra, đặc biệt được siết chặt. Với ý tưởng dùng hộ chiếu vaccine nhằm xác định được tình trạng sức khỏe của du khách đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe du khách khi đi du lịch tại nước sở tại, của điểm đến là yếu tố bắt buộc. Nhưng ý tưởng trên đang có nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng người dân trong việc cấp phép, kiểm tra, quản lý cũng như sự phân biệt đối xử… Mặc dù xu hướng này tuy chưa khả quan, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhưng vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nắm bắt được thị hiếu của thị trường để có quyết sách đối phó tối ưu nhất trong việc đón đối tượng khách du lịch này khi thành hiện thực.
4. KẾT LUẬN
Bài nghiên cứu này nhằm nêu ra được phần nào về thực trạng về du lịch hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, qua đó thấy được những khó khăn và thách thức mà ngành Du lịch trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang phải đối diện. Đồng thời, trên cơ sở đó, tổng hợp, đưa ra được một số xu hướng du lịch trong và sau dịch Covid-19 trong thời gian tới. Các xu hướng du lịch hiện nay chủ yếu dựa trên chính sách phát triển du lịch và thực tiễn hoạt động du lịch trong bối dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cũng như thông qua phân tích thị trường, thị hiếu của khách du lịch trong thời kỳ mới. Bài viết mang tính chất tham khảo, về thực trạng cũng như xu hướng du lịch mới của du khách cũng như đối với nhà quản lý, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, mở ra hướng nghiên cứu mới hơn về chính sách, vấn đề khác về phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. GSO. (2019). Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý IV năm 2019. Tổng cục Thống kê;
2. Cấn Văn Lực và cộng sự. (2020). Cập nhật tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành kinh tế Việt Nam;
3. Hoàng Linh. (2020). Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 yếu nhất trong 10 năm. Báo Hà Nội mới;
4. Huy Lê. (2020). Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khi đại dịch tái phát. Báo Điện tử Đảng Cộng sản;
5. ILO. (2020). Đại dịch Covid-19 khiến hơn một phần sáu thanh niên mất việc làm. Tổ chức lao động quốc tế;
6. Nguyễn Hoàng. (2020). Kinh tế thế giới và những khó khăn mà Việt Nam phải ứng phó, đối mặt. Báo điện tử Chính phủ;
7. Nguyễn Minh Phong. (2020). Kinh tế thế giới năm 2020 và triển vọng. Báo nhân dân điện tử;
8. TAB. (2020). Khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19. Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB);
9. Tạp chí tài chính. (2016). Kinh tế – Tài chính thế giới năm 2015 và dự báo 2016. Tạp chí Tài chính;
10. Tổng cục Du lịch. (2020). Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2000-2018;
11. Thời báo tài chính Việt Nam. (2020). Kinh tế thế giới lao đao trước dịch Covid-19. Thời báo tài chính Việt Nam;
12. Vũ Anh Tuấn. (2020). IMF dự báo kinh tế toàn cầu giảm 4,9% trong năm 2020. Tạp chí tài chính online;
13. ITDR. (2020). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
14. Unting Travel. (2028). Travel and Tourism, a Force for Good in the World;
15. UNWTO. (2020). Impact assessment of the Covid-19 outbreak on international tourism;
16. World Economic Forum. (2017). The Travel & Tourism Competitiveness Report 2017.

NCS. Trần Doãn Cường
Trung tâm tư vấn & Đào tạo du lịch