Nhật Bản nằm trong top các quốc gia có hệ thống y tế tốt nhất trên thế giới – JVHB
Tạp chí CEOWORLD (Mỹ) vừa công bố kết quả khảo sát hệ thống dịch vụ y tế đối với 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, dịch vụ y tế của Nhật Bản xếp vị trí thứ 3 với 74,11 điểm trong bảng xếp hạng năm 2019.
Trong nhóm 10 nước có dịch vụ y tế tốt nhất thế giới, các nước châu Âu chiếm số đông nhưng không giành các vị trí cao nhất.
Cụ thể, dịch vụ y tế của Nhật Bản được đánh giá cao hơn các nền y tế hàng đầu của thế giới như Áo xếp vị trí thứ 4, Đan Mạch (5), Thái Lan (6), Tây Ban Nha (7), Pháp (8), Bỉ (9) và Úc (10).
Chất lượng chung của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia được thống kê và phân tích và được chấm thang điểm 100, bao gồm các tiêu chí: cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ, chi phí, khả năng cung cấp thuốc có chất lượng, sự sẵn sàng của các cơ quan chức năng.
Bảng xếp hạng cũng ghi nhận các chỉ số như môi trường, nước sạch, vệ sinh, vai trò của chính quyền trong việc trừng phạt hoặc hạn chế những nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng như hút thuốc lá hoặc lạm dụng đường.
Điểm mạnh của y tế Nhật Bản
- Nhật Bản sở hữu những kỹ thuật y học bậc nhất thế giới trong nhiều lĩnh vực, đưa vào điều trị thực tiễn và cung cấp nhiều dịch vụ y tế chất lượng hiệu quả cao, ví dụ như phương pháp chiếu xạ ion nặng và y học tái tạo.
- Thực tế chi phí điều trị y tế ở Nhật Bản rẻ hơn so với các nước tiên tiến khác trên thế giới. Chi phí khám chữa bệnh tại Nhật chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với các nước như Anh, Đức, Mỹ, chất lượng y tế thì không hề kém hơn thậm chí về điều trị ung thư, Nhật Bản còn được xếp hạng cao hơn (về điều trị ung thư đường ruột, ung thư não, ung thư vú, ung thư buồng trứng).
- Đội ngũ y tế chuyên nghiệp bao gồm các bác sĩ chuyên môn, dược sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên chăm sóc, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, chuyên viên dinh dưỡng, và các ngành nghề chuyên môn khác. Đội ngũ y tế này sẽ phát huy từng thế mạnh và kinh nghiệm chuyên môn của mình, cùng hợp tác để cung cấp dịch vụ y tế tối ưu cho bệnh nhân, không chỉ dừng lại ở mức độ chăm sóc bệnh mà còn chú trọng đến chất lượng cuộc sống (Quality of Life) của bệnh nhân.
- Phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Dựa theo tình trạng sức khỏe, mức độ tiến triển của bệnh và nguyện vọng của bệnh nhân, đội ngũ y tế sẽ tư vấn cho bệnh nhân những giải pháp để bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
So với nhiều nền y tế tế tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ sinh tồn sau 5 năm điều trị ung thư tại Nhật Bản đang ở mức rất tốt, một số những bệnh ung thư thường gặp như ung thư đường ruột, ung thư não & thần kinh, ung thư buồng trứng….đang có tỷ lệ sinh tồn sau 5 năm điều trị thuộc mức cao nhất thế giới. Điều khác biệt ở đây có thể nằm ở các trang thiết bị, công nghệ hiện đại mà Nhật Bản đang nghiên cứu và sử dụng trong việc điều trị ung thư.
Liệu pháp Proton
Liệu pháp proton là phương pháp xạ trị sử dụng chùm tia proton thay cho việc sử dụng chùm tia X thông thường. Liệu pháp proton sử dụng liều bức xạ thấp hơn, chỉ tác động tới khối u mục tiêu mà không xâm phạm tới các phần khác trong cơ thể, chính vì vậy không làm ảnh hưởng tới các dây thần kinh quan trọng khi điều trị khối u nằm trong não.
Phương pháp này được sử dụng hiệu quả trong trường hợp khối u nhỏ, nằm ở những vị trí khó xác định (như đáy não, tuyến tiền liệt) hoặc trong trường hợp người bệnh không phản ứng với phương pháp điều trị hóa trị…
Một điểm đáng lưu ý là liệu pháp proton cũng có thể được áp dụng để điều trị cho trẻ mắc bệnh ung thư. Do trẻ em vẫn trong độ tuổi phát triển, các mô, tế bào trong cơ thể phân chia nhanh chóng nên các liệu pháp hóa trị, xạ trị (sử dụng chùm tia X) có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của bé. Tuy nhiên, liệu pháp proton có thể hạn chế các tác động tiêu cực tới bệnh nhi, giúp duy trì khả năng nhận thức, chức năng phổi, tim và khả năng sinh sản ở trẻ nhỏ.
Công nghệ điều trị bằng ion nặng
Công nghệ điều trị ung thư bằng ion nặng (cụ thể là ion carbon) có thể giúp giảm bớt thời gian và số lần điều trị so với sử dụng biện pháp xạ trị bằng tia X, tia gamma hay các hạt electron.
Công nghệ điều trị bằng ion nặng sử dụng chùm hạt ion nặng được gia tốc đạt 70% tốc độ ánh sáng, cho phép xâm nhập sâu vào các mô, tế bào ung thư và giúp phá hủy các khối u từ bên trong mà không làm ảnh hưởng tới các tế bào lành bao quanh khối u.
Công nghệ này phù hợp khi cần điều trị những khối u kháng bức xạ, chậm phát triển.
Liệu pháp tế bào gốc
Liệu pháp tế bào gốc sử dụng các tế bào miễn dịch gốc trong chính cơ thể người bệnh, được nuôi cấy số lượng lớn rồi sau đó truyền trở lại cơ thể bệnh nhân. Do sử dụng các tế bào từ chính cơ thể người bệnh, liệu pháp này dễ dàng được cơ thể tiếp nhận, đồng thời ít gây ra các tác dụng phụ. Đây cũng là một trong các biện pháp điều trị ung thư được quan tâm nghiên cứu, phát triển nhất trong thời gian gần đây.