Nhiều cha mẹ chi tới 50 triệu đồng cho con luyện IELTS từ tiểu học, giáo viên tiếng Anh kinh nghiệm 20 năm chỉ ra vì sao không nên ép con “luyện gà” quá sớm
Vì sao các học sinh nhỏ tuổi không nên học IELTS?
Trong những năm gần đây, chứng chỉ IELTS ngày càng có giá trị trong những đợt xét tuyển vào Đại học, tuyển sinh lớp 10, du học… Hồi đầu tháng 5, một trường THCS ở Hà Nội gây xôn xao khi đưa ra dự thảo công thêm 20 điểm xét tuyển cho học sinh lớp 6 có điểm IELTS từ 3.0, TOEFL IBT 450…
Thực tế cho thấy, hiện nay việc học tiếng Anh đã trở thành một phong trào trong xã hội. Nhiều phụ huynh đầu tư cho con học thêm tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học với suy nghĩ học bài bản sớm thì khả năng ngoại ngữ của con sẽ tốt hơn.
Theo xu hướng đó, không ít trung tâm Anh ngữ tổ chức các khóa học phát âm, ngữ pháp, “tiền IELTS”… được quảng cáo là thiết kế riêng cho lứa tuổi nhỏ để chuẩn bị kiến thức nền trước khi chính thức “luyện thi IELTS”. Nhiều trung tâm giới thiệu khóa học 1 kèm 1 tập trung vào ngữ pháp, từ vựng và các bài tập đọc, kéo dài khoảng 3 tháng và cam kết học sinh có thể đạt điểm IELTS từ 4.5 – 5.0. Về học phí, các khóa học như vậy ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM được quảng cáo với nhiều mức giá khác nhau, có nơi lên tới 50 triệu đồng cho khóa học trọn gói.
Ảnh minh họa
Nhưng việc cho các học sinh nhỏ tuổi học IELTS từ sớm như vậy có thật sự cần thiết? Cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyên phó trưởng bộ môn chất lượng cao, khoa Sư Phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội đã có chia sẻ cụ thể.
“Vì sao các học sinh nhỏ tuổi không nên học IELTS? Hiện nay có một xu thế là phụ huynh và học sinh muốn thi IELTS tràn lan. Kể cả những bạn học sinh rất ít tuổi, phụ huynh cũng đã muốn con học những khóa học để ôn thi IELTS vì “đằng nào cũng thi thì cho học sớm thi sớm để có những lợi ích a,b,c…”.
Sau gần sau 20 năm làm nghề giáo viên, năm nào cũng không ít có phụ huynh đến năn nỉ hỏi xin cho con học IELTS lớp cô Quỳnh Trang, mặc dù con còn rất nhỏ. Tuy nhiên, cô đã từ chối rất nhiều bạn học sinh nhỏ tuổi học IELTS. Theo cô, các phụ huynh nên lựa chọn khóa học và lộ trình thích hợp hơn cho các con phù hợp với năng lực và lứa tuổi.
Cô Quỳnh Trang giải thích:
Đầu tiên, mọi người cần hiểu IELTS là chứng chỉ chủ yếu dành cho những bạn muốn đi du học ở cấp độ đại học. Vì vậy những câu hỏi trong IELTS, ngoài về kiến thức Tiếng Anh còn là yêu cầu về kinh nghiệm sống, kiến thức xã hội nói chung cần phong phú. Những topic trong IELTS đều là những topic rất đao to búa lớn và học thuật.
Ví dụ như: “chính phủ cần phải làm gì để giữ gìn và cải thiện nguồn năng lượng tự nhiên” hay “nhà thơ nào có tầm ảnh hưởng nhất ở đất nước bạn?” hoặc có những topic rất xa vời ví dụ như về chiêm tinh học hoặc về cơ cấu tổ chức bộ máy của đất nước hay của các mô hình doanh nghiệp.
Những câu hỏi này ngoài kiến thức tiếng Anh ra còn đòi hỏi người thi có một độ tuổi, độ trải nghiệm và kinh nghiệm nhất định. Vì vậy nếu cho các con ở lứa tuổi quá nhỏ học hoặc luyện thi những topic này từ quá sớm sẽ những tạo áp lực lớn đối với trẻ.
“Việc học IELTS quá sớm không những không tốt cho con mà còn giết chết tuổi thơ của con với những suy nghĩ già đời và những topic không liên quan đến sự phát triển của con trong giai đoạn đầu đời. Trẻ lúc nào cũng phải “lên gân” mà câu trả lời vẫn chưa đủ “độ già, độ chín muồi” để đạt điểm cao trong IELTS”, cô giáo Quỳnh Trang phân tích.
Lứa tuổi lý tưởng để học IELTS
Theo cô Quỳnh Trang, các phụ huynh thường hay bị nóng vội khi muốn cho con học tiếng anh càng sớm càng tốt mà quên mất rằng lứa tuổi của trẻ chưa phù hợp với hình thức thi IELTS. Chia sẻ với Nhịp sống kinh tế, cô Quỳnh Trang nói: “Việc cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học học IELTS là quá sớm, chi số tiền lớn tới 50 triệu đồng/khóa học là sự lãng phí không cần thiết”.
Hội đồng Anh (British Council) cũng không khuyến khích trẻ dưới 16 tuổi tham gia thi IELTS. Theo chia sẻ của một giám khảo bài thi nói (speaking) của British Council, đề bài sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên. Như vậy, kỳ thi IELTS không thể “linh hoạt” cho đề phù hợp với sở trường hay độ tuổi của thí sinh. Bởi vậy, những phần thi yêu cầu trao đổi sâu về những vấn đề văn hóa, nghệ thuật, xã hội… nhiều thí sinh gần như không thể hiện được gì vì “bí” ý tưởng, kinh nghiệm sống.
Cô Trang cũng chứng kiến nhiều học sinh theo học các khóa học đắt tiền nhưng kết quả không như mong đợi hoặc phải bỏ ngang giữa chứng. Lí do bởi các khóa học đó thường được dập khuôn theo mẫu có sẵn mà không có những lộ trình đào tạo phù hợp với từng học viên. Đôi khi, giáo viên của các khóa học bị đổi liên tục, dẫn đến sự pha trộn kiến thức, thiếu tính hệ thống và chuyên sâu. Các học sinh ở lứa tuổi nhỏ dễ bị chán nản khi bị đổi lớp, đổi giáo viên, phụ huynh nhận thấy con học không hiệu quả, tiền học không lấy lại được dẫn đến sự ức chế cho cả các con và phụ huynh.
“Chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị trong vòng 2 năm, bởi vậy, với học sinh tiểu học học IELTS là quá sớm. Thời điểm lý tưởng để bắt đầu học IELTS là lứa tuổi cuối cấp 2, cấp 3 và các bạn sinh viên là rất phù hợp để bắt đầu học IELTS. Vì khi đó, người học đã có nhận thức nhất định về các vấn đề xã hội cũng như có thể có sự tập trung cao độ để “chiến đấu” với IELTS. Việc học, thi IELTS lúc này cũng giúp người học nhận được các ưu thế hơn như được cộng điểm khi thi vào lớp 10 hoặc chuyển đổi điểm khi thi THPT, xét tuyển vào đại học, xét tuyển hồ sơ du học…”, cô Quỳnh Trang chia sẻ.
Vậy trước giai đoạn trẻ lớp 8 thì nên học gì và thi gì? Theo cô Quỳnh Trang, hiện nay có rất nhiều những chứng chỉ rất tốt cho phát triển giai đoạn của các con và cũng chuẩn bị nền tảng tiếng Anh cho trẻ. Ví dụ như các kỳ thi TOEFL Primary hoặc kỳ thi KET, PET… Những kỳ thi này cũng sẽ rất tốt để chuẩn bị nền tảng vững chắc về từ vựng nghe nói đọc viết cho các con nếu sau này có con muốn chuyển sang học IELTS.
Là một giáo viên, cô Quỳnh Trang luôn định hướng vạch ra mục tiêu rõ ràng và giúp học viên xây dựng 1 một lộ trình dài hơi chứ không phải “nhắm mắt đưa chân học viên” vào những lớp mà bố mẹ yêu cầu.
Theo cô Quỳnh Trang, để có một môi trường học tập tiếng Anh tốt nhất cho trẻ, các quý phụ huynh cần:
– Hình thành cho trẻ sự ham học hỏi cũng như có sự yêu thích với tiếng Anh, chẳng hạn như cho bé nghe hoặc đọc những mẩu chuyện hay bằng tiếng Anh.
– Nói chuyện cùng con bằng tiếng Anh để con có phát triển phản xạ suy nghĩ bằng Tiếng Anh.
– Để con có không gian riêng học tập để tăng khả năng tập trung của con trong quá trình học.
– Lập cho con thời gian biểu mỗi ngày để con không bị rời xa việc học khi các con chơi hay không bị căng thẳng quá khi chỉ học tập cả ngày.