Nhiều di tích lịch sử tại TP. HCM đang bị lãng quên!
Hiện nay, một loạt các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố đang bị lãng quên.
Khẳng định văn hóa là nền tảng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, TP. HCM thống nhất chọn chủ đề cho năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác lập hồ sơ, xếp hạng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Tuy nhiên, hiện nay, một loạt các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố đang bị lãng quên. Nếu có phương án khai thác tốt thì đây sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố mang tên Bác.
Nhà thờ Đức Bà (trong ảnh), Bưu điện TPHCM, Nhà hát TPHCM, Dinh Độc Lập, Trụ sở Ủy ban Nhân dân TPHCM, chợ Bến Thành… là những điểm đến quen thuộc của mỗi du khách khi đặt chân tới TPHCM
Phòng 5, khách sạn Tân Hòa, đại lộ Bonard, nay là phòng số 5, nhà số 88, đường Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1, là nơi Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Nam Kỳ đã tổ chức đại hội để bầu Bí thư chính thức của Kỳ bộ Nam kỳ vào năm 1928. Trên cơ sở đó mà An Nam Cộng sản Ðảng ra đời. Để rồi hai năm sau, vào ngày 3/2/1930, tổ chức trên hợp nhất với Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn ở miền Trung và Ðông Dương Cộng sản Ðảng ở miền Bắc để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với giá trị lịch sử đó, năm 1988, Phòng 5 được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử.
Trải qua 92 năm, đến nay, Phòng 5 vẫn tồn tại nhưng lại ở trong tình trạng… đóng cửa, cài then. Lối đi vào căn nhà số 88 để lên căn phòng lịch sử này đang được trưng dụng làm điểm bán quần áo, đồng hồ. Không ai biết, đây là nơi ghi lại dấu ấn về sự trưởng thành về mặt tư tưởng, về công tác cán bộ của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ những năm trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi ở đây không thấy treo bảng công nhận di tích, thậm chí là bảng chỉ dẫn hay bảng thông tin về lịch sử của phòng 5 cũng không có.
Phòng 5, số 88 Lê Lợi (Bến Thành, Quận 1, TP. HCM) là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng cánh cửa luôn đóng im lìm
Một người dân ở đây cho biết, căn phòng này đã lâu không thấy ai ghé qua mở cửa: Đúng, đó là di tích, hồi xưa trước giải phóng, các ông các bộ hay hội họp. Nhưng bây giờ bán rồi, người ta đóng cửa đi hết không có ai đâu.
Nằm cách đó không xa là căn phòng số 1, nhà số 1, đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành. Di tích lịch sử quốc gia này là nơi ra đời tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Nhưng nay, Phòng 1 cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự như phòng số 5.
Bảng chỉ dẫn đến di tích lịch sử Cơ sở Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ (số 51/10/14 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP. HCM)
Ở TP. HCM, ngoài hai di tích lịch sử nói trên thì còn có các di tích cấp quốc gia khác như: Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn, Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ, Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968… Các di tích này, nơi hoạt động, nơi thì thường xuyên đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Thanh Chi – người trông coi di tích Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968, các di tích lịch sử được Sở Văn hóa Thể Thao giao cho các quận, huyện tự quản lý. Phần lớn các di tích lịch sử đều đóng cửa, Du khách nếu muốn tham quan thì phải đăng ký và liên hệ trước.
“Khó lắm. Di tích không phải chuyện muốn vô thì vô. Vô thì phải đăng ký, mình liên hệ ở trên, ở trên điện thoại liên lạc thì người ta mới mở cửa, đặc biệt là chỗ này (tức là Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968) với Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ ở đường 3/2. Nhưng mà ông đó không cho vô đâu” – Ông Nguyễn Thanh Chi cho biết.
Nhưng khi đến nơi thì không thấy di tích này mở cửa
Ông Nguyễn Thanh Chi cho biết thêm, bình quân mỗi tháng Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 đón khoảng 200-300 khách du lịch. Tháng 1/2020 vừa qua, di tích này đón 237 khách nước ngoài và 39 khách Việt Nam. Rõ ràng là, các di tích lịch sử trên địa bàn TP. HCM, đều có tiềm năng phát triển và thu hút khách du lịch nhưng đang bị bỏ phí và chưa được khai thác xứng đáng.
Theo Sở Du lịch TP. HCM, trong năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 8,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt hơn 32,7 triệu lượt, tổng thu ngành du lịch đạt hơn 140.000 tỷ đồng. Khách du lịch thường đến một vài điểm quen thuộc như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ… còn các di tích lịch sử của TP. HCM thì… ít được biết đến.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, một du khách đến từ Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay, khi đến TP. HCM cũng rất muốn thăm quan những di tích lịch sử nhưng thực sự rất khó tìm kiếm thông tin về những địa điểm này.
“Trước khi đến đây, mình cũng có tham khảo trên mạng, trên mạng thông tin cũng chỉ có những điểm đấy thôi nên mình chỉ biết vậy. Còn nếu muốn du khách đến HCM, đến những địa điểm di tích lịch sử thì những điểm đến đấy phải lên trên mạng, hoặc bằng cách nào đó thông tin đến người ta, đến được tai người ta. Còn nếu bây giờ mình search google cũng chỉ ra các điểm đấy thôi” – Chị Hồng Phương chia sẻ.
TP. HCM hiện nay có 177 di tích đã được quyết định xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: Dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi; có 56 di tích quốc gia, trong đó có 24 di tích lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một vài di tích nằm trong bản đồ du lịch của thành phố. Đây thực sự là điều đáng tiếc, bởi không chỉ làm giá trị lịch sử của di tích dễ bị lãng quên mà còn thiếu những điểm đến mới để du khách muốn quay lại khám phá TP. HCM thêm nhiều lần nữa.
Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung Tâm bảo tồn và Phát huy Giá trị Di tích Lịch sử Văn hóa TP. HCM, những năm gần đây, Sở Văn hóa Thể thao đều phối hợp với Sở Du lịch, Hội Di sản Văn hóa và các doanh nghiệp du lịch để thường xuyên tổ chức hội thảo nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trong hoạt động du lịch. Ông cho biết, Sở cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ tổng hợp thông tin những di tích lịch sử để du khách có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều này không dễ dàng.
Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. HCM)
Hiện tại, thành phố đang yêu cầu làm phần mềm giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa tuy nhiên việc viết phần mềm quản lý cho chương trình này cũng đang gặp khó khăn vì bên sở muốn kết nối 63 tỉnh thành trên cả nước. Hiện tại, Sở cũng đang xin ý kiến ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Di sản văn hóa.
Khai thác phù hợp các di tích lịch sử vào hoạt động du lịch không chỉ sẽ góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn tăng thêm sức hấp dẫn, thêm trải nghiệm cho du khách khi đến với TP. HCM. Vậy, TP. HCM cần làm gì để có thể phát triển con đường du lịch gắn với các di tích lịch sử? Vấn đề này sẽ được đề cập trong bài 2 với nhan đề: “Kết nối để phát triển du lịch di tích”./.
Theo VOV.VN