Nhiều di tích tại thành phố Hồ Chí Minh đang “kêu cứu”

(PLVN) – TP Hồ Chí Minh có nhiều di tích văn hóa – lịch sử lâu đời, có giá trị cao nhưng bị “lãng quên”, nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi sự quan tâm, bảo vệ của cơ quan chức năng.

Di tích xuống cấp trầm trọng

Hai di tích đang được dư luận đặt sự quan tâm thời gian qua là khu di tích Lò gốm Hưng Lợi và Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Tân Qui Đông (quận 7).

Theo hồ sơ công nhận, khu di tích Lò gốm Hưng Lợi có diện tích hơn 50.000m2, được chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt là 836m2, bao quanh bởi khu vực 2 với khoảng 10.000m2. Thế nhưng, hiện tại hai khu vực này đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và có hơn 100 căn nhà mọc lên.

Trong một báo cáo của UBND quận 8 về thực trạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi có nhận định, di tích này qua thời gian không ngừng bị xuống cấp và lấn chiếm, trở thành phế tích.

Năm 2017, một phần di tích khu vực bảo vệ 1 bị ủi, san lấp, xâm hại có diện tích khoảng 200m2, phần cao của đỉnh lò bị san bằng, một mảng tường của lò bị sập. Năm 2019, di tích tiếp tục bị xâm hại, toàn bộ phần cổng di tích tiếp tục bị đập phá, san ủi…

Trong khi đó, di tích đình Tân Qui Đông là ngôi đình có lịch sử trên 100 năm. Năm 1852, để ghi nhớ công lao của người đã khai phá, khẩn hoang vùng đất này, vua nhà Nguyễn là Tự Đức đã phong sắc ”Thần” với tên của Thần là “Thành Hoàng Bổn Cảnh Chính trực Đôn Ngư”.

Ngôi Đình được xây dựng để thờ cúng vị thần này kể từ khi có sắc phong của Vua cho đến naỵ. Nhân dân trong vùng rất thành tâm, kính ngưỡng và thường tổ chức các lễ cúng tại đây. Tuy nhiên, hiện di tích đình Tân Qui Đông đang xuống cấp rất nghiêm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng nặng, có khả năng sụp đổ, gây nguy hiểm.

Ngoài Tân Quy Đông và Lò gốm Hưng Lợi là hai di tích được nhắc đến bởi người dân và các tổ chức bảo vệ di tích những năm qua, TPHCM còn có rất nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp cần quan tâm đến. Có thể kể đến đình Tân Túc, đình Thông Tây Hội, Trại giam Bệnh viện Chợ Quán… cũng đang xuống cấp, hư hại ở những mức độ khác nhau.

Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) – Di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố hơn 100 năm, đang đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ngôi đình này từ trước đến nay chỉ duy nhất một lần được gia cố, chống đỡ bức tường ngang phía trước để không bị sập.

Còn Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698 (quận Gò Vấp, TP HCM). Đây không chỉ là ngôi đình lâu đời nhất ở TP HCM mà còn là cả vùng đất phương Nam.

Nơi đây thờ Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam và là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của cả Nam Bộ còn tồn tại. Hàng năm, lễ giỗ thần hoàng được tổ chức trang trọng vào ngày 14 và 15-8 (âm lịch), thu hút nhiều du khách thập phương và người dân.

Hiện nay, đình Thông Tây Hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Khu vực hội sở thờ tiên sư, nhà tiền hiền, hậu hiền, nhiều cột, vách gỗ bị mối mọt đục rỗng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một số mái ngói bị bể, trời mưa dột tứ bề.

Nhanh chóng “cứu” di tích

Mới đây, sau buổi làm việc, kiểm tra thực địa di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Tân Qui Đông (quận 7) và di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (quận 8), Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã nhận định về tình hình xuống cấp nghiêm trọng của các di tích, để nghị cần khẩn trương thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo để bảo vệ di tích và an toàn cho người dân.

UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao (Sở VH-TT), UBND quận 7 và đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu việc bố trí vốn tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc đình Tân Qui Đông. Trong văn bản nhấn mạnh phải ưu tiên bố trí vốn cho công trình di tích đang xuống cấp rất nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm.

UBND yêu cầu các đơn vị được giao khẩn trương khởi công và hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo di tích trong năm 2023, đồng thời nghiên cứu thêm các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện thêm một số hạng mục như cầu dẫn, cải tạo cảnh quan xung quanh… nhằm phát huy tối đa giá trị di tích và phục vụ các hoạt động tham quan, tín ngưỡng của người dân.

Nhiều di tích tại thành phố Hồ Chí Minh đang "kêu cứu" ảnh 1

Về di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, quận 8, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kết luận trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ di tích Lò gốm Hưng Lợi chưa đảm bảo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích bị xuống cấp, chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời và bị xâm hại, lấn chiếm. UBND thành phố giao Sở VH-TT khẩn trương xây dựng đề án quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, tham mưu trình UBND thành phố xem xét, giải quyết từng nội dung theo đúng thẩm quyền.

Uỷ ban cũng giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở VH-TT xác định mức độ ưu tiên, tham mưu đề xuất bố trí vốn tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm Hưng Lợi.

Theo thống kê, TP HCM hiện có 177 di tích đã được quyết định xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là Dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi. Tiếp đó là 56 di tích quốc gia, trong đó có 24 di tích lịch sử. Đáng buồn là trong những năm qua, TP HCM có 18 di tích, công trình kiến trúc lâu đời bị xoá sổ. Nguyên nhân, trong quá trình quy hoạch giao thông đô thị TP.HCM đã bỏ sót khu vực bảo vệ di tích, quá trình phân loại di tích, di sản chậm, dẫn đến việc nhiều di tích lại nằm trong khu vực quy hoạch.

Hy vọng rằng, với những động thái quyết liệt của UBND TP, trong thời gian tới, các di tích khác ngoài lò gốm Hưng lợi và đình Tân Quy Đông cũng sẽ nhanh chóng được quan tâm, tu bổ để bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử, không để di tích biến mất theo thời gian.