Nhiều điểm mới trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV diễn ra từ ngày 2- 4/12 tại đất Tổ Phú Thọ. Nhân dịp này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ xung quanh những hoạt động của ngày hội.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn
Mục lục bài viết
Thưa ông, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị thế nào cho Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022?
– Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV với sự tham gia của 7 tỉnh là Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, chính trị, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
Hiện công tác chuẩn bị cho ngày hội đã hoàn tất, sẵn sàng chờ khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 2/12. Sẽ có hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên… tham gia phục vụ các hoạt động của ngày hội.
Dự kiến trong dịp này, tỉnh Phú Thọ sẽ thu hút vài trăm nghìn lượt du khách. Việc rà soát cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ được đơn vị chức năng kiểm tra, thực hiện tốt. Phú Thọ bố trí, huy động 12 khách sạn, 1 trung tâm hội nghị, 12 nhà nghỉ và 13 nhà hàng đảm bảo các điều kiện để đón tiếp các đoàn vận động viên, diễn viên, nghệ nhân và khách tham quan trong thời gian tổ chức ngày hội.
Hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên sẽ quy tụ tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV. Ảnh: Hoan Nguyễn
Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022?
– Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc” sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”; thi đấu các môn thể thao truyền thống: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, việt dã…
Ngày hội sẽ tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất các dân tộc vùng Tây Bắc, tăng cường giao lưu kết nối tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Hoan Nguyễn
Ngày hội được tổ chức sẽ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng, của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thông qua ngày hội, các giá trị di sản văn hóa cũng như là phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc sẽ được quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đến với vùng Tây Bắc, thúc đẩy kinh tế xã hội.
Đối với tỉnh Phú Thọ, đây là dịp để tỉnh tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất các dân tộc vùng Tây Bắc, tăng cường giao lưu kết nối tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Tây Bắc. Đồng thời cũng là tăng cường các tour tuyến du lịch, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng Tây Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La.
Du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, ẩm thực đặc sắc của vùng Tây Bắc trong những Ngày hội. Ảnh: Hoan Nguyễn
Đâu sẽ là những nét mới, đặc sắc để Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV thực sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân thưa ông?
– Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tổ chức tại Phú Thọ năm nay có nhiều điểm mới mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, ý nghĩa, phấn khởi cho nhân dân.
Điểm mới thứ nhất, ngày hội lần này tổ chức ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là đất Tổ cội nguồn. Ở đây có rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, do vậy bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc cùng Phú Thọ được khai thác tối đa để gắn kết giữa di sản dân tộc với phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy phát triển du lịch.
Du khách được trải nghiệm kéo co, bắn nỏ, tung còn… tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc. Ảnh: Hoan Nguyễn
Tất cả các di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào của các dân tộc vùng Tây Bắc sẽ được tham gia trình diễn trong không gian của nghi lễ khai mạc để quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa vùng Tây Bắc cho bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.
Thứ hai, chúng tôi tập trung tất cả hoạt động ở khu vực Hùng Vương, tạo dựng không gian văn hóa rất lớn để đáp ứng nhu cầu của các đoàn nghệ nhân, vận động viên và đoàn các tỉnh, thành về tham dự.
Cùng với đó, tạo sự giao lưu gắn kết giữa các tỉnh với cộng đồng và nhân dân để các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thực sự đúng là ngày hội của nhân dân vùng Tây Bắc. Năm nay, có khu vực dành riêng cho người dân Phú Thọ, du khách trực tiếp tham gia vào các hoạt động, trò chơi dân gian nên có thể nói đây là ngày hội văn hóa của nhân dân.
Thứ 3, chúng tôi tăng cường giới thiệu các hoạt động quảng bá du lịch Phú Thọ để đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của các nghệ nhân đến từ các tỉnh thành với những hoạt động như dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, tổ chức khám phá các tour tuyến cũng như các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của tỉnh…
Ngày hội là dịp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh khu vực Tây Bắc… Ảnh: Hoan Nguyễn
Điểm mới thứ 4, chúng tôi có những không gian trưng bày rộng lớn (mỗi tỉnh 100m2) các sản phẩm OCOP gắn với du lịch để thông qua đó có thể quảng bá giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương…
Đồng thời ở đây có không gian trưng bày văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc do Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thực hiện để giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế về các nét đặc sắc về văn hóa truyền thống, ẩm thực, sản phẩm OCOP.
“Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc” trên quê hương đất Tổ chắc chắn sẽ mang lại ấn tượng đẹp, trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn cho du khách, bè bạn trong nước và quốc tế, tạo đà cho du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc phát triển bền vững.
Cảm ơn ông đã tham gia trò chuyện!