Nhiều loại hình du lịch, sản phẩm đặc trưng
Mục lục bài viết
Nhiều loại hình du lịch, sản phẩm đặc trưng
Trong nỗ lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách, TP HCM định hướng mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc trưng.
Lần đầu tiên, một công ty du lịch xây dựng và khai thác những điểm đến ở quận Tân Phú, TP HCM thành sản phẩm tour giới thiệu tới du khách. Tân Phú là địa phương tiếp theo ở TP HCM xây dựng tour du lịch (sau huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 8, TP Thủ Đức…), thay vì du khách chỉ biết tới những điểm đến quen thuộc ở khu vực trung tâm TP.
Đa dạng sản phẩm “trên trời, dưới nước”
Anh Quốc Nam (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), một du khách trong đoàn tour khảo sát, tham quan những điểm đến ở quận Tân Phú mới đây, cho biết đã sống và làm việc ở TP nhiều năm và cũng đi du lịch không ít nơi nhưng chưa từng tới thăm địa đạo Phú Thọ Hòa. Anh càng không biết địa đạo này được đào sâu dưới lòng đất 3 m, có đoạn sâu đến 4 m… là một công trình đầy sáng tạo của người dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Du khách trải nghiệm địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM – Ảnh: BÌNH AN
“Trước đây, tôi chỉ biết và tham quan địa đạo Củ Chi, giờ mới biết thêm một di tích lịch sử khác được đưa vào khai thác du lịch là địa đạo Phú Thọ Hòa” – anh Nam nói.
Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho hay cùng với địa đạo Phú Thọ Hòa, du khách có thể tham quan chùa Pháp Vân do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng với nhiều kỷ lục quốc gia như tượng Bồ Tát Quan Âm nghìn tay nghìn mắt (ở thế đứng) bằng đồng cao nhất Việt Nam; cặp kỳ lân bằng đá hoa cương lớn nhất qua bàn tay người thợ đục đẽo, tạc ra tượng; Kinh Bát nhã bằng tiếng Việt được khắc lộng vào bộ cửa bằng gỗ sao lớn nhất…
Tân Phú là địa phương mới nhất của TP công bố hoàn thiện và đưa vào khai thác một sản phẩm du lịch khám phá những điểm đến hấp dẫn trên địa bàn. Các quận, huyện khác và TP Thủ Đức cũng phối hợp cùng doanh nghiệp (DN) du lịch xây dựng hoặc làm mới loạt sản phẩm tạo nét khác biệt, mới mẻ trong giai đoạn phục hồi để thu hút khách nội địa và quốc tế.
TP HCM đang triển khai các giải pháp nhằm thu hút khách trở lại như tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới; nâng chất, phát triển sản phẩm hiện có. Hai sản phẩm du lịch mới là tour trực thăng và tour du thuyền khám phá TP từ những góc nhìn khác nhau cũng được nhiều DN khai thác, giới thiệu tới khách du lịch.
Tour du thuyền đầu tiên “Ngắm Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông” do Công ty TSTtourist mở bán với giá khởi điểm 1,98 triệu đồng. Sau ngày 19-6, giá tour chính thức là 2,58 triệu đồng/khách. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing, Công ty TSTtourist, cho biết tour kéo dài 2 giờ 30 phút giúp du khách nhìn ngắm nhiều công trình, di tích của TP như: Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Nhà Rồng đến cảng Tân Thuận, ngắm toàn cảnh TP lên đèn…
Nhiều loại hình du lịch, sản phẩm đặc trưng
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết để có sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, ngành du lịch TP đã nỗ lực xây dựng chương trình độc đáo, khác biệt. Nhiều quận, huyện đã đăng ký và TP tiếp tục mở rộng thêm tuyến điểm, tour mới ở quận 3, 5 thời gian tới, phối hợp cùng DN du lịch đưa vào khai thác, đón khách.
“Đây là những tour ngắn ngày, thay đổi liên tục để du khách tới TP không chỉ có những khu vực trung tâm mà thêm nhiều loại hình mới, trải nghiệm mới. Các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ có những sản phẩm rất đặc trưng. Đây là sự kết hợp cần thiết khi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp” – bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, nhấn mạnh du lịch TP xác định phải nâng tầm, “mặc áo mới” cho các điểm tham quan, điểm đến nhằm dần hình thành chuỗi giá trị du lịch đẳng cấp, thu hút khách. Chẳng hạn, TP chọn góc nhìn đa dạng cách tiếp cận làm sản phẩm từ đường bộ, trên sông đến tầm cao nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng như tour trực thăng ngắm thành phố từ trên cao, tour du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn…
Ngoài ra, các sản phẩm mới, độc đáo, đặc trưng của TP như tour đường thủy nội đô và kết nối TP HCM với Long An, Côn Đảo; mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), nghiên cứu xây dựng các sản phẩm và dịch vụ ngắn xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và sản phẩm liên kết với ĐBSCL.
Sở Du lịch TP sẽ tổ chức một số hoạt động mới như mời các đầu bếp nổi tiếng thế giới thưởng thức, quảng bá ẩm thực, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn ẩm thực áp dụng tại TP… Hội chợ Du lịch Quốc tế TP HCM (ITE HCMC) dự kiến vào tháng 9-2022 cũng là một trong những điểm nhấn quảng bá, giới thiệu du lịch với bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ thị trường nguồn thành “điểm phải đến”
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho hay để trở thành tour khai thác lâu dài đón khách trong nước và quốc tế, cần sự liên kết giữa các quận, huyện giúp sản phẩm du lịch trở nên đa dạng, phong phú hơn,du khách có nhiều sự lựa chọn.
Muốn TP HCM từ thị trường nguồn cung cấp khách cho các địa phương trở thành “điểm phải đến”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, góp ý cần tạo sản phẩm để khách tới, lưu trú và trải nghiệm cả ngày lẫn đêm, chứ không chỉ là điểm tham quan. Muốn vậy, cần khai thác những điểm đến đặc trưng của TP, không “đụng hàng” thì mới giữ chân du khách.
(Nguồn: Thái Phương, Người lao động, Thứ bảy, 04/06/2022, 06:15 (GMT+7))