Nhiều nét văn hóa truyền thống Bắc Giang được giới thiệu với du khách
TPO – Trong hai ngày mồng 5 và 6 Tết (9 và 10/2), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình Vui Xuân Kỷ Hợi.
Điểm nổi bật của chương trình năm nay là các hoạt động trình diễn, giao lưu, khám phá văn hóa Bắc Giang. Công chúng sẽ được thưởng thức hát Soong hao của người Nùng, hát Soọng cô của người Sán Dìu, các làn điệu dân ca quan họ Thổ Hà, trải nghiệm trò chơi cầu móc sôi động với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người Việt ở Bắc Giang; thưởng thức hương vị ẩm thực của địa phương như: bánh đa Kế, chè kho Mỹ Độ, chim câu rang riềng. Du khách còn được trải nghiệm dệt thổ cẩm và làm giấy truyền thống của người Cao Lan.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: Với vai trò là một đơn vị nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, tham gia chương năm nay, bảo tàng muốn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Nùng, Sán Dìu và người Việt ở Bắc Giang đến du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, bảo tàng cũng muốn giới thiệu trò chơi Cầu móc trong lễ hội đình Nội đã được Bảo tàng Bắc Giang bảo tồn và khôi phục trong một vài năm gần đây.
“Chúng tôi mong muốn chương trình là cầu nối giới thiệu văn hóa địa phương đến đông đảo công chúng và đồng thời mở ra mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Bắc Giang”, ông Khoa nói.
Các em nhỏ thi kéo co tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Theo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bên cạnh các hoạt động trình diễn, giới thiệu văn hóa Bắc Giang còn có các hoạt động mang đậm sắc thái Tết cổ truyền như xin chữ đầu năm mới và tìm hiểu ý nghĩa, phong tục của dân tộc. Người yêu tranh Tết dân gian được giao lưu với nghệ nhân in tranh Đông Hồ và tự tay in những bức tranh mình yêu thích. Các em nhỏ có thể lựa chọn hoạt động với chủ đề khám phá 12 con giáp bằng cách nặn tò he hay tô vẽ tranh. Ngoài ra, công chúng có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi của một số dân tộc như nhảy chữ thập (Khơ Mú), nhảy rùa (Dao), đi cà kheo bỏ đũa vào lọ (Thái, Sán Chay), ném pao (Hmông)…
Đặc biệt, vào lúc 18 giờ ngày mồng 5 Tết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức đốt pháo bông mừng năm mới do các nghệ nhân đến từ Hải Dương thực hiện với mong muốn tống cựu nghinh tân, xua đuổi tà ma, cầu bình an trong năm mới cho tất cả mọi người. Việc duy trì các hoạt động này góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nặn tò he