Nhiều nghiên cứu giá trị ở hội thảo ngữ văn Đông Á
Các chủ toạ của hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, văn học uy tín trong và ngoài nước như PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, GS Zhao Baisheng, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Nguyễn Thành Thi… cùng hàng trăm giảng viên, sinh viên.
Với mong muốn nhìn thấu suốt bạn bè để vươn ra thế giới trong thời kỳ hội nhập cũng như gìn giữ, trân quý bản sắc văn hoá dân tộc mình, hội thảo đã nhận được 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài nước. Trong đó có nhiều tham luận có giá trị nghiên cứu, tư liệu và giảng dạy tại các nhà trường ĐH về văn hoá, văn học, ngôn ngữ của các nước Đông Á.
Đó là các tham luận như “Một số vấn đề văn học đại chúng ở Việt Nam đương đại” của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp; “Hình ảnh người lính Hàn Quốc trong văn học Việt Nam” của PGS.TS Võ Văn Nhơn; “Một số vấn đề về bản sắc ngôn ngữ và văn học của các quốc gia Đông Á trong vòng văn hoá chữ Hán thời cổ trung đại” của TS Phan Thu Vân hay “Tinh thần sinh thái của Phật giáo trong truyện Việt Nam sau 1986 viết về loài vật” của PGS.TS Bùi Thanh Truyền…
Ngoài các tham luận nghiên cứu thì nhiều nhà nghiên cứu còn đưa ra các tham luận về giảng dạy ngôn ngữ, văn hoá, văn học Đông Á trong các trường học.
Đó là các tham luận như “Chương trình ngữ văn 2018-một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam” của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống; “Vấn đề dạy học nói và nghe cho học sinh trung học nhìn từ chương trình ngữ văn 2015 của Hàn Quốc và chương trình ngữ văn 2018 của Việt Nam” của Th.S Nguyễn Thị Ngọc Thuý và Th.S Lê Thị Ngọc Chi…
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Khái niệm Đông Á xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX để chỉ một khu vực địa lý bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ có vị trí nằm gần nhau gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Singapore. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Á không chỉ có vị trí địa lý gần nhau mà còn có nhiều nét văn hoá và nguồn cội tương đồng. Biểu hiện rõ nhất là chữ viết. Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên đều có chữ viết (kéo theo nền văn học) xuất phát từ chữ Hán cổ. Sau đó, bằng cách này hay cách khác, những quốc gia, vùng lãnh thổ khác với Trung Quốc đã tự tạo ra chữ viết, tiếng nói cho riêng mình.
Như ở Việt Nam, chúng ta có tới gần một ngàn năm coi chữ Hán là chữ viết chính thức, trước khi sử dụng chữ Nôm được sáng tạo từ chính chữ Hán. Phải tới đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ mới xuất hiện và nhanh chóng chiếm vị trí chính thức, tách biệt hoàn toàn với chữ Hán.
Nhưng các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Đài Loan đến nay vẫn sử dụng chữ viết được sáng tạo từ chữ Hán. Và văn hoá, văn học của các nước Đông Á cũng chịu ảnh hưởng và có tác động ngược lại đan xen rất lớn với nền văn hoá chữ Hán.
Có thể nói, hội thảo với các tham luận được nghiên cứu công phu, sâu sắc đã giúp cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên… có cái nhìn sâu rộng hơn về văn hoá, văn học Việt Nam nói riêng và các nước Đông Á nói chung. Nó giúp chúng ta tự tin, vững bước hơn trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hoá ngày càng đa dạng hiện nay.