Nhiều phụ nữ bị mất tiền tỷ do chiêu lừa mới qua mạng
Thời gian gần đây, nhiều công dân, đa số là phụ nữ, đã đến cơ quan Công an TP Đà Nẵng gửi đơn thư trình báo việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng Internet. Từ việc kết bạn, làm quen qua mạng xã hội với “những người nước ngoài thành đạt”, một số người bị dẫn dụ đầu tư “tiền ảo”, sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo và mất trắng tài sản.
Trung tá Nguyễn Đức Thành, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng cho biết, phần lớn các nạn nhân là nữ, trẻ tuổi, có điều kiện kinh tế, có hiểu biết về tiền kĩ thuật số. Ban đầu, họ cũng thận trọng và cảnh giác. Nhưng các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu thức xảo quyệt để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt số tiền lớn từ các bị hại.
Trong số nạn nhân gửi đơn trình báo đến cơ quan Công an, có chị L.T.T, chị K.H cùng kinh doanh thời trang và bán hàng online), chị V. (nhân viên một ngân hàng tại Đà Nẵng). Điểm chung của những phụ nữ này là độc thân, có tài khoản Tinder- một ứng dụng hẹn hò, kết bạn trực tuyến khá quen thuộc trên mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng yêu cầu các cô chuyển sang liên lạc qua các ứng dụng khác như Zalo, Line… Hai bên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau.
Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng bắt giữ một đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.
Đáng chú ý, những người mà các cô gái kết bạn, làm quen, bày tỏ tình cảm sau đó lừa đảo đều có hình đại diện rất đẹp trai, phong độ. Họ đều tự giới thiệu là người giàu có, thành đạt, sinh sống ở Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng khi các cô thực hiện cuộc gọi “video call” vì muốn xem mặt thì các đối tượng đều tắt camera, không để bị nhận diện.
Sau một thời gian trò chuyện và tạo sự tin tưởng, đối tượng rủ các cô gái đầu tư tiền kĩ thuật số trên các sàn giao dịch điện tử Binance và SGX với viễn cảnh dễ dàng kiếm thêm thu nhập. Bị hại được hướng dẫn tải ứng dụng sàn Binance từ Google Play hoặc App Store để tạo tài khoản giao dịch, rồi đăng ký một tài khoản ngân hàng có liên kết với sàn Binance để chuyển tiền, mua tiền điện tử USDT trên sàn Binance.
Sau khi mua thành công USDT, các cô được đối tượng đề nghị chuyển tiền điện tử USDT sang sàn SGX để “sinh lời nhiều hơn”, đồng thời gửi cho những phụ nữ này đường link www.sgxex.co hoặc www.sgxex.org để tải ứng dụng và lập một tài khoản sàn SGX trên điện thoại để thực hiện việc chuyển tiền.
Ban đầu, các đối tượng còn tỏ ra hào phóng, tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản Binance của các cô gái để cho họ mượn với thỏa thuận nếu đầu tư lãi thì trả lại, nếu lỗ thì khỏi trả. Sau khi mua USDT và chuyển tiền ảo về tài khoản ở sàn SGX giả mạo, các bị hại lập tức nhận được ngay khoản lãi đầu tư khoảng 17-18%. Thực chất, khoản lãi này là giá trị tiền ảo mà các đối tượng âm thầm chuyển thêm vào tài khoản của các nạn nhân để làm mồi nhử.
Tiếp đó, các đối tượng lại hướng dẫn bị hại chuyển tiền USDT sang tài khoản ở sàn Binance để bán. Tất cả số tiền gốc và lãi từ giao dịch này đều được chuyển đầy đủ vào tài khoản Việt Nam đồng của các cô gái tại ngân hàng. Sau một vài lần giao dịch như vậy, các cô gái được hưởng lợi 1.000-2.000 USD, được rút ra bằng tiền thật.
Khi đã hoàn toàn tin tưởng và đặt kỳ vọng vào việc đầu tư tiền ảo với sự dẫn dắt của “bạn trai” quen trên mạng, các nạn nhân đã dành toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm số tiền lớn để đầu tư. Trong đó, chị L.T.T đầu tư số tiền gần 1,5 tỷ đồng; chị V. đầu tư với số tiền lên đến 6 tỷ đồng… Tất cả số tiền này đều được mua USDT trên sàn Binance và chuyển vào “tài khoản ma” ở sàn giả mạo SGX. Lúc này, tài khoản của các bị hại trên ứng dụng SGX giả mạo vẫn hiển thị với lợi nhuận rất lớn nhưng thực chất đã bị chiếm đoạt, không thể chuyển tiền ảo về sàn giao dịch Binance nữa. Các nạn nhân nhắn hỏi thì “bạn trai” yêu cầu muốn rút được tiền phải nộp thêm tiền nâng cấp tài khoản.
Sàn SGX giả mạo cũng thông báo bị hại chưa thể rút tiền do nhiều nguyên nhân như: tài khoản mới mở cần nâng cấp thành viên, nghi ngờ rửa tiền nên phải xác minh hoặc cần đóng thuế, phí các loại… thì mới chuyển được tiền về sàn Binance. Nhưng thực tế, các bị hại càng nộp tiền càng mất nhiều hơn vì ứng dụng SGX của các đối tượng là ứng dụng giả mạo, được lập ra để lừa đảo, chiếm đoạt tiền kĩ thuật số USDT của các bị hại.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Thành, với thủ đoạn “thả con săn sắt bắt con cá rô”, các đối tượng còn lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người khác nhưng phần lớn các nạn nhân không trình báo với cơ quan Công an. Hiện nay, các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng Internet đang rất phổ biến nhưng đây là hình thức lừa đảo mới. Việc điều tra, xử lý các đối tượng lừa đảo qua mạng (trong đó có các đối tượng ở nước ngoài) luôn gặp nhiều khó khăn.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc lôi kéo đầu tư “tiền ảo”, cơ quan Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân biết để phòng ngừa…