Nhìn lại du lịch Việt Nam năm 2021: Đã thấy những hy vọng
“Lần đầu tiên sau 19 tháng, ngành du lịch mới có con số thống kê khách quốc tế đến Việt Nam”. Với du lịch, 19 tháng rất dài. Đây quả là dấu hiệu vui cho những khởi đầu mới, dẫu biết rằng hành trình còn nhiều gian nan.
“Lần đầu tiên” nhiều ý nghĩa
Đang trong đà tăng tốc đầy khí thế của năm 2019, năm 2020, du lịch lao đao. So với năm 2019, Việt Nam mất 80% lượng du khách quốc tế; khách nội địa giảm 50%; ngành thiệt hại 530.000 tỷ đồng… Người ta đã nghĩ rằng đó là “đáy” và ngành du lịch sẽ vượt qua, chỉ cần nỗ lực.
Nhưng năm 2020 chưa phải là kết thúc. Năm 2021, liên tiếp các đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến những người làm trong ngành du lịch chưa kịp ngẩng mặt thu lãi bù lỗ đã vội lo toan cho những khoản đầu tư vừa bỏ ra. Họ chấp chới, không biết bao giờ mới trở lại bình thường. Sau mỗi đợt dịch, những người làm du lịch thấp thoáng hy vọng được trở lại những cung đường, những nhộn nhịp tour, khách, sản phẩm. Nhưng rồi chưa kịp mở ra, cánh cửa lại đóng sầm trước mắt, đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến mùa du lịch hè đóng băng. Có doanh nghiệp du lịch muốn cố bám trụ với nghề thậm chí đã hối tiếc vì nếu chuyển hướng sớm, mức lỗ có thể đỡ nặng nề hơn. Những chỉ số thống kê của ngành du lịch chỉ là những con số buồn. Năm 2021, các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm nay đạt 32,3 triệu lượt (chỉ bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt (bằng 44% so với năm 2019).
Phú Quốc (Kiên Giang) – một trong những nơi đón khách quốc tế đầu tiên sau dịch Covid-19.Ảnh: HOÀNG GIANG
Đến tận đầu tháng 11, gặp những người làm du lịch vẫn là những cái lắc đầu ngao ngán. Ánh sáng chỉ manh nha rồi rõ ràng dần, khi từ chủ trương của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã trở thành hành động: Chúng ta đã chính thức đón những vị khách quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam sau gần hai năm đóng cửa. Điều này không chỉ tạo ra niềm vui được lần đầu tiên đón khách quốc tế, được cảm giác bình thường trở lại cho các hoạt động du lịch mà còn là sự chuẩn bị một khí thế mới, để những người làm du lịch vững tâm tiến bước về phía trước, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và tạo sức bật cho ngành kinh tế không khói.
Hiểu đúng để đi vững
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, du lịch nhận nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi được hưởng những chính sách hỗ trợ riêng, như: Giảm giá điện cho cơ sở lưu trú, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, hỗ trợ tiền mặt cho hướng dẫn viên… Được biết, Tổng cục Du lịch vẫn đang kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ cho ngành.
Tuy đã có những hy vọng và nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, người làm du lịch hiểu rằng, còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Sau Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngành du lịch bước vào một giai đoạn mới. Ở đó, nhiều vấn đề phải xem lại. Bản thân những người làm trong ngành du lịch cũng nhìn nhận phải điều chỉnh nhận thức. Việt Nam chuyển trạng thái ra sao? Chúng ta chuẩn bị tư thế, nghiệp vụ, kiến thức… phải thay đổi như thế nào? Thế nào là bình thường mới? Nhiều định nghĩa, quan điểm khác nhau khi những vấn đề không bình thường trước kia (như đeo khẩu trang) nay trở thành bình thường. Những vấn đề trước đây thuộc về lâu dài như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nay chuyển trạng thái rất nhanh. Du lịch không chạm đang dần trở thành một xu thế mới để phù hợp với tình hình.
Cùng với đó, một số yếu tố gắn với an toàn, môi trường sống trước kia chưa được chú ý đúng mức giờ đây lại quan trọng hơn hết thảy. Yếu tố an toàn phải hiển hiện trong mọi hoạt động của ngành. Từ an toàn cho khách, người làm, cộng đồng dân cư đến những giải pháp bảo đảm an toàn khi dịch bệnh, thiên tai… Từ đó mà các chính sách, quy định đều phải bổ sung để du lịch an toàn; các điểm đến, cơ sở lưu trú… cũng phải điều chỉnh để bảo đảm an toàn.
Người làm du lịch phải hiểu hơn về khách hàng, về thị hiếu khi giờ họ đã thay đổi hoàn toàn cách đi du lịch. Du khách thích đi theo nhóm nhỏ, theo gia đình, tour khép kín… Du lịch MICE, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm ẩm thực.. được chú ý hơn. Sản phẩm du lịch vì thế cần được đổi mới, khoác thêm “chiếc áo mới” của công nghệ và an toàn. Và địa phương, doanh nghiệp muốn làm tốt du lịch cần nghiên cứu sâu hơn, chuyển hóa tư tưởng mới, cách làm mới cho những hoạt động của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông để du khách yên tâm đi du lịch, không quên du lịch Việt cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh hai chương trình xúc tiến, quảng bá cho du khách quốc tế (với tên gọi “Live fully in Vietnam”-Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và nội địa (mang tên “Việt Nam: Đi để yêu!”). Cả hai chiến dịch đều quan trọng, nhưng để thành công cần những cách làm mới, sáng tạo.
Nhiều nỗi trăn trở như vậy, nhưng cái khó là lúc này, nguồn lực của doanh nghiệp, địa phương dù muốn hay không cũng không thể như giai đoạn trước. Trong khi, sau “bão Covid-19”, nhiều nhân lực du lịch đã không ở lại với nghề, nhiều kỹ năng, kiến thức ít nhiều bị mai một. Đó quả là những bài toán không dễ có lời giải. Nhưng dù khó đến đâu, để tồn tại, phục hồi, ngành du lịch buộc phải nỗ lực, thích ứng. Và trước hết, phải hiểu đúng khó khăn để đi vững, để biến những tia hy vọng le lói thành ánh sáng rạng ngời giúp du lịch Việt Nam vượt bão, bứt tốc.
TOÀN LINH