Nhìn lại quan hệ Việt Nam – Trung Quốc qua lăng kính tiếp biến văn hóa
Nguyễn Tuấn Hùng
Lịch sử dải đất hình chữ S đã chứng kiến sự hình thành, phát triển rồi suy vong của những quốc gia cổ từng tồn tại nơi đây. Lịch sử còn chứng minh dải đất này là dải đất của rất nhiều cuộc chiến chống ngoại bang xâm lược, chống ách đô hộ của các quốc gia khác lên vùng đất này. Song lịch sử chúng ta còn được chứng kiến những lần chúng ta tiếp thu và biến đổi những giá trị ngoại lai sao cho phù hợp với nền văn hóa nước nhà. Thực tế đã chứng minh rõ một luận điểm rằng từ trong thời kỳ cổ trung đại, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đã diễn ra và tùy vào hoàn cảnh mà mức độ tiếp nhận hay biến đổi của chúng ta cũng hoàn toàn không giống nhau. Trung Hoa là cái nôi của nhiều phát minh lớn trong quá khứ như thuốc súng, la bàn, kỹ thuật in,… thì Ấn Độ lại nổi tiếng với cái nôi sinh ra hàng loạt những tôn giáo khác nhau. Mang trên mình những thành công và là nền văn minh lớn, tất nhiên điều không thể tránh khỏi là sự truyền bá và lan tỏa sức sống văn minh của mình ra bên ngoài.
Tổng quan vấn đề
Việt Nam có khoảng 2360 con sông có chiều dài trên 10km, trong đó có 106 dòng chính còn lại là phụ lưu. Dọc trên đường bờ biển trung bình cứ 20km lại có một con sông đổ ra cửa biển. Hầu hết các con sông đều đổ ra biển Đông, có một số ít chạy ra bên ngoài lãnh thổ nguyên nhân chủ yếu do địa hình nghiêng. Địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn các bồn lục địa, thung lũng nên đặc điểm sông ngòi Việt Nam tựu chung lại là các con sông hầu hết là ngắn và lưu vực nhỏ.
Chính điều này đã mang đến đặc điểm riêng biệt cho nền văn hóa Việt Nam- tính bán đảo, tính sông nước. Ở thể lỏng (âm tính), nước có đặc tính linh động và sinh động. Nước không cố định cứng nhắc ở một hình dạng nào, nhưng không vì thế mà nó đánh mất đi bản chất của mình. Dài hay tròn chỉ là hình thức, đâu có lớn lao gì. Nước, qua quá trình nghiệm sinh và nội tâm hóa (intériorisé) của người Việt Nam, có lòng đại lượng khoan dung (générosité). Nó thu nhận tất cả vào lòng nhưng đâu vì vậy mà nó trở thành “vô nguyên tắc”.
Về thuật ngữ giao lưu văn hóa và tiếp biến văn hóa
Giao lưu văn hóa được hiểu như là sự di chuyển, chuyển đổi qua lại giữa những nền văn hóa, có thể giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa tộc người này với tộc người khác, hay giữa châu lục này với châu lục khác. Hay phải chăng giao lưu văn hóa là sự tiếp thu, tiếp nhận những đặc điểm, những nét cơ bản từ một trạng thái văn hóa ngoại sinh, trong khi vẫn giữ lại được những đặc điểm, trạng thái của văn hóa nội sinh với một phương thức, hình dạng, đặc thù phát triển hơn.
Thuật ngữ tiếp xúc văn hóa (cultural contests) được sử dụng để chỉ sự va chạm vào nhau của các nền văn hóa khi được đặt cạnh nhau.
Thuật ngữ giao lưu văn hóa (cultural exchanges) được sử dụng để chỉ sự trao đổi, đan xen, chia sẻ giữa các nền văn hóa sau khi tiếp xúc với nhau.
Thuật ngữ tiếp biến văn hóa là một thuật ngữ kép, được sử dụng để chỉ sự tiếp thu rồi biến đổi những yếu tố văn hóa trong quá trình tiếp xúc, giao lưu của một nền văn hóa này với một nền văn hóa khác. “Acculturation” là thuật ngữ được phương Tây sử dụng để mô tả hiện tượng này và nó được hiểu là tiếp biến văn hóa
Giao lưu văn hóa làm cho những cộng đồng, những quốc gia dân tộc đóng kín trở thành những hệ thống mở, đã mở trở nên ngày càng mở hơn. Theo lý thuyết hệ thống, một hệ thống.vật chất nếu đóng kín sẽ nhanh chóng tiến đến hỗn loạn do không thể trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin cần thiết với bên ngoài để duy trì cấu trúc hoặc những hoạt động chức năng bình thường, và vì vậy cũng khó thực hiện những hoạt động ứng phó cần thiết trước những tác động bất lợi từ phía thiên nhiên hoặc từ bên ngoài.
Có nhiều điều kiện góp phần vào công cuộc giao lưu văn hóa có thể diễn ra dễ dàng hơn. Song, có thể nói đến là vị trí địa lý- điều kiện quan trọng tác động sâu sắc đến quá trình giao lưu văn hóa. Giao lưu văn hóa diễn ra một cách đa dạng mà ở đó ý nghĩa về trao đổi kinh tế luôn có vị trí đặc biệt. Từ việc trao đổi các sản phẩm hay buôn bán, giao thương với nhau mà công cuộc tiếp thu văn hóa của nhau được xúc tác mạnh mẽ và dần nó trở thành phương tiện hữu hiệu để có thể truyền đi nền văn hóa bản địa nhưng cũng có thể giúp con người tiếp thu những nền văn hóa, văn minh khác. Qúa trình di dân cũng có ảnh hưởng đến đến quá trình giao lưu văn hóa; di dân đã làm tăng nhanh, phát triển và mở rộng quá trình giao tiếp giữa các nền văn hóa, giữa các tộc người với nhau.
Việt Nam trước khi văn hóa Hán xâm nhập
Những thành tựu khảo cổ đáng chú ý trong vòng hai thập niên cuối thế kỷ XX- đầu thế kỷ XXI đã bổ sung vào hiểu biết của nền sử học Việt Nam nói riêng và nền văn hóa học Việt Nam nói chung những bằng chứng lịch sử vô cùng quý giá và đáng được trân trọng. Kết quả của quá trình khai quật khảo cổ ở miền Trung và Tây Nguyên đã cung cấp một nguồn tư liệu hết sức quý giá về thời sơ sử, tiền sử; về văn hóa Sa Huỳnh, n; văn hóa Đồng Nai- Óc Eo; nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết về nền sử học cổ đại của vùng đất phía Nam nói riêng và dải đất hình chữ S nói chung.
Nó góp phần thay đổi một số quan niệm mà xưa nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết hoặc giả là suy nghĩ sai về nó. Thực tế này đã chứng minh trên dải đất hình nhữ S này đã tồn tại một nền văn hóa bản địa trước khi chịu sự tác động của văn hóa bên ngoài.
Nếu trong một thời gian dài, những nhà nghiên cứu hay các sử gia cho rằng chúng ta chỉ có một nền văn hóa Đông Sơn đỉnh cao là một ví dụ điển hình cho nền văn hóa bản địa. Thì đến đây, chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng, bên cạnh nền văn hóa Đông Sơn- Đại Việt, chúng ta còn những nền văn hóa khác từng làm chủ, là nền văn hóa bản địa ở vùng Trung- Nam Bộ nước ta.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cộng đồng dân cư, tộc người, quốc gia, nền văn hóa, văn minh đã từng tồn tại và phát triển liên tục trên dải đất lãnh thổ Việt Nam. Nếu đồng bằng Bắc Bộ có đại diện là nền văn hóa Đông Sơn đỉnh cao phát triển thành các quốc gia Văn Lang- Âu Lạc; thì Trung Bộ có đại diện là văn hóa Sa Huỳnh với sự kế thừa của nó là quốc gia cổ Chămpa và miền Nam Bộ có văn hóa Đồng Nai- Óc Eo với sự có mặt của quốc gia cổ Phù Nam.
Việt Nam trùng hợp hay phải chăng đây là sự may mắn khi chúng ta lại có vị trí địa lý khá đặc biệt khi nằm giữa “2 gã văn minh khổng lồ” là Trung Hoa và Ấn Độ- hai trung tâm văn minh lớn của Phương Đông. Chính vị thế này mà nhiều chuyên gia nghiên cứu đã nói rằng chúng ta nằm trung bán đảo Trung Ấn hay Indochina (Indochine)- sự kết hợp giữa “India” và “China”. Sự tương quan về mặt vị trí địa lý này đã góp phần vào tầm nhìn địa- văn hóa cũng như những mối liên hệ về mặt tộc người, lịch sử của chúng ta đối với “2 gã khổng lồ” này. Ngoài ra, vị trí án ngữ của Việt Nam tại ngã tư đường giao thương quốc tế- vị trí giao thoa của các luồn di dân và đường giao thương quốc tế Đông- Tây cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta có thể tiếp nhận cả văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ.
Việt Nam cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á- khu vực có vị thế địa-chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lược, địa- văn hóa của khu vực nên càng là điều kiện quan trọng để cả Trung Hoa- Ấn Độ để mắt đến. Bàn về việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung-Ấn hay Phương Tây, mối quan hệ giữa bản địa- yếu tố ngoại sinh trong văn hóa Đông Nam Á, Đông Á, phương Tây trong suốt thời kỳ cổ trung đại nhìn chung có hai nhận định như sau:
-
Văn hóa Việt Nam đã chuyển từ Đông Nam Á (cơ tầng văn hóa bản địa) sang Đông Á (thế giới “Hán hóa”).
-
Cơ tầng văn hóa Việt Nam mang cơ tầng văn hóa Nam Á gắn với thế giới Đống Nam Á rồi bồi đắp, dung hợp những tầng văn hóa Đông Á cũng như những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Tiền đề, quá trình, phạm vi ảnh hưởng văn hóa Hán
Trung Hoa là một nền văn minh lớn nằm ở phía Bắc của nước ta. Chính vì vị thế đối diện như thế này mà sự ảnh hưởng của văn hóa Hán đến Việt Nam là không thể tránh khỏi. Với một quốc gia mà lòng tự tôn, lòng kiêu hãnh đến nỗi họ tự cho họ là tộc người thượng đẳng thì việc lan truyền văn hóa của chính họ ra bên ngoài lại là điều khó lòng không thực hiện.
Với sự cận kề về mặt địa lý, nếu không muốn nói đây là anh hàng xóm lâu đời nhất của chúng ta. Đã giúp cho việc tiếp nhận nền văn hóa Hán trở thành điều hiển nhiên xảy ra đối với chúng ta dù là muốn hoặc không muốn. Cũng tương tự với Ấn Độ, bên cạnh con đường truyền bá bằng hòa bình thì quốc gia này cũng tồn tại thêm một con đường hay trạng thái khác, đấy chính là phi hòa bình hay chiến tranh.
Tiếp biến văn hóa Việt Nam – Trung Hoa
Văn hóa Trung Hoa phải nói đã được vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam (vẫn có Trung và Nam Bộ, song cần thêm nhiều tư liệu để chứng minh) tiếp thu sâu sắc nhất trong hàng thế kỷ. Sự ảnh hưởng của văn hóa Trung đến Đại Việt cũng trải qua khoảng thời gian tương đối là dài hơn rất nhiều so với quá trình của Ấn lên Việt Nam. Bắt đầu từ những thế kỷ II TCN đến tận thế kỷ XIX (1885) có thể tạm chia thành hai giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: từ thế kỷ II TCN – thế kỷ X: Trạng thái cưỡng bức, áp đặt
Giai đoạn 2: từ thế kỷ X – thế kỷ XIX: Trạng thái hòa bình, tự nguyện
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chính sách cai trị của các triều đại phong kiến và quá trình giao lưu tiếp xúc Việt – Hoa theo cả hai hình thức cưỡng bức và ôn hoà đã tạo nên những chuyển biến lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hoá của người Việt. Khu vực hạ châu thổ sông Hồng đã mở rộng vươn xa về phía biển. Người Việt đã không ngừng khai hoang lập ấp, biến hầu như toàn bộ vùng châu thổ thành đồng ruộng và xóm làng. Các chính quyền phong kiến phương Bắc, mặc dù đã cố gắng tìm mọi cách để đồng hoá người Việt, song về căn bản trong suốt thời Bắc thuộc vẫn không thể nào trực tiếp với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của người Việt. Các xóm làng dựa trên cơ sở công xã nông thôn vẫn tồn tại như thế giới riêng của người Việt, là nơi nuôi dưỡng và phát huy những tinh hoa của văn hoá truyền thống làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá.
Đầu tiên, với huyền thoại lập quốc, chúng ta cũng đã có sự ảnh hưởng nhất định đến văn hóa Hán, đặc biệt là 2 câu chuyện: Truyền thuyết Hồng Bàng Thị và Truyền thuyết Thục Phán- An Dương Vương. Với truyền thuyết Hồng Bàng Thị cùng với sử liệu của người Trung Hoa, họ đã thừa nhận rằn họ là con cháu của Viêm Hoàng, và chúng ta với họ có quan hệ “anh/em” mật thiết mà ở đó dòng trưởng là Trung Hoa và dòng thứ là Đại Việt. Hay với câu chuyện còn lại, qua hình ảnh nàng Mị Châu- phải chăng là hình ảnh phản ánh cho sự ngưỡng vọng đối với phương Bắc. Hoặc những biến thiên về chính trị- xã hội ở Trung Hoa cũng có sự ảnh hưởng trực diện đến Việt Nam: 938 ở Trung Hoa là thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc thì Việt Nam mới có cơ hội ly khai; lần 2 vào năm 1885 với sự suy yếu của Trung Hoa thì Việt Nam cũng trung hợp khi mất nước, rơi vào tay thực dân Pháp.
Về mặt chính trị, chúng ta đã trực tiếp học hỏi mô hình chính trị quân chủ trung ương tập quyền của Trung Hoa và hầu như tất cả các điển chế của nó đều có mặt tại Việt Nam. Và chúng ta có thể nói rằng, nền quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền của Đại Việt có thể đã đạt đến mức hoàn hảo ở thời Lê Sơ với cải cách của Lê Thánh Tông hoặc hậu cải cách của Minh Mệnh triều Nguyễn. Chúng ta cũng chịu nằm trong quan hệ tông phiên với Trung Hoa và tiếp nhận các phạm trù đạo đức- tư tưởng chính trị cơ bản của họ. Song, chính Trung Hoa cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam chính là “một cậu học trò xuất sắc nhất” khi đã áp dụng những điều “thầy” dạy cho chính quốc gia mình.
Đến phương diện chữ viết, Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 tr. CN), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán. Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ 字 (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn. Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字. Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học
Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta. Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Và dựa trên chữ Nho, mà người Việt đã tự sáng tạo ra cho mình chữ Nôm, như một ngôn ngữ chính thống của nước ta để chống lại sự xâm lăng của văn hóa Hán. Chữ Nôm lúc bấy giờ được gọi là “Quốc ngữ”, “ Quốc âm” mà tiêu biểu cho tầng lớp Nho sỹ đương thời phải kể đến: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, ….
Hoặc trên những phương diện tư kiến trúc thì người Việt cũng đã tiếp thu nền kiến trúc Trung Hoa, xong đã tái hiện lại để hoàn thiện nên kiến trúc Việt Nam. Hay trên mặt tôn giáo, tư tưởng, Việt Nam cũng xuất sắc khi tiếp biến nền Nho học Trung Hoa để phù hợp với bản sắc Việt, nhiều khái niệm, quan niệm của Hán Nho, Tống Nho,.. đã được bản địa hóa cho phù hợp với quốc gia mình. Mọi tư tưởng từ ngoài vào, khi thể hiện thành hành động tại Việt Nam đều trải qua một độ khúc xạ mà thành Việt Nam. Hay như GS. Vũ Khiêu đã từng nhận định về nền Nho học Việt Nam: “Coi chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo là đạo lý làm người, là nội dung của nhân nghĩa theo cách hiểu của Việt Nam, nho sĩ Việt Nam vay mượn những lời lẽ của Khổng Tử để cỗ vũ cho đạo lý này.”
Sự trỗi dậy của Trung Hoa với vai trò như một “cường quốc”
Belt and Road Initiative (BRI)- Chiến lược “Vành đai và con đường”
Được Trung Hoa triển khai vào những năm 2013 của thế kỷ XXI, chiến lược này đã và đang thực hiện mong muốn của ông Tập khi đang viễn tưởng về một “Giấc mộng Trung Hoa”. Việt Nam đã tham gia vào BRI vào khoảng năm 2015 sau chuyến thăm của ông Tập đến Việt Nam, nêu rõ cả hai bên sẽ tăng cường kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước. Đến 09/2016 với chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Trung Quốc, hai bên đã ra tuyên bố chung “thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước…”. Và đến 01/2017 với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhắc lại tuyên bố này. Với việc ủng hộ chiến lược này của Trung Quốc, Việt Nam đã phản động tính chủ động của mình.
Với việc đồng ý cũng như ủng hộ BRI, Việt Nam đã thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc và điều này cũng mang ý nghĩa chiến lược khi lợi ích trước mắt là vấn đề thương mại khổng lồ, nguồn lợi từ vốn đầu tư Trung Quốc và đây cũng là đối tác lớn nhất của Việt Nam về thương mại trong khi Việt Nam cũng vỏn vẹn ở vị trí thứ 6 khi là quốc gia đối tác thương mại lớn với Trung Quốc. Việt Nam tin rằng các hợp tác về kinh tế có thể tăng cường đối thoại về chính trị và Việt Nam có thể tận dụng BRI để làm quá trình hội nhập sâu sắc và toàn diện hơn.
Song với việc tham gia BRI, Việt Nam cũng phải đứng trước ngưỡng cửa của một quốc gia phải đứng kề với “bẫy nợ”. Chúng ta có thể vướng vào vấn đề nợ công ở mức lớn vì một thực tế cho thấy việc các quốc gia tham gia vào BRI đều có số nợ công tăng nhanh chóng hậu hậu vay vốn của Trung Quốc. Tiếp theo đó là sự không rõ ràng về hiệu quả kinh tế khi Việt Nam phải đối diện với vấn đề tính bền vững của huy động vốn cũng như đánh giá các lợi ích về kinh tế. Các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến công trình hay vấn đề về môi trường, lo ngại về anh ninh bao gồm anh ninh kinh tế, an ninh thông tin,… luôn là những vấn đề mà Việt Nam cần phải cân nhắc rất kỹ.
Vấn đề áo dài
Một thương hiệu thời trang của Trung Quốc là Ne·Tiger đã “ăn cắp” mẫu áo dài và nón lá Việt Nam giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân hè 2019 (tổ chức từ tháng 10/2018) . Bộ sưu tập được gọi là “cách tân” của Ne·Tiger nhưng thực ra là copy y chang áo dài, nón lá Việt Nam khiến chúng ta đặt ra nghi ngại về việc Trung Quốc đang ngày càng có những biểu hiện không hay khi đánh cắp văn hóa của một quốc gia mà ở đây chính là Việt Nam.
Chủ nhân của BST áo dài bị Trung Quốc đánh cắp không ai khác là Thủy Design- một nhà thiết kế về áo dài nổi tiếng trong những năm gần đây, những thiết kế của cô liên tục được trình diễn ở những chương trình lớn, những buổi Fashion Show (biểu diễn thời trang) hay được rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng biết đến và mặc nó ở những sự kiện vô cùng lớn.
Xem hình ảnh có thể thấy phiên bản áo dài của Thủy Design do Á Khôi Aó Dài 2015- Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế 2015 (Miss International 2015) Phạm Hồng Thúy Vân (bên trái, trên hình có in Thuy Design House ở phía dưới) đang mang trên mình bộ áo dài với bản chính và bên kia là bản nhái với sự đánh cắp trắng trợn từ Trung Quốc. Thoạt nhìn ta có thể nhận thấy 2 chiếc áo dài có sự tương đồng khá cao và nhiều người còn nhầm tưởng là 2 chiếc này là cùng 1 chiếc. Nhưng chính sự giống nhau như vậy đã khiến cho chúng ta lo sợ về một Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự xâm thực văn hóa, đánh cắp văn hóa của quốc gia khác mà hiện diện rõ ràng nhất ở đây chính là chiếc áo dài của văn hóa Việt Nam- biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam, biểu tượng của một nền văn hóa đã được xây dựng từ chừng ấy năm.
Trung Quốc đã từng lấy Đàn Bầu của Việt Nam mà lập hồ sơ đưa lên UNESCO làm di sản của Trung Quốc; Lấy Áo Dài Việt Nam vẽ thêm trăm kiểu gọi là phong cách Trung Quốc; Lấy Nón Lá Việt Nam đội lên đầu mỹ nhân Trung Quốc; Lấy Biển Đông của Việt Nam vẽ lên bản đồ là lãnh thổ Trung Quốc; Đưa hàng vạn người Trung Quốc sang Việt Nam lấy vợ đẻ con rải dài từ Rạch Giá – Cà Mau quét ra Móng Cái – Điện Biên. Suốt từ cao nguyên cho xuống miền duyên hải không nơi nào vắng bóng trẻ con bố người Trung Quốc. Chúng ta cần có những chiến lược đúng đắn để không chỉ là bảo vệ cho chiếc áo dài, cái nón lá,… mà quan trọng hơn là bảo vệ lấy nền văn hóa mà chúng ta đã tốn hàng ngàn năm để có thể hình thành và vun tạo nên.
Trên đây, ta có thể nhận ra hàng loạt các bộ áo dài được xem là “đạo nhái” trong buổi biểu diễn ở Trung Quốc.
Trước những tuyên bố về sáng tạo với áo dài của các nhà nhiết kế Trung Quốc mới đây, Ban tổ chức Festival Huế 2020 đã quyết định sẽ tổ chức lễ tôn vinh người khai sinh áo dài là chúa Nguyễn Phúc Khoát trong Lễ hội áo dài. Đây là thông tin được ông Huỳnh Tiến Đạt – giám đốc Trung tâm Festival Huế – chia sẻ tại buổi họp báo về Festival Huế 2020 diễn ra chiều 17-12 tại Hà Nội. Ông Đạt cho biết đây là lần đầu tiên Lễ hội áo dài trong Festival Huế 2020 tổ chức lễ tôn vinh này, sau những nhập nhằng muốn xác lập quyền sở hữu sáng tạo với chiếc áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế Trung Quốc mới đây: “Chúng tôi muốn tổ chức lễ tôn vinh với người khai sinh chiếc áo dài Việt Nam như một sự khẳng định mạnh mẽ áo dài là sáng tạo của người Việt, mà cụ thể là chúa Nguyễn Phúc Khoát, từ giữa thế kỷ XVIII“
Đề xuất dạy chữ Hán trong phổ thông
“Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” – PGS. TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định, việc dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra.
TS Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng khẳng định cần phải dạy chữ Hán Nôm sớm cho trẻ: “Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi còn rất nhỏ, các các em đã đối mặt với việc phải nhận thức chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán – Việt.
PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh thì nói rằng, người ta nói Hán Nôm giống như chiếc bình hoa trong nhà, bảo nó quý thì nó quý còn cho nó không quý thì nó cũng chả quý gì: “Chúng ta là những người trong cuộc, chúng ta thấy quan trọng còn những người ở ngoài thì họ lại cho là không cần thiết“
Hàng loạt các ý kiến của các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ về Hán Nôm, ngôn ngữ học,… đã đồng loạt đánh giá về đề xuất này. Việc đưa tiếng Hán vào dạy cho trẻ nhỏ đã gây ra một làn sóng dư luận vô cùng gay gắt ở phía người dân. Song, đây là vấn đề thuộc về khoa học và chỉ là đề xuất, nên bản thân chúng ta cũng cần phải xem lại rất kỹ vấn đề này, xem nó có thực sự phù hợp hay không.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho hay: “Tất nhiên, học được chữ Hán, Hán Nôm là tốt vì nó gắn với lịch sử của chúng ta, nhưng mà đặt vấn đề dạy chữ Hán, Hán Nôm cho tất cả các cấp học phổ thông, chưa nói đến dạy như thế nào thì nó sẽ không thực tế. Trẻ em bây giờ học quá nhiều rồi, trong khi để học chữ Hán, Hán Nôm rất nặng nhọc nên nếu bắt học thì theo tôi là không cần thiết. Chưa kể, một dân tộc với dân số lớn, đang hội nhập như chúng ta mà học lại chữ cũ như thế thì không đánh đổi…”
Ông Thịnh cũng nêu rõ việc cho rằng học chữ Hán, Hán Nôm để giữ sự trong sáng của tiếng Việt là không chính xác: “Để giữ trong sáng của tiếng Việt thì không phải. Rõ ràng, sự tiếp thu vốn từ của chữ Hán làm cho tiếng Việt có độ sâu và tất cả những gì chữ Hán có được là trên cơ sở định hình hóa văn hóa Trung Hoa, tạo nên sự lâu bền hơn. Nhưng nếu chúng ta đi vào con đường học chữ Hán để bảo giữ trong sáng tiếng Việt như vậy thì sẽ càng làm cho văn hóa Việt Nam phụ thuộc và việc sử dụng ngôn từ của thế hệ hiện tại có thể sẽ rối rắm hơn “
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH QGHN): “Nhất thiết, chúng ta không nên lấy con trẻ của mình ra làm cuộc thí nghiệm. Không cẩn thận, chính chúng ta sẽ dẫn con mình đến chỗ khốn đốn nếu học chữ Hán. Trong tương lai, theo chiến lược của Nhà nước, chúng ta dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai giống như Singapore. Phấn đấu được như vậy là rất tốt. Nếu bắt học trò học thêm chữ Hán nữa thì có phải là quá nặng và rất quá sức với lớp trẻ không? Còn nếu có dạy chữ Hán thì chỉ cũng nên dạy ở một số trường đại học trong một số chuyên ngành thôi. Hãy làm một thống kê thử xem, bao thế hệ sinh viên ngành Ngữ văn học chữ Hán suốt cả 3 – 4 năm nhưng đến nay số thực tế sử dụng được chữ Hán là mấy, thì sẽ rõ ngay. Tôi cũng xin cung cấp thêm, khi tôi sang giảng dạy ở Trung Quốc thì PGS.TS Phùng Siêu, ở Bộ môn Việt ngữ học, trường ĐH Ngoại ngữ Thượng Hải cũng nói là người Trung Quốc từ năm 60 đã có nhiều Hội nghĩ bàn về cách La-tinh hóa chữ Hán nhưng không được”
Confucius Institude – Học viện Khổng Tử/ Khổng Tử học viện – “Con ngựa thành Troa mang đặc điểm Trung Quốc”
Theo tuyên bố của Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước (viết tắt Hanban tức Hán Biện), Học viện Khổng Tử (孔子学院)là một cơ quan trao đổi giáo dục và văn hóa do Hanban thành lập trên phạm vi toàn cầu nhằm phổ cập Hán ngữ, truyền bá văn hóa và Quốc học Trung Hoa. Học viện Khổng Tử có tính chất công ích xã hội, không vì lợi nhuận, hoạt động theo phương châm “Tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo hiệp thương, bình đẳng cùng có lợi”. Công việc quan trọng nhất của Học viện này là cung cấp cho những người học Hán ngữ một bộ giáo trình học Hán ngữ hiện đại tiêu chuẩn, có uy tín, và một kênh dạy Hán ngữ chính quy nhất.
Sự phát triển và nổi lên như nấm của Học viện Khổng Tử đã khiến cho giới học thuật Phương Tây lo ngại về một Trung Hoa đang nổi dậy, Giáo sư khoa học chính trị Sam Crane thuộc Học viện Williams bang Massachusetts (Mỹ) nói với Financial Times: “Học viện Khổng Tử là văn phòng hoặc chi nhánh của Chính phủ (Trung Quốc)”. Hay Steven W. Mosher Giám đốc Viện Nghiên cứu dân số nói Học viện Khổng Tử là “Con ngựa thành Troa (Trojan Horses) có đặc điểm Trung Quốc”
Rõ ràng, Học viện Khổng Tử đã và đang phát triển rất mạnh. Ngay tại Việt Nam, thực tế lợi ích cũng như khó khăn, thách thức của vấn đề này chưa thể đánh giá hết và cần có thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, việc đảm bảo những thuận lợi, tác dụng mà nó đem lại cũng như biến những yếu tố bất lợi, tác động tiêu cực có thể xảy ra của nó thành những điều tích cực, tốt đẹp cho Việt Nam chính là điều mà Đảng và Nhà nước ta đang mong muốn. Đây cũng là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách đối với chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Một số nhận xét
Người Việt đã có ít nhất hai cách ứng xử mềm dẻo và khôn ngoan: Thứ nhất là duy trì tổ chức làng tự trị tương đối đóng khép có từ xa xưa- một hình thức công xã nông thôn, trong đó quan hệ họ hàng và làng mạc gắn bó với nhau tạo nên tính cố kết cộng đồng hết sức mạnh mẽ. Nhờ thế mà tuy có lúc nước mất nhưng văn hóa Việt vẫn còn vì làng còn, và đây chính là cơ sở để người Việt luôn ý thức giành lại độc lập cho tổ quốc, tự do cho dân tộc mình. Thứ hai là tự nguyện tiếp nhận văn hoá ngoại lai, cố gắng học tập những thành tựu của nó, nhưng biến đổi những yếu tố có ích của văn hóa này thành những yếu tố Việt ngoại sinh thích hợp với nhu cầu sử dụng bản địa để làm giàu và mạnh thêm nền văn hóa Việt. Dân tộc Việt nhờ năng lực tiếp biến lạ kỳ mà trong một ngàn năm Bắc thuộc không hề bị đồng hóa, mặc dù chính quyền cai trị phương Bắc buộc người dân theo luật Hán, áp đặt chữ Hán, đem người Hán đến ở lẫn với người Việt, bắt người Việt theo phong tục tập quán của người Hán…
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng có một câu nói mà khiến tôi trở nên tâm đắc khi nói đến quyền lợi quốc gia như sau: A nation has no permanent enemies and no permanent friends, only permanent interests. (Tạm dịch: Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn). Chính vì điều này mà bản thân chúng ta cần phải giữ vứng được lập trường kiên định của chính bản thân mới là điều đáng quan trọng và tự hào. Mọi quốc gia và kể cả chúng ta đều coi lợi ích là điều hiển nhiên, vì thế cần phải biết “tái cân bằng” (rebalance) ở mọi mặt, quan hệ với mối nước đều cần hoạch định chính sách rõ ràng và không can thiệp vào công việc của mỗi nước. Những mâu thuẫn cần được giải quyết một cách hòa bình; vì chỉ cần sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đều có thể kéo theo nguy cơ của một cuộc chiến tranh mà đã là chiến tranh thì đau thương, mất mát sẽ là điều luôn ám ảnh cho thế hệ chúng ta và cả những thế hệ sau.
Vị trí địa lý của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương đã tạo cho nó tầm quan trọng địa – chính trị đối với những quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản và cả các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ và chiến lược tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh thay đổi kết cấu chính trị thế giới từ xuyên Đại Tây Dương cho đến châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã nổi lên như một ứng viên quan trọng định hình chính trị “Trò chơi lớn” (The Great Game) trong khu vực. Do Việt Nam phải đối mặt với áp lực gia tăng từ Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán tại vùng tranh chấp trên Biển Đông, cho nên Việt Nam đang tìm kiếm nhiều đối tác ở khu vực châu Á và bên ngoài. Việt Nam đã vươn tới Hoa Kỳ và đẩy mạnh hợp tác an ninh với Nhật Bản, Úc cùng với Ấn Độ và một số nước láng giềng Đông Nam Á. Người ta tin rằng, sự tham gia ngày càng tăng của Việt Nam với các cường quốc khác sẽ dẫn đến một sự “cân bằng quyền lực” ổn định hơn và là một “đầu mối cung cấp an ninh” (net security provider) trong khu vực. Trước sự gia tăng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã hoan nghênh và gia tăng hợp tác với hàng loạt quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản,…
Kết luận
Tiếp nhận, giao lưu văn hóa là một hiện tượng tất yếu, khách quan và phổ biến trong sự phát triển của các nền văn hóa dù ở phương Đông hay là phương Tây, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Văn hóa dù có tính bền vững và ổn định đi chăng nữa thì nó cũng luôn đòi hỏi có sự giao lưu, tiếp biến thường xuyên, không chấp nhận sự khép kín. Lịch sử cũng cho thấy, những nền văn minh/ văn hóa lớn nếu đóng cửa (bế quan tỏa cảng), tự giam mình hoặc tự tôn thái quá, có thể đưa đến sự suy thoái, đi xuống về cả văn hóa hóa lẫn kinh tế- chính trị; có thể dẫn đến việc đánh mất tự chủ. Song ngược lại, nếu quá trình giao lưu diễn ra quá mạnh mẽ, một nguy khác lại có thể xuất hiện và đấy chính là việc một dân tộc nào đó bị hòa tan hoặc đánh mất bản sắc là điều tất yếu của lịch sử.
Hiện tượng tiếp xúc và hội nhập văn hóa với các quá trình tiếp nhận, điều chỉnh, đồng hóa… là hiện tượng phổ biến trong đời sống nhân loại, thể hiện năng lực thích ứng của mỗi cộng đồng trong suốt tiến trình tồn. Nếu cộng đồng, dân tộc, quốc gia nào có thể tiếp nhận và biến đổi thì kho tàng văn hóa của quốc gia đó sẽ trở nên vô cùng phong phú; nếu không, sự tụt hậu, tự đánh mất mình là điều mà quốc gia sẽ phải đối mặt dù sớm hay muộn đi chăng nữa, dù có quân sự hay lực lượng chính trị- kinh tế mạnh mẽ mà văn hóa không có thì thất bại là không tránh khỏi.
Lịch sử dải đất hình chữ S đã chứng kiến không chỉ quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược, sự thay đổi của thời đại mà thực tế đã chứng minh dân tộc trên mãnh đất này đã là những người hùng thực sự. Họ đã bảo vệ được nền văn hóa bản địa, bản sắc dân tộc, nhưng cũng làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa nước nhà. Chính nhờ khả năng tiếp biến độc đáo mà con người trên dải đất ấy đã tồn tại và phát triển trước những biến cố của thời đại, dù ở hoàn cảnh nào thì quốc gia ấy vẫn luôn có một nền văn hóa độc lập, một nền văn hiến mà nhiều quốc gia khác hằng mong muốn. Chính nhờ nền văn hóa bản địa cộng sinh với văn hóa ngoại sinh đã đi qua độ khúc xạ của nước ta mà nó đã trợ giúp con người của dân tộc này đi qua hết những điểm đen của lịch sử, sự biến thiên, thăng trầm của thời đại.
Tài liệu tham khảo
Phạm Sỹ Thành (2019), Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI): Lựa chọn nào của Đông Nam Á, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc \- VEPR, NXB Thế Giới
Nguyễn Hải Hoành (2015), Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1000 năm Bắc thuộc?, Nghiên cứu quốc tế
Trần Quốc Vượng (2013), Một nét bản sắc văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến, <http://www.vanhoanghean.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/mot-net-ban-sac-cua-van-hoa-viet-nam-kha-nang-ung-bien>
Đặc điểm sông ngòi Việt Nam, <https://bacdau.vn/dac-diem-song-ngoi-viet-nam>
Nguyễn Quang Ngọc, Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: Những dấu tích văn hóa vật chất, <http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/bac-thuoc-va-chong-bac-thuoc-nhung-dau-tich-van-hoa-vat-chat>
Lê Văn, “Cần dạy tiếng Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt”, <https://soha.vn/can-day-chu-han-de-giu-su-trong-sang-cua-tieng-viet-2016083010162603.htm>
Hoàng Đan, <https://soha.vn/gs-ngo-duc-thinh-toi-chon-tieng-anh-chu-khong-hoc-chu-han-20160903181331387rf20160903181331387.htm>
Hoàng Đan, <https://soha.vn/pgs-noi-ve-de-xuat-day-chu-han-sao-bat-con-em-ta-hoc-tu-ngu-20160901215859168.htm>
Nguyễn Hải- Nguyễn Hải Hoành, Mười năm Học viện Khổng Tử, <https://nghiencuuquocte.org/2015/01/04/muoi-nam-hoc-vien-khong-tu/>
<http://www.molang0205.com/2015/01/hoc-vien-khong-tu-la-cai-gi-vay.html>
<https://tuoitre.vn/truoc-tuyen-bo-tu-trung-quoc-hue-ton-vinh-nguoi-khai-sinh-ao-dai-chua-nguyen-phuc-khoat-20191217191458423.htm?fbclid=IwAR0mA5uXqNX59q2jaO0YboDUaBD0OEerEEK0eE_aOxHSZ4SkqPjQ4SUuAl4>
Mục lục bài viết
Chia sẻ:
-
Thêm
Thích bài này:
Thích
Đang tải…