Những Cuốn Tiểu Thuyết Hay Nhất Mọi Thời Đại Nên Đọc
Dưới đây là danh sách TOP những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại sẽ khiến bạn dành trọn hàng giờ liền để đọc. Rất thú vị và hấp dẫn, hãy cùng kéo xuống để tiếp tục nhé!
(Lưu ý: Dưới mỗi cuốn sách chúng mình có để link đến những nhà cung cấp sách uy tín hiện nay. Nếu có nhu cầu, bạn đọc có thể mua để ủng hộ bản quyền tác giả nhé!)
TOP Tiểu Thuyết Hay Nhất Mọi Thời Đại
Mục lục bài viết
Bộ Sách Những Người Khốn Khổ – Victor Hugo
Những người khốn khổ là một trong những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại chứa chan tinh thần lãng mạn cách mạng. Những nhân vật chính diện đều sáng ngời đức hào hiệp, hy sinh.
Tác phẩm ghi lại những nét hiện thực về xã hội Pháp vào khoảng 1830. Cái xã hội tư sản tàn bạo được phản ánh trong những nhân vật phản diện như Javert, Thénardier.
Tình trạng cùng khổ của người dân lao động cũng được mô tả bằng những cảnh thương tâm của một người cố nông sau trở thành tù phạm, một người mẹ, một đứa trẻ sống trong cảnh khủng khiếp của cuộc đời tối tăm, ngạt thở.
Dưới ngòi bút của Hugo, Paris ngày cách mạng 1832 đã sống dậy, tưng bừng, anh dũng, một Paris nghèo khổ nhưng thiết tha yêu tự do.
Đồi Gió Hú – Emily Bronte
Đồi gió hú, câu chuyện cổ điển về tình yêu ngang trái và tham vọng chiếm hữu, cuốn tiểu thuyết dữ dội và bí ẩn về Catherine Earnshaw, cô con gái nổi loạn của gia đình Earnshaw, với gã đàn ông thô ráp và điên rồ mà cha cô mang về nhà rồi đặt tên là Heathcliff, được trình diễn trên cái nền những đồng truông, quả đồi nước Anh cô quạnh và ban sơ không kém gì chính tình yêu của họ.
Từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó của họ ngày càng trở nên ám ảnh. Gia đình, địa vị xã hội, và cả số phận rắp tâm chống lại họ, bản tính dữ dội và ghen tuông tột độ cũng hủy diệt họ, vậy nên toàn bộ thời gian hai con người yêu nhau đó đã sống trong thù hận và tuyệt vọng, mà cái chết chỉ có ý nghĩa khởi đầu.
Một khởi đầu mới để hai linh hồn mãnh liệt đó được tự do tái ngộ, khi những cơn gió hoang vắng và điên cuồng tràn về quanh các lâu đài trong Đồi gió hú…
Cuốn tiểu thuyết kinh điển duy nhất của Emily Brontë, là cuốn sách đã tới tay công chúng với nhiều lời bình trái ngược vào năm 1847, một năm trước khi nữ tác giả qua đời ở tuổi ba mươi.
Thông qua mối tình giữa Cathy và Heathcliff, với bối cảnh là đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải, Đồi gió hú đã tạo nên cả một thế giới riêng với xu hướng bỏ qua lề thói, vươn tới thi ca cũng như tới những chiều sâu tăm tối của lòng người, giúp tác phẩm trở thành một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất, bi thương nhất mà con người từng viết ra về nỗi đam mê cháy bỏng.
Bà Bovary – Gustave Flaubert
Nhân câu chuyện thời sự là vụ ngoại tình rồi tự tử của vợ một viên thầy thuốc, Gustave Flaubert đã viết tiểu thuyết nổi tiếng Bà Bovary, xuất bản năm 1856, kể về một thiếu phụ với cuộc hôn nhân không như ý, người chồng tầm thường, những gã tình nhân ích kỷ, những mơ ước, ảo tưởng bị bóp nghẹt.
Nhưng không chỉ có vậy, cuốn tiểu thuyết còn cất lên tiếng nói phản kháng của cá nhân chống lại những quy tắc xã hội và đạo đức của thế giới tư sản chật hẹp và giả dối, đồng thời miêu tả quá trình tan vỡ của những thơ mộng lãng mạn mà cá nhân khao khát hạnh phúc đặt vào cái thực tại tầm thường và hèn kém của cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, đây còn là một trong những truyện hay nhất mọi thời đại của tiểu thuyết Pháp. Chẳng có gì, trong toàn bộ bức tranh ấy, lại không khiến xã hội đương thời phải phát hoảng.
Khắc nghiệt như một vở bi kịch, rực rỡ như một vở chính kịch, cay độc chua chát như một vở hài kịch, cuốn tiểu thuyết tự trang bị cho mình một thứ vũ khí đáng gờm: văn phong.
Trong mỗi câu văn, Flaubert đều dốc vào một chút thạch tín, thứ độc chất mà Emma Bovary đã dùng để tự kết liễu đời mình.
Thành thử, cuốn sách của ông vừa khiêu khích lại vừa cay độc, mỉa mai nhạo báng tất cả các giá trị ở mọi cấp độ, khiến cho bản thân văn chương cũng không còn như trước khi Bà Bovary xuất hiện nữa.
Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại mà bạn nên đọc qua một lần trong đời.
Đại Gia Gatsby – F. Scott Fitzgerald
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”
Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 – 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt, tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi.
Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những tưởng sẽ có tất cả – tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng.
Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đại.
Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới.
Cuốn tiểu thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị” (như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
Không Gia Đình – Hector Malot
KHÔNG GIA ĐÌNH kể về cuộc đời của cậu bé Rémi. Từ nhỏ, Rémi đã bị bắt cóc, rồi bị bố nuôi bán cho một đoàn xiếc thú. Em đã theo đoàn xiếc ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp.
Rémi đã lớn lên trong gian khổ và lao động để sống. Lúc đầu em được sự dạy bảo của cụ Vitalis, về sau thì tự lập.
Không những lo cho mình, em còn lo việc biểu diễn và kiếm sống cho cả một gánh hát rong… Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của cụ Vitalis giữ phẩm chất làm người.
Đó là lòng yêu lao động, tự trọng, ngay thẳng, biết nhớ ơn nghĩa và luôn luôn muốn làm người có ích.
KHÔNG GIA ĐÌNH là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới luôn cuốn hút, hấp dẫn người đọc vì đây chính là những cuộc phiêu lưu của lòng dũng cảm và tình cảm gia đình.
KHÔNG GIA ĐÌNH là quyển sách hay nhất về giáo dục, xứng đáng nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp.
Hai Số Phận – Jeffrey Archer
“Hai số phận” (Kane & Abel) là câu chuyện về hai người đàn ông đi tìm vinh quang. William Kane là con một triệu phú nổi tiếng trên đất Mỹ, lớn lên trong nhung lụa của thế giới thượng lưu.
Wladek Koskiewicz là đứa trẻ không rõ xuất thân, được gia đình người bẫy thú nhặt về nuôi. Một người được ấn định để trở thành chủ ngân hàng khi lớn lên, người kia nhập cư vào Mỹ cùng đoàn người nghèo khổ.
Trải qua hơn sáu mươi năm với biết bao biến động, hai con người giàu hoài bão miệt mài xây dựng vận mệnh của mình.
“Hai số phận” nói về nỗi khát khao cháy bỏng, những nghĩa cử, những mối thâm thù, từng bước đường phiêu lưu, hiện thực thế giới và những góc khuất… mê hoặc người đọc bằng ngôn từ cô đọng, hai mạch truyện song song được xây dựng tinh tế từ những chi tiết nhỏ nhất.)
Trăm Năm Cô Đơn – Gabriel Garcia Marquez
“Chỉ với một bước nhảy, Gabriel García Márquez đã vụt lên ngang hàng với Günter Grass và Vladimir Nabokov.”
– The New York Times
“Xuất sắc, hỗn độn, với tầm ảnh hưởng lớn ảnh… Một thiên tiểu thuyết vĩ đại và đầy tính nhạc.”
– The Times
Ở Mỹ Latin, ai ai cũng đọc tác phẩm này, từ các giáo sư cho đến dân lao động và cả gái điếm.”
– The Sydney Morning Herald
Thép Đã Tôi Thế Đấy – Nikolai A.Ostrovsky
Thép Đã Tôi Thế Đấy không phải là một tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại chỉ cần nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó.
Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông.
Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết Thép Đã Tôi Thế Đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể.
Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể.
Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.
Hãy đọc Thép đã tôi thế đấy để biết từng có một thời người ta sống:
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
Nhà Giả Kim – Paulo Coelho
Tất cả những trải nghiệm trong chuyến phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp Santiago thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc, hòa hợp với vũ trụ và con người.
Cuốn tiểu thuyết kinh điển Nhà giả kim của Paulo Coelho như một câu chuyện cổ tích giản dị, nhân ái, giàu chất thơ, thấm đẫm những minh triết huyền bí của phương Đông. Trong lần xuất bản đầu tiên tại Brazil vào năm 1988, sách chỉ bán được 900 bản.
Nhưng, với số phận đặc biệt của cuốn sách dành cho toàn nhân loại, vượt ra ngoài biên giới quốc gia, Nhà giả kim đã làm rung động hàng triệu tâm hồn, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, và có thể làm thay đổi cuộc đời người đọc.
Lolita – Vladimir Nabokov
“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất.
Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”
Lolita, hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ 20, được xuất bản lần đầu vào năm 1955 tại Paris, mặc dù viết bằng tiếng Mỹ.
Cũng như mọi tác phẩm kỳ vĩ và có độ lệch chuẩn lớn, như tiểu thuyết của D. H. Lawrence hay của Anthony Burgess, khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ.
Giờ đây khi thực sự được đọc Lolita, ta hiểu tại sao Vladimir Nabokov nâng niu nó đến vậy. Thoạt tiên bị nhìn nhận một cách giản đơn quá mức, Lolita dần thoát khỏi cái định kiến coi nó là tác phẩm thuần túy gợi dục, bởi Lolita chứa đựng nhiều, rất nhiều hơn thế: Nó tinh vi dò xét tâm lý con người (dù không cần viện tới tâm phân học, mà thậm chí Nabokov còn luôn luôn tìm cách bài xích Sigmund Freud), và nó còn là những nước cờ ngôn từ kiệt xuất của một trong những thiên tài văn chương lớn nhất.
Đến giờ, dù cho bao năm tháng đã qua đi, Lolita vẫn cứ là một hiện tượng bất thường, và cô bé Lolita, “ánh sáng của đời tôi, tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi” trong trí tưởng của Humbert Humbert, vẫn bất tử trong dáng đứng thẳng cao chưa đầy một mét rưỡi và toàn bộ đặc tính của một “tiểu nữ thần” vĩnh viễn bất kham.
Cây Cam Ngọt Của Tôi – José Mauro de Vasconcelos
Hãy làm quen với Zezé, cậu bé tinh nghịch siêu hạng đồng thời cũng đáng yêu bậc nhất, với ước mơ lớn lên trở thành nhà thơ cổ thắt nơ bướm.
Chẳng phải ai cũng công nhận khoản “đáng yêu” kia đâu nhé. Bởi vì, ở cái xóm ngoại ô nghèo ấy, nỗi khắc khổ bủa vây đã che mờ mắt người ta trước trái tim thiện lương cùng trí tưởng tượng tuyệt vời của cậu bé con năm tuổi.
Có hề gì đâu bao nhiêu là hắt hủi, đánh mắng, vì Zezé đã có một người bạn đặc biệt để trút nỗi lòng: cây cam ngọt nơi vườn sau.
Và cả một người bạn nữa, bằng xương bằng thịt, một ngày kia xuất hiện, cho cậu bé nhạy cảm khôn sớm biết thế nào là trìu mến, thế nào là nỗi đau, và mãi mãi thay đổi cuộc đời cậu.
Mở đầu bằng những thanh âm trong sáng và kết thúc lắng lại trong những nốt trầm hoài niệm, Cây cam ngọt của tôi khiến ta nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống đến từ những điều giản dị như bông hoa trắng của cái cây sau nhà, và rằng cuộc đời thật khốn khổ nếu thiếu đi lòng yêu thương và niềm trắc ẩn.
Cuốn tiểu thuyết kinh điển này bởi thế không ngừng khiến trái tim người đọc khắp thế giới thổn thức, kể từ khi ra mắt lần đầu năm 1968 tại Brazil.
Hoa Vẫn Nở Mỗi Ngày – Valérie Perrin
“Một tiểu thuyết đầy cảm xúc, một cuốn sách đưa ta đi từ tiếng cười đến những giọt nước mắt với các nhân vật hài hước và cuốn hút.” – Ban giám khảo giải thưởng Prix des Maisons de la Presse.
Violette Toussaint sống mà như chết. Người phụ nữ ấy bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng, tới lượt cô con gái nhỏ mà cô yêu thương nhất lại bỏ cô mà đi trong một tai nạn thảm khốc, rồi cả đến người chồng một ngày kia cũng không còn ở lại bên cô.
Cuộc đời của một nhân viên gác chắn nơi ga xép với những chuyến tàu nhỏ mỗi ngày đến rồi đi hay của một người quản trang tại nghĩa trang tỉnh lẻ chuyên đón nhận người chết và chăm sóc các phần mộ tưởng chừng chỉ gắn chặt với mất mát, buồn đau, rồi úa tàn dần theo năm tháng.
Nhưng sự sống là mầu nhiệm, hy vọng vẫn còn đó, hạnh phúc lại có dịp được hồi sinh khi hoa kia được thay nước, khi chính con người vẫn tin vào cuộc đời.
Một câu chuyện sẽ ở lại lâu trong lòng độc giả. Nhẹ nhàng mà thấm thía. Bởi dẫu có lẽ không ít lần lấy đi nước mắt của người đọc, câu chuyện về tình yêu, tổn thương và hy vọng này cuối cùng sẽ để lại trong ta những cảm xúc tích cực, hạnh phúc cùng niềm mãn nguyện êm đềm một khi đã lật giở đến những trang cuối.
Cuốn Theo Chiều Gió – Margaret Mitchell
Lấy bối cảnh thời Nội chiến và tái thiết với các cuộc chiến ác liệt, những mâu thuẫn sâu sắc về chính trị, xã hội và cảnh đói nghèo sau chiến tranh, Cuốn theo chiều gió kể về Scarlett O’Hara, cô tiểu thư mắt xanh với dòng máu Ireland kiêu hãnh.
Từ cô thiếu nữ mười sáu tuổi sống trong nhung lụa, bồng bột theo đuổi tình yêu, Scarlett đã đi qua những tháng ngày tuyệt vọng nhất, nếm trải mất mát, để cứu lấy mảnh đất Tara thân yêu, cứu lấy gia đình. Nhưng mặc cho phong ba bão táp của cuộc đời, nàng vẫn giữ đó niềm lạc quan vô tận.
Và giữa thời thế loạn lạc, bên cạnh nàng vẫn có một Rhett Butler ngang tàng và bất cần nhưng luôn dành cho Scarlett tình yêu và sự dung túng, một Melanie Hamilton dịu dàng thương mến đã đồng hành với nàng qua mọi đau thương, cũng như một Ashley Wilkes hiền hòa luôn đắm chìm trong hoài niệm.
Tất cả họ đã sống, đã yêu và đã tạo nên những hình tượng văn chương bất hủ, xóa nhòa mọi chuẩn mực, khiến người đọc vừa yêu vừa ghét, vừa nhớ mãi không quên.
Là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại, Cuốn theo chiều gió đã họa nên một giai đoạn lịch sử bi tráng của nước Mỹ, cả trong huy hoàng phồn vinh lẫn lụi tàn suy kiệt, để thấy ở đó con người với tất cả ưu, khuyết, và tình yêu với tất cả trẻ trung, khờ dại, có lúc lạc đường vì hư ảo, nhưng sau cùng vẫn luôn là tình yêu.
Người Đua Diều – Khaled Hosseini
Câu chuyện là lời tự thuật của nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui cũng như lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất.
Theo dòng hồi ức của Amir, người đọc trở lại hơn hai mươi năm về trước, khi Amir còn là một cậu bé mười hai tuổi sống trong vòng tay che chở của Baba giàu sang và thanh thế.
Cùng gắn bó với Amir suốt những năm tháng tuổi thơ là Hassan, con trai của người quản gia Ali, một cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir.
Thế nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan đã không được đền đáp, một ngày mùa đông năm 1975, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn trẻ xấu hành hung và nhục mạ.
Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí, còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Và Amir đã phải trả giá cho lỗi lầm ấy trong suốt phần đời còn lại.
Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, ngay cả khi tìm được một mái ấm cho riêng mình hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh của một kẻ gian dối vẫn ngày đêm đeo đuổi Amir.
Và cuối cùng, trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em cùng cha khác mẹ Hassan đã chết dưới họng súng Taliban.
Người đua diều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện ly kỳ, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật… Và sự thật, tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần.
Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của Người đua diều còn bắt nguồn từ giá trị nhận thức sâu sắc.
Suối Nguồn – Ayn Rand
Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Time)
Đã bán được 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943).
Được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm.
Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc nay đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt.
“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị … mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối … một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.”
– Saturday Review of Literature
“Tôi có thể ca ngợi tiểu thuyết này ở nhiều khía cạnh… sự kiện hấp dẫn…những nhân vật đầy màu sắc… táo bạo… thông minh phi thường.” – New York Herald Tribune
“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Mountain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).” – New York Times
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn – Mark Twain
Câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi với người bạn là Jim, một nô lệ đang chạy thoát.
Quyển sách miêu tả những cảnh vật trên dòng sông và châm biếm những quan điểm ở miền Nam Hoa Kỳ thời tiền chiến, đặc biệt là quan điểm kỳ thị chủng tộc.
Hình ảnh Huck và Jim trên chiếc bè chạy theo dòng sông, đi đến tự do, là một trong những hình ảnh bất hủ nhất trong văn học Hoa Kỳ.
Nhà Thờ Đức Bà Paris – Victor Hugo
Nhà văn Eugène Sue nhận xét: “… Ngoài chất thơ cùng tất cả sự phong phú của tư tưởng và tính kịch, tôi xin nói thêm cuốn truyện của ông còn có gì đó làm tôi vô cùng xúc động.
Có thể nói Quasimodo tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn và sự tận tụy, Froll tiêu biểu cho sự uyên bác, trí thức khoa học, khả năng trí tuệ, còn Chateaupers tuyệt diệu để ba nhân vật điển hình đó, cùng một thực chất như chúng ta, đối mặt với một cô gái ngây thơ, gần như man dại giữa nền văn minh, trao cho cô ta quyền được lựa chọn và để cô ta lựa chọn một cách hết sức đàn bà”.
Nhà sử học Jules Michelet nhận xét: “Cạnh ngôi nhà thờ lớn cổ kính, Victor Hugo xây dựng một tòa nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng ngất cao như dãy tháp của tòa nhà thờ nọ”.
Giết Con Chim Nhại – Harper Lee
Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống.
Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở.
Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.
Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ…
Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.
Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.
Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ.
Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh.
Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người.”
Jane Eyre – Charlotte Bronte
Jane Eyre là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nữ tác giả người Anh Charlotte Bronte thế kỷ 19.
Tác phẩm nói về cuộc đời của một người con gái nghèo tỉnh lẻ đã kiên cường vật lộn với số phận phũ phàng để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định vị trí xã hội của mình bằng cuộc sống lao động lương thiện.
Với văn phong trữ tình, kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa nhân văn, hiện thực lãng mạn, bút pháp tinh tế điêu luyện, tác giả đã tạo cho tiểu thuyết một sức sống mạnh mẽ, sức cuốn hút thi vị và một vẻ đẹp thơ mộng.
Jane Eyre đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được bạn đọc khắp năm châu yêu mến.
Bộ Sách Chiến Tranh Và Hoà Bình – Lev Tolstoy
“CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH” – đại tiểu thuyết của đại văn hào Lev Tolstoy – sớm vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ để được thế giới thừa nhận là thiên tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại bởi những vấn đề lớn lao của cả nhân loại hiện lên sinh động và xúc động qua từng từ, từng câu bởi ngòi bút nghệ thuật trác việt của tác giả.
“CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH” đã có ảnh hưởng lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và Tây Âu nói riêng, văn học thế giới nói chung. Bởi từ khi ra đời tới nay, bộ tiểu thuyết đã được xuất bản hàng nghìn lần bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Tại Việt Nam, “CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH” được dịch và xuất bản lần đầu tiên vào khoảng năm 1961 -1962. Kể từ đó cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nhiều kỷ lục tái bản đáng ngưỡng mộ đối với một tác phẩm văn học dịch.
Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian – Ocean Vuong
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian viết dưới dạng một lá thư của nhân vật chính, Chó Con, gửi cho người mẹ không biết chữ của mình.
Dưới dạng những mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, và những bài thơ, cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con (tên gọi yêu do bà ngoại đặt cho, nhưng cũng là cách tất cả mọi người trong sách gọi cậu) từ thuở nhỏ đến lúc chớm trưởng thành, mà cả ba thế hệ từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ, cũng như câu chuyện của những thanh niên Mỹ thế hệ cậu mà đặc trưng là người bạn trai Trevor.
Cuốn sách thường được đọc như một Bildungsroman (tiểu thuyết trưởng thành), nhưng cũng có nhiều người coi đây là một Künstlerroman (tiểu thuyết kể về quá trình một người nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ).
Kết Luận
Trên đây là TOP những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại mà chúng mình đã tìm kiếm và tổng hợp được. Hy vọng qua những gợi ý phía trên, độc giả sẽ sớm tìm được các cuốn sách phù hợp với bản thân.
Nếu bạn có nhu cầu tìm đọc về chủ đề tương tự, thì có thể tham khảo về bài viết về những cuốn sách hay nhất mọi thời đại và những cuốn sách best seller của Ghiền Sách nhé!
Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe và thành công.
Hẹn gặp lại!