Những bí ẩn về nơi an táng thực sự của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng với biểu tự Khổng Minh, vốn là nhà chính trị, chỉ huy quân sự, đồng thời là nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.  

Ông đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam Quốc, liên minh Thục – Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của mình, thậm chí được so sánh với một vị chiến lược gia tài ba khác là Tôn Tử.

Tuy nhiên, trong năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động không thành công, cuối cùng, ở tuổi 53, Khổng Minh bị bệnh trọng không qua khỏi và mất ở doanh trại vào năm 234 sau Công Nguyên.

Những bí ẩn về nơi an táng thực sự của Gia Cát Lượng - 1 Hình tượng của ông được tái hiện nhiều lần trên các thước phim lịch sử của Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Cả cuộc đời Gia Cát Lượng gắn liền với nhiều giai thoại, tận trung vì sự nghiệp chấn hưng nhà Thục Hán. Tới khi mất đi, nơi chôn cất thực sự của ông ở đâu, đến nay vẫn còn là câu hỏi mà hậu thế chưa tìm ra.

Những bí ẩn về nơi an táng thực sự của Gia Cát Lượng

Theo di nguyện của ông sau khi chết muốn đặt mộ tại núi Định Quân. Ngọn núi thuộc thành phố Hán Trung ngày nay ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Do đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng cả vạn quân nên mới có tên là Định Quân.

Địa hình núi rất phức tạp với sườn núi uốn lượn nhấp nhô, được coi là rất tốt về phong thủy. Ngay dưới chân núi, du khách sẽ thấy khu mộ Gia Cát Lượng và đền thờ mang tên ông.

Theo tương truyền, do dự đoán được vận mệnh, trước khi qua đời, Gia Cát Lượng để lại lời trăn trối cho Lưu Thiện, trong đó có yêu cầu về nơi chôn cất. Ông căn dặn, sau khi chết, quân sĩ mang thi thể của ông đặt vào quan tài rồi khiêng về Hán Trung. Khi dây thừng đứt ở đâu sẽ đặt mộ tại đó.

Những bí ẩn về nơi an táng thực sự của Gia Cát Lượng - 2 Một trong những phần mộ của Gia Cát Lượng (Ảnh: Knews).

Đúng di nguyện của người đã khuất, Lưu Thiện cử 4 tráng sĩ khiêng quan tài di chuyển về phía nam. Họ đi suốt 4 ngày đêm tới khi kiệt sức nhưng dây thừng buộc quan tài vẫn chưa đứt. Vì quá mệt mỏi, nhóm tráng sĩ thương lượng với nhau tìm khu đất trống, chôn quan tài xuống và vội vã trở về.

Việc trở về sớm hơn dự kiến khiến Lưu Thiện nghi ngờ. Ông cho rằng dây thừng và đòn khiên còn mới nên không thể dễ đứt trong vài ngày nên đã hạ lệnh thẩm vấn 4 tráng sĩ. Sau khi vụ việc bị bại lộ, cả 4 người đều bị xử trảm vì tội khi quân. Nhưng cũng kể từ đó, không ai rõ mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở đâu.

Những bí ẩn về nơi an táng thực sự của Gia Cát Lượng - 3 Khổng Minh được dựng tượng và thờ ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Bên cạnh đó, còn giai thoại khác về phần mộ của Khổng Minh. Đó là chuyện quân sĩ khiêng quan tài suốt nhiều ngày mà dây thừng không đứt, nhưng khi tới núi Định Quân lại đứt phựt. Quân sĩ vội vàng đào huyệt xung quanh, đủ chỗ lấp trọn cỗ quan tài. Nơi đặt mộ không xây kín, cũng không để lại bất cứ dấu hiệu nào dễ phát hiện.

Để chống lại nạn trộm mộ, người ta còn xây thêm nhiều phần mộ giả xung quanh. Ngôi mộ ngày nay người đời vẫn gọi là “Mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu”, thực tế không phải phần mộ thật. Người Trung Quốc tương truyền, ngôi mộ nào có dòng chữ “Mộ Vũ Hầu” mới chính là nơi an nghỉ thực tế của Khổng Minh

Ngày nay, có ngôi mộ mang tên “Mộ Vũ Hầu” đặt ở góc tây bắc núi Định Quân, có diện tích hơn 300 mẫu. Nhưng các chuyên gia lại nhận định, ngay cả nơi này cũng không phải ngôi mộ thật. Đúng theo kế hoạch của Gia Cát Lượng, nơi yên nghỉ thực sự của ông tới nay chưa được phát hiện ra và có thể sẽ không bao giờ tìm thấy.

Trên khắp đất Trung Quốc, người đời còn lập nên nhiều đền thờ để tưởng nhớ vị tướng tài ba này. Trong đó, nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân. Kế đến là miếu Vũ Hầu ở Thành Đô; miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, Trùng Khánh.