Những chàng trai “bén duyên” với nghệ thuật cắm hoa

Với nghề cắm hoa, không quan trọng là nam hay nữ, chỉ cần có một chút năng khiếu và nhiều lòng đam mê, sự kiên trì, nỗ lực học hỏi không ngừng

Với nghề cắm hoa, không quan trọng là nam hay nữ, chỉ cần có một chút năng khiếu và nhiều lòng đam mê, sự kiên trì, nỗ lực học hỏi không ngừng

Không chỉ là việc của “phái yếu”

Nghề cắm hoa vốn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và có chút mềm mại, dịu dàng – tất cả yếu tố này đều là thế mạnh của phái nữ. Thế nhưng, thử một lần tận mắt thấy những chàng trai theo đuổi lĩnh vực này, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên trước những động tác cắt, tỉa dứt khoát, mạnh mẽ. Chưa kể, những lẵng hoa, bó hoa được sáng tạo dưới đôi tay “phái mạnh” cũng chẳng hề kém phần duyên dáng, đáng yêu.

Lỡ “phải duyên” với nghề cắm hoa từ khi theo phụ việc tại một cửa hàng hoa trên địa bàn TP.Tân An, anh Nguyễn Văn Út (quê ở tỉnh Vĩnh Long) quyết định ra riêng và lập nghiệp tại quê hương thứ 2 với cửa hàng hoa A Đây Rồi tại phường 3, TP.Tân An. Ban đầu, tiệm của anh cũng có quy mô nhỏ vì chưa nhiều vốn đầu tư. Sau này, khi đã có nhiều khách quen, thu nhập ổn định, anh mạnh dạn mở rộng cửa tiệm để kinh doanh lâu dài.

Anh Út chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ theo nghề này nhưng lớn lên, nghề lại chọn mình. Ban đầu, tôi chỉ phụ những việc đơn giản rồi sau này mày mò học hỏi dần, quan trọng là phải biết quan sát, chẳng ai có thể “một sớm, một chiều” là có thể thuần thục được, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và đặc biệt là không được nản lòng. Đến khi ra tiệm riêng, bên cạnh những mẫu cơ bản, tôi phải sáng tạo thật nhiều kiểu mới lạ, độc đáo, định hình riêng phong cách cho tiệm để tạo ấn tượng với khách hàng”.

Những bó hoa được kết từ “phái mạnh” cũng thật xinh xắn, sống động

Một điều đặc biệt là các thợ phụ của tiệm anh Út đều là nam giới. Theo anh, cắm hoa không chỉ đơn giản là cắt cành rồi cắm vào bình, vào lẵng là xong mà làm việc tại tiệm hoa cũng rất vất vả, cần nhiều sức của “cánh đàn ông”.

Anh Trần Thanh Khang (xã Hoà Phú, huyện Châu Thành) đang phụ việc cho tiệm hoa của anh Út. Anh Khang chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng có thời gian phụ việc cho một tiệm hoa khác, vừa làm, vừa học, sau này cũng có chút ít kinh nghiệm. Làm nghề cắm hoa không đơn giản, rất nhiều công việc cần sức khỏe nhưng thực hiện những tác phẩm quy mô lớn, trang trí tiệc cưới, sự kiện hay đi giao hoa,… tất cả đều khá nặng nhọc. Khi bắt tay vào làm thì mới “thấm” được sự vất vả để có một tác phẩm hoàn hảo đến tay khách hàng”.

Những bó hoa được kết từ “phái mạnh” cũng thật xinh xắn, sống động

Những bó hoa được kết từ “phái mạnh” cũng thật xinh xắn, sống động

Phải có lòng đam mê

Không học qua thực tế như anh Út hay anh Khang, em Phạm Minh Trí (phường Khánh Hậu, TP.Tân An, hiện là sinh viên tại TP.HCM) tranh thủ thời gian rảnh đến Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM học cắm hoa. Minh Trí chia sẻ: “Dù học ngành Công nghệ thông tin nhưng tôi lại đam mê cắm hoa nghệ thuật. Tôi cũng không phải là học viên nam duy nhất trong lớp. Các thầy cô và các chị học viên cũng rất quý mến, thân thiện nên các học viên nam như tôi không cảm thấy ngại ngần khi đến lớp. Tôi muốn học bài bản để nắm vững kiến thức rồi từ đó sẽ sáng tạo thật nhiều mẫu hoa đẹp, nuôi dưỡng ước mơ mở một tiệm hoa bên cạnh công việc đúng chuyên ngành sau khi ra trường”.

Làm nghề cắm hoa tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thật ra lại khá vất vả, nên khó có thể khẳng định rằng nghề này phù hợp với nam giới hay phụ nữ. Khi đã theo nghề thì phải có lòng đam mê mới có thể theo đuổi tới cùng. Anh Thanh Khang cho biết, vì mới vào nghề nên anh phải học hỏi từ những điều nhỏ nhất như cắt hoa, tỉa lá, tuốt lá,… không được nề hà bất cứ việc gì. “Nghề này cái gì cũng phải tỉ mẩn, cắt hoa cũng phải đúng cách thì hoa mới hút được nhiều nước, dinh dưỡng để tươi lâu. Ngoài ra, cách trang trí, bố cục của hoa và giấy gói cũng phải hài hòa, không rối mắt, phải biết cách phối màu sao cho bó hoa trở nên sang trọng, phù hợp với mục đích tặng của khách. Tôi chưa tự thực hiện được những mẫu cầu kỳ, phức tạp nhưng có thể làm được những bó hoa đơn giản. Được tự tay làm ra một sản phẩm tặng người thân, bạn gái vào những dịp đặc biệt thì đó mới thực sự là món quà ý nghĩa”.

Những bó hoa được kết từ “phái mạnh” cũng thật xinh xắn, sống động

Với anh Phan Văn Lành (quê Vĩnh Long, cũng đang làm việc cho tiệm anh Út), trước đây, anh theo nghề thời trang rồi vì đam mê với cắm hoa nghệ thuật nên quyết định theo đuổi. Theo anh, thời trang hay cắm hoa thì cũng có điểm chung là sự sáng tạo. Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, anh học tập và tiếp thu nhanh hơn với nghề cắm hoa.

“Càng làm, tôi càng yêu thích công việc này. Mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp riêng, tùy loại hoa, màu sắc của hoa mà phải biết cách kết hợp sao cho hài hòa, tôn lên vẻ đẹp. Đơn cử như hoa cưới phải khác với hoa sinh nhật, hoa khai trương, hoa trang trí nhà thờ, đền, chùa,… Khi thực hiện các tác phẩm đó, người thợ cắm hoa cũng phải mày mò học hỏi, nghiên cứu tính chất của từng sự kiện, văn hóa hay sở thích của từng địa phương, khách hàng. Bên cạnh đó, cái khó của người thợ cắm hoa là phải biết chiều lòng khách, biết cách tư vấn để hòa hợp ý tưởng với khách hàng” – anh Lành chia sẻ.

Những bó hoa được kết từ “phái mạnh” cũng thật xinh xắn, sống động

Tương tự, anh Út cho biết, mở cửa tiệm từ sáng sớm đến tối mịt mới đóng cửa, tuy vất vả nhưng chỉ cần yêu nghề, được khách hàng ủng hộ thì bao mệt mỏi cũng sẽ tan biến. Và với anh, làm nghề gì cũng phải có tâm, bó hoa dù giá trị cao hay thấp thì cũng phải thật chu toàn để bảo đảm sự hài lòng của khách hàng, có như vậy thì mới duy trì công việc được lâu dài.

Quả thật, với nghề cắm hoa, không quan trọng là nam hay nữ, chỉ cần có một chút năng khiếu và lòng đam mê, sự kiên trì, nỗ lực học hỏi không ngừng, tin rằng những người thợ cắm hoa “phái mạnh” sẽ ngày càng thành công, góp phần làm đẹp cho đời./.

Phạm Ngân