Những đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên
Tây Nguyên với các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, được biểu hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua các biểu hiện đặc sắc này, chúng ta sẽ hiểu được những đặc điểm, bản sắc độc đáo, đặc thù của vùng văn hoá Tây Nguyên – một vùng văn hoá hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ cở của nền “văn minh nương rẫy”, khác cơ bản so với “văn minh lúa nước” ở vùng dồng bằng.
Mục lục bài viết
Văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh Tây Nguyên, tập hợp của nhiều dân tộc thiểu số. Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo kỹ thuật diễn tấu mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ánh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị vật chất; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.
Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Cồng chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Từ khi sinh ra, trong lễ hội “thổi tai”, tiếng chiêng đem đến cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Khi trưỏng thành, chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy… và cuối cùng tiếng chiêng đua người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của con ngưòi nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối vói cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hoá vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo và giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Sử thi Tây Nguyên
Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng, còn phải kể đến giá trị của sử thi. Đó là những áng anh hùng ca. Nhưng có lẽ gọi một cách khoa học chính xác, đó là “sử thi”. Sử thi hình thành trên nền tảng văn hoá, văn nghệ dân gian thời sơ sử và thời cổ đại, trước hết trên nền tảng thần thoại. Thần thoại phản ánh nhận thức của người xưa về thế giới, về nhân loại, về cuộc sống… Thần thoại thường gắn liền với phong tục, tập quán, nghi lễ và ca múa nhạc nguyên thủy.
Tây Nguyên là vùng đất sản sinh khá nhiều sử thi và do đó được các nhà khoa học gọi là “vùng sử thi” hay “ chiếc nôi của sử thi Việt Nam”. Từ sau sử thi “khan Đam San” của người Ểđê được công bố đầu tiên từ năm 1927, đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi của các bộ tộc khác nhau. Sử thi Tây Nguyên, là một giá trị tinh thần, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng.
Lễ hội truyền thống
Bao trùm lên tất cả trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên có lẽ là lễ hội truyền thống, biểu thị những quan niệm của họ về con người, về vũ trụ ít nhiều còn thô sơ, chất phác nhưng họ rất tin thờ, như: Lễ cúng bến nước – hay còn gọi là uống nước giọt vào dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới; lễ ăn cơm mới – đóng cửa kho lúa vào dịp thu hoạch mùa màng; lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả – phơi thi cho người đã khuất, lễ cúng tạ ơn cha mẹ… đều trở thành những hội vui, cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí các dòng tộc khác hoặc buôn lân cận. Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền văn minh nương rẫy.
Lễ hội truyền thống Tây Nguyên.
Có thể nói, lễ hội truyền thống Tây Nguyên – là môi trường duy nhất mà ỏ đó tất cả những tinh hoa trong văn hoá vật thể và phi vật thể của từng tộc người, từng nhóm địa phương, từng làng được thể hiện. Đến đây, ta sẽ được nghe tiếng chiêng ngân vang từ bộ cồng chiêng cổ nhất, có âm thanh hay nhất làng; được xem những thiếu nữ uyển chuyển bước trong vòng xoang theo nhịp trống chiêng; được chiêm ngưỡng những giàn cúng (cột gơng) với những tua đan bằng tre nứa, sặc sỡ sắc màu, vút lên giữa trời cao nguyên lộng gió; được thấy những bộ trang phục và đồ trang sức đẹp nhất, quý nhất; được say trong men rượu cần ấm nồng; được thoả sức tìm hiểu tập quán ẩm thực…
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên là bảo tồn, lưu giữ và phát triển những nét tinh hoa trong văn hóa giao tiếp, ứng xử và tổng hòa các mối quan hệ… của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.