Những điểm du lịch hấp dẫn khi đến Móng Cái

Dưới đây là một số địa điểm du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Thành phố Móng Cái:

Điểm 1:  Mũi Sa Vĩ (còn có tên gọi khác là Mũi Gót), là nơi chấm nét bút đầu tiên vẽ nên hình chữ S Việt Nam. “Sa” nghĩa là cát, “Vĩ” có nghĩa là đuôi, Sa Vĩ còn gọi là đuôi cát, cũng là nơi có biểu tượng ba ngọn dương gắn với hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương – Đến Cà Mau rừng đước”. Đây chính là biểu tượng khẳng định rõ ràng về chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Vành đai biên giới – Mũi Sa Vĩ

Là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch của Móng Cái

Đứng ở mũi Sa Vĩ, phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy cột mốc 1378, cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách đó không xa là bãi biển Trà Cổ trải dài, hoang sơ với hàng dương quanh năm xanh ngắt.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ

Cũng trong điểm du lịch này, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ được xây dựng từ 2009 là công trình độc đáo mang lại sự ấn tượng cho du khách. Tổng thể công trình là một tác phẩm nghệ thuật hội tụ đầy đủ những nét tinh hoa kiến trúc, văn hóa, lịch sử dân tộc Việt, trong đó bức tranh gốm cao 6m, đường kính 32m được ghép hoàn toàn bằng những mảnh gốm sứ.

Điểm 2: Đền Xã Tắc

Nếu ưa thích khám phá loại hình du lịch văn hoá tâm linh – tôn giáo thì đến với Móng Cái, du khách sẽ được tham quan hệ thống các di tích lịch sử văn hoá phong phú và đa dạng với nhiều công trình di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, văn hoá lịch sử, khảo cổ. Trong đó có điểm đến: Đền Xã Tắc. Tọa lạc tại gần bờ sông Ka Long, Đền Xã Tắc được coi là “Cột mốc văn hóa” trường tồn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt nơi địa đầu biên cương. Đây cũng là nơi thu hút đông đảo người dân và du khách tới vãn cảnh, tham quan.

Đền Xã Tắc thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái

Điểm 3: Địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của thành phố Móng Cái. Toạ lạc giữa trung tâm thành phố, trên con đường Hữu Nghị, đây là di tích luôn được nhân dân các dân tộc Móng Cái trân trọng và giữ gìn. Đồng thời là một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ tại Móng Cái.


Biểu tượng di tích nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của thành phố Móng Cái

Cầu Ka Long huyền ảo về đêm (ảnh: Phạm Long)

Cách đó không xa, du khách có thể ngắm nhìn cây cầu Ka Long, biểu tượng lịch sử của tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây dựng bằng những phiến đá tự nhiên, nguyên khối được ghép cố định để gắn kết, hoàn toàn không sử dụng bê tông, cốt thép. Trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển, cây cầu đã gắn bó như một hình ảnh không thể tách rời của thành phố Móng Cái.

Điểm 4: Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, được xây dựng từ thời Hậu Lê (1461). Đến nay, ngôi đình trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhưng nơi đây vẫn giữ được kết cấu kiến trúc cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng bằng bằng khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Đình Trà Cổ 

Hội thi “Ông voi”

Đặc biệt, hàng năm, từ 29/5 – 3/6 ÂL, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, trong đó nét độc đáo nhất là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi”. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Năm 1974, đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia. Đến tháng 12/2019, lễ hội Đình Trà Cổ được xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Điểm 5: Ngọn đèn Hải đăng Vĩnh Thực

Toạ lạc trên đỉnh núi Đầu Tán, phía bắc xã đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, đây là ngọn đèn hải đăng quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý nằm ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ Quốc. Là một công trình xây dựng mang phong cách kiến trúc Pháp theo kiểu cổ gồm hai khối riêng biệt nhưng được kết hợp rất hài hoà. Được đưa vào sử dụng năm 1962, Ngọn Hải đăng Vĩnh Thực luôn hoàn thành sứ mệnh của mình.

Hải Đăng Vĩnh Thực (Ảnh: Quốc Toàn)

Đứng trên đỉnh cao của Hải đăng, phóng tầm mắt ra xa ta có thể bao quát được một vùng biển Đông của Tổ quốc. Ḥòa quyện với sắc xanh của phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những bãi cát trắng trải dài trên nền biển xanh lục, ngọn Hải đăng nơi đầu sóng, ngọn gió tạo nên bức tranh cực kỳ nên thơ, lãng mạn.
 

Phong cảnh từ trên Hải đăng nhìn xuống

Toàn bộ khu vực Hải Đăng trên đảo

Điểm 6, 7: Bãi biển Đầu Đông (Vĩnh Thực), Bến Hèn (Vĩnh Trung) : Đây là một điểm nhấn thuộc tuyến du lịch TP.Móng Cái với hai xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung. Các bãi biển này còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ với làn nước trong xanh được bao bọc bởi rừng phi lao xanh ngút ngàn tầm. Tại đây còn có các dịch vụ ăn uống, vui chơi, nghỉ dưỡng, kết hợp với các điểm du lịch cộng đồng (homestay). Du khách có thể thuê phòng kết hợp với thuê thuyền để đánh lưới, câu cá…

Đi Cano ra đảo

Hay tham qua bằng xe điện trên đảo

Điểm 8: Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Đây là một trong những cửa khẩu giao thương biên giới với Trung Quốc được xây dựng đầu tiên của nước ta. Khu cửa khẩu hiện nay, gồm tổng thể không gian với diện tích là 1.587 ha, bao gồm ba công trình chính : Nhà cửa khẩu Quốc tế Bắc Luân, cầu Bắc Luân và cột mốc 1369.

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái là điểm dừng chân ý nghĩa

Trong đó có Cột mốc 1369: Là cột mốc đầu tiên được cắm trên biên giới đất liền phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc, trên tổng số 1400 cột mốc dọc theo 1350 Km chiều dài biên giới bộ. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách tới tham quan.

Cột mốc 1369 (2) nằm trong khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái

Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ: Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã 02 lần về thăm Móng Cái vào năm 1960 và 1961. Để ghi nhớ sự kiện này, thành phố Móng Cái đã xây dựng và tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Bác Hồ tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái vào dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác (ngày 19/5/2019). Bên kia nước bạn, Thành phố Đông Hưng cũng  xây dựng ngôi đình mang tên Đình Hồ Chí Minh, nằm cách bờ sông biên giới chỉ khoảng 30m. Cho đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nhà lãnh đạo nước ngoài cao cấp nhất và duy nhất tới Đông Hưng (Trung Quốc). Chuyến thăm của Bác đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng về chính trị, ngoại giao và văn hóa của dân tộc.

Cầu Bắc Luân: Là cây cầu nối liền hai Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Cửa khẩu Bắc Luân (Trung Quốc). Năm 1898, cầu được khởi công xây dựng có chiều dài 118m, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ngày 19/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến tới thăm Đảng bộ, nhân dân Móng Cái và sang bên kia cây cầu để thăm nhân dân Đông Hưng (TQ). Với vị trí quan trọng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã thực sự góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đáp ứng nhu cầu giao lưu cũng như hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch giữa hai tỉnh biên giới Quảng Ninh (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc).

Điểm 9: Khu di tích lịch sử Đài tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn

Đây chính là nơi ghi lại những giây phút chiến đấu anh dũng, hào hùng của quân và dân Móng Cái trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc năm 1979.

Khu di tích Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn

Khu di tích lịch sử Đài tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn là bằng chứng lịch sử, như một bản hùng ca về tinh thần cách mạng, lòng quả cảm, tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con nơi địa đầu đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hi sinh, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Nơi đây còn lưu truyền mãi những câu chuyện cảm động lòng người và cũng là một địa chỉ đỏ để giáo dục, nhắc nhở thế hệ đi sau về truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình-hữu nghị nơi biên giới.

Đến thăm làng bích họa

Cột mốc 1347 (2) 

Ngoài ra, hai xã Hải Sơn, Bắc Sơn còn là những địa điểm du lịch sinh thái để du khách được trải nghiệm không khi trong lành của khu vực vùng cao, cũng như được tham quan đời sống sinh hoạt của đồng bào miền núi nơi đây. 

Điểm 10: Chùa Nam Thọ (có tên gọi khác là Linh Khánh Tự), thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu của thành phố Móng Cái đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999.

Chùa Nam Thọ được xây dựng quay về hướng Bắc, với kết cấu kiểu chữ Hồi mang ý nghĩa là sự hội tụ của các dòng nước. Đó cũng là lý giải cho tên chữ của chùa: Vạn Linh Khánh nghĩa là sự linh thiêng, tốt lành. Đến nay chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng cổ. Chính vì thế, nơi đây được coi là một “bảo tàng điêu khắc cổ” thu nhỏ của vùng Đông Bắc Việt Nam.

Chùa Nam Thọ

Điểm 11: Chùa Xuân Lan: Thuộc xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái. Được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2009. Bên cạnh nét độc đáo về kiến trúc, chùa Xuân Lan hiện nay vẫn còn lưu giữ được một hệ thống tượng có hàng trăm năm tuổi. Hình dáng và cách bài trí tượng phật tại đây mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Nằm sát biên giới với Trung Quốc nhưng chùa Xuân Lan vẫn mang nét đặc trưng của Phật giáo thuần Việt.

Cùng với đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, đền Xã Tắc, chùa Xuân Lan đã tạo thành những “Cột mốc văn hóa” vững chắc nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử và mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam tại vùng biên giới.

Điểm 12: Sân golf Vĩnh Thuận: Được xây dựng từ năm 2004, nằm ngay trung tâm khu du lịch Trà Cổ, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, chạy dọc theo bờ biển dài 3km, là sân Golf quốc tế đầu tiên gần biên giới và gần biển nhất ở Việt Nam, mang đến một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới và hấp dẫn tại thành phố Móng Cái. Từ khi đi vào hoạt động, sân Golf Vĩnh Thuận không chỉ đón khách đến chơi golf mà hàng năm còn tổ chức các giải thi đấu quốc tế, tập hợp nhiều golf thủ trong nước và quốc tế đến đua sức.

Sân Golf Vĩnh Thuận

Điểm 13: Nhà thờ Trà Cổ: Còn có tên gọi khác là nhà thờ Tràng Lộ. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo của đạo Thiên chúa có quy mô và được mệnh danh là một trong những nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam. Đến năm 2017, để đáp ứng nguyện vọng của các giáo dân, nhà thờ Trà Cổ đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho xây dựng lại.

Nhà thờ Trà Cổ cũ (hình ảnh trước năm 2017- Ảnh: Phạm Long)

Nhà thờ Trà Cổ là nơi sinh hoạt tôn giáo thường xuyên của trên 200 hộ với khoảng 1100 giáo dân. Cùng với những công dân sống trên địa bàn phường, các giáo dân Trà Cổ cũng đang ra sức xây dựng phong trào giáo dân bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. 

Điểm 14: Biểu tượng du lịch ngã 3 Trà Cổ – Bình Ngọc

Biểu tượng được xây dựng tại ngã ba của tuyến đường từ Trung tâm thành phố ra Khu du lịch Trà Cổ và Bình Ngọc, bao gồm các hạng mục: cụm biểu tượng, lối dạo, hồ sen…Cụm biểu tượng là một công trình kiến trúc – điêu khắc bằng đá nguyên khối có kiến trúc đẹp, hiện đại với nhiều hình ảnh, họa tiết, hoa văn nghệ thuật được chạm khắc cầu kỳ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là điểm dừng chân ấn tượng cho du khách trong hành trình tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của mình tại Thành phố địa đầu Tổ quốc.

Cụm biểu tượng du lịch tại ngã ba Trà Cổ – Bình Ngọc

Móng Cái có nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng như Trà Cổ, Đá Đen…

Điểm 15: Điểm du lịch Trung tâm Thương mại

Đến với Móng Cái, du khách không thể nào bỏ lỡ điểm du lịch thương mại nằm ở khu trung tâm của thành phố thuộc phường Trần Phú, thành phố Móng Cái với hệ thống các chợ trung tâm, chợ 2, chợ 3, chợ Togi và các trung tâm thương mại (Plaza, Vinh Cơ, Đông Thăng)..

Khu vực chợ Trung tâm Móng Cái (ảnh: Phạm Long)

Một góc Đại lộ Hòa Bình (ảnh: Hải Ninh)

Đặc biệt là khu vực Phố đi bộ và phố ẩm thực phường Trần Phú sẽ là điểm đến hấp dẫn, thú vị để du khách được đi dạo và thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn của Móng Cái.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại phố đi bộ Trần Phú

(Bài viết sử dụng một số tư liệu và nguồn ảnh từ Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Móng Cái và một số tác giả)