Những điểm mới về năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo Bộ luật dân sự năm 2015

                                                                               ThS. Cao Thị Hà

 Khoa NN và PL

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là một trong những nội dung vô cùng quan trọng của Bộ luật Dân sự, bởi vì đây là cơ sở để xem xét một chủ thể có tư cách tham gia xác lập, thực hiện một quan hệ pháp luật hay không. Nội dung này đều được quy định tại Chương III của hai Bộ luật Dân sự (BLDS). 
Điều 19 BLDS năm 2015 quy định: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) của cá nhân được đánh giá qua hai tiêu chí là độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Cá nhân có độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi khác nhau thì có năng lực hành vi khác nhau. Tùy vào từng trường hợp nhất định mà năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân là không giống nhau. Như vậy, thông qua việc năng lực hành vi dân sự của cá nhân để biết được cá nhân đó có đủ khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự hay không, giao dịch dân sự mà cá nhân xác lập, thực hiện có hiệu lực hay không.
Qua nghiên cứu Bộ luật Dân sự  năm 2015 có thể thấy: Bộ luật đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định này.
* Thứ nhất, Bộ luật đã tách người thành niên và người chưa thành niên ra thành hai quy định riêng biệt. 
 Trong BLDS năm 2005, người thành niên (NTN) và người chưa thành niên (NCTN) được quy định chung trong một điều luật (Đ18).
BLDS năm 2015, Điều 20 quy định về người thành niên, Điều 21 quy định về người chưa thành niên. 
Như vậy, BLDS năm 2015 có sự minh định giữa người thành niên và người chưa thành niên, trên cơ sở đó phân định rạch ròi hơn về năng lực chủ thể của hai nhóm đối tượng này. 
* Thứ hai, Bộ luật đã có những bổ sung quan trọng đối với người thành niên.
– Bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Cả hai Bộ luật đều quy định: Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.Tuy nhiên, bên cạnh trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự và mất năng lực hành vi dân sự của người thành niên như BLDS năm 2005 đã quy định, BLDS năm 2015 bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong BLDS năm 2005, chỉ quy định 02 trường hợp là hạn chế năng lực hành vi dân sự và mất năng lực hành vi dân sự. Thực tiễn cho thấy rằng, có những người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần nên khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ ở một mức độ hạn chế. Do vậy, việc thể hiện ra bên ngoài ý chí đích thực của họ sẽ gặp khó khăn so với những chủ thể năng lực nhận thức bình thường. Họ cần được pháp luật bảo vệ khi tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, không thể áp dụng quy định về mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự ở Điều 22, Điều 23 BLDS năm 2005 để bảo vệ những người này. Vì vậy, khi tham gia vào các giao dịch dân sự, họ thường rơi vào vị trí  “thế yếu” và thiệt thòi hơn so với các chủ thể bình thường khác. Trong khi đó, BLDS năm 2005 chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền dân sự đối với các chủ thể này.
Để khắc phục sự thiếu sót nêu trên của BLDS năm 2005, Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”. Quy định này đã khắc phục thiếu sót của BLDS năm 2005 nhằm bảo vệ một cách triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm người “đặc biệt” này.
– Đối với NTN mất NLHVDS, kết luận giám định mất NLHVDS phải là kết luận giám định pháp y tâm thần.
Vấn đề mất năng lực hành vi dân sự đều được hai Bộ luật quy định tại Khoản 1 Điều 22.
Ở Khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2005 quy định: “1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.
Quy định trên được bổ sung, sửa đổi thành Khoản 1Điều 22 BLDS năm 2015 như sau: “1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Như vậy, BLDS năm 2015 đã mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự  bằng việc bổ sung thêm cụm từ “cơ quan, tổ chức hữu quan”. Mặt khác, đã thay cụm từ “tổ chức giám định” thành “giám định pháp y tâm thần”. Quy định về  “giám định pháp y tâm thần” rõ hơn nhiều so với quy định “tổ chức giám định” tại BLDS năm 2005. Đây có thể xem là một bước tiến về kỹ thuật lập pháp của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005.
* Thứ ba, trong Bộ luật, tất cả những người chưa thành niên (NCTN) được quy định chung trong cùng một điều luật.
Trong BLDS năm 2005, những người chưa thành niên từ chưa đủ sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi được quy định tại ba điều luật: Điều 20 (Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi), Điều 21 (Người không có năng lực hành vi dân sự) và một phần của Điều 18 (Người thành niên, người chưa thành niên). BLDS năm 2015 đã gộp quy định tại ba điều này vào thành Điều 21 và bỏ khái niệm người không có năng lực hành vi dân sự ở Điều 21 BLDS năm 2005. Theo đó, tất cả những người chưa đủ 18 tuổi đều được quy định tại Điều 21 của BLDS năm 2015. Như vậy, về kỹ thuật lập pháp, BLDS năm 2015 thể hiện lại một cách tinh gọn hơn so với BLDS năm 2005. 
Theo Điều 21 BLDS năm 2015, người chưa thành niên được chia thành các nhóm độ tuổi khác nhau, tương ứng với đó là khả năng tham gia vào các giao dịch dân sự của những nhóm đối tượng này. Cụ thể, người chưa thành niên được chia làm ba mức độ năng lực hành vi: người dưới 6 tuổi; người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi; người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
+ Đối với người dưới 6 tuổi:
BLDS năm 2005 dành hẳn một điều luật để quy định và gọi những người này là người không có năng lực hành vi dân sự. Đến BLDS năm 2015, người chưa đủ 6 tuổi được xếp vào chung nhóm người chưa thành niên và vẫn giữ nguyên quy định về giao dịch dân sự đối với đối tượng này. Điều này cũng có nghĩa, với cách quy định tại Điều 21 BLDS năm 2015 thì không còn khái niệm người không có NLHVDS như BLDS năm 2005. Việc bỏ khái niệm này là cần thiết. Bởi lẽ, khái niệm người chưa thành niên đã bao gồm người chưa đủ 6 tuổi.
+ Đối với người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi:
Khoản 1 Điều 20 BLDS năm 2005 quy định: “1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”.
Quy định trên đã được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 như sau: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi”.
So sánh nội dung ở hai điều luật có thể thấy:  Khoản 1 Điều 20 BLDS năm 2005 bao trùm toàn bộ đối tượng là người chưa thành niên từ đủ 6 đến chưa đủ mười tám tuổi. Với những người này, khi tham gia giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Trong khi đó, Khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 đã chia nhỏ nhóm đối tượng người chưa thành niên trong trường hợp này là người từ đủ sáu đến chưa đủ mười lăm tuổi và quy định cụ thể rằng: họ chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Những giao dịch khác phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, so với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã hạ thấp hơn độ tuổi ở nhóm này nhằm phù hợp với sự phát triển về thể chất và trí lực của họ. Mặt khác, quy định tại Khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 hợp lý ở chỗ, đối với giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi thì không nhất thiết phải nới rộng biên độ của người chưa thành niên trong trường hợp này lên đến chưa đủ18 tuổi. Đồng thời, Khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 đã bỏ cụm từ “hoặc pháp luật có quy định khác” vì quy định như vậy mang tính chất chung chung  dễ dẫn đến tình trạng nhận thức và áp dụng điều luật không chính xác và thống nhất.
+ Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Đối với nhóm đối tượng này, giữa hai bộ luật có sự khác biệt trong cách quy định. Theo Khoản 2 Điều 20 BLDS năm 2005: “2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Với cách thể hiện như trên có thể hiểu rằng: người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám là một ngoại lệ của Khoản 1 Điều 20 BLDS năm 2005. Những người ở độ tuổi này có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự khi thỏa mãn hai điều kiện: điều kiện cần là có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; điều kiện đủ là “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”, mà cụ thể đó là trừ các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó. Như vậy, ở  Khoản 2 Điều 20 BLDS năm 2005, điều kiện cần đã được quy định trực tiếp, rõ ràng nhưng điều kiện đủ còn chung chung.Vì vậy, trong nhiều trường hợp, để có thể hiểu được quy định tại Điều 20 Khoản 2 thì phải dẫn chiếu tới quy định khác trong các phần cụ thể của BLDS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, dẫn đến việc hiểu và áp dụng điều luật một cách thiếu chính xác và thống nhất.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Khoản 4 Điều 21 BLDS năm 2015 đã sửa lại như sau: “4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Như vậy, BLDS năm 2015 đã bỏ yêu cầu “có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ” đồng thời quy định cụ thể những loại giao dịch dân sự nhất định với đối tượng tài sản nhất định mà người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Bằng quy định đó, việc phân định những giao dịch dân sự mà nhóm đối tượng này có thể tự mình xác lập, thực hiện được dễ dàng hơn, tránh được những tranh chấp có thể phát sinh về sau.
Với BLDS năm 2015, các quy định về  năng lực hành vi dân sự của cá nhân được thể hiện tinh gọn, hợp lý và dễ hiểu hơn đồng thời việc sửa đổi, bổ sung những quy định như đã trình bày ở trên nhằm khắc phục được những hạn chế, thiếu sót của BLDS năm 2005, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khi tham gia vào các giao dịch dân sự./.