Những điều bạn cần biết về ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành | Edu2Review

Ngành Du lịch của nước ta có triển vọng phát triển mạnh mẽ, lượng du khách ngoại và nội địa mỗi năm gần đây đều tăng cao. Hình ảnh Việt Nam xinh đẹp với nhiều nơi có không gian thiên nhiên rộng lớn, con người thân thiện đang là những điểm nhấn trong lòng các vị khách quốc tế. Nếu bạn là một người thích khám phá, yêu quê hương và có nhu cầu mở rộng “vòng tròn” kết nối bạn bè khắp năm châu thì đừng bỏ qua ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành.

BẢNG XẾP HẠNG
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TẠI VIỆT NAM

Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành là gì?

Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói” với nhiều tiềm năng và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế. Đây là ngành học về điều hành và quản lý du lịch, ví dụ: các hoạt động thiết kế và xây dựng chiến lược phát triển du lịch; điều hành và quản lý du lịch; phân công công việc cho hướng dẫn viên du lịch; tổ chức sự kiện du lịch; tiếp nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết vấn đề phát sinh trong lĩnh vực du lịch…

Học ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức tổng quan về du lịch, ví dụ: tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế; địa lý du lịch, văn hóa các vùng miền; kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch; thiết kế, quản lý và điều hành tour; thiết kế, quản trị sự kiện…

Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế (Nguồn: Tugo)
Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế (Nguồn: Tugo)

Cơ hội việc làm

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng sinh viên chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhu cầu cao về nhân lực trong ngành Du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành với mức lương hấp dẫn kèm theo chế độ ưu đãi tốt.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể lựa chọn rất nhiều vị trí nghề nghiệp, đó là:

  • Hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour;

  • Chăm sóc khách hàng, chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, tiếp thị, chăm sóc;

  • Tổ chức hội nghị – sự kiện;

  • Vị trí nhân viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn;

  • Nghiên cứu, giảng dạy về du lịch tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu…;

  • Điều hành, lập kế hoạch, điều phối nhân sự.

Nhiều vị trí công việc dành cho sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (Nguồn: Eduviet Global)
Nhiều vị trí công việc dành cho sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (Nguồn: Eduviet Global)

Với những công việc như trên, sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có thể làm việc tại:

  • Công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành;

  • Khu nghỉ dưỡng, du lịch và khu vui chơi, giải trí;

  • Công ty tổ chức sự kiện, truyền thông trong lĩnh vực du lịch;

  • Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành;

  • Bộ phận du lịch tại các sở, ban, ngành về du lịch.

Các kỹ năng sinh viên cần có

Một số kỹ năng để sinh viên làm việc tốt trong môi trường làm việc thực tế đối với ngành du lịch:

  • Kỹ năng làm việc nhóm trong các lĩnh vực khác nhau của ngành Dịch vụ Du lịch và Lữ hành;

  • Kỹ năng quản lý thời gian, lịch trình chuyến đi và quản lý nhân lực trong kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành;

  • Kỹ năng giao tiếp với khách hàng, đối tác, nhà cung cấp trong lĩnh vực du lịch và lữ hành;

  • Sử dụng linh hoạt ngoại ngữ chuyên ngành du lịch, lữ hành, khách sạn, sự kiện để giao tiếp với du khách nước ngoài;

Sinh viên cần trang bị nhiều kỹ năng để làm việc tốt trong ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (Nguồn: Báo mới)
Sinh viên cần trang bị nhiều kỹ năng để làm việc tốt trong ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (Nguồn: Báo mới)

  • Kỹ năng thuyết trình trước các đoàn du khách;

  • Sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ chuyên ngành du lịch, như Photoshop, SMILE, các phần mềm đặt giữ chỗ…;

  • Kỹ năng lập luận, tư duy và giải quyết vấn đề trong ngành du lịch;

  • Có tư duy logic, xác định vấn đề ưu tiên, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau để đánh giá hiện tượng một cách toàn diện nhất và tìm được giải pháp tối ưu;

  • Kỹ năng nghiên cứu và khám phá kiến thức du lịch;

  • Luôn cập nhật thông tin về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực du lịch cũng như xu hướng, chính sách phát triển du lịch trong và ngoài nước.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ thêm về ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành cùng với những thông tin cần thiết trong lĩnh vực này. Edu2Review chúc bạn đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp tương lai.

Thường Lạc (Tổng hợp)

Nguồn ảnh cover: Tổng cục Du lịch