Những điều cần biết về homestay
Hiểu rõ bản chất của homestay sẽ giúp du khách đưa ra sự lựa chọn thích hợp nhất khi chọn loại hình lưu trú này.
“Homestay” được hiểu nôm na là “lưu trú nhà dân”, là một hình thức lưu trú mà du khách có thể có thể nghỉ tại nhà của người dân và tiếp cận gần nhất với văn hoá bản địa.
Năm 1949, Bob Luitweiler thành lập “Servas International”, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế do tình nguyện viên điều hành, ủng hộ hòa bình quốc tế và giữa các chủng tộc. Các thành viên trong hội sẽ có quyền và nghĩa vụ tá túc và cung cấp chỗ tá túc miễn phí cho những thành viên khác trên mạng lưới quốc tế. Đây cũng chính là tiền thân của hình thức homestay.
Theo đó, homestay là một hình thức lưu trú miễn phí, đôi khi được trao đổi bằng quà tặng hoặc hỗ trợ cung cấp chỗ lưu trú cho nhau. Du khách sẽ đến sống, làm quen với văn hoá sinh hoạt trong gia đình của người dân bản địa.
Hình thức này có mặt tại Việt Nam từ những năm 90, dưới hình thức cho du khách ở nhờ, chủ yếu ở những điểm du lịch mang đậm nét văn hoá như Tây Bắc, Tây Nguyên hay miền Tây Nam bộ. Hiện nay tại Việt Nam, homestay đã vượt khỏi khái niệm ban đầu, trở thành một hình thức kinh doanh, được đầu tư mạnh và phát triển vô cùng đa dạng.
Khách du lịch nước ngoài lưu trú và sinh hoạt tại nhà dân. Ảnh: blogspot
Bản chất của homestay
Không phải tự nhiên du khách nước ngoài đến với Việt Nam và khen ngợi đây là một đất nước hiếu khách. Việc chia sẻ chỗ ở cho du khách nước ngoài đến trải nghiệm những vùng đất mang đậm tính văn hoá từ lâu đã rất quen thuộc với người dân bản địa.
Bước vào một homestay đúng nghĩa, du khách cần làm quen trước hết là văn hoá gia đình, sau là văn hoá địa phương. Việc sinh hoạt cùng gia đình chủ nhà cho du khách một cái nhìn rõ nét nhất về tập quán, lối sống, ẩm thực, con người, ngôn ngữ, tất cả những gì hình thành nên văn hoá địa phương.
Không như khách sạn, các vật dụng sinh hoạt cá nhân dành cho khách đều không có sẵn, hay trong khoảng thời gian chưa phát triển mạnh, homestay còn chưa có những trang thiết bị tiện nghi như máy điều hoà, máy sưởi… Từ đó, giảm được rác thải cũng như giảm tác hại đến môi trường từ những thiết bị sinh hoạt.
Hơn hết việc sống như người bản địa giúp du khách trải nghiệm với việc trồng trọt, chăn nuôi. Đây là loại hình du lịch xanh hiện đang rất được quan tâm.
Khách du lịch thu hoạch nấm khi đến ở tại homestay Neverland, Sa Đéc. Ảnh: Phong Võ
Bùng nổ homestay
Du lịch Việt Nam trên đà đi lên, kéo theo sự phát triển của các dịch vụ đi kèm trong đó dịch vụ lưu trú được quan tâm trên hết. Các khách sạn, resort liên tục được cho ra mắt tại những điểm du lịch trọng yếu cùng sự đa dạng về hình thức lẫn giá cả.
Homestay cũng không nằm ngoài cuộc đua đó. Các chủ homestay không chỉ tăng số phòng mà còn đầu tư hơn về thiết kế, trang bị thêm tiện ích và vô số những chương trình cạnh tranh thu hút khách du lịch.
Theo báo cáo khảo sát thị trường của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA năm 2019, khoảng thời gian du lịch chưa ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các thành phố hay các điểm du lịch nổi tiếng khác, lượng homestay nở rộ. Điển hình, Đà Lạt hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh homestay đang hoạt động với nhiều mô hình khác nhau. Tại Khánh Hoà, Vũng Tàu, Đà Nẵng…, lượng homestay cũng đạt mức cao, từ 1.000 đến gần 3.000 căn.
Điều này giải quyết các vấn đề lưu trú cho du khách trong thời gian du lịch cao điểm. Thế nhưng, khái niệm “homestay” đã không còn giữ đúng bản chất ban đầu của nó.
Ông Don Taylor, chuyên gia dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) cho rằng sự bùng nổ này sẽ khiến homestay mất dần nét đặc sắc riêng. Nhiều nơi giống như các nhà khách, bữa ăn được phục vụ trên bàn ăn ở nhà sàn chứ không phải tại bàn ăn gia đình.
Homestay hiện tại có hình thức không thua kém phòng khách sạn. Ảnh: Booking
Việc homestay mở tràn lan cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Điển hình là các chủ homestay mặc dù đã chuyển nhượng hoặc đóng cửa nhưng quản lý hoặc nhân viên trước của cơ sở vẫn giữ kênh liên lạc cũ để nhận yêu cầu đặt phòng và chiếm đoạt tiền cọc của khách.
Trong tình trạng nhiều homestay chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt, câu hỏi khi du khách bị ngộ độc hoặc xảy ra cháy nổ,… tranh chấp sẽ như thế nào đối với chủ cơ sở lưu trú, các cơ quan chức năng và người sử dụng dịch vụ, vẫn còn bỏ ngỏ.
Những điều cần biết khi chọn homestay
Mặc dù vẫn đang trong thời gian nhạy cảm vì dịch bệnh thế như nhu cầu đi lại của người Việt Nam vẫn không giảm sút. Những điểm du lịch nổi tiếng như Mai Châu, Đà Lạt, Phú Quốc… vẫn đông khách và quá tải lượng lưu trú trong thời gian cao điểm.
Nếu chuyến đi cần trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, tiếp cận dễ dàng với văn hoá bản địa thì homestay là sự lựa chọn lý tưởng. Ngoài việc ăn ở, du khách còn có thể tham gia các hoạt động của người dân địa phương, được trải nghiệm các dịch vụ mang đậm tính văn hoá.
Lựa chọn homestay là cách để tiết kiệm chi phí. Mức giá tại các homestay nhà dân giao động từ 200 nghìn đồng – 500 nghìn đồng/khách/đêm. Đối với những homestay cao cấp, view đẹp, thiết kế đẹp và đầy dủ tiện nghi, giá trung bình có thể giao động từ 800 nghìn đồng – trên dưới 2 triệu đồng/đêm. Đối với những homestay giá quá rẻ tầm 30 nghìn đồng – 50 nghìn đồng/khách/ đêm, nên đặt câu hỏi về chất lượng.
Du khách cần tìm hiểu kỹ về nơi lưu trú mà mình lựa chọn để tránh trường hợp bị lừa đảo chiếm dụng tài sản.
Thanh Hằng