Những giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến Biên giới Việt Nam – Lào

Kon Tum là tỉnh miền núi, ở phía Bắc Tây Nguyên, đường biên giới dài 292,522 km, với 13 xã biên giới thuộc 04 huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H’Drai giáp với các tỉnh của Nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Trong đó, trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào trải dài 154,222 km qua 08 xã (huyện Ngọc Hồi có 05 xã: Sa Loong, Pờ Y, Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông; huyện Đăk Glei có 03 xã: Đăk Nhoong, Đăk Long, Đăk Plô). Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019, tại thời điểm 01/10/2019 tổng dân số của các xã nằm trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào là 40.464 người, đồng bào DTTS có 30.655 người (chiếm 75,76%) thuộc khoảng 38/43 số dân tộc trên toàn tỉnh.

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, vắt ngang qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, và là nơi giao nhau giữa ba nước Đông Dương, tỉnh Kon Tum không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng cả về địa – chính trị, địa – kinh tế mà còn là vùng đất rực rỡ với nhiều màu sắc văn hoá được giao thoa giữa các DTTS trong quá trình tụ cư xen kẽ với nhau từ lâu đời. Trong tiến trình giao thoa văn hóa ấy, tất yếu văn hoá của dân tộc đông người nhất trên địa bàn có xu hướng trở thành văn hoá chủ đạo. Xin trân trọng khái quát những giá trị văn hóa đặc sắc của hai dân tộc tại chỗ có tỷ lệ đông nhất cư trú trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào là Xơ Đăng và Giẻ – Triêng; ngoài ra, để làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào, là  dân tộc Brâu, dân tộc rất ít người, có nguồn gốc lịch sử ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, chuyển cư vào Việt Nam cách đây khoảng hơn 100 năm, sinh sống tập trung tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi.

1. Những nét chính về ba dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng và Brâu

Khác với dân tộc Brâu, dân tộc Xơ Đăng và Giẻ – Triêng là hai trong số những cư dân sinh tụ lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gắn bó và sống tập trung vùng dãy núi Ngọc Linh; trong quá trình phát triển, người Xơ Đăng phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh như hiện nay, người Giẻ – Triêng cư trú tập trung tại hai huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei.

Cũng giống như nhiều DTTS khác của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hai dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng có nhiều nhóm địa phương khác nhau, đồng thời mỗi nhóm đều tự nhận một tên gọi riêng, riêng dân tộc Brâu không có nhóm địa phương (Dân tộc Xơ Đăng có 07 nhóm: Xơ Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Hà Lăng, Ca Dong, Châu, Tà Trĩ; dân tộc Giẻ – Triêng có 04 nhóm: Gié (Giẻ), Triêng (T’riêng), Ve, Bnoong (Mnoong)). Về ngôn ngữ, cả ba dân tộc đều có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), riêng hai dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng đã có chữ viết cấu tạo bằng chữ cái La-tinh, đều hình thành cách đây khoảng vài chục năm.

Các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng và Brâu có những nét riêng nhất định về tiếng nói, quy mô dân số, bản sắc văn hóa; xã hội cổ truyền của từng dân tộc tuy có sắc thái riêng, nhưng đều mang những nét chung có tính hệ thống được phản ánh qua sự vận hành của đời sống công xã. Ở đây, hệ thống xã hội cổ truyền của các dân tộc là hệ thống đóng, tự quản thông qua luật tục, nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Những nét hiện thực nổi bật trong hệ thống xã hội cổ truyền này là vai trò – vị trí – chức năng của luật tục, nhà rông và già làng.

2. Những giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các DTTS sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào

Văn hóa của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu là ba trong số những đại diện tiêu biểu của văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên với những nét chính là hoang sơ, yếu tố cộng đồng, những đặc sắc mang đậm chất riêng. Các dân tộc có những nét tương đồng về đặc điểm kinh tế – xã hội: nền nông nghiệp nương rẫy luân canh, canh tác ruộng khô, hái lượm, săn bắt, các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát, rèn công cụ lao động… đều mang tính tự nhiên, tự cung, tự cấp; tương đồng về đặc điểm tổ chức xã hội (làng); nhiều nét tương đồng về văn hoá.

Thứ nhất, không gian văn hóa cồng chiêng

Một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất khi nhắc đến các dân tộc Tây Nguyên phải kể đến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (ngày 25/11/2005). Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu dân gian, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng, là phương tiện thông tin với cộng đồng mỗi khi có việc làng, việc vui, buồn của gia đình. Nhưng trên hết, cồng chiêng là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh, là phương tiện giao tiếp giữa đồng bào với thần linh: đối với người Brâu, để mở một bài chiêng Tha rất khắt khe (phải có rượu ghè, gà trống, có người khấn mời, người khấn cắt tiết gà, lấy máu xoa vào lòng và xung quanh chiêng, lấy một căn rượu cốt tưới vào chiêng, khấn mời trời đất, có sự chứng kiến của nhiều người, nghệ nhân mới được đánh chiêng); đối với chiêng Ní của người Triêng tuy ít khắt khe hơn nhưng bài bản ít truyền dạy cho ngoài dòng đời, và chiêng được xem như tộc bảo; hay như chiêng Buar của người Xơ Đăng (Tơ Đrá) nếu không có lý do chính đáng mà có người đánh thì sẽ bị già làng phạt nặng…

Cồng chiêng ở các dân tộc, giữa các nhóm trong từng dân tộc cũng có những điểm khác biệt. Có loại chiêng chỉ có 1 chiếc như chiêng Buar của nhóm Xơ Đăng (Tơ Đrá), có 2 chiếc như chiêng Tha của người Brâu, có 3 chiếc như chiêng Lào, Pom, Pát của nhóm Xơ Đăng (Hà Lăng), có 3 chiếc rưỡi (thêm một ống nứa) như chiêng Nỉ của nhóm Triêng, chiêng Kh’leng của nhóm Giẻ, có 4 chiếc như chiêng Mẻ, Vạch của nhóm Xơ Đăng (Mơ Nâm), chiêng Guông của nhóm Xơ Đăng (Tơ Đrá), có 5,6 chiếc như chiêng Xum của nhóm Giẻ, có từ 7-9 chiếc như chiêng X’teng của người Xơ Đăng gốc… vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo.

Bất cứ lễ hội nào của đồng bào các dân tộc đều không thể vắng cồng chiêng: với con người là các nghi thức vòng đời từ khi sinh ra cho đến khi bỏ mả; với cây lúa là từ lễ bói điểm, chọn đất đến thu hoạch, đóng cửa kho; với cộng đồng là các nghi thức liên quan đến đời sống văn hóa, tâm linh của cả làng như mừng nhà rông mới, lễ đâm trâu…

Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại chứa đựng trong đó là những bài chiêng cổ truyền, là tiết tấu, là giai điệu, thang âm, điệu thức, nghệ thuật diễn tấu, phương pháp truyền khẩu… Âm nhạc cồng chiêng luôn đi liền với với nhảy múa theo nghi lễ, trang phục của nghệ nhân trình diễn cồng chiêng và những người nhảy múa luôn là bộ sắc phục đẹp nhất dành riêng cho những lễ hội mà ngày thường họ ít khi mặc, điểm tô cho những bộ trang phục ấy là vòng đồng, vòng bạc trang hoàng ở thắt lưng, cổ tay, cổ chân. Khi diễn tấu, với những bước chân uyển chuyển, những điệu xoang nhịp nhàng của bao chàng trai, cô gái, núi rừng làm sôi động cả một vùng núi rừng Tây Nguyên.

Thứ hai, nhà rông

Nhà rông là một trong số những biểu tượng đầy đủ nhất về văn hóa vùng Tây Nguyên, là một di sản văn hóa đặc trưng của các DTTS tại chỗ, nói đến nhà rông là nghĩ đến Tây Nguyên và ngược lại. Theo tâm niệm của đồng bào, đã có làng thì phải có nhà rông, làng nào không có nhà rông thì làng đó thiếu sức sống cội nguồn, nhà rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ, vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự cố kết cộng đồng người gắn với thiên nhiên. Nhà rông chiếm giữ vị trí quan trọng trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả thành viên trong cộng đồng, là một trong ba thành tố không thể tách rời trong mối quan hệ “Dân tộc – Làng – Nhà rông”, cũng như mối quan hệ “cây đa, bến nước, sân đình” của người Kinh.

Nhà rông hùng vĩ vươn lên bầu trời với hình dáng như một lưỡi búa khổng lồ biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy quyền uy, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng. Đồng bào quan niệm rằng mái nhà rông cao vút là nơi hội tụ linh khí của trời đất, là cầu nối giữa con người và vũ trụ, nhà rông là nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh, nơi lưu giữ những giá trị linh thiêng nhất của cộng đồng; nhà rông càng to, càng đẹp chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ, người ta thường đánh giá sự hùng mạnh, trù phú của một làng qua sự bề thế của nhà rông. Nhà rông thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật và kỹ thuật với kiến trúc, kiểu dáng, chất liệu và hoa văn họa tiết vô cùng độc đáo, không sử dụng cái đinh, cọng kẽm hay tấc sắt nào cả nhưng lại vững chắc qua thời gian.

Nhà rông của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu ở vùng biên giới Việt Nam – Lào có quy mô phần mái từ 10-14m. thấp hơn so với các dân tộc (hoặc nhóm địa phương cùng dân tộc) ở vùng thấp trũng tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà (phần mái cao từ 16-20m), điều này có lẽ xuất phát từ văn hóa cư trú từ vùng thấp đến vùng cao. Vị trí của nhà rông luôn hài hòa với các ngôi nhà ở xung quanh, phía trước có khoảng sân rộng để tổ chức lễ hội truyền thống và sinh hoạt cộng đồng, có cây nêu để tổ chức các lễ hiến sinh trong lễ hội làng.

Về trang trí, trong nhà rông người Xơ Đăng thường có những pho tượng gỗ và treo các tấm phù điêu có hoa văn, hoạ tiết hình hoa pơ lang, con chim, bông lúa…, họ chỉ sử dụng ba màu là trắng, đen và đỏ để trang trí trong nhà rông, quan niệm của đồng bào là màu đen sẽ xua đuổi ma quỷ, màu trắng thể hiện tấm lòng chung thủy và màu đỏ thể hiện cho chiến thắng, trong mỗi nhà rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, có khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu…; nhà rông của người Giẻ – Triêng và Brâu trang trí với những họa tiết đơn giản hơn, trong đó người Giẻ – Triêng thường trang trí những biểu tượng hình sừng trâu.

Thứ ba, văn hóa lễ hội

Lễ hội các dân tộc ở Kon Tum cũng như ba dân tộc tiêu biểu ở vùng biên Việt – Lào có dáng vẻ riêng mang tính khu vực. Lễ hội cộng đồng được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống và lao động sản xuất gắn liền với núi rừng mênh mông vô tận; chính từ đó nó chứa đựng một sắc thái văn hóa riêng – lấy con người làm chủ, lấy đất trời làm khuôn mẫu, văn hóa ấy là sự hài hòa của nắng mưa, của núi rừng và nương rẫy. Lễ hội dân gian mang tính quy mô nhỏ, từ hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và lớn nhất là một cộng đồng làng.

Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, con người luôn tổ chức nghi lễ cầu xin Giàng trợ giúp và mang lại điều tốt lành cho mọi người, cộng đồng. Mỗi dân tộc có những cách thức thực hiện nghi lễ khác nhau nhưng đều mang một ý niệm chung về dâng lễ (lễ vật) hay hình thức trao đổi (hiến sinh), vật hiến sinh thường là trâu, bò, heo, dê, gà… hình thức này thể hiện tính mạnh mẽ và ấn tượng nhất qua hành động đâm trâu trong lễ hội. Qua đó con người cảm thấy như đã yên tâm ở sự trao đổi, được siêu thoát khỏi những ám ảnh cá nhân, đời sống tâm linh, tinh thần được cởi mở trút bỏ những nỗi ám ảnh, họ hứng khởi, thăng hoa, vui chơi nhảy múa tạo ra không khí của lễ hội. Lễ hội của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu là lễ hội nguyên hợp, bao giờ cũng xuất phát từ những yếu tố thiêng – nghi thức lễ tế, hiến sinh để mong đổi lại sự bình yên và no đủ. Hệ thống lễ hội có thể chia thành ba loại: lễ hội xung quanh vòng đời cong người, lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.

Có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc như:

Đối với người Xơ Đăng quan trọng nhất là lễ cúng thần nước vào dịp sửa máng nước hàng năm, các lễ cúng vào dịp mở đầu năm làm ăn mới, mở đầu vụ trỉa lúa, khi lúa đến kỳ con gái, khi thu hoạch, các lễ cúng khi ốm đau, dựng nhà rông, làm nhà mới, khi con cái trưởng thành… Nhiều dịp sinh hoạt tôn giáo đồng thời có tính chất hội hè của cộng đồng làng, tiêu biểu là lễ trước ngày trỉa, lễ cúng thần nước, lễ có đâm trâu của làng cũng như gia đình. Tết dân tộc tổ chức trước sau tuỳ làng, nhưng thường trong tháng Giêng (dương lịch), kéo dài 3-4 ngày. 

Người Giẻ – Triêng có lễ mừng lúa mới rồi lễ mừng nhà rông mới, lễ thổi tai trong vòng đời của em bé sơ sinh khi trưởng thành. Đó là những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào Giẻ – Triêng mà hiện nay đồng bào vẫn duy trì và phát huy rất tốt trong cuộc sống hiện tại. Mỗi khi cúng bái đều có hiến tế, mà máu con vật hiến tế là quan trọng nhất. Lễ trọng phải đâm trâu, và xa xưa có nơi phải cúng bằng máu người trong lễ thức đặc biệt liên quan đến thần lúa. Trong chu kỳ sản xuất hàng năm thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo trỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi. Tết dân tộc thường sớm hơn tết Nguyên đán, tổ chức theo làng.

Đối với người Brâu thì lại có nhiều lễ nghi nông nghiệp, tiêu biểu là cúng thần lửa trước khi đốt rẫy (để thần lửa được hài lòng, làm cho cháy hết những cây to, cây nhỏ đã được đốn ngã trên đất rẫy mà không bực tức tấn công sang những khu rừng giáp ranh); cúng thần brabum mỗi khi gieo hạt (để cầu mong cho lúa mọc đều); lễ vào mùa phát rẫy, trỉa lúa, mừng lúa mới và lễ tết.

Thứ tư, văn hóa nghệ thuật

Ngoài cồng chiêng đã trình bày trên đây, kho tàng văn hóa nghệ thuật của các dân tộc là rất phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau: truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ, sử thi, luật tục, dân ca… còn khá nguyên sơ, chưa bị ảnh hưởng ngoại lai làm pha tạp.

Người Xơ Đăng có vốn truyện cổ và sử thi phong phú, đặc sắc (khoảng 100 sử thi), trong số đó có thể kể đến như sử thi Dăm Giông được phát hiện vào ngày 18/12/2001; có nhiều loại nhạc cụ (đàn, nhị, sáo dọc, ống vỗ kloong bút, trống, tù và, ống gõ, dàn ống nứa hoạt động nhờ sức nước,…). Có loại dùng giải trí thông thường, có loại dùng trong lễ hội. Các loại nhạc cụ cụ thể và điệu tấu nhạc có sự khác nhau ít nhiều giữa các nhóm. Những điệu hát phổ biến là: hát đối đáp của trai gái, hát của người lớn tuổi, hát ru. Trong một số dịp lễ hội, người Xơ Đăng trình diễn múa xoang, có điệu múa riêng cho nam, riêng cho nữ, cũng có điệu múa cả nam, nữ cùng tham gia.

Người Giẻ – Triêng có những làn điệu dân ca cổ truyền và nhiều truyện cổ, nghệ thuật diễn xướng dân gian khá phong phú với nhiều loại nhạc cụ khác nhau mà tiêu biểu là cồng chiêng và đinh tút. Nguyên ống nứa cũng là loại nhạc cụ để thổi, vỗ, gõ. Các loại đàn sáo, khèn đều đơn giản, thông dụng trong đời sống âm nhạc. Đinh tút của người Giẻ – Triêng gồm có sáu ống dài ngắn và lớn nhỏ khác nhau được làm từ thân cây trúc. Các ống theo thứ tự từ lớn đến nhỏ và từ dài đến ngắn nhất: Piđu, piđy, chel, chắk, rơn 1, rơn 2. Mỗi cây đinh tút có một lóng và được giữ nguyên một mắt, đầu rỗng được vót hai bên tạo cho ống có dáng hình phễu để thổi. Đinh tút là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất, khi mùa xuân về, trong các dịp lễ hội của cộng đồng như: lễ lập làng, lễ mừng nhà mới, cưới hỏi… và đặc biệt nó luôn có mặt trong lễ hội Choóc đăil truyền thống, thường gọi là ngày hội đinh tút của người Giẻ – Triêng.

Người Brâu có truyện cổ về thần sáng tạo Pa Xây, huyền thoại Un cha đắp lếp (lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thủy, những thể loại dân ca, hát ru. Ngoài cồng chiêng người Brâu còn có đàn đinh pú (từ 5-7 ống) được gọi là táp đinh pú.

Thứ năm, nghề truyền thống

Từ xa xưa do nhu cầu của cuộc sống tự cung tự cấp đã xuất hiện những nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, tạc tượng, gốm… Nghề truyền thống đã vun đắp hội tụ được các nghệ nhân tài trí sáng tạo, những bàn tay vàng, khéo léo làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, hoàn mỹ vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa; đồng thời mỗi một nghề, một sản phẩm vừa có giá trị làm ra vật dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số tại chỗ tại tỉnh Kon Tum. Những sản phẩm đó được những bàn tay, khối óc người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng. Chính vì vậy, sản phẩm nghề truyền thống là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Trong phạm vi tham luận này Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chỉ khái quát những yếu tố đặc sắc hơn cả trong các nghề truyền thống của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu.

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của hầu hết các dân tộc. Trang phục của mỗi dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong nền nghệ thuật trang trí cổ truyền, biểu hiện ý thức tôn trọng, tự trọng. Nếu như người Xơ Đăng trang phục cổ truyền thường có nền màu chàm, được xử lý mỹ thuật bằng những hoa văn vàng, trắng, đỏ; nữ có áo, váy, tấm choàng, nam có áo, khố, tấm choàng thì người Giẻ Triêng lại có nhiều loại hình khác nhau như váy, áo, khố, áo khoác, khăn, mũ, xà cạp… với các hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đỏ và màu trắng; người Giẻ – Triêng phụ nữ thường quấn váy cao ngang nách, che kín bộ ngực, sau đó khoác tấm thổ cẩm để che và giữ ấm đôi vai, nam giới mặc khố và khoác áo choàng, phần trên thắt lại trước cổ hoặc qua vai khi tham gia lễ hội, nhất là khi diễn tấu nhạc cụ đinh tút. Còn đối với người Brâu, trang phục cổ truyền của phụ nữ Brâu là loại váy quấn và áo ngắn tay, khoét cổ, mặc theo kiểu choàng qua đầu; của nam giới là khố, áo, tấm choàng.

Nghề rèn của người Xơ Đăng rất nổi tiếng, từ xưa người Xơ Đăng đã biết lấy quặng nung thành sắt và rèn ra công cụ sản xuất. Để nung quặng và rèn sản phẩm người Xơ Đăng chế tác ra một loại lò rèn khá đặc trưng làm từ bễ da mang, vật liệu dùng để đốt lò là loại cây Loăng Rlinh khi đốt có thể cho nhiệt độ cao trên 10000c. Một điểm đặc trưng nữa nghề rèn của người Xơ Đăng đó là việc sử dụng vảy tê tê, da mang hay sừng trâu dùng trong quá trình “trui” sản phẩm, tạo cho công cụ có độ chắc bền hơn. Sản phẩm làm chủ yếu để phục vụ trong kinh tế nông nghiệp, săn bắt, hái lượm hoặc phục vụ cho mục đích khác trong cuộc sống như dao, cuốc, thuổng, rựa…, trao đổi hàng hóa với các dân tộc, làng khác. Đặc biệt là chế tạo ra vũ khí thô sơ phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong thời kỳ chống đế quốc Pháp và thực dân Mỹ.

Bước chân vào bất kì ngôi nhà nào, ta cũng đều dễ dàng nhận ra những sản phẩm đan lát bằng mây, tre, từ rổ, rá, nong, nia, đặc biệt nhất là cái gùi như là một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên nói chung, các dân tộc ở vùng biên Việt – Lào nói riêng. Đan lát là công việc do đàn ông đảm nhiệm, trước kia biết đan gùi là một tiêu chuẩn không thể thiếu của một chàng trai để được các cô gái chọn làm chồng, cũng giống như các cô gái phải biết dệt những chiếc váy đẹp. Các sản phẩm từ đan lát nói chung, cái gùi nói riêng có mặt trong mọi gia đình, tham gia vào hầu hết các sinh hoạt của con người; tùy theo mỗi dân tộc mà chiếc gùi có thể có cách vót nan, kiểu dáng, hoa văn, kích thước to nhỏ khác nhau như gùi có nắp (dùng để đựng đồ vật trong nhà), gùi mang trên vai như những chiếc ba lô (gùi đi rẫy, gùi thưa để lấy nước…).

Từ xưa, một trong những tiêu chí để đánh giá sự hưng thịnh giàu có của bản làng, mỗi gia đình là ghè rượu cần. Trong sử thi những người có ngôi nhà dài hơn tầm bắn của cánh nỏ cứng, trâu bò đông như kiến như mối trên rừng, thóc gạo trong kho đầy như trái núi vẫn chưa phải là giàu, kẻ giàu trong nhà phải có chiêng nhiều bộ, ghè lắm dãy. Khi đã ngồi bên ghè rượu cần những lo âu buồn phiền được xua tan, mọi người cùng chung vui, không phân biệt đẳng cấp, cùng là bạn bè, cùng là anh em, cùng tận hưởng hương vị ngọt ngào làm say lòng người. Rượu cần được làm bằng nhiều loại nguyên liệu như mì, bo bo, gạo, nếp… được ủ lên men làm từ rễ cây và cây lấy từ rừng; những chiếc cần được làm bằng tre, uốn cong. Mỗi khi có khách, hay có sự kiện của cộng đồng, chúng ta đều thấy sự hiện diện của rượu cần, rượu cần ở đây được người dân cõng từ nhà mang đến góp và uống chung. Có thể nói, rượu cần không chỉ là một thú ẩm thực, mà còn biểu hiện cho sự mến khách và tượng trưng cho tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, làng bản.

Ngoài ra, các nghề truyền thống như làm nỏ, chế tác nhạc cụ, tạc tượng… đối với mỗi dân tộc cũng có những đặc sắc riêng, tất cả đều hòa chung vào tổng thể văn hóa dân gian đầy màu sắc của ba dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu nói riêng cũng như cộng đồng các dân tộc cư trú trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào nói chung.

3. Lời kết

Cư trú ở vùng biên giới, nơi được ví như phên giậu của Tổ quốc, cộng đồng 38 dân tộc nói chung, trong đó có ba dân tộc Xơ Đăng, Giẻ – Triêng, Brâu đã và đang đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và giữ vững biên cương Tổ quốc.

Các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo, là một trong những chủ nhân của vùng văn hóa dân gian Tây Nguyên phong phú, đậm đặc. Những giới thiệu khái quát của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum trên đây mới chỉ mô tả được một phần nhỏ trong số những giá trị văn hóa của các dân tộc. Trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay nhiều yếu tố đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các dân tộc, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ quan quản lý nhà nước, quan trọng hơn cả là chính những chủ nhân của các nền văn hóa này cần giữ gìn, bảo vệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại một cách có chọn lọ, làm giàu đẹp thêm cho văn hóa truyền thống của bản thân mình, để những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc tiếp tục được tỏa sáng giữa vùng biên./.

Hà Hồng Duy, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum