Những hiểu lầm về văn hóa làm việc của người Nhật | KILALA

Người Nhật gắn bó suốt đời ở một công ty, người Nhật không bao giờ nghỉ phép… đây có phải sự thật?

Khi nhắc về văn hóa làm việc của người Nhật, chắc hẳn nhiều người nghĩ ngay đến những tính từ như nghiêm túc, chỉn chu, kỷ luật đồng thời là hình ảnh những nhân viên văn phòng hết lòng vì công việc, tăng ca đến tối muộn… 

văn hóa làm việc người Nhật

Ảnh: thejakartapost.com

Những hình ảnh ấy đã được phản ánh qua các tác phẩm văn học, điện ảnh đất nước mặt trời mọc và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều người nước ngoài. Nhưng văn hóa công làm việc của người Nhật hiện nay liệu vẫn còn đúng như vậy? Hãy cùng Kilala tìm hiểu nhé!

1. Hầu hết người lao động Nhật Bản làm việc cả đời ở một công ty

Trong mô hình quản trị kinh doanh kiểu Nhật (日本的経営 – Nihon teki keiei), hệ thống thâm niên (年功序列制度– nenkou joretsu seido) và chế độ làm việc suốt đời (終身雇用 – shuushin koyou) là những đặc trưng quan trọng.

Hệ thống thâm niên là chế độ làm việc mà trong đó chức danh cũng như tiền lương sẽ tăng theo độ tuổi hay số năm làm việc. Trong khi đó, chế độ làm việc suốt đời đảm bảo cho nhân viên có thể làm việc tại một công ty cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu do công ty quy định. 

hệ thống thâm niên

Hệ thống thâm niên và chế độ làm việc suốt đời là đặc trưng trong quản trị kinh doanh kiểu Nhật. Ảnh: offerbox.jp

Đây không phải chế độ được quy định bởi luật pháp, tuy nhiên nó rất phổ biến thời hậu chiến và được xem là đặc thù của các công ty Nhật Bản với mục đích duy trì nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. 

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, vào năm 2021, thời gian trung bình một nhân viên gắn bó với một công việc là 12,3 năm. Mức trung bình này được tính gộp tất cả các ngành, vì vậy trong mỗi ngành lại có chút khác biệt. Chẳng hạn, ngành “Dịch vụ lưu trú, ăn uống” có mức trung bình là 9,8 năm, trong khi con số này ở ngành “Điện, nước và khí đốt” lên tới 21,2 năm.

Mặc dù so với Hoa Kỳ, nơi thời gian trung bình một nhân viên gắn bó với một công việc là 4,1 năm (số liệu năm 2020) thì dường như người lao động Nhật Bản có xu hướng gắn bó với công ty lâu dài hơn.

Nhưng theo thời gian và sự phát triển của kinh tế xã hội, mô hình quản lý truyền thống với hệ thống thâm niên và chế độ làm việc suốt đời ít nhiều đã thay đổi. Khi các công ty nước ngoài tiến vào thị trường Nhật Bản, người ta bắt đầu dựa vào năng lực của nhân viên để đánh giá và xóa bỏ thâm niên. 

Hiện nay, người Nhật Bản đặc biệt là thế hệ trẻ đã không còn ưa chuộng việc làm trọn đời. Nhiều người không còn sẵn lòng đánh đổi cuộc sống, niềm vui cá nhân để cống hiến cả đời cho công ty nhằm đảm bảo công việc, đồng lương và cuộc sống về hưu.

giới trẻ nhảy việc

Giới trẻ Nhật Bản không còn ưa chuộng việc làm trọn đời. Ảnh: kilala

Các công ty Nhật Bản cũng bắt đầu cải tổ để thích nghi với xu hướng này, mô hình kiểu mẫu ngày nào dần lung lay khi các nhà tuyển dụng cho rằng tính linh hoạt cao hơn sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh.

2. Nhật Bản hầu như không có ngày lễ

Người Nhật thường được biết đến với tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và hăng say với công việc, đôi khi khiến nhiều người nước ngoài ấn tượng rằng họ làm việc quanh năm mà không có ngày lễ.

Thực tế, Nhật Bản có số ngày nghỉ lễ quốc gia nhiều hơn khá nhiều nước trên thế giới. Trong một năm, người Nhật có tới 16 ngày nghỉ lễ, trong khi đó con số này ở các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Pháp… và khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam… chỉ là 11 ngày.

ngày nghỉ quốc gia

Người Nhật có tới 16 ngày lễ quốc gia trong một năm. Ảnh: Tokyo Weekender

Như vậy mỗi tháng trong năm, người lao động Nhật Bản có ít nhất một ngày nghỉ lễ (trừ tháng 6 và tháng 12).

Tuy một số ngành đặc thù như nhà hàng, khách sạn không cho phép nghỉ vào những ngày này, nhưng hầu hết văn phòng công ty đều được nghỉ lễ. Một số công ty thậm chí còn cho phép kỳ nghỉ kéo dài ba ngày để kỷ niệm lễ Obon vào mùa hè.

3. Người Nhật không bao giờ nghỉ phép

Quả thật là người Nhật rất nghiêm túc và kỷ luật trong công việc, nhưng ngoài ngày lễ quốc gia, các công ty Nhật Bản vẫn luôn đảm bảo để người lao động được hưởng số ngày nghỉ phép theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2021, trung bình các công ty Nhật Bản cho phép nghỉ 18 ngày mỗi năm. Trong số 18 ngày đó, trung bình một nhân viên nghỉ phép 10 ngày.

Xem thêm

Cần lưu ý là trong hầu hết các trường hợp, không có sự phân biệt giữa thời gian nghỉ phép và nghỉ ốm (ngày nghỉ ốm được trừ vào tổng số ngày nghỉ được cho phép).

Ngoài ra, quy định về 18 ngày phép không dành cho tất cả mọi người, vì nhiều công ty không cho phép nhân viên nghỉ phép trong sáu tháng đầu tiên làm việc và số ngày nghỉ sẽ được phân bổ tăng lên theo từng năm. 

nghỉ phép năm

Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người lao động dành thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: Tokyo Weekender

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã phát động nhiều chiến dịch khác nhau để khuyến khích người lao động dành thời gian nghỉ ngơi. Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động được cải cách vào tháng 4 năm 2019 của nước này kêu gọi các công ty đảm bảo 10 ngày nghỉ phép cho nhân viên và mỗi nhân viên nghỉ ít nhất 5 ngày trong số đó mỗi năm. Nếu không tuân thủ Đạo luật, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt 300.000 yên hoặc phạt tù.

Chính vì vậy, thậm chí một số công ty lớn ở Nhật Bản thỉnh thoảng còn thông báo nhắc nhở nhân viên toàn công ty nghỉ phép.

4. Công ty Nhật quy định nghiêm ngặt về trang phục

Trong suy nghĩ của nhiều người, trang phục công sở của người Nhật là những bộ đồng phục nghiêm trang, chỉn chu thể hiện tác phong chuẩn chỉnh và thái độ làm việc nghiêm túc.

trang phục công sở Nhật Bản

Ảnh: tsunagulocal.com

Tuy nhiên, thực tế thì điều này thay đổi theo ngành nghề. Những công việc thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như trợ lý khách hàng, tiếp viên hàng không… thường có yêu khắt khe về diện mạo. Trong khi đó, vẫn có nhiều văn phòng có quy định thoải mái hơn.

Nếu nhân viên của bộ phận tiếp khách hàng vẫn phải diện những bộ đồ vest thì những nhân viên sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ hoặc các ngành nghề mới nổi khác có thể tự do hơn khi lựa chọn trang phục đi làm.

Một khảo sát được thực hiện bởi Manegy, Nhật Bản năm 2020 với 880 người cho thấy 34,1% người được hỏi phải mặc vest hoặc đồng phục khi đi làm, 37,9% được phép mặc trang phục công sở thông thường. Điều ngạc nhiên là 28% số người còn lại dược phép tự do mặc bất cứ thứ gì họ thích hoặc một loại trang phục khác (không xác định).

Trong số những người tham gia khảo sát, có đến 67,9% cho biết họ không phải mặc vest theo hình thức chuẩn chỉnh.

lợi ích từ chiến dịch cool biz

Chiến dịch Cool Biz khuyến khích nhân viên mặc trang phục thoải mái trong mùa hè. Ảnh: next.rikunabi.com

Ngoài ra, từ năm 2005, Bộ Môi trường Nhật Bản đã cho ra mắt chiến dịch “Cool Biz” và vẫn duy trì hàng năm. Trong chiến dịch Cool Biz mùa hè, nhân viên ở quốc gia này được khuyến khích cởi bỏ áo vest (áo khoác ngoài) và cà vạt, thay vào đó ưu tiên mặc áo tay ngắn và trang phục thoáng khí để tiết kiệm điện dùng cho điều hòa.

Xem thêm: Kaizen và cách thực hiện Kaizen tại văn phòng làm việc

kilala.vn