Những khái niệm về công nghệ blockchain và đồng tiền ảo bitcoin
Ngày nay hầu hết mọi người đã biết đến khái niệm tiền ảo Bitcoin, nhưng có lẽ ít người quan tâm đến cách mà nó được tạo ra như thế nào. Cũng như kiểu họ ra máy ATM rút tiền thì chỉ cần thấy máy nhả tiền là được rồi, cần gì phải quan tâm việc ngân hàng tính toán thế nào để trả số tiền đó. Bài viết này sẽ giúp ai muốn hiểu cách hoạt động của đồng bitcoin và tại sao giá trị của nó ngày một lớn như vậy.
Mục lục bài viết
Blockchain là gì?
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”. Về cơ bản blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị luật sư hay một ngân hàng nào đó.
Blockchain hoạt động thế nào?
Graphic bên dưới sẽ mô tả cách thức hoạt động của Blockchain.
Để giải thích cho cách thức hoạt động và độ an toàn của Blockchain, mình có 1 ví dụ như sau:
Trong đời thực, giả sử A muốn chuyển 500K từ Hà Nội cho B ở Sài Gòn thông qua dạng thức ảo sẽ dễ phát sinh nhiều vấn đề.
- Đầu tiên, vì là dạng thức ảo, A sau khi chuyển cho B hoàn toàn có thể dùng chính chỗ tiền ảo đó chuyển cho C, hoặc cho cả trăm người khác. Hiện tượng này gọi là double spending – một đơn vị tiền ảo sử dụng hai lần.
- Cách giải quyết vấn đề này là ghi chép lại các giao dịch và cập nhật khi cần thiết thông qua ledger – sổ cái, như cuốn sổ ghi chép ở cửa hàng tạp hóa.
- Vậy khi A chuyển tiền cho B, sổ cái sẽ cập nhật A (-500.000) và B (+500.000) để A không thể chuyển số tiền đó cho ai được nữa. Sổ cái này đương nhiên phải cần bên thứ ba giữ giúp và phụ trách ghi chép. Lúc này lại phát sinh vấn đề mới: liệu ta có tin được người giữ sổ không?
Và vì sao trong đời thực việc chuyển tiền là “chuyện hai người”, không cần “người thứ ba” xen vào mà giao dịch điện tử lại phức tạp vậy? Chưa kể A và B còn phải trả công cho người giữ sổ, chứ không ai làm không công bao giờ.
Câu hỏi đặt ra là: Có cách nào để chuyển phiên bản số nhanh mà không cần người làm chứng như trường hợp đời thật hay không?Câu trả lời chính là blockchain
. - Giải pháp của blockchain là đem cuốn sổ ghi chép đó sao ra nhiều bản và lưu trữ trên nhiều máy tính khác nhau cùng tham gia một mạng lưới.
- Khi có giao dịch gì mới, tất cả các cuốn sổ đều được cập nhật. Từ lúc này, một giao dịch chỉ được xem là hợp lệ khi nó khớp với lịch sử giao dịch đã được ghi nhận trên toàn bộ các sổ cái nói trên.
- Giả sử A không còn xu nào trong tài khoản mà vẫn làm động tác chuyển tiền cho B, giao dịch sẽ không được chấp nhận vì không khớp với thông tin trên các sổ còn lại trong hệ thống.
- Cách duy nhất để qua mặt cơ chế kiểm tra này là chỉnh sửa thông tin trên tất cả các ledger trong hệ thống. Điều khả thi trên lý thuyết nhưng không bao giờ làm được trên thực tế, khi các mạng blockchain có thể gồm hàng ngàn máy tính cùng tham gia.
Tương tự, dù ai cũng có sổ cái trong tay nhưng không thể chỉnh sửa hay gian lận, vì thông tin mới sẽ luôn được đối chiếu với bản ghi trong toàn hệ thống.