Những kho vũ khí bí mật – Trong nước – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)
Để tấn công bất ngờ, đồng loạt vào những mục tiêu trọng điểm ở “đầu não” Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định âm thầm “lót ổ” hàng chục hầm bí mật chứa vũ khí ngay hang ổ kẻ thù.
Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Công việc xây dựng hầm vũ khí trong vùng địch là cuộc chiến lặng lẽ và đầy gian nan…
Lót ổ
Những ngày này, nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) tấp nập người tới tham quan, nghe kể chuyện đánh Mỹ. Đây là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, 50 năm trước là nơi chứa gần 2 tấn vũ khí chuẩn bị cho trận đánh Dinh Độc Lập vào Xuân Mậu Thân 1968. Hầm vũ khí do gia đình biệt động Trần Văn Lai xây dựng bằng tất cả sự mưu trí, quả cảm. Những câu chuyện bi tráng được tái hiện bởi những con người một thời hiên ngang trong mưa bom, bão đạn. Anh Trần Kiến Xương (Trần Vũ Bình), con ông Trần Văn Lai, kể gia đình anh có 3 căn nhà liền với nhau. Lúc đó, anh còn nhỏ, ngoài mẹ anh biết sơ sơ thì tất cả người trong gia đình không biết ba anh làm gì. Mãi sau này ba anh mới kể, nhận nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài như vậy, gia đình bán đi biệt thự lớn, mua nhà nhỏ để làm hầm bí mật. Việc mua nhà, sửa sang, làm hầm… đều được ông Trần Văn Lai thực hiện hết sức kín kẽ. Tự tay người lính biệt động và vợ xử lý tất cả đống xà bần, bằng cách bỏ vào bao. Đợi đêm tối, chất lên ô tô rồi chở đi bỏ ở khắp nơi.
Bà Đặng Thị Thiệp – vợ ông Lai, là một nữ biệt động sát cánh với chồng. Nhớ lại những tháng năm chiến đấu sôi sục ấy, bà Thiệp cho hay, chồng bà mua luôn 3 căn nhà liền nhau ngay một quận trung tâm và làm hầm ở ngôi nhà giữa, dưới danh nghĩa sửa nhà. Đây là tính toán nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, nếu trong lúc “sửa sang” nhà, có gây ảnh hưởng công trình thì cũng chỉ là chính nhà mình, không động vào nhà hàng xóm, lỡ người ta thưa là bể. Sau 7 tháng, căn hầm bí mật dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, trát xi măng dày chống thấm, hoàn thiện. Hầm có thể chứa trên 10 người. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm và có các lỗ thông khí. Miệng hầm đặt gần cầu thang và nắp hầm có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc lên. “Mỗi lần xe chở vũ khí về, tôi chờ sẵn, mở cửa và phụ chồng khiêng từng thùng xuống hầm. Thùng vũ khí được ngụy trang, bên trên chất đầy dưa leo, cà chua như đi mua đồ về bán tết”, bà Thiệp hồi tưởng.
Suốt 2 năm, từ 1966 đến 1968, biệt động Sài Gòn ngụy trang và chuyển đến căn hầm này số lượng vũ khí lên đến hơn 2 tấn, gồm 350kg thuốc nổ và 1 hộp kíp, 10 khẩu AK và 3.000 viên đạn, 2 khẩu B40 và 20 viên đạn, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn và 50 viên đạn.
Ngồi trên “miệng núi lửa”
Bà Phan Thị Thúy (81 tuổi) nhớ lại việc trông coi hầm vũ khí nằm ngay dưới chân giường của bà và 2 con thơ cách đây 50 năm trong niềm xúc động. Cả gia đình bà, trừ người chị cả tập kết ra Bắc, thì bà và 3 người em gái còn lại đều tham gia Biệt động Sài Gòn – Gia Định, nối tiếp cha. “Ba tôi – ông Phan Văn Bảy, nói: Nước nhà có giặc, mình cũng phải có công việc của mình, thì đất nước mới hòa bình được. Nghe lời ba, từ những cô gái ăn sung mặc sướng, 4 chị em chúng tôi đã lao vào cuộc chiến ngay tại Sài Gòn. Ba giao cho tôi nhiệm vụ trông coi hầm vũ khí”, bà Thúy kể. Lúc đó, chồng đã vào chiến khu, bà Thúy một nách 2 con thơ, xin phép mẹ chồng cùng em gái ra “trông coi” căn nhà số 284/26/9 Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) giùm ba mình. Ban đầu, đây chỉ là ngôi nhà lá, ông Bảy xây lại thành căn nhà có phòng khách và phòng ngủ. Một căn hầm bí mật sâu 2m được làm trong phòng ngủ. Năm 1966, ba tháng sau khi làm hầm, một người lái xe ba bánh chở 2 bành cao su tới trước cửa nhà vào giữa trưa vắng người qua lại. Khi người đó chở đủ 8 bành thì ông Phan Văn Bảy về. Hai tối tiếp theo, bà Thúy cùng ba mình ngồi suốt đêm bóc từng mảng cao su, lấy các loại vũ khí giấu bên trong cất vào hầm bí mật. Ngay miệng hầm là chiếc giường 3 mẹ con bà Thúy chơi đùa, nằm ngủ, nghỉ hàng ngày.
Những chiến sĩ biệt động cho hay, việc xây dựng các điểm ém vũ khí nội thành là công việc rất phức tạp; trong đó phải đạt các yêu cầu: Đúng chỉ đạo của trên về khu đất, phải cao ráo, sâu 2m, không có nước, địa điểm thông suốt, có đường xe vận tải nhẹ. Và đặc biệt, để đạt yêu cầu an toàn thì việc chọn người là tối quan trọng. Khi đã có vũ khí, có người cách mạng trong nhà thì cả gia đình như ngồi trên “miệng núi lửa”, cho nên không chỉ cần có “tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà còn phải có bản lĩnh mưu trí.
Bà Phan Thị Thúy chia sẻ: “Thực tình tôi có sợ, nhưng có một thứ còn lớn hơn cả nỗi sợ, đó là niềm khao khát đất nước hòa bình, thống nhất. Nhiều người đã chiến đấu trong tên rơi lửa đạn, đã hy sinh. Mẹ con tôi nếu có gì, thì đó cũng là đóng góp nhỏ bé của mình với đất nước”. Bà Thúy kể tiếp, nhiều khách đến đặt may quần áo tò mò hỏi bà Thúy: “Chồng đâu mà mấy mẹ con ở đây?”. Nghe vậy, bà Thúy mới giật mình sực nhớ quên chưa ngụy trang cho… chính mình. Nếu 3 mẹ con và em gái cứ sống “nhởn nhơ” như vậy, sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của người khác. Liền đó, bà nhờ bạn bè xin tấm chân dung của một sĩ quan Sài Gòn mà cả gia đình đã định cư ở Mỹ, phóng to tấm chân dung này rồi treo lên bên cạnh chân dung mình. “Ổng bỏ 3 mẹ con đi theo vợ bé rồi”, bà Thúy “tiết lộ” với mọi người. Ai cũng thương cảm và từ đó không hỏi han gì nữa.
Gần Tết Mậu Thân 1968, ông Phan Văn Bảy dẫn về một tiểu đội, dặn con gái: “Lo cho mấy anh, đừng để lộ”. Những tối đó, bà Thúy cho con nô giỡn, chơi đùa muộn hơn mọi ngày. Chiếc radio mở suốt đến khuya, át đi những âm thanh, nếu có, ở dưới lòng đất – nơi các chiến sĩ đang lắp ráp vũ khí trong hầm. Sau 3 đêm lắp ráp, tiểu đội đi. Ông Bảy dặn con gái: “Khi có tiếng súng lệnh, mấy anh sẽ tới lấy hàng”. Đêm mùng 1 Tết, nghe tiếng súng lệnh, bà Thúy mở sẵn chốt cửa sau, để ngỏ cho tốp chiến sĩ biệt động đến lấy vũ khí, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nguồn KỲ LÂM – MẠNH HÒA – SGGP Online