Những lý do khiến đồng Bitcoin có thể bị “thất lạc”
Khi nào thì Bitcoin được coi là bị “thất lạc”?
Bitcoin được xem là bị thất lạc khi không một ai có thể sử dụng được nó. Theo River Financial, Bitcoin yêu cầu người dùng phải có “private key” (khóa riêng tư) để chứng minh quyền sở hữu khi muốn sử dụng đồng tiền này. Không có chìa khóa này, người dùng không thể chứng minh quyền sở hữu và tất cả số tiền trong ví ứng với chìa khóa đó không thể sử dụng được.
Có bao nhiêu Bitcoin đã bị “thất lạc”?
Không có cách xác định chính xác số Bitcoin đã bị mất. Trong những năm đầu tiên, việc nhiều người không nhận ra giá trị tương lai của đồng tiền điện tử này nên đã gây ra những sự mất mát đáng tiếc, trộm cắp và giao dịch nhầm. Nhiều báo cáo ước tính rằng có khoảng 3 – 4 triệu Bitcoin đã thất lạc. Vì vậy, chỉ còn khoảng 17 – 18 triệu trong tổng số 21 triệu Bitcoin có thể lưu thông trên thị trường.
Bitcoin đã “thất lạc” như thế nào?
Blockchain Bitcoin là một sổ cái điện tử cực kỳ bảo mật và bất biến. Điều này có nghĩa là mọi giao dịch bitcoin là cuối cùng, hiếm có tình trạng giao dịch nhầm. Những trường hợp mất Bitcoin chủ yếu do lỗi của con người, chứ không phải do lỗi kỹ thuật của blockchain.
Ngoài ra, có hàng triệu Bitcoin đang nằm yên trong suốt một khoảng thời gian dài và thị trường không rõ việc chúng có trở lại lưu thông hay không. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa số Bitcoin đó đã bị mất.
Ví dụ tiêu biểu chính là số lượng lớn Bitcoin mà “cha đẻ” Satoshi Nakamoto đang sở hữu. Không ai chắc chắn ông Satoshi đã làm gì với private key của lượng tiền điện tử đó hay việc những chiếc chìa khóa đó còn tồn tại hay không. Nhưng những đống Bitcoin đó chưa hề xê dịch kể từ khi chúng được tạo ra.
Với việc Satoshi nắm giữ hơn 1 triệu Bitcoin, tổng nguồn cung của đồng mã hóa này thực tế không đạt đến 21 triệu Bitcoin. Khi có một lượng Bitcoin không biến động suốt một thời gian dài, thị trường sẽ xem như thể số Bitcoin này đã bị loại khỏi lưu thông và điều chỉnh giá dựa trên nguồn cung thấp hơn.
Một số lý do khiến đồng Bitcoin bị “thất lạc”
Lỗi người dùng
Bitcoin là tài sản cho phép chủ sở hữu tự bảo quản không cần qua trung gian. Nhưng việc tự bảo quản tài sản đồng nghĩa với việc người dùng khó có thể lấy lại số tiền nếu xảy ra sai sót. Nhiều người giữ ví Bitcoin trên ổ cứng cá nhân hoặc thiết bị lưu trữ bên ngoài, sau đó vô tình vứt bỏ hoặc tiêu hủy thiết bị. Một người tên James Howells từng nổi tiếng vì vô tình vứt đi ổ cứng chứa số Bitcoin trị giá gần 300 triệu USD, tính theo mức giá thị trường hiện nay.
Rủi ro bảo mật từ bên thứ ba
Không ít người lựa chọn giải pháp lưu ký tiền mã hóa, trao tiền cho các tổ chức lưu ký có kinh nghiệm và chuyên môn do lo sợ mình sẽ đánh mất khóa riêng tư. Tuy nhiên, các tổ chức này cũng dễ trở thành đối tượng tấn công của tin tặc. Điều này đã được phản ánh qua nhiều vụ hacker cố tình nhằm vào các sàn giao dịch tiền mã hóa để lấy khóa riêng tư của hàng loạt người dùng.
Sai sót trong giao dịch
Các giao dịch Bitcoin không thể thay đổi sau khi được thêm vào blockchain. Vì vậy, nếu lỡ gửi Bitcoin đến một địa chỉ không chính xác, số Bitcoin đó khả năng sẽ bị mất luôn. Nhưng trường hợp này cũng hiếm khi xảy ra do nhiều ví điện tử có khả năng tự động kiểm tra xem địa chỉ có hợp lệ không trước khi lệnh gửi được thực hiện.
Bitcoin không được thừa kế
Bitcoin có thể thất lạc vĩnh viễn khi chủ nhân qua đời mà không chia sẻ khóa riêng tư cho bất kỳ ai. Có nhiều trường hợp người đã khuất tiết lộ họ sở hữu Bitcoin nên người thân quanh họ cũng không biết số Bitcoin đó tồn tại để tìm cách khôi phục.
Làm thế nào để khôi phục những Bitcoin bị “thất lạc”?
Không có cách nào có thể khôi phục được những Bitcoin đã bị mất. Một số ít giao dịch nhầm được hoàn lại, nhưng trường hợp này xảy ra chỉ khi người dùng biết được thông tin của bên nhận. Tuy nhiên, đây cũng là những ngoại lệ hiếm hoi.
Việc Bitcoin “thất lạc” ảnh hưởng ra sao đến mạng lưới Bitcoin?
Càng nhiều Bitcoin bị mất, giá trị của số Bitcoin còn lại càng tăng. Chưa kể, Bitcoin có thể được chia nhỏ nhiều lần nên những Bitcoin thất lạc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cả mạng lưới. Hơn nữa, vì Bitcoin thu được giá trị từ nguồn cung hữu hạn nên mỗi bitcoin bị mất sẽ làm tăng một chút giá trị của số Bitcoin còn lại.
Làm cách nào bảo vệ Bitcoin?
Có nhiều giao thức ra đời để bảo vệ khóa riêng tư và mật khẩu của chủ sở hữu Bitcoin. Nếu không nhờ vào dịch vụ lưu ký tiền mã hóa, việc tuân thủ các tiêu chuẩn mới nhất về bảo mật thông tin và lưu trữ dữ liệu có thể giúp làm giảm nguy cơ mất Bitcoin.
Nguồn: River Financial
https://cafef.vn/nhung-ly-do-khien-dong-bitcoin-co-the-bi-that-lac-20220426154837369.chn