Những lý do khiến lệ phí thi đánh giá năng lực tăng mạnh từ năm 2023

Vân Trang

  –  

Thứ tư, 04/01/2023 07:00 (GMT+7)

Lệ phí thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 tăng 66% so với năm ngoái.

Những lý do khiến lệ phí thi đánh giá năng lực tăng mạnh từ năm 2023
Đại học Quốc gia Hà Nội tăng lệ phí thi đánh giá năng lực năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Lệ phí thi tăng

Theo quy chế mới của Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, lệ phí thi là 500.000 đồng/một lượt, tăng 66% so với năm ngoái.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lệ phí nêu trên được xây dựng trên nguyên tắc tính đúng, đủ chi phí tổ chức trên quy mô lớn, phải thuê khoán hạ tầng, nhân lực và bổ sung 25% câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi mỗi năm.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNUGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Theo đó, mức lệ phí thi đánh giá năng lực dao động 586.000-625.000 đồng một lượt thi với mỗi thí sinh. Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 50% lệ phí, nên mỗi thí sinh chỉ nộp 300.000 đồng một lượt.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhận định, năm 2023, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước và thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi độc lập, Trung tâm Khảo thí đã trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt đề án thi đánh giá năng lực năm 2023 với mức lệ phí là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi theo nguyên tắc chi phí tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi.

“Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ còn hỗ trợ phần nhỏ trong chi phí tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.

Thí sinh cần nộp lệ phí trực tuyến trong vòng 96 tiếng (4 ngày) kể từ khi hoàn thành đăng ký dự thi. Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí bởi lệ phí không được hoàn lại.

Nhiều trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực

Về kế hoạch tổ chức kỳ thi, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin, năm 2023, nhà trường mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17 trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An,…

“Chúng tôi cân nhắc thêm một vài địa điểm thi miền Trung theo xét nhu cầu thí sinh thời gian tới. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng bài thi đánh giá năng lực có tính phân loại cao, đa mục đích trong đó có sử dụng để xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học có tính cạnh tranh cao” – GS Thảo nói.

Năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Nhiều trường đại học phản hồi đánh giá cao nguồn tuyển thí sinh dùng bài thi đánh giá năng lực.

“Từ dữ liệu thi đánh giá năng lực năm 2022, chúng tôi đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Do đó, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Tương tự, các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực” – GS Thảo nói và cho biết thêm, trường đang lên kế hoạch chi tiết tổ chức 8 đợt thi từ ngày 10.3 đến hết 4.6.

Các ngày thi chủ yếu diễn ra vào cuối tuần. Thí sinh đăng ký thi từ ngày 6.2 cho các đợt thi tháng 3 – 4, đăng ký từ 18.3 cho các đợt thi tháng 5 – 6.  

Đề cương đề thi đánh giá năng lực năm 2023 sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cho thí sinh trước khi kỳ thi tổ chức ít nhất 30 ngày. Thí sinh sẽ thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức.