Những người mất hàng tỷ Bitcoin

Quên khóa mã hóa, đã chết hoặc vô tình vứt thiết bị lưu trữ, số Bitcoin trị giá hàng tỷ USD cũng bị mất không bao giờ lấy lại được.

Ngày 16/4, tỷ phú Matthew Mellon – người thừa kế của hai gia đình Mellon và Drexel, sáng lập Bank of New York Mellon và Drexel Burnham Lambert – qua đời ở tuổi 54 liên quan đến ma túy ở Mexico. Gia đình ông đã không thể truy cập vào khối tài sản lên tới 1 tỷ USD tiền ảo XRP vì không có mật khẩu, theo Daily Mail.

Trường hợp như Mellon không hiếm. Theo NYPost, ước tính thực tế có khoảng 3 triệu Bitcoin (giá trị tương đương 25 tỷ USD) bị mất vì chết bất ngờ, không kịp tiết lộ “chìa khóa” để mở khóa cho người thân của họ.

James Howells đã vứt 7.500 Bitcoin vào sọt rác.

James Howells đã vứt 7.500 Bitcoin vào sọt rác.

Nhưng cũng có trường hợp vô tình vứt thiết bị lưu trữ tiền ảo vào sọt rác. Nổi tiếng nhất có thể kể đến James Howells (32 tuổi, sống ở Newport, xứ Wales), người đã khai thác được hơn 7.500 đồng Bitcoin vào năm 2009. Ông là một trong sáu người đầu tiên nhận ra tương lai của tiền ảo và khai thác chúng trong năm đó.

“Tôi có hai ổ cứng, một cái trống còn một cái chứa Bitcoin và đặt trong ngăn bàn. Bốn năm sau, tôi tìm lại nó với ý định vứt chiếc ổ cứng không chứa gì đi, nhưng lại đem khối tài sản lớn cho vào sọt rác”, Howells nhớ lại.

Howells sau đó đã tiếc nuối khi thấy giá trị những đồng Bitcoin tăng phi mã. Dựa trên thị trường tiền ảo, ông nhẩm tính khối tài sản đã mất từ 2 triệu USD rồi 3 triệu USD, sau đó lên tới 10 triệu USD. “Một vài tháng sau, nó đã có trị giá 9,9 triệu USD. Tôi bực mình, tức giận, sinh bệnh, thậm chí đã nói chuyện với quản lý bãi rác, rằng tôi đã ném đi một ổ cứng trị giá 10 triệu USD. Họ nhìn tôi như một kẻ ngốc”, Howells nói.

Câu chuyện của Howells đang là nguồn cảm hứng cho HBO tạo nên bộ phim “Thung lũng Silicon”. Trong phim, nhà tư bản mạo hiểm Russ Hanneman (do Chris Diamantopoulos thủ vai) cày xới bãi rác để tìm lại ổ đĩa bị loại bỏ nhầm lẫn chứa mã cần thiết để lấy lại 300 triệu USD tiền ảo Bitcoin.

Đặc điểm của tiền ảo, trong đó có Bitcoin là nó chứa một khóa với độ dài có thể lên tới 50 ký tự, hầu như một người không thể nhớ nổi. Thay vào đó, họ lưu vào điện thoại, máy tính… và không ít trong số đó bị mất bởi nhiều lý do.

Một nhà phát triển phần mềm khác có tên Syl Turner, 33 tuổi đánh mất Bitcoin theo cách như vậy. Đào được 2 Bitcoin vào năm 2010, anh không suy nghĩ nhiều về tiền điện tử và để chiếc máy tính chứa nó lên gác xép.

Syl Turner mất 2 Bitcoin vì quên mã bảo mật.

Syl Turner mất 2 Bitcoin vì quên mã bảo mật.

Năm ngoái, khi cơn sốt tiền ảo tăng mạnh và giá trị Bitcoin vượt ngưỡng 10.000 USD, anh mới nhớ ra mình có một số tiền. Nhưng khi bật máy lên, Turner đã khá buồn khi ổ cứng có chứa khóa bí mật đã bị ghi đè dữ liệu và vĩnh viễn không thể phục hồi.

Michael Yang, người điều hành một sàn giao dịch tiền ảo tại Bay Arena, kể lại rằng một người bạn của ông cũng mất Bitcoin do không có đầy đủ ký tự mở khóa. “Người bạn tôi giữ một nửa khóa bảo mật và đối tác giữ phần còn lại. Tuy nhiên, đối tác đó bất ngờ qua đời, khiến khối tài sản 500 đồng Bitcoin không thể truy cập. Đó là bi kịch, bởi giá trị của nó đang lên tới 4 triệu USD”, Yang kể.

Thậm chí, một số người am hiểu còn cho rằng Nakamoto – cha đẻ của Bitcoin – cũng quên khóa bảo mật. Có giả thuyết cho rằng ông này tự tử sau khi không tìm ra mật khẩu. “Không có đồng nào trong số 1 triệu Bitcoin ông này rút ra được”, Kim Grauer, chuyên gia kinh tế cấp cao của Chainalysis ở Manhattan (Mỹ), nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu nhà đầu tư nhớ được một phần mật khẩu thì việc giải mã có thể thực hiện được như đòi hỏi cần một hacker tài năng. Còn nếu như trong trường hợp của Howells không có manh mối nào, việc giải mã có thể mất vài tỷ năm và cần tới số năng lượng tương đương với năng lượng của toàn bộ mặt trời để mở khóa tài khoản. Tất nhiên, đó là điều không tưởng.

Bảo Lâm