Những nơi gắn với các sự kiện lịch sử thì đều được xem là di tích lịch sử – văn hóa?


Những nơi gắn với các sự kiện lịch sử thì đều được xem là di tích lịch sử – văn hóa phải không? Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương có được xem là di tích có giá trị tiêu biểu cấp tỉnh? Tôi đang là giáo viên dạy lịch sử nên muốn tìm hiểu để dạy cho các em học sinh, mong anh chị có thể hỗ trợ giúp tôi. Chân thành càm ơn anh chị!

Những nơi gắn với các sự kiện lịch sử thì đều được xem là di tích lịch sử – văn hóa?

Tại Khoản 9 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 có quy định về tiêu chí của di tích lịch sử – văn hóa như sau:

1. Di tích lịch sử – văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây:

a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;

b) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;

d) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, không phải tất cả những nơi gắn với các sự kiện lịch sử đều là di tích lịch sử – văn hóa. Cần phải đáp ứng thêm điều kiện là công trình tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương thì mới được xem là di tích lịch sử – văn hóa.

Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương có được xem là di tích có giá trị tiêu biểu cấp tỉnh?

Tại Khoản 10 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 có quy định về di tích có giá trị tiêu biểu cấp tỉnh như sau:

1. Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành thì địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương được xem là di tích có giá trị tiêu biểu cấp tỉnh.

Trân trọng!