Những phong tục truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người Việt
Mục lục bài viết
Tết Việt Nam chứa đựng và mang đậm bản sắc của dân tộc, trải qua bao biến động của lịch sử, người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết.
Lễ cúng ông Công ông táo
Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp âm lịch, vào ngày này mọi gia đình Việt sẽ dọn dẹp bếp sạch sẽ, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để ông Công, ông Táo về trời để báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt 1 năm qua với Ngọc Hoàng. Đặc biệt, cá vàng sau khi cúng xong thì sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.
Ảnh minh họa.
Thăm mộ tổ tiên
Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp con cháu trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn tết với con cháu. Tục thăm mộ tổ tiên như một nét văn hóa nhắc nhở con cháu phải nghĩ đến dông bà gia tiên mỗi độ xuân về.
Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn.
Ảnh minh họa.
Lễ rước vong linh ông bà
Là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Chủ nhà sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới.
Lễ giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình làm lễ Trừ Tịch để loại bỏ những điều không may mắn của năm cũ đi và đón lấy những điều tốt đẹp của năm mới. Đúng giao thừa, trên bàn thờ gia tiên thơm hương khói, đèn nến lung linh, các thành viên trong gia đình cung kính hắp tay lễ trước bàn thờ tổ diên, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, phát lộc phát tài.
Ảnh minh họa.
Chưng mâm ngũ quả
Bày mâm ngũ quả cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, gắn liền vơi sụ hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Chơi hoa dịp Tết
Loài hoa Tết đặc trưng ở miền Bắc là hoa đào miền Bắc, còn miền Nam là hoa mai đây cũng là loài hoa chỉ nở vào Tết. Ngoài ra các gia đình còn chơi cây quất một trong những cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng, hay hoa cúc, hoa thọ… để trang trí nhà cửa thêm vui tươi, rước lộc vào nhà.
Gói bánh chưng, bánh tét
“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã là Tết thì không thể thiếu đi bánh chưng, tùy vào điều kiện mỗi gia đình có gia đình gói bánh chưng từ ngày 23 tháng Chạp cũng có gia đình đến ngày 27, 28, 29 Tết mới gói bánh chưng và có bánh chưng ăn Tết vừa là để biếu anh em, họ hàng.
Miền Bắc thường gói bánh chưng còn miền Nam thì gói bánh tét. Dường như nhờ có việc gói bánh chưng, bánh tét mà cái Tết trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn.
Ảnh minh họa.
Tục xông nhà
Theo phong tục, cứ đến đêm giao thừa, mọi người thường ở trong nhà không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mọi người mới được đi chúc tết nhà khác. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới. Tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng, vì thế, trước tết, chủ nhà thường chọn người quen biết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.
Phong tục chúc tết, mừng tuổi
Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1, con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng: năm mới, cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.
Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người đến chúc tết anh chị em, bà con họ hàng, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến. Khi chủ nhà được chúc tết thường tiếp đãi người đến chúc tết ăn uống để thể hiện thành ý và tình thân với nhau.
Xin chữ đầu xuân
Ngoài phong tục khai bút đầu năm, người Việt còn có một phong tục khác cũng đề cao tinh thần quý chữ. Đó là phong tục xin chữ đầu năm.
Tục xin chữ đầu năm đã trở thành phong tục và nét văn hóa mỗi độ xuân về. Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy.
Ảnh minh họa.
Tục mua muối đầu năm
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chắc hẳn là câu người Việt nào cũng thuộc. Theo quan niệm từ xa xưa, muối mặn có thể trừ tà, đem lại may mắn và tượng trưng cho tình cảm bền chặt, keo sơn. Do đó, đầu năm thường có hàng muối bán rong đi khắp nơi để các gia đình mua một bát muối đầy có ngọn, với mong ước năm mới an lành, thịnh vượng, mọi người trong nhà hòa hợp, gắn bó.
Chợ Tết
Không giống với những phiên chợ ngày thường, chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn, mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm những đồ dùng thiết yếu trong ngày Tết mà còn để gặp mặt nhau trò chuyện, tận hưởng cái không khí ngày giáp Tết.
Chợ Tết thường được diễn ra trên một bãi đất rộng, ở đó có bán đủ các thức đồ cần thiết, người lớn thì sắm đồ Tết, trẻ con cũng lẽo đẽo theo sau để được bà, được mẹ mua cho bộ quần áo mới, ai nấy đều tay cầm giỏ nặng trĩu.
Dựng cây nêu
Tương truyền, hàng năm cứ đến năm mới ma quỷ lại đến phá đám, bởi vậy để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn, ở mỗi nơi đều dựng cây nêu để báo hiệu rằng nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được tới quấy nhiễu.
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét, ở ngọn cây thường treo nhiều thứ bằng giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện thêm bằng rơm, cạnh đó có treo một cái đèn lồng đèn nhỏ, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều không may mắn, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì được hạ xuống.
Ảnh minh họa.
Đi lễ đầu năm
Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.
Hái lộc
Người Việt quan niệm những phong bao lì xì đỏ mang lại sự may mắn cho cả năm. Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.
Ảnh minh họa.
Màu của ngày Tết
Màu chủ lực trong ngày Tết là màu đỏ. Theo quan niệm, màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ.
Người Việt Nam cũng thích trưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào… Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.
Linh Chi (T/h)
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phong-tuc-truyen-thong-trong-ngay-tet-co-truyen-cua-nguoi-viet-a558471.html