Những thay đổi trong kiểm tra các môn học chương trình phổ thông mới
GDVN- Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông là không quy định chi tiết số tiết đối với mỗi môn học trong một tuần, mà chỉ quy định chung theo năm học.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông triển khai thực hiện ở lớp 6 năm học 2021-2022; lớp 6, 7, 10 năm 2022-2023;…với rất nhiều điểm mới được ghi nhận.
Một số đồng nghiệp có thắc mắc về số lần kiểm tra của các môn học? Thời điểm kiểm tra định kỳ gồm giữa kỳ và cuối kỳ thực hiện khi nào? Có thực hiện đồng loạt hay theo từng môn?,…
Với hiểu biết của mình, người viết xin được chia sẻ số lần, thời điểm kiểm tra của các môn học ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Số lần kiểm tra của các môn học theo chương trình mới
Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông về đánh giá thường xuyên có nêu cụ thể số lần kiểm tra đánh giá như sau:
“Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập): mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.
Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên (sau đây viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi học kì như sau:
– Môn học có 35 tiết/năm học: 02 ĐĐGtx.
– Môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 ĐĐGtx.
– Môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 ĐĐGtx.”
Tại Điều 7 quy định về đánh giá định kỳ thì mỗi môn học sẽ có 1 lần kiểm tra giữa kỳ, 1 lần kiểm tra cuối kỳ.
Dựa vào quy định trên, số lần kiểm tra của tất cả các môn học bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được thống kê ở bảng dưới đây.
Bậc
Môn
Kiểm tra thường xuyên
Kiểm tra giữa kỳ
Kiểm tra cuối kỳ
Trung học cơ sở
Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Tiếng dân tộc thiểu số (hoặc Ngoại ngữ 2)
4
1
1
Công nghệ 8, 9
3
1
1
Giáo dục công dân, Công nghệ 6,7, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật; Giáo dục địa phương
2
1
1
Trung học phổ thông
Toán, Ngoại ngữ 1; Ngữ văn; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Tiếng dân tộc thiểu số (hoặc Ngoại ngữ 2)
4
1
1
Lịch sử; Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Hóa học; Sinh học; Vật lí; Công nghệ ; Tin học.
3
1
1
Giáo dục thể chất; Quốc phòng và an ninh; Giáo dục địa phương, Nghệ thuật
2
1
1
Thời điểm kiểm tra định kỳ các môn học sẽ linh hoạt, tùy môn, tùy trường?
Việc kiểm tra thường xuyên do giáo viên bộ môn lựa chọn thời gian phù hợp, về hình thức được thực hiện thông qua: hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Về kiểm tra định kỳ sẽ có những bước tiến lớn.
Trước đây, ở tất cả các môn học có quy định số tiết học trên mỗi tuần, quy định có tuần kiểm tra định kỳ, có tuần kiểm tra học kỳ, kiểm tra học kỳ I thường vào tuần 18, kiểm tra học kỳ II ở tuần 35 của năm học.
Nhưng sắp tới đây có thể sẽ không còn việc quy định trên, các trường dựa vào điều kiện của mình, sẽ linh động trong việc dạy, kiểm tra.
Cụ thể, điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông là không quy định chi tiết số tiết đối với mỗi môn học trong một tuần, mà chỉ quy định chung theo năm học.
Tức là dựa vào số tiết/năm học của từng bộ môn, nhà trường có thể linh hoạt phân công để đảm bảo đủ số tiết theo quy định.
Điều này để các trường chủ động, linh hoạt hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch kiểm tra đánh giá với từng môn học.
Ví dụ ở bậc trung học cơ sở môn Giáo dục công dân 35 tiết/năm học theo chương trình trước đây phải phân công dạy 1 tiết/tuần và kiểm tra học kỳ chung các môn khác ở tuần kiểm tra học kỳ.
Ở chương trình mới, nhà trường có thể linh động phân công dạy trong 1 học kỳ hoặc kết thúc sớm hơn nếu nhà trường có điều kiện, nhà trường có thể phân công 2, 3 tiết/tuần và khi thực hiện đủ 35 tiết thì cho học sinh kiểm tra cuối kỳ mà không cần chờ đến cuối năm, trong quá trình giảng dạy chỉ cần đảm bảo số bài kiểm tra thường xuyên và 1 lần kiểm tra giữa kỳ.
Theo quan điểm người viết, đây là điểm rất mới mà các nhà trường, giáo viên nên biết nhất là đối với bậc trung học phổ thông trong việc phân công dạy, kiểm tra các môn tự chọn như chọn cụm chuyên đề học tập, môn học tự chọn.
Các trường có thể linh động sắp xếp thời khóa biểu, thời điểm kiểm tra cuối kỳ II (kết thúc môn) đảm bảo số tiết trên năm học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm mới thay đổi về môn học, kiểm tra, đánh giá nên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng phải nhanh chóng thay đổi, bắt nhịp và thích ứng để thực hiện một cách hiệu quả tránh áp lực lên giáo viên và học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Hoài Thanh