Những tiêu chí đánh giá nhà cung cấp tốt nhất – Bravo
Nhà cung cấp tốt là một trong yếu tố ảnh hưởng đến việc quản trị hàng tồn kho tốt. Để lựa chọn được những nhà cung cấp tốt trước hết doanh nghiệp cần nắm được những tiêu chí đánh giá nhà cung cấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu các vấn đề đó.
1. Khái niệm nhà cung cấp
Nhà cung cấp được định nghĩa đơn giản là một bên (có thể là một tổ chức hoặc cá nhân) cung cấp hàng hóa hay dịch vụ. Trong thị trường thương mại hiện đại, có rất nhiều nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng.
2. Vai trò của NCC trong chuỗi cung ứng
Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của bất kỳ doanh nghiệp nào, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng khách hàng là tất cả vì họ là “Thượng đế”. Song với góc nhìn khác, nếu doanh nghiệp có rất nhiều khách hàng thậm chí họ sẵn sàng mua tất cả những gì mình có, song doanh nghiệp đó lại không có đủ nguồn cung cấp hàng hóa cho thị trường hay nói một cách khác họ không có sự gắn kết với các NCC một cách bền chặt. Điều đó làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ và đôi khi nó còn tệ hơn là không có khách hàng.
Ở góc nhìn rộng hơn, trong chuỗi cung ứng, các NCC liên kết với nhau như những toa tàu. Ở đó hàng hóa, NVL được cung cấp liên tục để ở đầu cuối hàng hóa được cung cấp đến tay của người tiêu dùng. Trong chuỗi đó, mỗi NCC sẽ giữ một vai trò quan trọng của riêng mình và đồng thời đóng góp tạo ra giá trị của toàn chuỗi. Chỉ cần 1 NCC bất kỳ gặp sự cố, cả chuỗi sẽ phải gặp nhiều tác động và cuối cùng điều bất lợi nhất sẽ đến với người tiêu dùng.
3. Những chỉ tiêu lựa chọn nhà cung cấp
3.1. Chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn NCC cho hàng hóa, NVL của doanh nghiệp. Một số tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, NVL như các tiêu chuẩn chất lượng mà NCC phải tuân thủ, chế độ – chính sách bảo hành cũng như cam kết chất lượng…
3.2. Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng
Khi lựa chọn được NCC, nhà quản trị phải luôn theo dõi được số lượng/tỷ lệ hàng hóa hư hỏng khi được giao hàng đến hoặc hư hỏng do chất lượng xuống thấp không đảm bảo các tiêu chuẩn đã cam kết (sau khi kiểm tra chất lượng).
Tỷ lệ cần xác định gồm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trên mỗi đơn hàng được giao, tỷ lệ đơn hàng có hư hỏng trên tổng đơn hàng theo kỳ thống kê, giá trị hàng hóa hư hỏng theo đơn hàng và tổng giá trị hư hỏng theo kỳ thống kê. Từ các số liệu trên, nhà quản trị sẽ dễ dàng so sánh các NCC của cùng nhóm mặt hàng để ra quyết định mua hàng phù hợp.
3.3. Thời gian giao hàng đúng hẹn
Một yếu tố không kém phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là thời gian giao hàng. Việc thống kê các dữ liệu về thời gian giao hàng thực tế so với dự kiến cho nhà quản trị nắm chính xác năng lực của từng NCC cũng như mức độ tin cậy của họ đối với các đơn hàng trong tương lai của mình.
3.4. Chính sách bảo hành
Nhân viên mua hàng sẽ phải cân nhắc rất kỹ các điều khoản bảo hành sản phẩm, NVL từ NCC. Trong nhiều trường hợp có các sự cố phát sinh đến hư hỏng hàng hóa, hay chất lượng xuống thấp sau quá trình kiểm tra, kiểm nghiệm sẽ phát sinh nhiều công việc và làm tổn thất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, NCC có chính sách bảo hành chu đáo và đơn giản sẽ luôn được ưu tiên thêm điểm cộng.
3.5. Chất lượng dịch vụ khách hàng
Bên cạnh việc hỗ trợ bảo hành, đổi trả sản phẩm… thì các cuộc gọi đến NCC yêu cầu hỗ trợ và giải đáp các vấn đề phát sinh giúp nhà quản trị đánh giá đúng chất lượng dịch vụ từ NCC của mình. Giả sử trong trường hợp có vấn đề phát sinh mà nhân viên mua hàng không thể liên hệ được với NCC hoặc liên hệ được mà không liên lạc được với nhân viên phụ trách thì các vấn đề phát sinh đó phải treo lên và chờ ngày giải quyết.
3.6. Chi phí sản phẩm
Yếu tố cơ bản nhất để đánh giá NCC là giá sản phẩm và các chi phí phát sinh khi mua hàng từ NCC đó. Một cách đơn giản, với cùng loại hàng hóa với chất lượng như nhau, thì NCC nào có thể cung cấp với chi phí mềm hơn thì đó sẽ là một điểm cộng cho họ.
3.7. Điều khoản thanh toán
Bên cạnh yếu tố chi phí sản phẩm, điều khoản thanh toán gián tiếp tác động tới các yếu tố chi phí. Với điều khoản thanh toán 1 lần khi nhận hàng sẽ làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn khi mua hàng công nợ và có thể chia thành nhiều đợt thanh toán.
4. Ứng dụng giải pháp ERP với những chỉ tiêu đánh giá NCC trong doanh nghiệp
Trên đây là một số chỉ tiêu cơ bản để đánh giá NCC làm căn cứ để lựa chọn hoặc thay đổi NCC cho hàng hóa, NVL cho hoạt động mua hàng. Trên thực tế, tùy nhu cầu và đặc thù mỗi ngành nghề, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng nhiều bộ chỉ tiêu đánh giá cho riêng mình. Song về nguyên tắc, hoạt động đánh giá và các số liệu thu thập phải đầy đủ và khách quan, nhằm phản ánh được tình hình thực tế của từng NCC.
Để làm được điều đó một cách chính xác đòi hỏi doanh nghiệp phải tích hợp và quản lý các hoạt động của mình trên cơ sở phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp – Phần mềm ERP. Và xây dựng các tiêu thức cùng chỉ tiêu cụ thể để thực hiện khai báo trên hệ thống. Trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ phát sinh, toàn bộ dữ liệu thực tế phải được ghi nhận vào phần mềm để làm cơ sở lên báo cáo thống kê.
Xem thêm:
>>> Lập kế hoạch mua hàng cho doanh nghiệp sản xuất.
>>> Phân hệ phần mềm quản lý mua hàng BRAVO.
Lê Vĩnh Phúc