Nở rộ ứng dụng giải bài tập cho học sinh

Nhận bài tập về nhà từ lớp học online, Huy lập tức mở ứng dụng trên smartphone, chụp đề bài và tìm lời giải, sau đó chép lại.

Trong lớp của Huy, hầu hết các bạn cũng đều biết tới các phần mềm này. “Ai có smartphone có thể dùng nhiều hơn. Một số bạn chưa có điện thoại còn giả lập Android trên máy tính để để cài “, Huy kể.

“Chỉ cần chụp lại đề bài, đợi ứng dụng quét sau vài giây là đáp án hiện sẵn trên màn hình”, Huy tả về ứng dụng mình đang sử dụng. Nếu đề bài từng có người hỏi, lời giải sẽ có sẵn. Còn với những bài do giáo viên tự ra đề, thay đổi số liệu, Huy cho biết sẽ phải tự điều chỉnh theo bài mẫu, hoặc đăng bài theo dạng “tìm người giải giúp”. Nếu có người nào đó chấp nhận, cậu sẽ có đáp án, nhưng đánh đổi bằng điểm thưởng.

Thanh Huy, học lớp 9 tại Hà Nam, cho biết em biết đến các phần mềm giúp giải bài tập từ hơn một năm nay, khi phải học trực tuyến và tiếp xúc nhiều hơn với smartphone. Các ứng dụng hỗ trợ giải bài ở nhiều môn khác nhau, như Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, nhưng phổ biến nhất vẫn là Toán.

Tương tự, Thúy Hằng (Hà Nội) lúc nào cũng có sẵn 3-4 ứng dụng hỗ trợ giải bài tập được cài sẵn trong một thư mục trên smartphone. Khi gặp bài khó, Hằng mở điện thoại quét đề bài, hy vọng sẽ có bài tương tự có lời giải trên app.

“Không phải lúc nào cũng có thể hỏi thầy cô, nên mình tìm thêm nguồn tham khảo trên ứng dụng”, Hằng kể, ví các ứng dụng này cũng như sách tham khảo, nhưng thay vì tìm thủ công thì giờ có thể tìm bằng camera điện thoại.

Trên các kho Play Store và App Store, ứng dụng hỗ trợ giải bài tập nở rộ trong năm qua. Ví dụ, giữa tháng 4, ứng dụng Solvee với lời giới thiệu “giải bài tập trong năm giây thậm chí nằm trong top ứng dụng được tải nhiều trên Android. Ngoài ra, loạt ứng dụng khác như Qanda, Dicamon, Gauthmath cũng trở nên phổ biến.

Trong hạng mục Giáo dục của Play Store, có tới 5/10 ứng dụng được tải về nhiều nhất là các công cụ hỗ trợ giải bài tập cho học sinh. Trên App Store dành cho iPhone, con số này là 4/10.

Cô Thanh Huệ, giáo viên dạy Toán bậc THCS, cho biết tình trạng học sinh sử dụng phần mềm giải bài tập ngày càng phổ biến. “Có thể vì học trực tuyến, các em có nhiều thời gian sử dụng máy tính, điện thoại, từ đó mày mò và tìm đến các công cụ hỗ trợ trên Internet”.

Theo cô, các ứng dụng được xây dựng với ý tưởng hay, nhưng có thể bị lạm dụng và mang đến những hệ lụy tiêu cực. Cô từng gặp trường hợp một học sinh trung bình giải được bài tập ở mức vận dụng cao. “Tôi vừa bất ngờ vừa mừng, nghĩ em đó đã tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu em giải lại và chia sẻ cách làm, tôi phát hiện em đã tìm đến phần mềm giải bài tập”, cô kể.

Cô giáo này cho rằng, sách hay phần mềm giải bài tập không xấu nếu học sinh dùng đúng cách. Các giáo viên không phải lúc nào cũng có thể hỗ trợ, hướng dẫn cho học sinh ngay lập tức, nên xét về mặt tích cực, việc có công cụ giúp tiếp cận cách giải đúng mang lại nhiều điều thuận tiện.

Tuy nhiên, cô giáo với hơn 20 năm kinh nghiệm này nhận định các phần mềm giải bài tập cũng gây hệ lụy tiêu cực hơn. “Trong một số lớp tôi phụ trách, chỉ 20-30% học sinh có tinh thần tự giác. Những em đó khi tiếp cận với phần mềm giải bài tập có thể biến nó thành công cụ hỗ trợ mình. Nhưng với 70-80% còn lại sẽ nhanh chóng chép lời giải rồi gấp sách và đi chơi”, cô nói, lo ngại việc này lâu dài khiến học sinh phụ thuộc vào phần mềm, lười tư duy và mất gốc kiến thức.

Giám đốc một công ty chuyên về công nghệ EdTech tại Hà Nội nhận định các phần mềm hỗ trợ giải bài tập thực ra là một ý tưởng hay, trong bối cảnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục. Tuy nhiên, các phần mềm này cần có biện pháp giới hạn để học sinh sử dụng đúng cách.

“Điểm tích cực là các phần mềm đã phát triển được giải pháp nhận dạng chữ viết, bao gồm cả chữ viết tay hay ký hiệu một cách chính xác, đồng thời kết nối được mạng lưới các gia sư, giáo viên, hoặc thậm chí dùng AI cung cấp lời giải”, người này nói. “Nếu học sinh coi đây như hướng dẫn giải trong sách giáo khoa thì không sao, nhưng nếu sử dụng để thay mình làm bài tập về nhà, hoặc trong các cuộc thi thì sẽ nguy hại với chính học sinh đó”.

Ngoài ra, nếu ứng dụng chưa được tối ưu khả năng quét đề bài, có thể dẫn đến nhận dạng sai và khiến câu trả lời “lạc đề”. Trên phần đánh giá của một số ứng dụng giải bài tập, nhiều người dùng cho biết đã gặp phải tình trạng nói trên.

“Giờ học sinh rất nhanh nhạy với công nghệ thông tin, giáo viên nhiều khi không theo kịp các em nên càng không thể cấm dùng các phần mềm giải bài tập. Tôi nghĩ, gia đình và nhà trường cần quan tâm và giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, tư vấn và động viên để học sinh tự giác suy nghĩ, làm bài thay vì tìm đến các công cụ hỗ trợ”, cô Huệ nói.