Nở rộ ứng dụng giải bài tập cho học sinh: Liệu có làm thui chột tư duy của học sinh?
(PLVN) – Nhiều ứng dụng (app) giải bài tập trên điện thoại được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Giáo viên và phụ huynh đang lo ngại cho học sinh đều sử dụng các ứng dụng này.
Chỉ cần mở tính năng scan hoặc camera (máy ảnh) trên ứng dụng để chụp/quét qua đề thi, chỉ vài giây sau là đáp án có thể hiển thị trên màn hình smartphone.
Tính năng này được cho là đang nở rộ, từ ứng dụng giải bài tập các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, thậm chí cả môn ngoại ngữ như tiếng Anh, cho đến một số môn học khoa học xã hội…
Được cô giáo giao bài tập về nhà từ lớp học, Minh Trang (học sinh lớp 9 tại Hà Nội) lập tức mở ứng dụng trên smartphone, chụp đề bài và tìm lời giải, sau đó chép lại.
Chia sẻ với PV, Minh Trang cho biết, hiện nay trên facebook giới thiệu rầm rộ cá phần mềm giúp giải bài tập từ nhiều năm nay, thời gian gần đây phải học trực tuyến nhiều nên Minh Trang liên tục tiếp xúc với smartphone. Các ứng dụng hỗ trợ giải bài ở nhiều môn khác nhau, như Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, nhưng phổ biến nhất vẫn là Toán.
“Mày mò và tìm đến các công cụ hỗ trợ trên Internet để kiểm tra kết quả bài tập đã làm nên em cũng đã tải một số phần mềm giải bài tập về máy tính của mình. Đánh giá chung về kết quả trên mạng so với nội dung em tự làm khá đúng, phần mềm này khiến em rất thích thú. Chỉ cần chụp lại đề bài, đợi ứng dụng quét sau vài giây là đáp án hiện sẵn trên màn hình”. Minh Trang chia sẻ.
Minh Trang tả về ứng dụng mình đang sử dụng. Nếu đề bài từng có người hỏi, lời giải sẽ có sẵn. Còn với những bài do giáo viên tự ra đề, thay đổi số liệu, Minh Trang cho biết sẽ phải tự điều chỉnh theo bài mẫu, hoặc đăng bài theo dạng “tìm người giải giúp”.
Tương tự, Thúy Hằng (Hà Nội) lúc nào cũng có sẵn 3-4 ứng dụng hỗ trợ giải bài tập được cài sẵn trong một thư mục trên smartphone. Khi gặp bài khó, Hằng mở điện thoại quét đề bài, hy vọng sẽ có bài tương tự có lời giải trên app.
“Không phải lúc nào cũng có thể hỏi thầy cô, nên mình tìm thêm nguồn tham khảo trên ứng dụng”, Hằng kể, ví các ứng dụng này cũng như sách tham khảo, nhưng thay vì tìm thủ công thì giờ có thể tìm bằng camera điện thoại.
Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra quan ngại và lo lắng khi biết con em sử dụng các ứng dụng này để giải bài tập, nhiều ứng dụng còn yêu cầu học sinh phải trả phí trong một tháng sử dụng.
Chị Trần Hoài An (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con đang học lớp 10 chia sẻ, chị không hề biết đến các ứng dụng này. Theo thói quen mỗi ngày, chị đều kiểm tra và hỏi han xem con đã hoàn thành các bài tập giáo viên giao về nhà hay chưa, thấy con đã làm xong hết thì chị rất yên tâm. Chỉ đến khi con xin tiền nộp phí sử dụng sau khi hết thời gian một tháng dùng thử thì chị Hoài An mới biết con thường xuyên dùng các ứng dụng này để giải bài tập.
Ngay cả đề cương ôn tập thi học kỳ cũng có bài giải
“Khi biết con sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để hoàn thành bài về nhà, tôi rất lo lắng. Những bài tập của con làm ra nộp cho giáo viên không phải thực lực của con, nó chỉ nhằm mục đích đối phó. Tai hại hơn là giáo viên rất khó đánh giá đúng lực học để có phương pháp kèm cặp giúp con tiến bộ. Lâu dài, con sẽ bị hổng kiến thức nếu quá dựa dẫm vào các ứng dụng này”, chị Hoài An lo lắng.
Cô Trần Thị Tuyết Nhung- Giáo viên dạy tại Hà Nội chia sẻ: “App giải bài tập là con dao hai lưỡi. Học sinh (HS) thường xuyên sử dụng sẽ chủ quan, ỷ lại vào app, có thể dẫn tới tình trạng lười suy nghĩ, lười tư duy, kéo theo hiện tượng nhầm tưởng mình giải được bài. Khi đó, HS chỉ là đang chép lời giải chứ không phải thực sự giải được một bài toán”.
Cô giáo này cho rằng, sách hay phần mềm giải bài tập không xấu nếu học sinh dùng đúng cách. HS cũng cần dành thời gian suy nghĩ các bài toán thật thấu đáo, không nên quá ỷ lại vào app, sẽ mất đi khả năng tự tư duy của bản thân
Nếu HS sử dụng app để tìm lời giải thì cần đọc kỹ và tìm hiểu xem mình có thật sự hiểu lời giải đó hay không. Nếu chưa hiểu, các em phải nói thật với giáo viên hay bạn bè là mình có tìm được lời giải nhưng chưa hiểu để có được sự giải đáp.
Chia sẻ với báo chí, TS Trần Quang Duy, Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng: “Việc sử dụng các app giải bài tập có trên điện thoại sẽ làm thui chột tư duy của học sinh”.
Cũng theo TS Duy, việc sử dụng các app giải bài tập để hoàn thành bài một cách đối phó đồng nghĩa với việc các em tự đánh mất đi quyền được sáng tạo, chủ động trong học tập. Bởi lẽ, mỗi môn học đều có một mục tiêu đào tạo riêng. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền tảng cho các em thì việc thực hành, giải quyết các bài tập do giáo viên giao còn nhằm mục đích khơi gợi sự sáng tạo, tư duy, cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân.
“Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khóa một loạt ứng dụng giải bài tập trước lo ngại chúng làm thui chột khả năng tư duy của học sinh.
Tại Việt Nam, các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp kịp thời ngăn chặn việc học sinh sử dụng app. Thay vào đó, các thầy cô khuyến khích các phương pháp học tập mang tính sáng tạo, thúc đẩy và phát triển năng lực học tập vốn có của học sinh. Chỉ có như vậy thì chất lượng giáo dục mới không bị giảm sút”, TS Duy nhận định.