Nói tục chửi bậy: Sự đi xuống của văn hóa giao tiếp

Tôi không sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi gắn bó tuổi trẻ với Hà Nội. Tôi yêu Hà Nội đến nỗi bật khóc khi hát về mảnh đất này.


Với tôi, Hà Nội đẹp từ vật chất đến văn hóa. Thanh bình biết bao nhiêu khi ngồi cạnh người yêu trong chiều thu, ấm áp biết chừng nào khi được nắm tay người bạn trai, bạn gái trong cái se lạnh của cơn gió đầu mùa. Đẹp là thế, lãng mạn là thế nhưng bỗng dưng bạn nghe thấy những lời thô tục từ cái miệng cũng những nam thanh nữ tú đất Hà thành? Tôi dám chắc ai cũng cảm thấy “tụt cảm xúc”.

{keywords}

Tôi nhớ người Anh có câu rất hay: Nếu trái tim bạn là một đóa hoa thì sẽ tỏa ra những lời ngát hương. Còn tôi thì cho rằng: nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì lời nói sẽ là cửa sổ của trái tim. Bạn có yêu thương, trân trọng nhau thì bạn mới có thể dành cho nhau những lời tốt đẹp. Tôi không nhận thấy sự bỗ bã trong cách nói chuyện thể hiện bạn là con người cởi mở. Các cụ dạy bảo con cháu rằng: “Đức hạnh biểu nghi” – tức là con người có đức hạnh sẽ biểu hiện ra bên ngoài ở cái nghi lễ, nghi thức. Không lời thô lỗ nào được xếp vào văn hóa tích cực cả.

Đấy là chưa nói, việc nói tục chửi bậy làm văn hóa của cả xã hội đi xuống. Khi bạn đã coi những lời thô tục kia như những lời nói bình thường thì nó rất nhanh chóng xâm nhập vào kho ngôn ngữ của gia đình bạn, xã hội mà bạn đang sống. Bạn nghĩ sao khi con bạn, cháu bạn nói những câu đó? Và đến khi nó bị “xã hội hóa” thì thật là tai hại. Bạn đã vô tình đầu độc tâm hồn của thế hệ sau. Con cháu chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để chỉnh lại văn hóa giao tiếp cho chuẩn mực.

Lời hay ý đẹp sẽ giúp bạn thấy mình có văn hóa hơn, sống văn minh hơn. Đừng ai cổ súy cho những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa. Những lời đó chỉ thể hiện sự đi xuống của văn hóa mà thôi. Khi bạn biết xấu hổ với những cái xấu, cái tục thì bạn sẽ thấy mình đang đứng ở nấc thang mới.

ThS Văn hóa học Ngọc Minh