Ô tô bay hoàn thành chuyến bay thử nghiệm kéo dài 35 phút
Một chiếc ô tô bay nguyên mẫu đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm giữa hai thành phố ở Slovakia, với thời gian 35 phút.
Chiếc ô tô bay của công ty Klein Vision đã bay quanh thành phố Nitra và thủ đô Bratislava vào cuối tháng 6 vừa qua.
Chiếc xe mang tên AirCar Prototype 1 được trang bị động cơ BMW 160 mã lực và được trang bị một cánh quạt cố định. Xe có thể chuyển từ máy bay thành phương tiện đường bộ trong vòng chưa đầy 3 phút.
AirCar Prototype 1 đã có chuyến bay thành công kéo dài 35 phút
Theo hãng sản xuất Klein Vision, hiện AirCar đã hoàn thành hơn 40 giờ bay thử nghiệm, bao gồm bay ở độ cao 8.200 feet (2,5 m) và đạt tốc độ bay tối đa 190 km/h.
Sau khi hạ cánh xuống Thủ đô Bratislava, chiếc AirCar Prototype 1 đã biến thành một chiếc ô tô và được điều khiển đi vào trung tâm thành phố bởi Giám đốc điều hành của Klein Vision, Stefan Klein và người đồng sáng lập công ty Anton Zajac.
Xem Video:
“Ô tô bay đã không còn là một khái niệm”, Zajac nói trong thông cáo báo chí. “Nó đã biến khoa học viễn tưởng thành hiện thực.”
Klein Vision hiện đang trong quá trình thử nghiệm và phát triển một model mới có tên là AirCar Prototype 2 và sẽ được trang bị động cơ 300 mã lực. Nó dự kiến có thể di chuyển với tốc độ tối đa 300 km/h và có phạm vi hoạt động 1.000 km.
Hãng cũng có kế hoạch phát triển các mẫu AirCar ba và bốn chỗ ngồi, cũng như các phiên bản động cơ đôi và đổ bộ.
Ngày càng có nhiều công ty khám phá tiềm năng của các phương tiện bay bất chấp các rào cản bao gồm cả sự an toàn và độ tin cậy. Các phương tiện bay này sẽ đối mặt với việc hoạt động trong vùng trời đông đúc, gần các máy bay không người lái nhỏ và cả các máy bay truyền thống, đồng thời có thể mất rất nhiều năm để được cấp phép và sử dụng phổ biến.
Trước đó, Uber và Hyundai đã công bố kế hoạch cho một chiếc taxi bay chạy bằng điện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng năm ngoái ở Las Vegas. Michael Cole, Giám đốc điều hành của Hyundai tại châu Âu, cho biết họ đang làm việc “rất tích cực” cho chương trình này.
Vào tháng 2 vừa qua, Volkswagen cũng cho biết họ đang xem xét các phương tiện bay ở Trung Quốc. Trong khi đó, Porsche, Daimler và Toyota đều đã hỗ trợ các công ty khởi nghiệp máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL).
Vào tháng 8/2020, công ty Nhật Bản Sky Drive Inc. đã tiến hành cuộc trình diễn công khai đầu tiên một phương tiện bay. Chiếc xe đã cất cánh từ Trường thử nghiệm của Toyota và đi vòng quanh khoảng 4 phút.
Phương Ánh (Theo CNN)
Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Mục lục bài viết
Ôtô bay Aska có giá lên đến 789.000 USD
Hãng NFT bắt đầu nhận đặt hàng mẫu ôtô bay Aska. Phương tiện di chuyển này sẽ bán ra vào năm 2026 và mức giá lên đến 789.000 USD đối với phiên bản giới hạn.