Ô tô số sàn, tốt hay không?

Phóng viên

– 11/01/2018 | 11:12 (GTM + 7)

Bài viết này sẽ giúp bạn đọc có cái phân biệt giữa 2 loại hộp số cũng như phân tích qua về ưu nhược điểm của loại số sàn.

Số sàn là gì?

Số sàn là một từ lóng chỉ chung loại hộp số có bánh răng truyền động thủ công, khi chuyển số người lái phải ngắt côn rồi mới có thể chuyển số bằng cần số tay (phức tạp hơn số tự động).

Một hộp số sàn ly hợp kép của hãng Chrysler

Làm sao để phân biệt giữa 2 loại hộp số khi mới lần đầu ngồi vào xe?

Có 1 cách dễ dàng để phân biệt giữa 2 loại hộp số khi mới lần đầu sử dụng xe đó là quan sát số lượng các cần đạp ở dưới chân. Nếu số lượng cần là 2 đó là số tự động (chân phanh – chân ga theo thứ tự từ trái qua). Nếu số lượng cần là 3 đó là số sàn (chân côn – chân phanh – chân ga).

Ngoài ra xe số sàn còn có cần số ở vị trí giữa xe đánh số R – N – 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 (có xe sẽ có 6 số nhưng thường chỉ có 5 số). Còn trên xe số tự động sẽ là các ký tự P – R – N – D – 1 – 2 (tùy xe mà các ký tự sẽ có thể khác một chút).

Cần số trên xe số sàn

 

Nhược điểm của xe số sàn là gì?

Nhược điểm dễ nhận thấy nhất của xe số sàn là khó làm quen đối với người mới. Việc thao tác nhuần nhuyễn “côn ra ga vào” là tương đối khó với người mới tập lái xe. Người mới sẽ có thể thường xuyên gặp trường hợp “chết máy” (tắt máy đột ngột) khi thao tác chân côn và chân ga chưa thành thạo. Cách duy nhất để tránh tình trạng chết máy bất ngờ đối với xe số sàn là phải tập luyện và làm quen với xe. Mỗi dòng xe thậm chí mỗi chiếc xe sẽ có độ nhạy của chân côn và chân ga khác nhau từ ít tới nhiều phụ thuộc và tuổi đời và tình trạng xuất xưởng của xe.

Mẹo nhỏ để khắc phục: Thực ra câu nói “côn ra ga vào” chỉ là nói vần cho thuận miệng, chính xác phải là “ga vào côn ra”. Đối với người mới lái xe số sàn, cách tránh chết máy khi khởi hành là đạp hết côn trước tiên, sau đó nhẹ nhàng đạp chân ga từ nông tới sâu. Trong khi từ từ đạp ga vẫn giữ nguyên chân côn và nghe tiếng máy xe kết hợp với cảm giác độ rung của máy. Khi thấy tiếng máy hơi gằn, giữ nguyên chân ga từ từ nhả chân côn, nếu thấy xe bắt đầu di chuyển chậm mới “đệm” thêm chân ga và nhả chân côn từ từ đến khi nhả hết. Lưu ý, từ khi xe bắt đầu di chuyển chậm, côn ra đến đâu ga vào đến đó thì xe sẽ không chết máy. Lúc này câu nói “côn ra ga vào” mới hoàn toàn chính xác. Nếu từ khi khởi động đã nhả côn mà chân ga vào không kịp xe sẽ “chết máy”. Nếu làm theo mẹo này mà xe vẫn chết máy tức là chân ga chưa đủ “sâu”, thực hiện lại từ đầu với mức chân ga “sâu” hơn một chút và lưu ý không nhả côn đột ngột.

Xe số sàn di chuyển ở tốc độ thấp không hề dễ dàng

Nhược điểm thứ hai của xe số sàn là việc di chuyển với tốc độ chậm. Đặc biệt là khi đường tắc các xe nhích từng mét một thì việc điều khiển chiếc xe số sàn di chuyển với tốc độ cực thấp sẽ rất vất vả so với xe số tự động (kể cả đối với người lái thạo). Trong khi số tự động chỉ cần nhả chân phanh là chiếc xe đã có thể di chuyển chậm về phía trước thì xe số sàn đòi hỏi người lái phải kết hợp chân ga – chân côn – chân phanh một cách nhuần nhuyễn để xe không chết máy và tránh gây tai nạn cho xe phía trước và cả phía sau (nếu dừng trên dốc).

Nhược điểm thứ ba của xe số sàn là vấn đề về an toàn khi nhờ người khác lái xe khi bản thân không thể lái được. Nếu người lái giúp hiếm khi lái xe số sàn thì việc nhờ họ đưa đi đâu đó là không nên. Nếu đó là một chiếc xe số tự động thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Hơn nữa mọi người thường sử dụng xe số tự động cho việc đi lại cá nhân vì sự thuận tiện, trừ những người sử dụng xe để kinh doanh hay sử dụng số sàn.

‘Nhược điểm’ cuối cùng của việc lái xe số sàn là có thể ảnh hưởng ‘không tốt’ đến chân trái của người lái khi phải thường xuyên hoạt động một cách chính xác và bền bỉ trong thời gian dài.

Ngoài những nhược điểm kể trên, xe số sàn có ưu điểm gì?

Phiên bản số sàn bao giờ cũng có giá rẻ hơn phiên bản số tự động: ví dụ giá xe Corolla Altis 1.8E tham khảo trên trang chủ của Toyota Việt Nam có giá 678 triệu đồng cho phiên bản số sàn và 707 triệu đồng cho phiên bản số tự động.

Khả năng tiết kiệm nhiên liệu: tùy vào độ thuần thục của người lái mà xe số sàn có thể tiết kiệm từ 5 – 15% nhiên liệu tiêu thụ cho cùng một quãng đường so với xe số tự động.

Hộp số sàn có cấu tạo đơn giản hơn so với hộp số tự động: trong cùng điều kiện hoạt động hộp số sàn sẽ có xác suất gặp lỗi kỹ thuật thấp hơn. Từ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa và bảo trì. Đây là một trong những lý do chính khiến xe số sàn được ưu tiên sử dụng trong lĩnh vực vận tải.

Xe số sàn phụ thuộc vào trình độ người lái nhiều hơn. Các hộp số tự động được thiết kế để chọn những thiết lập tốt nhất cho bất kỳ tình huống nào, nhưng chúng thường có xu hướng nhầm lẫn, đôi khi là quá thận trọng và chuyển sang vòng tua và lãng phí công suất động cơ. Đồng thời, chúng được chế tạo để đáp ứng các điều kiện khi chúng gặp phải, điều này không cho phép người lái xe dự đoán được tình trạng đang diễn ra, hoặc khả năng về số để tăng sức kéo của động cơ. Hộp số sàn cho người lái xe khả năng kiểm soát tốt hơn. Đối với những người đam mê xe và thích cảm giác ngồi sau vô-lăng, một chiếc xe số sàn có thể cho họ trải nghiệm tuyệt vời nhất, xe số tự động giúp người lái nhàn hơn nhưng nhiều người lại cho rằng đó là một sự nhàm chán. Chẳng hạn như Mr. Bean đã thường xuyên sử dụng một chiếc xe số sàn suốt 17 năm mới “gả” đi. “Tôi thích cảm giác làm chủ chiếc xe hoàn toàn” – Mr. Bean chia sẻ trong bài phỏng vấn về siêu xe McLaren F1 đời 1994 của ông.

Rowan Atkinson (Mr. Bean) cũng là một người đam mê xe số sàn

>>> McLaren F1 1994 – Chiếc xe ‘hàng hiếm’ của Mr. Bean!

>>> Những mẫu xe gia đình cỡ nhỏ đáng lưu tâm