OLED là gì? QLED là gì? Sự khác biệt giữa QLED và OLED TV

Nếu mua sắm TV 4K ở thị trường cao cấp hơn, bạn có thể gặp phải 2 thuật ngữ nghe có vẻ tương tự nhau: QLED và OLED. Nói một cách đơn giản hơn, đây là những công nghệ TV sử dụng các kỹ thuật khác nhau để tạo ra độ trung thực hình ảnh tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy trong một sản phẩm tiêu dùng. Nếu bạn còn nhớ cuộc chiến giữa LCD và Plasma, thì điều đó giống với mối quan hệ hiện tại giữa QLED và OLED. Sự khác biệt là chúng có thể kết hợp hài hòa, chứ không cạnh tranh theo kiểu triệt tiêu lẫn nhau.

Mặc dù 2 khái niệm này có chung 3 chữ cái, nhưng đừng nhầm lẫn. QLED và OLED là những công nghệ rất khác nhau, mỗi công nghệ đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Cả hai đều được áp dụng cho một số sản phẩm tivi tốt nhất trên thị trường. Bài viết sẽ nhanh chóng trình bày ý nghĩa của từng thuật ngữ và sau đó so sánh các công nghệ để giúp bạn tìm ra cái nào phù hợp nhất với nhu cầu cụ thể của mình.

QLED là gì?

QLED là gì?

QLED là viết tắt của Quantum Light-Emitting Diode. Điều đó có nghĩa là tivi QLED giống như TV LED thông thường, ngoại trừ nó sử dụng các chấm lượng tử (quantum dot) được nhúng vào panel LCD – các hạt nano nhỏ này cải thiện đáng kể màu sắc và độ sáng khi so sánh với đèn LED không lượng tử. Công nghệ này ban đầu được Samsung đưa vào TV tiêu dùng, nhưng nhờ có sự hợp tác cấp phép, các nhà sản xuất khác hiện cũng đang sử dụng nó.

Điều quan trọng nhất cần biết về TV QLED là nó sử dụng các chấm lượng tử để tạo ra ánh sáng đập vào mắt bạn. Ánh sáng đó đến từ một loạt các đèn LED nằm phía sau panel màn hình LCD. Đó là các đèn LED xuất hiện trong tên của TV LED (và QLED). Một số TV LED có những LED backlight tiện dụng này, thậm chí một số tùy chọn có đến hàng ngàn đèn. Bài viết sẽ giải thích tại sao có nhiều đèn LED lại tốt hơn trong phần sau.

Trước khi ánh sáng phát ra từ các đèn LED này chiếu vào mắt bạn, nó đi qua một ma trận LCD – về cơ bản là hàng triệu màn trập nhỏ mở và đóng rất nhanh. Những màn trập này – cùng với các chấm lượng tử trong TV QLED – tạo ra hình ảnh bạn nhìn thấy bằng cách cho một lượng ánh sáng vừa phải đi qua và lọc nó để tạo ra màu sắc. Nó là một hệ thống thông minh, nhưng dựa vào sự kết hợp làm mờ LED backlight và sử dụng màn trập để chặn phần ánh sáng còn lại, nhằm tạo ra màu đen thực sự.

Bạn sẽ tìm thấy TV QLED do Samsung, Hisense, Vizio và TCL sản xuất.

OLED là gì?

OLED là gì?

OLED là viết tắt của Organic Light-Emitting Diode. Thật đáng ngạc nhiên, phần “Light Emitting-Diode” trong tên gọi không liên quan gì đến LED backlight, như với TV QLED và LED. Thay vào đó, nó đề cập đến thực tế là mỗi pixel trong TV OLED cũng là một đèn LED nhỏ xíu, cực kỳ mỏng và có thể tạo ra cả ánh sáng và màu sắc trong một yếu tố duy nhất. Nói cách khác, TV OLED không cần backlight vì mỗi pixel tự tạo ra ánh sáng riêng.

Có một số lợi thế cho thiết kế này, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng khi được sử dụng trong TV, ưu điểm lớn nhất là mức độ màu đen tuyệt vời có thể đạt được. Không giống như TV QLED hoặc LED phải làm mờ backlight và chặn ánh sáng còn lại cho các cảnh tối, TV OLED chỉ cần tắt pixel. Khi pixel bị tắt, nó không phát ra ánh sáng và không có màu, làm cho nó tối như khi TV bị tắt. Cũng dễ dàng hơn nhiều để tạo ra một màn hình OLED linh hoạt, đó là lý do tại sao LG đã tiên phong làm điều đó.

Chỉ có một công ty hiện đang sản xuất panel OLED. Đó là LG. LG bán TV OLED của riêng mình – một số trong đó được coi là TV tốt nhất có thể mua – nhưng hãng này cũng bán panel OLED cho các công ty như Sony (đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy TV OLED của Sony). Mặc dù bản thân các panel này giống hệt nhau, nhưng việc xử lý hình ảnh mà Sony, LG và các hãng khác làm là độc quyền. Đó là lý do tại sao có sự khác biệt đáng kể về chất lượng hình ảnh khi so sánh giữa TV OLED này với TV OLED khác.

>>> Có thể bạn quan tâm: Samsung và LG – nên mua TV của hãng nào?

So sánh QLED và OLED

Bây giờ, bạn đã biết tất cả những chữ cái trong 2 khái niệm này đại diện cho điều gì và ý nghĩa của chúng đối với công nghệ màn hình, hãy so sánh QLED với OLED dựa trên các danh mục quan trọng nhất khi mua một chiếc tivi thông minh: Độ sáng, độ tương phản, góc nhìn và những cân nhắc hiệu suất đáng chú ý khác, như thời gian phản hồi và tuổi thọ. Đây là tất cả các yếu tố quan trọng khi bạn bỏ ra tới $6.000 (138.000.000VND) để sở hữu một chiếc TV hàng đầu.

Các mức độ màu đen và độ tương phản

Độ tương phản là sự khác biệt giữa phần tối nhất và phần sáng nhất của hình ảnh. Nếu một chiếc TV có thể mang lại một phần màu đen thực sự, thì nó không phải làm cho các phần khác sáng lên để đạt được mức độ tương phản tốt. Đó là lý do tại sao, khi nói đến các mức độ màu đen, OLED lại trở thành nhà vô địch không thể tranh cãi – nhờ khả năng chuyển thành màu hoàn toàn đen khi cần.

Các mức độ màu đen và độ tương phản

Ngược lại, TV QLED bị buộc phải làm mờ LED backlight và chặn phần ánh sáng còn lại, điều rất khó để thực hiện một cách hoàn hảo.

Nó có thể gây ra hiện tượng “rò rỉ ánh sáng”. Đây là hiện tượng khi ánh sáng tràn vào phần màu đen của màn hình.

Nhưng nó có dễ nhận thấy không? Chắc chắn rồi. Ví dụ, nếu bạn đang xem một bộ phim hành động căng thẳng và hai nhân vật đang chạy qua bãi đậu xe vào ban đêm, bạn có thể nhận thấy một chút phát sáng trên các phần tối đen của cảnh hoặc trong 2 thanh đen (letterbox bar) ở trên cùng và dưới cùng của màn hình trong khi xem phim trên DVD.

Trên thực tế, việc để TV LED-backlit trở nên tối thực sự rất khó khăn, các nhà sản xuất TV đã buộc phải tăng số lượng đèn LED được sử dụng để có quyền kiểm soát tốt hơn đối với việc phần nào của hình ảnh sẽ trở nên tối đi. Có thể đạt đến mức độ màu đen tốt nhất với TV QLED. Samsung gần như đã sẵn sàng để bắt đầu bán TV microLED sử dụng đèn LED riêng cho từng pixel, theo lý thuyết sẽ cung cấp mức độ màu đen ngang với OLED.

Tuy nhiên, hiện bây giờ OLED là tùy chọn đứng đầu. Nếu một pixel không nhận được điện, thì nó sẽ không tạo ra ánh sáng và do đó hoàn toàn màu đen.

Tùy chọn vượt trội hơn: OLED.

Độ sáng

TV QLED có một lợi thế đáng kể khi nói đến độ sáng. Bởi vì chúng sử dụng backlight riêng biệt (thay vì dựa vào từng pixel để tạo ra ánh sáng riêng), LED backlight này có thể được tạo ra vô cùng sáng. Thêm khả năng của chấm lượng tử để tối đa hóa ánh sáng đó bằng cách tạo ra những màu sáng hơn trong phổ màu mà không làm mất độ bão hòa là bạn đã có một màn hình đủ sáng để có thể nhìn rõ, ngay cả trong những phòng sáng nhất.

Độ sáng

Panel OLED không thể cạnh tranh trên cơ sở độ sáng thuần túy. Các pixel riêng lẻ phát sáng của chúng chỉ đơn giản là không thể tạo ra cùng một lượng ánh sáng. Trong một căn phòng tối, thực tế đây không phải là vấn đề. Hãy nhớ rằng TV QLED cần sáng hơn để cung cấp độ tương phản tương tự giữa các vùng tối và sáng – nhưng trong môi trường nhiều ánh sáng, hoặc nơi có nhiều ánh mặt trời chiếu qua cửa sổ, TV QLED hiển thị rõ hơn – đặc biệt nếu bạn đang phát nội dung HDR trong các điều kiện này.

Tùy chọn vượt trội hơn: QLED.

Không gian màu (Color space)

OLED đã từng không có đối thủ khi xét về khía cạnh này, nhưng việc sử dụng các chấm lượng tử trong TV QLED đã làm cho độ chính xác, độ sáng và dải màu (color volume) tốt hơn. Samsung tuyên bố rằng phạm vi rộng hơn của những màu sắc bão hòa tốt ở mức độ sáng cực cao là một lợi thế.

Mặc dù không thể phủ nhận thực tế là các TV QLED mang lại màu sắc tuyệt vời, nhưng người dùng vẫn thấy ​​màu sắc bão hòa tốt hơn ở mức độ sáng cao mang lại lợi thế thực sự trong các tình huống xem bình thường – do vậy hiện tại, QLED và OLED hòa nhau khi xét về yếu tố này, vì màu sắc mang tính chủ quan. Cần phải xem xét một số bằng chứng hữu hình mới có thể tuyên bố QLED là tùy chọn vượt trội hơn.

Tùy chọn vượt trội hơn: Hòa nhau.

Thời gian phản hồi, độ trễ đầu vào và tốc độ refresh

Thời gian phản hồi (response time) đề cập đến thời gian để pixel chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Thời gian phản hồi càng nhanh, hình ảnh càng sắc nét, đặc biệt là trong những cảnh hành động nhanh. Mặc dù mắt thường khó có thể nhận ra sự khác biệt trong tốc độ response time, nhưng dựa trên các phép đo tiêu chuẩn TV OLED nhanh hơn nhiều so với TV QLED.

Thời gian phản hồi trên QLED thông thường dao động trong khoảng từ 2 đến 8 mili giây, nghe có vẻ khá tốt cho đến khi bạn nhận ra rằng thời gian phản hồi của OLED chỉ là khoảng 0,1 mili giây.

Mặt khác, độ trễ đầu vào đề cập đến độ trễ giữa việc thực hiện một hành động (giả sử nhấn một nút trên tay cầm chơi game) và xem kết quả của hành động đó trên màn hình. Như vậy, độ trễ đầu vào thực sự chỉ là mối quan tâm đối với các game thủ – nó không có tác dụng gì nổi bật đối với việc xem nội dung thụ động. Ngoài ra, mức độ trễ đầu vào mà bạn gặp phải ít liên quan đến công nghệ hiển thị, mà do việc xử lý hình ảnh đang diễn ra trên TV ở phía sau quyết định. Cả TV QLED và OLED đều có thể đạt được độ trễ đầu vào rất thấp, nếu bạn tắt tất cả tính năng xử lý video bổ sung hoặc chỉ đơn giản là sử dụng Game Mode của TV.

Tốc độ refresh là một yếu tố khác, thường quan trọng hơn đối với các game thủ so với người xem thông thường. Nó đề cập đến số lần mỗi giây TV cập nhật những gì được hiển thị trên màn hình. Trong trường hợp thông thường, TV sẽ sử dụng tốc độ refresh 60Hz hoặc đôi khi tăng gấp đôi – 120Hz. Một số game chạy trên console hoặc PC sử dụng cái được gọi là VRR hay Variable Refresh Rate.

Nếu TV của bạn không hỗ trợ VRR, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như hiện tượng rách hình, khi sử dụng với các game VRR. Bạn có thể tìm thấy các model VRR trong cả TV OLED và QLED, vì vậy, hãy đảm bảo TV bạn chọn có tính năng này, nếu bạn thực sự cần.

Với sự vượt trội về thời gian phản hồi, OLED là tùy chọn vượt trội hơn trong khía cạnh này.

Tùy chọn vượt trội hơn: OLED.

Góc nhìn

Với màn hình QLED, góc nhìn tốt nhất là chính diện. Chất lượng hình ảnh giảm cả về màu sắc và độ tương phản khi bạn di chuyển sang bên cạnh hoặc lên xuống. Mặc dù mức độ nghiêm trọng khác nhau giữa các model, nhưng chúng đều rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất TV đã nỗ lực hết sức để loại bỏ vấn đề này.

Góc nhìn

Màn hình OLED có thể không suy giảm độ sáng ở những góc nhìn khác nhau – lên đến 84 độ. Một số TV QLED đã được cải thiện về góc nhìn bằng các lớp chống phản chiếu, nhưng OLED vẫn duy trì lợi thế rõ ràng về khía cạnh này. Vì vậy, nếu bạn muốn sắp xếp các buổi xem phim với gia đình và cần chắc chắn rằng không có một chỗ ngồi nào khó xem, một chiếc TV OLED là lựa chọn tốt nhất.

Tùy chọn vượt trội hơn: OLED.

Kích thước

OLED đã đi được một chặng đường dài. Khi công nghệ này vẫn còn “non trẻ”, màn hình OLED đạt kích thước tối đa 55 inch. Hiện nay, màn hình OLED 88 inch đã xuất hiện. Như đã nói, có ít hạn chế hơn về kích thước màn hình QLED (một số TV có kích thước lên tới 100 inch, thậm chí lớn hơn). Model tiêu dùng lớn nhất của Samsung có kích thước 98 inch.

Tùy chọn vượt trội hơn: QLED.

Tuổi thọ

LG cho biết bạn sẽ phải xem TV OLED 5 giờ mỗi ngày trong 54 năm trước khi chúng giảm độ sáng xuống 50%. Liệu điều đó có đúng hay không vẫn còn phải xem xét, vì TV OLED chỉ mới xuất hiện từ năm 2013. QLED thậm chí còn mới hơn, nhưng nguồn sáng của nó – đèn LED – đã được theo dõi và chứng minh hiệu quả trong một thời gian dài. Vì lý do đó, tùy chọn chiến thắng trong hạng mục này là QLED.

Tùy chọn vượt trội hơn (cho đến hiện tại): QLED.

Screen burn-in (lưu ảnh màn hình)

Mặc dù có những lo ngại, nhưng thực tế là hiệu ứng này sẽ không phải là vấn đề đối với hầu hết mọi người – đặc biệt là đối với những người có TV QLED vì QLED không dễ bị lưu ảnh. Mặt khác, OLED có khả năng gặp phải tình trạng này (nhưng bạn phải cực kỳ xui xẻo thì mới thấy hiện tượng này xảy ra với TV của mình, ngay cả khi bạn lặp đi lặp lại việc để một hình ảnh tĩnh trên đó cả ngày lẫn đêm).

Hiệu ứng lưu ảnh màn hình bắt nguồn từ thời TV CRT hình hộp. Khi màn hình hiển thị hình ảnh tĩnh kéo dài sẽ khiến hình ảnh xuất hiện bị “lưu” trên màn hình. Điều đó xảy ra khi các lớp phủ Photpho ở mặt sau của màn hình phát sáng trong thời gian dài, khiến chúng bị hao mòn.

TV QLED không dễ bị lưu ảnh màn hình. Vấn đề tương tự có thể xảy ra với TV QLED vì các hợp chất phát sáng xuống cấp theo thời gian. Nếu đốt cháy một pixel đủ mạnh và lâu, bạn sẽ khiến nó sớm bị mờ và gặp vấn đề trước các pixel còn lại – nhưng về cơ bản bạn sẽ phải sử dụng TV ở cường độ rất cao mới dẫn đến kết quả này.

Bạn phải xem ESPN suốt cả ngày (trong nhiều ngày liên tục) ở cài đặt sáng nhất có thể mới gây ra sự cố (nhưng thậm chí điều đó cũng có thể chẳng sao cả).

Tóm lại, tiềm năng xảy ra hiện tượng lưu màn hình là có và cần được lưu ý. Đặc biệt, các game thủ rời TV trong khi hình ảnh tĩnh vẫn ở trên màn hình hoặc chơi 10 giờ mỗi ngày trong nhiều tuần có khả năng gây ra một số lỗi burn-in trên TV OLED. Nhưng, vì TV QLED không dễ gặp phải hiện tượng này, nên tùy chọn này chiến thắng trong cuộc chiến, xét về mặt kỹ thuật.

Tùy chọn vượt trội hơn: QLED.

Việc tiêu thụ năng lượng

Tấm panel OLED cực mỏng và không cần backlight. Do đó, TV OLED có trọng lượng nhẹ và mỏng hơn TV QLED. Chúng cũng đòi hỏi ít năng lượng, do đó hiệu quả hơn.

Tùy chọn vượt trội hơn: OLED.

Giá bán

Trước đây, TV QLED là tùy chọn vượt trội hơn về khía cạnh này. Nhưng giá của TV OLED đã giảm và bài viết chỉ đề cập đến các tùy chọn cao cấp ở đây, nên TV QLED cũng có giá tương đương (hoặc hơn một chút tùy thuộc vào kích thước). Các công ty như TCL đang bắt đầu giảm chi phí cho TV QLED.

Tùy chọn vượt trội hơn: QLED

Dưới đây, Quantrimang xin gợi ý một vài lựa chọn smart tivi để bạn có thể dễ dàng đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp cho gia đình mình:

Kết luận cuối cùng

Cả hai công nghệ này đều ấn tượng theo cách riêng của chúng, nhưng bài viết cần chọn ra tùy chọn vượt trội hơn, và hiện tại, đó là OLED. Với việc thể hiện tốt hơn trong các yếu tố mà hầu hết mọi người sẽ chú ý khi xem các chương trình truyền hình và phim ảnh, OLED có chất lượng hình ảnh tốt nhất mà bạn có thể mua.

QLED mang lại độ sáng cao hơn, tuổi thọ dài hơn, kích thước màn hình lớn hơn và mức giá thấp hơn. Mặt khác, OLED có góc nhìn tốt hơn, mức độ màu đen sâu hơn và sử dụng ít năng lượng hơn. Tuy nhiên, cả hai đều tuyệt vời, vì vậy việc lựa chọn giữa chúng mang tính chủ quan – QLED là thiết bị toàn diện tốt hơn, nhưng OLED vượt trội trong bóng tối.

Thực tế là bạn sẽ không phải hối tiếc khi chọn bất kỳ tùy chọn nào trong số này. Tất nhiên, đó là cho đến khi thế hệ tiếp theo của công nghệ màn hình xuất hiện. Samsung cho biết họ đang nghiên cứu nhúng công nghệ chấm lượng tử của mình vào panel OLED, để có thể tạo ra một chiếc TV tốt nhất kết hợp cả 2 khái niệm này. Nhưng có thể mất tới vài năm nữa điều này mới thành sự thực, vì vậy người dùng sẽ phải chờ xem.

>>> Bài viết liên quan: Top bàn phím cho Tivi tốt nhất, tích hợp chuột cảm ứng