OTT trong nước cần gì để phát triển lớn mạnh?

Nền tảng OTT được hiểu là những ứng dụng (application) trên không gian mạng internet có khả năng truyền tải nội dung tin nhắn, cuộc gọi thoại hoặc nội dung phim, video và tín hiệu truyền hình.

Ngược thời gian cách đây 2012, ứng dụng nhắn tin Zalo ra đời. Tại thời điểm này Zalo đối mặt với những đối thủ OTT Chat (ứng dụng nhắn tin) lớn của nước ngoài đang thống trị ở Việt Nam như Viber, Yahoo Messenger, Line, ICQ, Facebook Chat … Và đây cũng đang là thời kỳ cực thịnh của dịch vụ gọi điện thoại qua mạng VoIP. Chính vì thế các cơ quan quản lý nhà nước tại thời điểm này luôn có chính sách quản trị rất chặt với nhóm các dịch vụ viễn thông VoIP. Các công ty cung cấp các dịch vụ nhắn tin và thoại qua thông qua nền internet luôn phải tuân thủ đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước và thường phải được kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Bộ Công an, Cục An ninh A87, Sở Thông tin -Truyền thông… trước khi được chính thức hoạt động cung cấp dịch vụ.

Ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài đang được toàn bộ người dùng Internet thời điểm bấy giờ sử dụng như Yahoo Messenger, Viber, ICQ…thì các ứng dụng OTT Chat này phải cũng đang đối diện với các Công ty telco lớn tại Việt Nam. Chính vì thế, giai đoạn 2010-2017, các công ty Việt Nam phát triển các ứng dụng nhắn tin và thoại như qua nền tảng OTT khó tiếp cận và thuyết phục được người dùng Internet Việt Nam sử dụng.

Nhờ có cách uyển chuyển trong việc triển khai, cho đến nay Việt Nam vẫn còn có một ứng dụng mang tên Zalo đã được người dùng internet Viêt Nam chọn lựa và được sử dụng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn.

Câu chuyện được nhắc lại để chúng ta cùng hiểu rằng: nếu Việt Nam có những công ty có cách làm uyển chuyển thì vẫn có thể xây dựng được các ứng dụng cạnh tranh ngang bằng hoặc vượt trội hơn các nền tảng OTT xuyên biên giới khác.

OTT phim và truyn hình của Việt Nam đang ở đâu?

Bức tranh của ứng dụng OTT phim và truyền hình của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thể gọi là chưa khởi sắc nếu so sánh với OTT Chat của 10 năm về trước và đang bị các OTT xuyên biên giới cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp OTT tư nhân hàng đầu tại Việt Nam như VieON, FPTPlay, Galaxy, ClipTV…. đang phải đối mặt với “tứ bề khó khăn thọ địch”.

Có rất nhiều các khó khăn và bất cập, tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến 4 mặt trận lớn mà các OTT đang phải ứng phó hiện nay:

1. Thuyết phục khán giả Việt Nam chấp nhận sử dụng dịch vu OTT trong nước.

2. Thuyết phục các nhà cung cấp nội dung Việt Nam hơp tác.

3. Thuyết phục các đơn vị hạ tầng ISP, telco Việt Nam cung cấp dịch vụ giá hợp lý.

4. Còn những bất cập trong chính sách đối với OTT nội địa và OTT tư bản xuyên biên giới.

Trong 4 mặt trận lớn trên thì có thể thấy các OTT trong nước đang đối diện và phải ứng phó thì gần như cả 4 đều là lý do nội tại của Việt Nam.

Yếu tố khán giả, người dùng ở Việt Nam

Tâm lý chung của người xem Việt Nam luôn muốn tìm kiếm cái mới. Điều này là hoàn toàn chính đáng. Chính vì thế gần như các nền tảng ngoại khi đến Việt Nam đều rất được ưa chuộng. Khán giả ở Việt Nam luôn ưa thích các nội dung đa dạng trên các nền tảng OTT xuyên biên giới như NetFlix, iQiYi …. Nghiệt ngã thay, ở các nền tảng ngoại này do không bị kiểm soát nên còn có các nội dung rất thu hút sự tò mò của giới trẻ như các phim hành động, bạo lực, đồi bại….

Trong khi đó ở các nền tảng OTT trong nước, nội dung chưa được phong phú, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có chính sách quản lý rất chặt chẽ. Chính vì vậy rất khó khăn cho các nền tảng OTT trong nước cạnh tranh với nước ngoài.

Sự hợp tác của các đơn vị cung cấp nội dung

Xuất hiện các doanh nghiệp sản xuất nội dung tại Việt Nam sẵn lòng ký kết cung cấp nội dung cho các nền tảng ngoại như NetFlix, nhưng lại quay lưng và đòi hỏi bán giá cao đối với các OTT nội địa. Vì lý do cạnh tranh giữa các OTT nội địa dẫn tới việc tăng giá nội dung các gói kênh truyền hình truyền dẫn trong nước.

Sự hợp tác chưa bình đẳng của các ISP và telco

Do chính sách trao đổi băng thông, Hiện nay các nhà cung cấp Internet ở Việt Nam đã và đang có các chính sách hỗ trợ băng thông và CDN cho các ứng dụng OTT xuyên biên giới như Google, Facebook nhưng với các ứng dụng OTT nội địa chiếm băng thông lớn thì chính sách phối hợp hỗ trợ băng thông này chưa có. Dẫn tới việc chi phí thanh toán cho băng thông của các nền tảng streaming hiện nay rất lớn, nhiều lúc còn mắc hơn doanh thu kiếm được từ quảng cáo. Chính vì thế các OTT nội địa đang rất chật vật trong việc trả chi phí để duy trì dịch vụ cho khách hàng.

Sự bất bình đẳng giữa OTT nước ngoài và OTT nội địa

Trong khi các doanh nghiêp OTT nội địa đang tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về việc Cung cấp dịch vụ. Ngược lại các Doanh nghiệp OTT nước ngoài thì hoàn toàn tự tung tự tác tung hoành mà không hề bị kiểm soát bởi các đơn vị quản lý nhà nước ở Việt Nam.

– Họ tự do thu tiền thuê bao qua Internet mà không hề đóng thuế

– Họ vô tư quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông báo chí ở Việt Nam mà không bị xử phạt

– Họ quảng bá các nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, khiêu dâm và thậm chí xuyên tạc lịch sử đấu tranh cứu nước của dân tộc, tuyên truyền các nội dung có đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền và lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

Tất cả các hành vi sai phạm pháp luật đó tồn tại ngang nhiên trong các ứng dụng của NetFlix , IQIZI… nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để.

Ở hướng ngược lại, các doanh nghiệp OTT trong nước chịu sự kiểm duyệt nội dung và các quy định quản lý của nhà nước. Nội dung phát trên các nền tảng OTT của doanh nghiệp Việt Nam nhập về đều đi qua con đường nhập khẩu văn hóa phẩm ủy thác của Đài truyền hình và dưới sự kiểm duyệt của Đài truyền hình trước khi phát sóng. Hiện không có quy định pháp luật hay cơ chế nào cho phép các doanh nghiệp OTT Việt Nam được trực tiếp tự nhập khẩu phim.

Doanh nghiệp Việt Nam phải thông qua quy trình xin phép thành lập kênh truyền hình, nội dung nhập khẩu, sản xuất, kiểm duyệt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt của các Bộ, Ngành liên quan. Bất kì vi phạm nào cũng đều bị xử lý nghiêm khắc ngay theo các quy định của Luật Báo Chí, Luật Quảng Cáo, Luật An ninh mạng cũng như các quy định pháp luật có liên quan khác.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra lớn nhất hiện nay là: “OTT trong nước cần điều gì để có thể phát triển lớn mạnh” ?

Cần đầu tư phát triển các nội dung văn hoá bản địa một cách sáng tạo

Các nội dung của nước ngoài phần lớn đã bị các đơn vị tư bản xuyên biên giới mua độc quyền, chính vì vậy sẽ ngày càng khó để đàm phán mua các nội dung đến từ các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Trước các đối thủ xuyên biên giới có vốn lớn thì việc phát triển các nội dung văn hoá bản địa là con đường chính và duy nhất cho các OTT trong nước phát triển và thu hút được khán giả.

Trong xu hướng mới hội nhập và phát triển, các nội dung văn hoá bản địa cũng phải được đầu tư phù hợp với sự phát triển của thị hiếu người xem và có các sáng tạo phù hợp với nhu cầu giới trẻ.

Cần sự hỗ trợ và quyết lit các cơ quan quản lý nhà nước

Văn hóa tư tưởng của 100 triệu người dân Việt Nam đang đứng trước một cuộc xâm lăng diễn ra từng ngày, từng giờ, từng phút và rất thật từ các quyền lực xuyên biên giới qua vô vàn thể loại phim ảnh, nội dung truyền tải trên không gian mạng. Hơn 5 năm qua đã có biết bao vi phạm luật pháp Việt Nam nghiêm trọng không kể xiết mà truyền thông, báo chí và công luận phẫn nộ liên tục lên tiếng trong suốt thời gian qua đến từ các tập đoàn xuyên quốc gia trên các nền tảng OTT xuyên biên giới như Netflix, WeTV (Tencent), IQIYI, Amazon Prime Video, iFlix, Apple TV, QQLive, Bilibili, TrueID, Youku, MangoTV, GagaOOLala,….

Trong suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như các cơ quan đoàn thể, đơn vị truyền thông và báo chí đã tốn bao công sức để xây dựng, hoàn thiện hệ pháp luật.

Dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi dự kiến quy định “hậu kiểm” nội dung phim ảnh, nhưng chưa đủ để kiểm soát những vi phạm pháp luật của OTT xuyên biên giới tại Việt Nam. Thủ tục kiểm duyệt nội dung áp dụng cho doanh nghiệp bản địa vô cùng nghiêm khắc trong khi lại chưa có cơ chế tương xứng đối với doanh nghiêp xuyên biên giới trên nền tảng OTT truyền hình trực tuyến.

Các doanh nghiệp Việt Nam mang danh hậu kiểm, nhưng thực tế vẫn tiếp tục tiền kiểm như từ trước tới nay, Cụ thể: phim phát sóng trên Đài Truyền hình thì vẫn phải có quyết định phát sóng của Giám Đốc Đài trước khi phát sóng; phim chiếu trên rạp vẫn phải kiểm duyệt trước tại hội đồng thẩm định và được cấp giấy phép phổ biến; nội dung phát trên các nền tảng OTT của doanh nghiệp Việt Nam nhập về đều phải đi qua con đường nhập khẩu văn hóa phẩm ủy thác của đài truyền hình và dưới sự kiểm duyệt của đài truyền hình trước khi phát sóng. Hiện không có quy định pháp luật hay cơ chế nào cho phép các doanh nghiệp OTT Việt Nam được trực tiếp tự nhập khẩu phim.

Các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới lại không chịu sự kiểm duyệt đó. Họ có thể phát sóng các thể loại nội dung trước khi có thể bị xem xét hậu kiểm. Nguy cơ truyền bá văn hóa tư tưởng lệch lạc vi phạm pháp luật là chuyện hiển nhiên. Chúng ta có sẵn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân lực và hành lang pháp lý để tuân thủ tiền kiểm nội dung phim ảnh, và hiện vẫn đang triển khai đồng loạt từ Bộ VHTT&DL, UBND cấp tỉnh hoặc quyết định phân loại nôi dung của cơ quan báo chí… Vì vậy, hoàn toàn có thể “tiền kiểm” cả các sản phẩm của OTT xuyên biên giới.

Hiện tại cơ chế, chính sách pháp luật Việt Nam đều không có giải pháp xử lý vi phạm của các nền tảng OTT xuyên biên giới. Chúng ta có quy định về các cách thức xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, xuyên tạc lịch sử, đăng tải thông tin phá hoại thuần phong mỹ tục… trong Hiến pháp, luật An ninh Mạng, luật Báo chí… nhưng thực tế hơn 5 năm qua, số lượng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các phim có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam, phủ nhận thành tựu cách mạng, các phim có đường lưỡi bò… còn chưa thật sự nhiều. Các trang web lậu mọc lên như nấm, trang nào cũng có một vài đường truyền dự phòng khi bị tố cáo. Các trang web lậu quảng cáo vô tư trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok…và tiếp cận hơn hàng triệu lượt xem, bình luận và chia sẻ.

Vì những câu hỏi trên chưa có câu trả lời thoả đáng và chính thức cho đất nước, tất cả phụ thuộc vào hành động quyệt liệt của chúng ta ngày hôm nay. Chúng tôi xin khẩn thiết kiến nghị: cần phải thông qua các giải pháp về khung pháp lý, nguồn lực quản lý, công cụ quản lý, cách thức xử lý vi phạm trước khi đưa ra quyết định “tiền kiểm hay hậu kiểm”. Cần xem xét lại việc thông qua luật Điện ảnh sửa đổi để thống nhất được những chế tài pháp lý phù hợp nhằm kiểm soát nội dung trên nền tảng không gian mạng của các nền tảng số xuyên biên giới.