“Ôm” cổ phiếu HPG, nhiều doanh nghiệp phải trích lập dự phòng | DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH
Sau khi báo cáo tài chính quí 3/2022 được công bố, vua thép HPG lỗ kỷ lục. Tập đoàn đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, Hòa Phát lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2008.
Lũy kế 9 tháng, HPG ghi nhận doanh thu thuần 116.559 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.443 tỷ đồng. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Theo lý giải của Hòa Phát, kết quả kinh doanh trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Sau khi “vua thép” công bố số lỗ, nhiều doanh nghiệp đã trót ôm cổ phiếu HPG và cổ phiếu này cũng đã trở thành “tội đồ” gây lỗ tài chính cho nhiều doanh nghiệp, do các khoản lỗ này chưa được doanh nghiệp hiện thực cắt lỗ ngay nên phải trích lập dự phòng rủi ro khá lớn.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của Công ty cổ phần Hóa An – DHA vừa công bố đã hé lộ số lượng cổ phiếu HPG tại thời điểm 2/11 mà Hóa An nắm giữ lên đến 2.640.000 cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 82 tỷ đồng.
Nếu tính giá vốn bình quân HPG mà Hóa An nắm giữ vào khoảng 30.433 đồng/cổ phiếu, thì với mức giá đóng cửa ngày 2/11/2022 của HPG là 15.350 đồng/cổ phiếu, có nghĩa số tài sản này đã “bốc hơi” gần 50% giá trị. Nhiều khả năng Hóa An có thể mua bình quân khi giá cổ phiếu HPG giảm sâu về mốc 15.350 đồng/cp trong đầu tháng 11/2022.
Tuy nhiên trong các báo cáo tài chính đã công bố thì đầu năm số lượng cổ phiếu HPG mà doanh nghiệp này nắm giữ là 300.000 cổ phiếu, giá trị 15,26 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 50.877 đồng/cp. Điều này có nghĩa là Hóa An trót “đu đỉnh” cổ phiếu quốc dân này ở vùng giá đỉnh đầu năm. Để tiếp tục không phải cắt lỗ với cổ phiếu HPG, Hóa An đã mua trung bình giá xuống với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này, nhưng không thành công khi cổ phiếu quốc dân liên tục xuống giá. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11 cổ phiếu DHA là 26.800 đồng/cp.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Công ty cổ phần Đầu tư CMC (CMC) cho thấy doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lỗ hơn 240 triệu đồng. Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng của CMC này tăng tới 98%, lên gần 9 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá cho cổ phiếu quốc dân HPG 1,1 tỷ đồng. Tại 30/09, CMC nắm 117.500 cổ phiếu HPG, với giá trị 3,2 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 27.3000 đồng/cp. So với giá đóng cửa ngày 2/11 là là 15.6350 đồng/cổ phiếu, lượng tài sản này đã “bốc hơi” khoảng 42%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11, cổ phiếu CMC còn 6.800 đồng/cp.
Một doanh nghiệp nữa là Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt ( TVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu hoạt động giảm đến 70% so với cùng kỳ xuống còn 18,8 tỷ đồng do các mảng kinh doanh đều lỗ. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) âm 5,5 tỷ đồng, giảm gần 11 tỷ so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu cũng giảm 45% trong khi doanh thu môi giới giảm đến 72% so với cùng kỳ.
Kết quả, TVB lỗ ròng 6,2 tỷ đồng quý 3 trong khi cùng kỳ vẫn lãi 38,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TVB ghi nhận doanh thu đạt 127,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 83% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, TVB vẫn đang “gồng lỗ” với cổ phiếu quốc dân HPG dù khoản đầu tư này hiện đã âm đến gần 91 tỷ đồng, tương đương 46%. Tuy nhiên, các khoản lãi/lỗ tạm tính trong danh mục AFS chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh và chỉ được ghi nhận khi Trí Việt bán hoặc chuyển sang FVTPL. Nếu khoản đầu tư này được ghi nhận, số lỗ của TVB có thể còn tăng cao. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11 cổ phiếu TVB còn 4.270 đồng/cp.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hòa Phát (mã HPG) xuống 12.200 tỷ đồng, giảm 65% so với mức đỉnh năm 2021. Như vậy, theo ước tính của Bộ phận phân tích này, LNST quý 4 của Hòa Phát có thể đạt 1.757 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang năm 2023, mặc dù ngành thép nói chung có thể được hưởng lợi bởi đầu tư công, nhưng SSI Research vẫn đưa ra dự báo thận trọng về Hòa Phát với lợi nhuận ròng dự kiến sẽ nhích nhẹ 3,3% so với năm 2022, đạt mức 12.600 tỷ đồng. Trong khi tác động của hàng tồn kho chi phí cao có thể giảm dần trong thời gian tới, giá thép giảm cùng với nhu cầu suy yếu có khả năng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ cho đến nửa đầu năm 2023. Theo đó, nếu thị trường chứng khoán không có sự khởi sắc mạnh mẽ, đẩy “cổ phiếu quốc dân” lấy lại sức hút của mình vượt xa những trở ngại chung của ngành trong kinh doanh, thì những doanh nghiệp chưa cắt lỗ HPG, có thể sẽ vẫn còn phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư đã lỡ mua vào ở vùng giá đỉnh.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.