“Ông lớn” Vietcombank và Techcombank của ông Hồ Hùng Anh khuynh đảo ngành ngân hàng
Thống kê lợi nhuận của 12 ngân hàng tính tới thời điểm hiện tại bao gồm: Techcombank, Sacombank, VPbank, MBbank, Seabank, NCB, LienVietpostbank, Vietbank, TPbank, VIB, KienLongBank và “ông lớn” ngân hàng quốc doanh Vietcombank.
Về chỉ tiêu lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, trong 12 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I vừa qua, “ông lớn” ngân hàng quốc doanh Vietcombank tiếp tục dẫn đầu với 7.384 tỷ đồng.
Về vị trí thứ 2 với hơn 4.900 tỷ là ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) của ông Ngô Chí Dũng. Tiếp đến là ngân hàng Quân đội (MBB) với 3.389 tỷ đồng lợi nhuận thuần.
Hai cái tên tiếp theo trong Top 5 lợi nhuận thuần tính tới thời điểm hiện tại của ngành ngân hàng là Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh và Sacombank của ông Dương Công Minh.
Nếu xét về giá trị tương đối, trong số 12 ngân hàng, có 4 ngân hàng giảm tốc, còn lại 8 ngân hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, 2/5 ngân hàng thuộc TOP 5 lợi nhuận thuần kể giảm tốc trong quý I.2019 so với cùng kỳ đó là Techcombank và VPbank.
Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ về chỉ tiêu lợi nhuận thuần là Sacombank với mức tăng trưởng tới 155% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tín dụng tiếp tục là trụ cột và là lực đẩy chính của Sacombank khi đem về 2.458 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý vừa qua, tăng tới 47% so với quý I.2018. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng (đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) tăng mạnh lên mức 33,4%, từ mức 27,6% của cùng kỳ năm ngoái.
“Ông lớn” ngân hàng quốc doanh, quán quân lợi nhuận năm 2018 trong kỳ cũng tăng nhẹ 2,6% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro.
12 ngân hàng, tổng lợi nhuận Vietcombank và Techcombank chiếm quá nửa
Dẫn đầu ngành về lợi nhuận thuần, sau khi trừ đi trích lập dự phòng rủi ro, Vietcombank vẫn tiếp tục dẫn đầu về cả chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế với giá trị lần lượt là 5.878 tỷ đồng và 4.710 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ.
Ông lớn Vietcombank có kết quả tích cực bởi mảng tín dụng của ngân hàng đã có đà tăng ấn tượng với 8.498 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 37%. Đặc biệt, biên lợi nhuận mảng tín dụng đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi, tăng mạnh từ 48,7% quý I.2018 lên 52,8% quý I.2019.
Mảng dịch vụ và ngoại hối lần lượt đem về 1.069 tỷ đồng và 928 tỷ đồng lãi thuần cho Vietcombank trong quý vừa qua, tăng 21% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù chưa có báo cáo tài chính, song chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua, đại diện Vietinbank cho biết, quý I.2019, Vietinbank đạt khoảng 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau Vietcombank, Vietinbank sẽ là ngân hàng tiếp theo có mức lợi nhuận cao trong quý này.
VPbank, Techcombank và MBbank hiện đang là những ngân hàng có sự xáo trộn lớn về chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế.
Trong 3 ngân hàng kể trên, VPbank có mức lợi nhuận thuần từ HĐKD cao nhất nhưng sau trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của VPbank chỉ còn 1.782 tỷ đồng, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ngân hàng Quân đội (MBB) có mức lợi nhuận thuần trên 3.300 tỷ đồng cao hơn hẳn so với con số hơn 2.700 tỷ của Techcombank song lợi nhuận trước và sau thuế của MBB bị bỏ lại phía sau với kết quả mà Techcombank của ông Hồ Hùng Anh có được.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 2.617 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước và sau thuế của MBB lần lượt là 2.424 tỷ đồng và 1.932 tỷ đồng.
Trong kỳ này, Sacombank của ông Dương Công Minh cũng có kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ và gia nhập vào “câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ” của ngành trong quý I.2019.
Như vậy, trong 12 ngân hàng được thống kê lợi nhuận (không tính con số ước tính của Vietinbank), lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế và tổng lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng này lần lượt đạt trên 23.000 tỷ, 16.200 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.
Xét về tỷ trọng, lợi nhận sau thuế của Vietcombank đang chiếm tỷ trọng 36% trong tổng số lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng được thống kê. Ngang ngửa và chiếm từ 15% đến 16% là kết quả lợi nhuận sau thuế của Techcombank của ông Hồ Hùng Anh và MBB.
Lợi nhuận sau thuế của VPbank chiếm 11% trong tổng số 13.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng này.
Như vậy, 2 ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trước và sau thuế là Vietcombank và Techcombank của ông Hồ Hùng Anh đã vượt qua tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng cộng lại bao gồm: Sacombank, VPbank, MBbank, Seabank, NCB, LienVietpostbank, Vietbank, TPbank, VIB và KienLongBank.