PHÂN BIỆT HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI VÀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI – Công ty Luật Apra
Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài Tòa án) theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan có thể hiểu sai, hiểu nhầm về hai phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này – những mâu thuẫn/xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Bài viết sau đây sẽ giải pháp phân biệt hoạt động hòa giải thương mại và trọng tài thương mại, cụ thể:
Khái niệm về Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại có quy định: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”
Về bản chất, hòa giải thương mại là sự can thiệp của bên thứ ba (còn gọi là Hòa giải viên) độc lập và không thiên vị vào cuộc tranh chấp thương mại theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Hòa giải có khá nhiều điểm tương đồng với phương thức thương lượng, điểm khác biệt là trong thương lượng không có sự có mặt của bên thứ ba thực hiện việc điều tiết quá trình thương lượng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”
Xét thấy, trọng tài là một quá trình giải quyết tranh chấp được thỏa thuận giữa các bên trong đó tranh chấp được đệ trình cho một hoặc nhiều trọng tài viên đưa ra phán quyết. Nó là một phương thức giải quyết tranh chấp cơ chế vì nó cho phép các bên giải quyết tranh chấp của họ bên ngoài tòa án Nhà nước.
Phân biệt hòa giải thương mại và trọng tài thương mại
Thứ nhất, về chủ thể có thẩm quyền thực hiện
Phương thức hòa giải thương mại được thực hiện bởi hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên trong tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.
Còn đối với phương thức trọng tài thương mại, trọng tài viên là chủ thể có thẩm quyền thực hiện, là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, về tính độc lập của thỏa thuận với hợp đồng
Thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận không độc lập với hợp đồng. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Trường hợp hòa giải được lập dưới hình thức điều khoản của hợp đồng, hiệu lực của nó phụ thuộc vào hợp đồng. Do vậy, nếu hợp đồng vi phạm điều cấm của luật thì hợp đồng bị vô hiệu, đồng thời kéo theo thỏa thuận hòa giải bị vô hiệun theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.
Thứ ba, về vai trò và thẩm quyền của bên thứ ba
Hòa giải viên có vai trò là trung gian, thuyết phục các bên giải quyết tranh chấp, giúp các bên hiểu rõ về quan điểm của bên còn lại và kết quả giải quyết tranh chấp luôn phụ thuộc vào các bên. Đồng nghĩa với việc, hòa giải viên không có thẩm quyền áp đặt hòa giải đối với các bên.
Đối với trọng tài viên, ngoài vai trò trung gian hòa giải, trọng tài thương mại còn có vai trò giải quyết tranh chấp phát sinh và đưa ra phán quyết có tính áp đặt đối với các bên. Phán quyết đặt ra của trọng tài viên dựa trên quy định của pháp luật và các sự việc đã xảy ra làm phát sinh tranh chấp. Các bên không thể biết trước được kết quả giải quyết tranh chấp cho đến khi nhận được phán quyết do hội đồng trọng tài ban hành.
Thứ tư, về quá trình giải quyết
Đối với quá trình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, thường không có quy định bắt buộc chi phối cơ chế hoạt động hòa giải. Hòa giải viên trong quá trình giải quyết sẽ khai thác thông tin chứng cứ dựa trên việc cung cấp từ hai bên.
Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài phải tuân theo quy định của Luật trọng tài thương mại. Ngoài các tư liệu do hai bên tranh chấp cung cấp, trọng tài viên còn có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ và lập luận của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ có thẩm quyền triệu tập người làm chứng nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, về thủ tục giải quyết và cưỡng chế thi hành
Quy trình hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc quy định tại các quy tắc hòa giải ở những trung tâm hòa giải do các bên lựa chọn. Thông thường có nhiều phiên họp giữa hòa giải viên với các bên, được gọi là các phiên hòa giải, các phiên này có thể có sự tham gia của đầy đủ các bên hoặc chỉ là phiên họp kín giữa hòa giải viên với từng bên. Một trong các bên có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Sau khi được công nhận, các bên có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.
Ngược lại, trong quy trình của trọng tài thương mại luôn đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của hai bên tranh chấp. Đối với cưỡng chế thi hành, nếu một bên không thi hành theo phán quyết, bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự cưỡng chế thi hành mà không phải qua thủ tục công nhận tại Tòa án (trừ trường hợp phán quyết trọng tài vụ việc phải đăng ký tại tòa theo quy định).
Thứ sáu, về kết quả và hiệu lực thi hành
Kết quả hòa giải không có giá trị chung thẩm. Nếu hòa giải thành công, chấm dứt thủ tục hòa giải sẽ là văn bản kết quả hòa giải thành mà khi đó, nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án (trước khi muốn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự). Nếu hòa giải không thành công, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, phán quyết trọng tài sẽ có hiệu lực chung thẩm. Nếu một bên không thi hành theo phán quyết, bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành dân sự cưỡng chế thi hành mà không phải qua thủ tục công nhận tại Tòa án (trừ trường hợp phán quyết trọng tài vụ việc phải đăng ký tại tòa theo quy định).
Nhìn chung, hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai phương thức giải quyết tranh chấp tuy có những đặc trưng cơ bản khác nhau, song hòa giải thương mại và trọng tài thương mại đều là phương thức có cùng thẩm quyền phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên. Theo đó, các bên thỏa thuận thể hiện ý chí đồng ý có sự tham gia của bên thứ ba để giải quyết các tranh chấp phát sinh và có thể được lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, việc lựa chọn này phải cân nhắc đến các tiêu chí của người thứ ba theo quy định pháp luật, bao gồm các tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể liên quan đến đặc thù của vụ tranh chấp (như: kinh nghiệm chuyên môn, khả năng ngôn ngữ…). Sự lựa chọn đáp ứng các tiêu chí này sẽ giúp các bên giải quyết vụ tranh chấp một cách tốt nhất.
Trên đây là bài viết tư vấn về “Phân biệt hòa giải thương mại và trọng tài thương mại” của Công ty Luật TNHH Apra. Quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề nêu trên và cần được giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline để được tư vấn và hỗ trợ.
_________________________________
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH APRA
Địa chỉ: Tầng 7, số 57 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Email: [email protected]
Hotline: 024.23486234 – 0948495885