Phân biệt sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu

Nhãn hiệu là gì? Thương hiệu là gì? Chắc hẳn nhiều người vẫn đang hoang mang không biết hai khái niệm này có là một, hay nếu chúng khác nhau thì như thế nào. Vậy thì hôm nay LAVN sẽ so sánh sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu cho các bạn hiểu rõ về chúng qua bài viết dưới đây nhé.

Khái niệm của nhãn hiệu và thương hiệu

Nhãn hiệu là một loại đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, được điều chỉnh và bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ. Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019, thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác. Dấu hiệu dùng trong nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được, theo quy định của pháp luật Việt Nam, những dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi vị không được bảo hộ.

Ngược lại, thương hiệu không phải là một đối tượng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo định nghĩa của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới), thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu 

Sự khác biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu 

Về tính chất của nhãn hiệu, thương hiệu

Đối với nhãn hiệu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019 thì nhãn hiệu là là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Như vậy, nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam phải là những dấu hiệu có thể nhận thấy được bằng thị giác, qua đó không thừa nhận những nhãn hiệu bằng mùi hương, âm thanh như pháp luật Sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Đối với thương hiệu: Khi nói đến thương hiệu, người ta liên tưởng đến những yếu tố tạo nên danh tiếng của sản phẩm đó, bao gồm cả hữu hình lẫn vô hình, như kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, giá cả, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng, cảm nhận của khách hàng.

Như vậy, thương hiệu không chỉ là những dấu hiệu nhìn thấy được mà nó hoàn toàn còn là những yếu tố vô hình

Thời hạn bảo hộ và thời gian tồn tại

Đối với nhãn hiệu: Theo quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019 thì nhãn hiệu có thời gian bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp hồ sơ. Chủ sở hữu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm và có thể bảo hộ mãi mãi nếu chủ sở hữu làm thủ tục yêu cầu gia hạn trong vòng 06 tháng trước Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực.

Đối với thương hiệu: Như đã đề cập ở trên, thương hiệu không phải là một loại tài sản trí tuệ theo luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Do đó, thương hiệu không được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam như là một loại tài sản trí tuệ. Thương hiệu được hình thành dựa vào sự đánh giá của người tiêu dùng và không có một khoảng thời gian tồn tại xác định. Do đó, nên chừng nào sản phẩm còn được người tiêu dùng tin dùng và có cảm nhận tích cực thì sản phẩm đó cũng sẽ vẫn còn thương hiệu.

Tính lâu bền

Đối với nhãn hiệu: Có thể thay đổi hoặc không còn tồn tại do thị hiếu hay ý chí của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật. Cụ thể, theo các quy định tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2019 thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp

  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực

  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận

Đối với thương hiệu: Thương hiệu tồn tại phụ thuộc vào tâm trí và đánh giá của người tiêu dùng, sản phẩm có thương hiệu hay không là do cảm nhận của người tiêu dùng về sản phẩm có tốt hay không. Do đó, chừng nào cảm nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm còn tích cực thì sản phẩm đó vẫn còn thương hiệu. Do vậy, thương hiệu có thể tồn tại mãi mãi ngay cả khi sản phẩm mang nhãn hiệu không còn tồn tại.

Khả năng bị xâm phạm của nhãn hiệu với thương hiệu

Đối với nhãn hiệu: 

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 gồm các hành vi sau đây:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ

Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 quy định về việc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như sau:

  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

  • Yêu cầu, tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo theo quy định của Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

  • Khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cũng tại Khoản 1 Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ quy định tùy theo mức độ, tính chất xâm phạm thì có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Đối với thương hiệu: 

Thương hiệu là một sản phẩm được tạo dựng trong một quá trình lâu dài, để lại dấu ấn trong tiềm thức của người tiêu dùng, là sự tin tưởng, yêu thích đối với thương hiệu đó. Do đó, khó có khả năng thương hiệu bị xâm phạm

5/5 – (1 bình chọn)